BBC Tiếng Việt
Quốc hội Khóa XIV có tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng thấp (ảnh Hoang Dinh Nam AFP)
Chỉ có 4,2% người trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam Khóa XIV là người ngoài Đảng Cộng sản, Chánh văn phòng Quốc hội cho biết.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết có 21 đại biểu ngoài Đảng, chiếm 4,2%, báo Tuổi Trẻ tại Việt Nam đưa tin.
Số ứng viên tự ứng cử lần này là 317 người, và có 2 người trúng cử.
Có 496 người trúng cử, thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu tối đa được bầu, trong đó 95,8% số đại biểu là đảng viên.
Trước thềm kỳ bầu cử Khóa XIV, Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa XIII ra nghị quyết dự kiến số đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 -50 đại biểu, tức chiếm khoảng đến 10% số đại biểu Quốc hội. Con số 4,2% thấp hơn so với tỷ lệ dự kiến 10% này.
Bình luận về tỷ lệ này, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, cựu đại biểu Quốc hội nói với BBC tiếng Việt ông “rất lấy làm tiếc vì tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng lần này ít như thế. Chưa từng bao giờ cái tỷ lệ này thấp như vậy” .
“Tỷ lệ này không đạt được chỉ tiêu mà chính Đảng Cộng sản cũng như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra là ít nhất là 10%”. – ông Thuyết nói.
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết ‘rất lấy làm tiếc’ vì tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng thấp (BBC)
Ông Thuyết cho rằng tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng thấp chưa từng có này “phản ánh một điều, đó là công tác tổ chức bầu cử chưa tốt, chưa giới thiệu được nhiều người ngoài Đảng mà được quần chúng tín nhiệm, hoặc nói cách khác là cũng là chưa hoàn thiện những thiếu xót trong quá trình vậy động bầu cử để người dân hiểu rõ các ủy viên để bỏ phiếu”.
Nguyên do của việc có tỷ lệ này quá thấp, theo ông Thuyết là “Có rất nhiều ứng viên đạt tín nhiệm cử tri ở nơi làm việc, nơi cư trú đến 100% hoặc gần 100% và cũng là người có nhiều đóng góp cho xã hội mà lại bị loại ngay ở vòng hiệp thương rồi, hoặc hiệp thương vòng hai như Nghệ sĩ Nhân dân Kim Tiến, hay ông Trần Đăng Tuấn bị loại ở vòng ba. Mình loại ngay từ đầu vì sợ không phù hợp với cơ cấu thì kết quả nó như thế thôi”.
Khác với ông Thuyết, luật sư Lê Văn Luân, một người tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội nói ông “không bất ngờ” vì con số 4,2% này.
Ông Luân giải thích: “Trước đây, đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa trưởng đoàn đại biểu Đà Nẵng, ông có nói là phải xóa bỏ cơ chế Đảng cử, dân bầu. Bởi vì khi có cơ chế Đảng cử thì Đảng chắc chắn là cử người của Đảng thôi, chỉ có một Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tỷ lệ như vậy thì 90 triệu dân là người ngoài Đảng, trong khi đó 96% đại biểu là người trong Đảng, chỉ còn 4%, một tỷ lệ quá ít ỏi dành cho dân chúng. Vậy thì tiếng nói của người ngoài Đảng là vô cùng thiểu số, gần như không có tác dụng trong Quốc hội”.
Kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV diễn ra tại Việt Nam ngày 22/5 vừa qua (AFP)
Khi được hỏi về lo ngại liệu có ảnh hưởng đến ý chí và nguyện vọng của người dân trong Quốc hội không, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “không ảnh hưởng gì” và Quốc hội vẫn “như từ trước đến nay”.
Ông nói: “Thực sự thì ở Việt Nam có một Đảng thôi. Các ý kiến của chính các đại biểu là đảng viên trong Quốc hội cũng rất đa dạng chứ không phải là họ nhất nhất theo một hướng. Tôi vẫn nghĩ rằng là trong khuôn khổ nhất định thì việc bàn thảo ở Quốc hội, quyết định ở Quốc hội vẫn đảm bảo được nguyện vọng của người dân, tất nhiên là ở mức độ không phải là cao lắm”.
‘Loại bỏ người tài’
Ông Lê Văn Luân lại cho rằng: “Lợi ích của Đảng gắn với vai trò đại biểu Quốc hội vô hình chung là sự ràng buộc về ý chí và lợi ích. Khi đại biểu Quốc hội bị ràng buộc bởi ý chí và lợi ích của Đảng thì không thể nào độc lập ra được. Vì thế có một bài báo nói rõ đề nghị những người đại biểu Quốc hội ở tỉnh khi ra Quốc hội không được nói về tham nhũng”.
“Có nghĩa là việc đó là việc kiêm nhiệm chức danh từ Quốc hội, thứ hai là khoác áo Đảng. Cái áo Đảng đó vô hình chung đã ràng buộc lợi ích con người ta và ý chí người ta”.
“Nếu muốn thay đổi thì phải giảm được tỷ lệ người trong Đảng, ví dụ như 50% người trong Đảng, 50% người ngoài Đảng, thì lúc đó có thể trở thành thế cân bằng nào đó. 50% bầu trực tiếp từ dân chúng và cử tri sẽ lựa chọn được người tài, và không bị ràng buộc bởi lợi ích và ý chí của Đảng, chắc chắn là người ta sẽ độc lập, và lúc đó chất lượng của Quốc hội sẽ tốt hơn nhiều,” ông Lê Văn Luân nói.
Luật sư Lê Văn Luân là người tự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (Le Van Luan)
“Cơ chế lộ ra hạn chế là đã loại bỏ người tài hoặc người đại diện cho số dân còn lại là người không có Đảng, gần như không có cơ hội vào Quốc hội. Đấy là thực tế chứng minh bằng tỷ lệ luôn”.
BBC
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160608_national_assembly_non_party_members