Cô Nancy Nguyễn, một người Việt Nam quốc tịch Mỹ, lên tiếng cho dân chủ – nhân quyền trong nước, kêu gọi biểu tình vì môi trường, về thăm Việt Nam trong dịp trước bầu cử Quốc hội VN và trước dịp Tổng thống Obama sang thăm VN và đã bị an ninh VN mời đi đâu đó – đi chơi, đi thăm thú, đi tham quan… không ai biết rõ – trong vòng 6 ngày. Sau đó cô lại được… mời ra khỏi khỏi thiên đường XHCNVN. Có vẻ như những lần mời mọc này đã khiến cô có rất nhiều cảm xúc, đã thật sự thấm thía cái mùi vị “thiên đường” mà lâu nay trên các diễn đàn ở hải ngoại dẫu nói mạnh, nói hăng nhưng cô cũng chỉ mới nói khơi khơi về nó. Tuy nhiên, cô cũng đã kịp tỉnh táo. Dưới đây là hai bài chia sẻ của cô, với phóng viên Gia Minh của RFA và những lời tự tình trên Facebook. Xin bạn đọc hãy đọc cô Nancy Nguyễn và tự mình ngẫm nghĩ xem sự trải nghiệm của cô khác hay không khác, và khác hay không khác thế nào, với những trải nghiệm của Tổng thống Obama. Bauxite Việt Nam |
1. Nancy Nguyễn trả lời RFA về việc bị an ninh VN bắt giữ 6 ngày
Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
Nancy Nguyễn kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam với phóng viên Gia Minh Đài Á Châu Tự Do. RFA PHOTO
Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền trong nước, vừa qua về Việt Nam bị an ninh bắt đi mất tích 6 ngày.
Khi ra khỏi Việt Nam, cô dành cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do cuộc nói chuyện kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam. Trước hết cô cho biết:
Nancy Nguyễn: Sự việc cũng chóng vánh lắm. Tôi nghĩ những người về Việt Nam và những người đứng ra kêu gọi biểu tình không bao giờ nghĩ mình có thể thoát khỏi sự truy lùng của an ninh Việt Nam đâu. Cho nên ai nghĩ mình không bị bắt, mình có thể trốn thì tôi nghĩ đó sẽ là chuyện sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên thời điểm tôi về có chút nhạy cảm vì chỉ ngày hôm trước, hôm sau thì đến ngày bầu cử, và tổng thống Mỹ đến thăm.
Vắn tắt sự việc thì ngày 19 tôi còn ở trong khách sạn; họ lên đập cửa phòng và kiểm tra hành chính. Lúc đó khoảng 11 giờ khuya. Khi kiểm tra hành chính thì họ câu lưu luôn, theo lời của họ là ‘câu lưu kiểm tra hành chính’ để làm rõ vấn đề ‘sử dụng giấy tờ giả’ mặc dù tất nhiên chuyện đó không có. Chứ nếu dùng giấy tờ giả thì tôi không được ngồi nói chuyện ở đây đâu, vẫn còn bị giữ trong đó.
Tất nhiên họ không có bằng chứng hay cơ sở nào để giữ người hết nên họ phải thả.
Gia Minh: Đó là cái cớ để giữ người nhưng khi làm việc họ có làm việc gì về vấn đề giấy tờ giả hay không, và cô Nancy phản bác về cáo buộc đó thế nào?
Trong khoảng hai ngày đầu khi bị câu lưu thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Tôi cự tuyệt trả lời – Nancy Nguyễn
Nancy Nguyễn: Khi họ đưa tôi về đồn gọi là câu lưu hành chính thì họ câu lưu từ 11 giờ khuya và họ thẩm vấn mãi cho đến 5 giờ chiều ngày hôm sau. Trong thời gian thẩm vấn như vậy phần lớn họ chỉ xoay quanh hoạt động của mình mà họ cho là chống đối chính quyền. Còn vấn đề sử dụng giấy tờ giả thì hầu như họ không nhắc tới.
Họ nói tôi làm những việc mà có cáo buộc liên quan đến hoạt động dân sự, về dân chủ.
Gia Minh: Khi họ cáo buộc như vậy thì cô có phản bác những điều đó ra sao?
Nancy Nguyễn: Trong khoảng hai ngày đầu khi bị câu lưu thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Tôi cự tuyệt trả lời. Họ hỏi tên, ở đâu, làm gì thì tôi nói cần gặp luật sư của mình chứ tôi không có nhu cầu trả lời những câu hỏi này.
Khi họ thấy không thể nào sử dụng biện pháp dân sự để yêu cầu mình khai được thì họ nhốt tôi vào trong một phòng khách sạn, có an ninh ngày đêm canh thẳng trong phòng. Rồi qua một đêm đến chiều hôm sau nữa họ kéo tôi trở lại về đồn và đọc lệnh bắt khẩn cấp luôn. Từ khách sạn họ đưa về đồn công an phường 10, quận 5.
Sau khi họ bắt khẩn cấp, lúc đó mình đã là bị can rồi nên họ đưa lên xe chuyên dụng chở về Trại tạm giam B34.
Gia Minh: Và trong trại tạm giam thì họ làm việc thế nào, giam ra làm sao?
Nancy Nguyễn: Khi bắt về Trại tạm giam cũng làm những thủ tục nhập trại như lăn tay, làm căn cước, lấy lời khai… Ở trong đó với tư cách là bị can rồi thành ra… Cũng tức cười lắm khi nhập trại họ nói với tư cách người bị tạm giữ, cô có những quyền như thế này: tự biện hộ, nhờ người biện hộ hoặc có luật sư. Nhưng tôi yêu cầu cần có người biện hộ thì họ nói không có. Ở Trại tạm giam họ giữ tôi từ 6 giờ chiều cho tới khuya và nhập vào ‘jail’ tức nơi ‘tạm giữ’.
Tất cả những câu hỏi liên tục của họ cho đến lúc đó thì tôi nói theo như những điều mà các anh vừa mới nói với tôi thì tôi có quyền có luật sư và người biện hộ nên tôi yêu cầu có luật sư và người biện hộ. Họ nói nếu như vậy thì làm đơn, và tôi cũng làm đơn nhưng họ cũng coi như tờ giấy lộn thôi.
Gia Minh: Khi ra khỏi Việt Nam họ có nói gì để có chuyện đó?
Nancy Nguyễn: An ninh họ làm công việc của họ và họ có một gửi gắm là nếu thấy không bị đánh đập, không bị nhục hình, không làm gì tôi thì cũng nên lên tiếng để ‘giải oan’ cho người ta vì tại sao vẫn có dư luận về đánh đập.
Tôi không biết lý do họ không đánh tôi vì tôi là người nước ngoài hay họ không có đánh đập. Họ có hỏi bởi vì cô là người nước ngoài nên chúng tôi không đánh hay là ai tôi cũng không đánh; tại sao cô không hỏi? Tôi nghĩ nếu có hỏi đi chăng nữa thì câu trả lời cũng quá rõ ràng rồi. Trước đó mình đã có nhiều bằng chứng rồi.
Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền trong nước, vừa bị an ninh Việt Nam bắt mất tích 6 ngày. RFA PHOTO
Những người làm việc trực tiếp với tôi họ không xâm phạm về mặt thể chất; nhưng tôi nghĩ có những đe dọa về tinh thần. Chẳng hạn như khi tôi nhất quyết không chịu hợp tác, họ không nói sẽ đánh nhưng họ nói bây giờ còn ngồi ở đó vì hành chính chứ mai mốt đưa vào ‘trong kia’ rồi thì nói thật không chịu nổi ba ngày đâu. Họ không đánh mình nhưng nói ‘cứng cỡ nào’ cũng không chịu nổi ba ngày.
Rồi khi đưa vào trại tạm giam thì họ nói cô đừng bao giờ nghĩ có sự can thiệp từ bên ngoài. Tôi biết mình là người nước ngoài và không có làm gì phạm pháp thì không có căn cứ, không có cơ sở để giữ tôi. Họ nói đừng có hy vọng có sự can thiệp nào từ lãnh sự hay bất cứ đâu; chuyện đó không bao giờ xảy ra. Một khi đã vào đây rồi thì chúng tôi có trách nhiệm điều tra cho đến khi nào thấy cần. Cô có thể ở đây 3 ngày, 3 tháng, 3 năm hoặc 30 năm tùy vào thái độ của cô chứ không có bên ngoài nào có thể giúp được hết. Đó là những điều mà tôi nghĩ là một trong những đe dọa về tinh thần.
Họ không xâm phạm thể chất, không đánh đập, không đe dọa nhưng đối với một số người khi bị bắt cóc, mất tích và giam giữ như vậy và trong một thời gian dài (từ ngày 19 đến 25 tháng 5) đó không được quyền gặp gỡ bất cứ ai. Đối với một vài tiêu chuẩn thì đó cũng coi là tra tấn.
Gia Minh: Số người làm việc trong thời gian đó thế nào?
Nancy Nguyễn: Họ thay nhau khoảng chừng 30-40 người canh; nhưng trực tiếp thẩm vấn khoảng chừng 10 người, trong đó có 4 người chính chịu trách nhiệm hồ sơ của tôi. Tất cả đều là nam.
Gia Minh: Lúc này nếu dùng một vài tính từ để nói lại thời gian đó, thì cô dùng những từ nào?
Nancy Nguyễn: Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì tôi không thể biết ở trong đó cảm thấy đến mức như thế nào; vì mình biết trước họ không thể có khả năng giữ mình. Những việc mình làm dù không hề có hành vi phạm pháp; nhưng mà theo họ không cần làm gì để lật đổ chính quyền mà chỉ có dấu hiệu có sự phản kháng là phạm pháp rồi theo qui định của pháp luật. Tức là không cần cấu thành hành vi, chỉ cần cấu thành hình thức. Xét về mặt pháp luật Việt Nam, họ có quyền khởi tố tôi rồi. Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì với thái độ không hợp tác tôi sẽ phải bị truy tố.
Ở trong đó tôi nghĩ, mình là một người nước ngoài, hiểu chuyện đó thành ra phần nào yên tâm. Khi mà mình một phần nào có thể yên tâm mà họ còn có thể đe dọa đến mức như vậy thì thử hỏi những người trong nước họ lấy gì để bám víu vào, lấy gì để nuôi hy vọng!
Cảm giác của tôi không nghĩ nhiều về bản thân mình vì không có vấn đề gì; nhưng tôi nghĩ nhiều đến những anh chị em đã bị bắt trước và những anh chị em có thể sẽ bị bắt sau tôi. Cảm giác của họ như thế nào khi mà họ không có một ‘cái phao’, không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ họ một cách hữu hiệu trước pháp luật!
Gia Minh: Được biết trước đây cô cũng từng đến những nơi như Hong Kong lúc tuổi trẻ, sinh viên đấu tranh và trước ngày 19 bị bắt cô cũng có gặp một số nhà hoạt động tại Việt Nam; như cô vừa chia sẻ bản thân có cái thế mà họ không thể làm quá mức, đồng thời rất ‘chia sẻ’ với những người dám công khai đấu tranh ở trong nước, cô có nhận định gì?
Họ nói đừng có hy vọng có sự can thiệp nào từ lãnh sự hay bất cứ đâu; chuyện đó không bao giờ xảy ra. Một khi đã vào đây rồi thì chúng tôi có trách nhiệm điều tra cho đến khi nào thấy cần – Nancy Nguyễn
Nancy Nguyễn: Ở Hong Kong ít nhất họ có luật biểu tình, đó là hợp pháp và họ được pháp luật bảo vệ. Nếu chính phủ Hong Kong có những đàn áp, bắt bớ họ thì chính phủ sai, chứ còn người Hong Kong không sai.
Còn những bạn trẻ ở Việt Nam mà hoạt động không nhất thiết phải biểu tình, không nhất thiết phải xuống đường mà mới chỉ thể hiện ý chí phản kháng thôi thì đã là phạm pháp rồi như tôi vừa nói vấn đề ‘cấu thành hình thức’ chứ không phải ‘cấu thành hành vi’.
Tôi thấy giữa những bạn trẻ Hong Kong và những bạn trẻ Việt Nam thì những bạn trẻ Việt Nam ở vào tư thế rất nguy hiểm. Tôi rất phục tinh thần của họ.
Gia Minh: Dù vẫn còn quá sớm và còn những ‘ấn tượng’ khi ở Việt Nam, nhưng qua trải nghiệm vừa rồi có xuất phát những ý tưởng gì cho thời gian tới?
Nancy Nguyễn: Đó cũng là một phần lý do mà tôi muốn thử, gặp gỡ với các anh em an ninh. Ở Việt Nam để xác minh lại một số nghi vấn trước đây của tôi và hy vọng sẽ có được những cái nhìn thống nhất hơn trong tương lai. Hy vọng trong tương lai những gì tôi đã trải qua và các anh chị đã trải qua thì có thể đúc kết lại thành một kinh nghiệm nào đó cho những người đi sau.
Gia Minh: Cô Nancy còn có những chia sẻ gì nữa không?
Nancy Nguyễn: B34, Trại tạm giam và cũng có thể bị khởi tố – tôi là người nước ngoài nên không bị tra tấn, bị nhục hình; không biết các bạn có bị hay không, tôi không biết; nhưng đó là nơi mà tôi không muốn bất cứ ai tới trừ phi các bạn có nhu cầu đến đó tìm hiểu một vấn đề gì đó. Vì B34, Trại tạm giam là những nơi mà mình có thể có được rất nhiều thông tin mà mình làm sáng tỏ được nếu như mình hiểu mình đi đâu, mình làm gì. Tuy nhiên nếu như các bạn không có chủ đích đến đó để tìm hiểu một vấn đề nào đó thì tốt nhất là nên tránh. Vì đó là những nơi mà tôi không muốn bất cứ ai trong chúng ta bị đem tới.
Gia Minh: Thay mặt quí thính giả của Đài Á Châu Tự do cám ơn cô Nancy và chúc cô đạt được những điều mong muốn đạt đến.
G.M.
2. Nancy Nguyễn chia sẻ
Phần 1: Hành trình cho những ngày sau
Đừng bao giờ ảo tưởng rằng bạn “có mánh” để an ninh không lần ra được. Điều đó chỉ khiến bạn thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi sự việc xảy ra. Khả năng bạn “thoát” an ninh VN tương đương khả năng bạn trúng số, tốt nhất, không nên quá hy vọng vào điều đó. Chỉ có hai lý do cho việc bạn vẫn còn đang tự do: một là bạn chưa làm gì, hoặc quen biết đủ ai, để đáng bắt, hai là, an ninh muốn dùng bạn làm mồi câu.
Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, tôi đã biết mình không thuộc thành phần thứ nhất. Mỗi một ngày tôi được tự do, sẽ là một ngày tôi có thể vô tình đẩy bạn bè tôi đến hiểm nguy. Tôi biết mình không có nhiều thời gian, và cũng không muốn có nhiều thời gian, tôi không thể tự biến mình thành một thứ mồi câu.
Chỉ khi xác định rằng việc bị bắt là lẽ đương nhiên không thể tránh khỏi, bạn mới có thể đối diện với nó một cách điềm tĩnh và khôn ngoan nhất. Tiếng Anh có câu “what you can’t avoid, make the best of it” – Những gì không thể tránh khỏi, hãy lợi dụng nó.
Tôi không thể tránh được chuyện mình bị bắt, nhưng hy vọng có thể khéo léo lựa chọn một thời điểm bị bắt. Tôi cho phép mình 24 giờ đồng hồ để hoàn tất một số dự định, và hy vọng có thể bị bắt trong vòng 48 giờ đồng hồ. Và chỉ riêng việc bạn chủ động tiết lộ một cách có chọn lọc nơi ở của bạn, thì việc bắt khẩn cấp cũng giúp bạn xác định ai là an ninh trong vỏ bọc dân chủ. Càng tự do lâu càng khó xác định “ăn ten”. Bài toán đặt ra là: Làm sao để bị bắt trong vòng 48 giờ đồng hồ?
Phần 2: Tạm giữ hành chính
Không ai có thể đoán được mình sẽ bị giam giữ bao nhiêu lâu, ngay cả bên an ninh cũng vậy. Tuy nhiên, nếu bằng cách nào đó khiến họ chú ý đến một sự việc nào đó, thì ít ra, bạn cũng có thể có một hy vọng mong manh rằng đó sẽ là hướng điều tra rồi từ đó tuỳ cơ ứng biến. Điều duy nhất tôi nghĩ được là vấn đề biểu tình. Và thật may, mọi sự diễn ra như mong đợi.
Khoảng 11h khuya, sau khi gởi đi những dặn dò cuối cùng, an ninh đã đập cửa phòng, tôi thoát ra khỏi Facebook, email, và những tài khoản khác rồi ra mở cửa. Tiếp tôi trong vai trò … kiểm tra tạm trú, tạm vắng là 3 an ninh mặc sắc phục và khoảng 6, 7 an ninh mặc thường phục. Họ ép tôi lên xe, mang theo toàn bộ hành lý (chỉ có duy nhất 1 chiếc ba lô và ít trái cây bạn mua cho) họ “câu lưu hành chánh” tôi về đồn công an phường 10 quận 3. Lý do tạm giữ là do tôi không tự mình thuê khách sạn (phòng tôi ở do 1 người bạn đặt sẵn cho tôi). Và cũng xin nói luôn, trong suốt thời gian tôi ở VN, dù được tặng đến 2 sim và 1 điện thoại, tôi hoàn toàn không sử dụng đến.
Họ thẩm vấn tôi từ khoảng 11h tối đến 5-6h chiều ngày hôm sau, và chắc là tôi không cần phải nói, ai trong chúng ta cũng biết nội dung cuộc thẩm vấn chẳng mấy liên quan đến lý do tôi bị “câu lưu”. Từ công an phường đến an ninh bộ, nội dung thẩm vấn xoay quan nỗi ám ảnh của chế độ hiện nay: Mạng xã hội Facebook.
Tôi cự tuyệt trả lời, ngay cả đến những câu hỏi liên quan đến nhân thân lai lịch. Họ sau đó giam lỏng tôi tại khách sạn Kim Lợi, hẻm 606 đường 3/2 thì phải. Có công an phường, và an ninh bộ canh giữ ngày đêm. Tôi yêu cầu được liên lạc với gia đình vì chưa phải là bị can bị cáo, chưa có lệnh bắt giữ, tôi vẫn còn là một công dân với đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Tất nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng.
5h chiều ngày 21, an ninh bộ yêu cầu tôi thu dọn hành lý, tất nhiên tôi cự tuyệt, yêu cầu được liên lạc với người thân. Đây là lần đầu tiên từ lúc lên 5 tuổi đến giờ, tôi lại được … ẵm bồng, từ khách sạn ra xe, khoảnh khắc và hoàn cảnh … đáng nhớ trong cuộc đời.
Họ đưa tôi trở về đồn công an phường 10 quận 3, và ở đây, Dương Hồng Minh đã tuyên đọc lệnh bắt khẩn cấp theo điều 266 BLHS.
Phần 3: Từ những chấn song
Có những điều thật giản dị bình thường khi ta được ở trong môi trường và hoàn cảnh tự nhiên, nhưng khi bị đẩy vào 1 căn phòng với cửa sổ bít 2 lớp sắt, một lớp song, một lớp lưới, và cánh cửa buồng giam cũng là một khối sắt nặng nề với 1 lỗ nhìn cỡ 1 phong thư (cũng thường xuyên khoá) tôi có cơ hội hiểu hơn những người đã nhập trại trước tôi, và sẽ nhập trại sau tôi. Nếu ở bên ngoài, một bản án được tính bằng năm, bằng tháng, bằng ngày, thì ở trong trại, nó được tính bằng những … tiếng rao. Không có lịch, không đồng hồ, tôi đếm thời gian theo nhịp thở của cuộc sống trôi qua ngoài khung cửa. Có những thứ trước đây khó có thể khiến bạn lưu tâm, bỗng đột ngột hoá thân thành nỗi khát thèm. Tôi từng nhiều lần thấy bạn tù của tôi đứng trông ra cửa sổ, nước mắt đầy vơi theo mỗi một “Bánh mì đây, bánh mì nóng giòn đây”.
Từ đồn công an phường 10 quận 3, tôi được chở thẳng đến trại tạm giam B34 và được đưa vào phòng lấy cung số 2, ngồi vào chiếc ghế mà nhiều người trước tôi đã ngồi, và nhiều người sau tôi sẽ ngồi. Họ tiến hành lấy cung ngay lập tức, đôi khi dừng lại để tiến hành các thủ tục nhập trại. Toàn bộ đồ đạc của tôi đều được niêm phong, tất nhiên, kể cả iPad và điện thoại. Họ hứa hẹn sẽ trả lại tất cả khi tôi rời khỏi đây, hoặc là để đến trại giam, hoặc là được phóng thích (tất nhiên họ luôn nói là hoàn toàn tuỳ thuộc vào thái độ hợp tác của tôi).
Khi hoàn tất buổi hỏi cung đầu tiên, trời cũng đã khuya lắc lơ, 2 cán bộ quản trại đưa tôi lên phòng giam ở tầng 2, chị giam chung với tôi, án kinh tế – chị nói – đang say ngủ, vẫn vui vẻ giúp tôi trong đêm đầu bỡ ngỡ. Người ta bảo ĐỪNG BAO GIỜ TIN người giam cùng phòng, nhưng với tôi, chuyện đó không mấy cần thiết, vì những ngày sau đó tôi hầu như không có thời gian gặp chị, vì phải đi lấy cung đều đặn 8h sáng đến 11h trưa, ăn uống, nghỉ ngơi, rồi 1h30 chiều đến 5h chiều, lại ăn uống nghỉ ngơi, rồi 7h tối đến 9h khuya. Hầu như đều đặn mỗi ngày. Cán bộ quản trại cũng vì thế mà trở thành chiếc đồng hồ di động của tôi, và thời gian trong một ngày được tính bằng đơn vị “Thay quần áo! Đi làm việc!”.
Phần 4: Phận mình ngẫm người
Năm đêm ngày ở B34, tôi không bị tra tấn về thể xác, nhưng đe dọa tâm lý thì hầu như mọi cơ hội. Tôi không nhớ mình đã nghe đi nghe lại bao nhiêu lần “sau 4 ngày tạm giữ, chúng tôi có nhiệm vụ thông báo cho cơ quan đại diện của em, là lãnh sự quán Mỹ, NHƯNG HỌ CÓ THÈM GẶP EM KHÔNG LÀ VIỆC CỦA HỌ” hay “CHẢ CÓ LÃNH SỰ NÀO CÓ THỂ CỨU ĐƯỢC EM, ai vi phạm pháp luật Việt Nam đều bị xử theo pháp luật. Như Nguyễn Quốc Quân của Việt Tân, có cả một cái Đảng đứng ra vận động chống lưng, mà chúng tôi nhốt thì vẫn nhốt!”. Hay “Em suy nghĩ lại đi, tuổi em còn trẻ, ở đây mười mấy năm, hai mươi mấy năm, khi ra khỏi tù, em còn lại cái gì?”. “Đối với chúng tôi, những người như em chỉ là nước chảy qua cầu, tôi hôm nay không làm việc với em, thì tôi cũng làm việc với người khác, có em hay không có em thì với cái đất nước này, với cái chế độ này, cũng không là một gợn sóng, nhưng với gia đình em, với người thân em thì khác, em cứ ngoan cố sẽ thiệt vào thân chứ chả thay đổi được gì! Em nghĩ em có thể thay đổi cái chế độ này? Cái đất nước này? Em quá tự tin và ảo tưởng rồi đó!”. “Em ngoan cố làm gì? Tại sao chúng tôi lần ra được em? Là bởi vì người ta phải tự cứu lấy mình! Ai cũng phải tự cứu lấy mình thôi!”. “Nếu em thành khẩn, chúng tôi sẽ xem xét, biết đâu có thể thả em ngay ngày mai!”. Đều đều, vô vàn những câu nói xoáy sâu vào tâm khảm, phải là sắt đá mới không một lần nghĩ “chẳng phải là như thế thật sao?”.
Tôi không một ngày thôi nghĩ đến những anh chị đã từng khai ra bạn bè trong những cuộc cung như thế, và chưa bao giờ thấy thương họ nhiều như lúc này. Họ không như tôi, họ cá nằm trên thớt, còn có mẹ già con dại, không một manh áo giáp, chẳng có một chính phủ nào đứng ra bảo vệ cho họ như tôi. Và càng cảm phục hơn những con người giữa tự do và tù tội, thậm chí giữa cái sống và cái chết, vẫn khẳng khái quật cường, vẫn hiên ngang bất khuất. Tôi nhớ anh Thức, người anh lớn của tôi, đã chính thức chọn con đường quyên sinh cho tổ quốc, tôi nhớ các em tôi, những đứa em biết rõ hiểm nguy vẫn không chùn bước, vẫn chẳng nao lòng. Cảm thương và xúc động, đôi khi tôi giả vờ úp mặt vào tường ngủ để che đi những giọt nước mắt lăn dài xuống gối.
Phần 5: Những dị biệt
Người ta hay bảo an ninh Việt Nam “nói láo như vẹm” riêng tôi nhận thấy, ngoài nghiệp vụ điều tra bắt buộc phải lập lờ, thật ảo, những chia sẻ cách nhìn, nhận định, của họ về cuộc sống, về con người, ít nhiều có sự thành thật. Họ đôi khi bị cho là nói láo, vì đôi bên đã bỏ quá xa nhau về nhiều chuẩn mực.
Các anh bắt tôi về việc không đăng ký tạm trú, nhưng khi về đồn thì toàn bộ hồ sơ đã chuẩn bị sẵn của tôi lại xoay quanh “Cẩm Nang Biểu Tình” và những lời kêu gọi xuống đường vì môi trường. Các anh quy kết cho tôi tội không thành thực, nhưng xin khách quan mà xem lại, các anh có thành thực không? Các anh khinh tôi “dám làm sao không dám nhận?”, vậy sao các anh dám bắt mà không dám nói thẳng lý do? Lại phải vòng vo để làm thêm trò cười cho thiên hạ?
Các anh bắt khẩn cấp tôi theo điều 266 BLHS là sửa đổi văn kiện nhà nước, sử dụng văn kiện giả để thực hiện hành vi trái pháp luật. Nhưng khi điều tra, các anh lại xoáy vào cáo buộc tôi là thành viên Việt Tân có nhiệm vụ trở về nước, và vô vàn những thứ khác không mấy liên quan đến điều 266.
Khi được hỏi vì sao bắt một đường lại điều tra một nẻo, các anh trả lời rất tự nhiên: pháp luật cho phép “trong quá trình điều tra, nếu phát hiện ra tội danh mới thì có thể điều tra bổ sung thêm tội danh mới”.
Nếu tôi là người bình thường, có lẽ đã kết luận ngay các anh tuy miệng luôn nói “chúng tôi là người chấp hành pháp luật, và cứ theo luật mà làm” nhưng lại “ta là luật, luật là ta!”. Nhưng công bằng và khách quan mà nói, bất cứ ai đã từng đọc qua “Hoả Lò” của Nguyễn Chí Thiện kể về sự bắt bớ và tù đày của những năm 70, đều sẽ phải công nhận rằng, chỉ trong một thời gian ngắn, các thủ tục bắt người, điều tra, giam giữ đã có những tiến bộ đáng kinh ngạc, nền tư pháp đã tiến một bước xa. Nên khi nói “chúng tôi làm theo pháp luật” với chút tự hào, tôi không cho là các anh nói láo. Nhưng nền tư pháp các anh vẫn còn bị thế giới bỏ lại quá xa phía sau, và sự khiếm khuyết này khiến các anh nhận định lầm lạc giữa “phi pháp” và “hợp pháp” và có lối hành xử theo các anh là bình thường, nhưng theo các chuẩn mực chung là vô cùng bất thường.
Đơn cử, thế kỷ 21 rồi mà các anh vẫn một mực khẳng định chưa có luật biểu tình thì dù Hiến pháp đã công nhận, biểu tình vẫn là phạm pháp. Khi tôi nói “pháp luật VN là luật từ dưới lên, tức áp dụng công văn hướng dẫn trước, nếu không có thì áp dụng nghị định, nếu không có nghị định thì áp dụng các điều khoản pháp luật, và trong trường hợp biểu tình, chưa có quy định của pháp luật thì phải căn cứ theo hiến pháp” (dù chính cái trình tự này cũng vô cùng ngược đời! Cả thế giới theo luật từ trên xuống dưới, chỉ riêng VN là … Chẳng giống ai), thì các anh chống chế: phải căn cứ theo các quy định khác của pháp luật, chúng tôi không bắt ai tội biểu tình, nhưng là tội tụ tập đông người, tội gây rối, tội cản trở giao thông. À, ra là bắt theo các quy định khác, khoan nói đến việc VN đã có nhiều cuộc xuống đường còn tụ tập đông hơn, cản trở nhiều hơn như việc đón sao Hàn hay các đội banh quốc tế, thậm chí quốc tang của Võ Nguyên Giáp, hay đám tang của Nguyễn Bá Thanh, và gần đây nhất là việc hàng ngàn bạn trẻ đổ ra đường mừng … Mỹ thông qua luật hôn nhân đồng tính. Khoan nói về tất cả những điều đó, tôi chỉ hỏi các anh ấy vì sao bắt Huynh Ngoc Chenh? Chú ấy ngồi một mình, không tụ tập đông người, không xả rác, không cản trở giao thông, sao vẫn bắt? Như vậy ai sẽ chịu trách nhiệm bắt những người bắt Huỳnh Ngọc Chênh theo điều 167 BLHS là cản trở người khác thực hiện quyền biểu tình? Câu hỏi của tôi rơi vào im lặng. Có những điều các anh làm nhiều đã thành quán tính, tôi không trách các anh.
Tôi cũng không muốn nói tiếp vì không muốn những ngày cung bị biến thành những cuộc tranh luận đúng sai, thua được, không mấy khi đời cho ta cái duyên hạnh ngộ, nghìn trùng xa cách, hiếm hoi và khó khăn lắm, mà cũng có thể là lần duy nhất trong kiếp sống này, ta đối diện nhau, có lẽ nên dùng nó cho những việc hữu ích hơn.
Phần 6: Điều tra xác minh làm rõ
Có lẽ đây là phần được trông đợi nhiều nhất: Họ muốn biết gì ở tôi và những người như tôi?
Đến sáng ngày 22 tháng 5, tức sau 3 ngày bị bắt, cũng là 3 ngày tôi nhịn ăn để tỏ thái độ bất hợp tác, nhưng cái chính là để lặng lẽ, âm thầm đi bên cạnh anh Thức, dẫu sau cánh cổng B34 chẳng ai hay biết, nhưng chỉ cần trời biết, đất biết, và tôi biết với lòng mình là đủ, anh an ninh tên Vũ cho tôi hay là họ đã thông báo việc tạm giữ tôi cho sứ quán Hoa Kỳ, tôi yên tâm là ít nhất từ giờ về sau, gia đình và bằng hữu không phải lo lắng về sự biến mất của tôi.
Tôi tống đạt nguyện vọng rằng tôi sẽ không ăn cho đến khi tôi có thể tiếp xúc với cơ quan đại điện của tôi. Tuy nhiên, khách quan mà nói, tôi đã không tuyệt thực. Thể trạng nhỏ bé và thường xuyên bị tuột đường huyết khiến tôi phải dùng kẹo hoặc nhãn. Mỗi bữa tôi dùng khoảng 3 viên kẹo ngọt hoặc 4, 5 trái nhãn. Và từ tối 23 trở đi, mỗi bữa tôi dùng khoảng 2 muỗng cơm, vì chị bạn tù của tôi phàn nàn là … bụng tôi kêu lớn quá, chị không thể ngủ được suốt đêm.
Suốt những ngày làm việc còn lại, an ninh xoáy vào hai trọng tâm là cuốn “Cẩm Nang Xuống Đường” và lời kêu gọi “Xuống Đường Kiểu Mới”.
Họ cho tôi hay đây là cuốn cẩm nang chính thức của đảng Việt Tân, do Nguyễn Hoàng Thanh Tâm phổ biến đến các đảng viên và thân hữu, và như vậy, cáo buộc là tôi đã soạn cuốn cẩm nang này cho đảng Việt Tân. Đồng thời, có nguồn tin khả tín là tôi là thành viên vừa được kết nạp, cộng với những lời khen ngợi, đánh giá cao của các đảng viên Việt Tân khác dành cho tôi như thể một thành viên đầy tiềm năng, khiến họ hầu như chắc chắn tôi là thành viên Việt Tân.
Tất cả những ai quen biết tôi đều biết rõ, tôi soạn cuốn cẩm nang này là tự thân, và nhờ các anh chị trên toàn thế giới chung tay trình bày cho mạch lạc. Ban biên soạn chúng tôi trân trọng tặng cuốn cẩm nang này như một món quà làm hành trang cho những bạn có nhu cầu xuống đường, trong đó tất nhiên có cả Việt Tân. Tôi không thể cấm họ sử dụng và phổ biến.
Kinh gởi các anh chị Việt Tân, vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng trong vấn đề tham gia đảng chính trị tại Việt Nam, tôi thiết tha mong các anh chị, dẫu đã nghiêm túc, càng nghiêm túc hơn nữa trong việc cân nhắc đến sự an nguy của người khác, nhất là những người không phải đảng viên Việt Tân. Khi sử dụng tài liệu, hay tham gia một phong trào không phải do Việt Tân chủ xướng, xin hãy nói rõ: Tài liệu này không phải do Việt Tân biên soạn, phong trào này không phải do Việt Tân khởi xướng, những cá nhân, tổ chứng biên soạn, khởi xướng không phải là thành viên Việt Tân. Xin hãy làm điều này vì an nguy của những người dấn thân. Những thông tin còn lại, tôi coi đó là thủ đoạn bịa đặt phủ đầu của an ninh Việt Nam, nhưng nếu có thật thì đó cũng là một điều rất đáng ngại.
An ninh rất quan tâm đến lời kêu gọi “Xuống Đường kiểu Việt”, họ hỏi ai đã tham mưu cho tôi ý tưởng này. Tôi cũng khẳng khái trả lời: Là chính quân đội nhân dân Việt Nam, với lối đánh du kích nổi tiếng thế giới. Các anh là bậc thầy của việc lộng giả thành chân.
Sau nhiều buổi làm việc mà vẫn không khai thác thêm được gì về tôi và các hoạt động của tôi, cũng như liệu có tổ chức nào đứng sau lưng tôi, vì thật ra cũng chẳng còn gì hơn để mà khai thác, họ yêu cầu, nói trắng ra là, tôi khai ra những tổ chức, cá nhân khác, hiểu biết của tôi về họ. Về các tổ chức, tôi được dịp chê bai tất tần tật rằng chỉ ồn ào, không có thực lực, chả làm được gì.
Về cá nhân, tôi nói thẳng với họ: “Các anh bảo em khai ra bạn bè rồi sẽ tha em, thì các anh cứ nhốt em luôn cho tiện, khỏi cần khởi tố cho tốn tiền nhà nước. Em mà khai ra bạn bè thì những ngày tháng còn lại của cuộc đời này, em sẽ sống không bằng con chó! Em không cần cái tự do kiểu ấy”.
An ninh hiểu tôi không nói đùa, và riêng việc này tôi sẽ không nhân nhượng. Sẽ không có bất cứ lời khai nào từ tôi, họ tất nhiên chuyển sang buộc tôi phải mở iPhone và iPad. Qua cung cách của họ, tôi cũng hiểu riêng việc này họ sẽ không nhân nhượng.
Phần 7: Song phương chứ không phải đơn phương
Anh an ninh tên Hùng bất chợt thảng thốt: “Mấy ngày làm việc với em, chúng tôi chẳng thêm được gì mới!”.
Vâng, làm sao có thể có thêm điều gì mới khi mà các anh đọc cho em ghi lại từng câu, từng chữ. Nếu các anh có thời gian coi lại bản cung, có lẽ sẽ thấy nó rất quen, bởi tất cả đều là lời cung của chính các anh được em viết lại trong “biên bản tự khai”. Em ngồi trước mặt các anh, vốn không phải là một tấm bản đồ để các anh nhìn vào đó mà tính đường đi, nước bước, em chỉ là tờ giấy trắng, sở dĩ nó có đường, có lối, là do các anh vẽ nên cho em. Giúp em hiểu cung cách làm việc, lối suy nghĩ, lập luận, cả những khó khăn mà các anh mắc phải, những điều đã rõ, và những thứ còn mơ hồ.
Có lẽ đến giờ, sau 6 phần tường trình, thì chắc các anh đã hiểu, không thể có chuyện em không lường trước được việc một lúc nào đó em phải mở iphone, iPad của mình.
Ngay khi có hiện tượng mất tích của tôi, iPhone, iPad của tôi đã ở vào tình trạng báo mất. Ai đã dùng qua các sản phẩm của Apple đều rõ tính năng này. Ngay khi cơ quan an ninh yêu cầu tôi kết nối vào Internet để đăng nhập Facebook và email thì ngay lập tức, toàn bộ dữ liệu của máy bị xoá sạch, thiết bị quay trở về phiên bản … chưa “đập hộp”. Không những bị xoá trắng, mà chỉ có Apple ID của chính tôi mới có thể mở được thiết bị chứ thiết bị không thể dùng được với bất cứ Apple ID nào khác. Và vào thời điểm đó thì toàn bộ mật khẩu của Apple ID, email, Facebook tôi đều hoàn toàn không biết. Một người ở ngoài đã giúp tôi thay đổi ngẫu nhiên tất cả các thông tin này.
Cơ quan an ninh tỏ ra lúng túng, không biết là thực sự hay chỉ là động thái cân não nhau. Điều đó tôi không quy chụp. Họ trần tình là trước đến giờ chưa từng gặp hiện tượng này, và hỏi đi hỏi lại tôi đây có phải là phương thức và xu hướng đấu tranh mới không.
Nếu được, hãy để cho tất cả các thiết bị của mình luôn luôn trong tình trạng kết nối khi khởi động, như vậy người khác có thể giúp bạn thay đổi thông tin khi bạn không còn khả năng làm điều này.
An ninh yêu cầu thu giữ điện thoại iPhone 6s của tôi [, tôi] cũng nhiệt tình tặng luôn. Sở dĩ tôi nhiệt tình tặng vì cảm thấy khá thú vị khi các anh ấy bảo tôi viết 1 cái đơn, tôi đồng ý ngay, vừa viết vừa ráng không tủm tỉm cười: “ĐƠN XIN TỰ NGUYỆN GIAO NỘP ĐIỆN THOẠI”. Ôi! Những lá đơn chỉ tồn tại chốn thiên đường!
Không còn gì để điều tra làm rõ, thời gian còn lại của những ngày tạm giam chỉ là lúc chúng tôi chia sẻ cho nhau, chân tình và thẳng thắn, suy nghĩ của mình về đất nước, con người, trăn trở ưu tư, và đâu sẽ là một tương lai, một lối đi cho dân tộc.
Nhiều người quan niệm hỏi cung là an ninh hỏi, bạn trả lời, nhưng thật ra, đó là một trao đổi song phương. Họ cố hiểu bạn, và bạn cũng có thể tìm cách hiểu họ. Ở đâu có trao đổi, ở đó có thông tin từ cả 2 chiều. Nếu không thể tránh, thì chi bằng hãy sử dụng những cơ hội đối thoại này một cách có ích nhất.
Tôi không biết mình đã tận dụng cơ duyên này hết mức hay chưa, nhưng ít ra cũng không đến nỗi thụ động, và về cơ bản đã rút ra được một số nhận định cho riêng mình.
Phần 8: Hai bất cập lớn
Vẫn biết Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng chỉ toàn xài luật rừng, song tôi hy vọng đó là giữa cá thế với cá thể, giữa những nhân viên điều tra khi đã tắt máy quay, gấp lại biên bản tự khai, với những người có thể được coi là “kẻ thù của chế độ”. Nhưng sự việc thật sự trầm trọng hơn thế.
Sau 4 ngày tuyệt thực, tôi được tiếp chuyện với người đại diện cao nhất của cơ quan điều tra. Tôi chịu không nhớ nổi tên, chỉ biết cầu vai quân phục thể hiện cấp hàm đại tá (2 vạch, 4 sao vàng), tầm ngoài 50, giọng miền Nam. Vị này hầu như đã hoàn toàn tin rằng tôi là đảng viên Việt Tân.
Bất kể tôi phủ nhận thân phận đảng viên thế nào, điều đó cũng không thực sự quan trọng. Theo pháp luật Việt Nam thì “án tại hồ sơ” chứ không phải “án tại lời cung”. Có nghĩa là, nếu hồ sơ “cấu thành” anh là đảng viên Việt Tân, thì bất luận anh có phải thật sự là đảng viên Việt Tân không, có khai nhận không, điều đó cũng không quan trọng. Và, ngược với thế giới, anh có trách nhiệm phải chứng minh cho cơ quan điều tra là anh vô tội.
Tôi để hai chữ “cấu thành” trong ngoặc kép là vì quyết định “đủ cơ sở” hay “chưa đủ cơ sở” cấu thành là rất … chung chung mơ hồ. Vì vậy, khách quan mà nói, chỉ riêng “Án tại hồ sơ” thì không phải bất cập, nhưng đi đôi với yếu tố chủ quan trong việc định đoạt đã đủ hay chưa đủ cơ sở cấu thành hành vi thì tạo nên một bất cập lớn.
Bốn chữ “án tại hồ sơ” vừa lạnh tanh, vừa ám ảnh. Cái tên Hồ Duy Hải cứ lớn vởn trong đầu tôi như một câu hỏi lớn. “Án tại hồ sơ”, phải chăng chính vì thế mà biết bao nhiêu con người bị đẩy vào vòng oan sai? “Án tại hồ sơ” – biết bao nhiêu người cha người mẹ phải lê lết kêu oan cho con mình.
“Án tại hồ sơ”. Lạnh. Và ám ảnh.
Tuy hành vi của tôi chỉ là kêu gọi biểu tình ôn hoà đòi hỏi chính phủ Việt Nam phải sớm có câu trả lời về vấn đề cá biển chết bất thường ở miền trung, tinh thần đó thể hiện rõ trong cuốn “cẩm nang xuống đường vì môi trường”, tôi vẫn bị quy kết vào tội “đe dọa an ninh quốc gia”. Trong tất cả các tội hình sự, chỉ riêng tội này là anh không cần có hành vi cụ thể, pháp luật vẫn cho phép kết tội anh (!!).
Tội đe dọa an ninh quốc gia là tội duy nhất pháp luật Việt Nam cho phép không cần cấu thành hành vi, chỉ cần cấu thành hình thức là đủ cơ sở luận tội. Tức không cần anh có hành động nào nhằm lật đổ chính quyền, chỉ cần anh thể hiện quan điểm thôi thì pháp luật cũng cho phép luận tội anh với lập luận là nếu hành vi lật đổ của anh mà thành công thì không còn cái chế độ này để luận tội anh nữa. Và như thế, chỉ ở Việt Nam, hệ thống hành pháp có đủ cơ sở pháp lý để nhấn chìm tất cả những tiếng nói phản kháng.
Tôi nhớ khi em Kha, em Uyên, và những người bất đồng chính kiến khác bị truy tố, lãnh sự quán Hoa Kỳ thường có những thông cáo yêu cầu trả tự do ngay lập tức, vì “nhà cầm quyền Việt Nam không thể đánh đồng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hoà với hành vi đe dọa an ninh quốc gia”, lúc đó tôi nghĩ không còn gì có thể rõ ràng hơn như thế. Tuy nhiên pháp luật Việt Nam cho phép đánh đồng! Và quy định về “cấu thành hình thức” như chiếc thòng lọng thắt những người bất đồng vào các điều 258 hay thậm chí 88 một cách hợp pháp.
Tôi từng nói, nền tư pháp và hành pháp Việt Nam tuy đã có nhiều tiến bộ kể từ 1975, vẫn còn bị thế giới bỏ lại quá xa phía sau, đơn cử như việc theo điều 46 BLHS, quy định người bị tạm giữ, tạm giam có quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, hoặc thuê luật sư bào chữa, nhưng suốt thời gian tạm giữ, không những cá nhân tôi đã không hề được bảo đảm, mà cơ quan an ninh còn khẳng định “theo quy định của pháp luật, trước khi khởi tố thì sẽ cho gặp luật sư ít nhất 1 lần (tất nhiên là với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan an ninh), còn có gặp được lần thứ 2 hay không là tuỳ vào thái độ của bị can, bị cáo”. Như vậy, chẳng những hầu như đã cự tuyệt quyền có người đại diện của bị can, bị cáo, mà còn vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư giữa thân chủ và luật sư, một quyền được quốc tế công nhận.
Rõ ràng, những bất cập ở Việt Nam đã vượt ra khỏi giới hạn cá thể, nó là những bất cập ĐÃ THÀNH HỆ THỐNG.
Anh an ninh tên Minh nói vọng ra ngoài cửa sổ phòng cung: “Hái cho cán bộ mấy trái mận!”. Những người tù vui vẻ hăng hái lấy sào, chọc một hồi rồi luồn những trái mận chín cây của trại B34 qua song sắt. Anh chậm rãi nói: “Đấy, em thấy đi tù cũng vui, giá mà anh Thức của em cũng vui vẻ thế này, đường này ông ấy lại đi tuyệt thực, đúng dở hơi!”.
Phần 9: Dây kẽm gai đâm nát bầu trời
Không thể so sánh “những người tù ngoài kia” với các anh Thức, anh Điếu Cày, chị Tần, hay anh Đài. Một bên tù có tội, một bên tù vô tội, một bên tù vì mưu lợi cá nhân, một bên tù vì hy sinh bản thân, một bên tù vì xâm hại, một bên tù vì kiến thiết. Làm sao có thể đòi hỏi những người bị cái chế độ này tặng cho những bản án oan nghiệt để bảo vệ sự tồn vong của chính nó, có thể vui vẻ lãnh án như những người tù khác! Tôi nhớ em Kha tôi từng khẳng khái nói trước toà: TÔI TRƯỚC SAU VẪN LÀ MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC, tôi chỉ chống sự độc tài của đảng cộng sản Việt Nam.
“Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước…”, Kha ơi!
An ninh chỉ tay ra ngoài cửa sổ: “Đấy, em về Việt Nam rồi thì thấy đấy, người ta vẫn sống, sinh hoạt, làm việc bình thường, có phải bị kìm kẹp như em bị tuyên truyền nhồi sọ đâu! Em đừng nghe thông tin tuyên truyền một chiều rồi nghĩ xấu cho nhà nước!”.
Nếu hình tượng hoá, tôi cảm thấy mỗi cá thể như một loại cỏ cây, và xã hội như một cánh rừng. Chỉ có điều, trên không trung [VN] là một tấm lưới kẽm gai khổng lồ có tên gọi “đe dọa an ninh quốc gia”. Bên dưới tấm lưới, những người chấp nhận thân phận cỏ dại vẫn sống. Nhìn ra ngoài cửa sổ, đời sống vẫn tấp nập gọi mời. Tấm lưới vẫn để cho những cây lùm, cây bụi được sống thoải mái. Những người chấp nhận thân phận luồn cúi, sống khom lưng cúi đầu để vươn lên vẫn có cơ hội đứng cao hơn vạn kẻ. Và tấm lưới, trở thành công cụ tốt của các loại dây leo, những người có thể bám vào pháp luật để hưởng ánh mặt trời, che cả bầu trời. Còn những con người có tầm vóc, trí tuệ, muốn được vươn cao vào bầu trời tự do, khoáng đạt, tất nhiên sẽ bị tấm lưới kẽm gai đâm cho rách rưới, đớn đau.
Khi các anh nói hãy nhìn ra ngoài kia, để thấy cuộc đời vẫn thở, tôi chỉ thấy những dây kẽm gai vô hình đâm nát cả bầu trời tự do. Tấm lưới ấy đã khiến một số cây khuất phục, nhưng nhiều những cây khác vẫn mạnh mẽ vươn lên.
Các anh nói “Đất nước này còn nhiều bất cập, chưa hoàn hảo, nhưng nó đang tốt lên từng ngày”. Tôi bảo các anh ấy, không cần phải so sánh với Âu, với Mỹ, hãy nhìn sang người láng giềng Thái Lan, tố chất người Việt hơn hẳn người Thái, mới 50 năm trước ta bỏ xa Thái Lan, 50 năm sau, cái thằng có tố chất thua xa mình lại bỏ mình xa lắc! Các anh vẫn nói đất nước tốt lên từng ngày, nhưng so với sự tiến bộ chung của toàn khu vực, các anh có thấy xấu hổ không? Câu hỏi này, một lần nữa rơi vào im lặng.
Khi bị giam lỏng trong khách sạn Kim Lợi, tôi được biết Sài Gòn sắp có lễ hội trái cây an toàn diễn ra ở một khách sạn hay siêu thị nào đó. Nghe cái tên thôi đã thấy bi hài. Chắc chỉ có ở Việt Nam mới có cái gọi là lễ hội trái cây … AN TOÀN! Có những thứ đã ăn vào tiềm thức, các anh có nhìn đấy, có trông đấy, mà không còn THẤY gì nữa! Tôi không trách các anh.
Anh khẳng định cơ chế là tốt, chỉ là một số cá nhân chưa tốt, có những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng những cá nhân này sẽ từ từ bị loại bỏ. Tôi cho rằng anh hơi quá lạc quan. Nếu chỉ là một số con sâu làm rầu nồi canh, thì đảng của các anh đã không đem tham nhũng vào vấn nạn quốc gia, và xem đó là một trong 4 nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Nói đến đây thì tôi nghĩ, cũng sâu, cũng canh, nhưng có lẽ là một nồi canh nhung nhúc sâu thì đúng hơn. Tôi ít nhiều tin vào nỗ lực, hay nguyện vọng, muốn loại bỏ những con sâu hại dân hại nước của anh, nhưng làm sao anh dám chắc tốc độ bắt sâu của anh nhanh hơn tốc độ sâu giòi nảy nở sinh sôi ra?
Anh nói được những cán bộ tha hoá chỉ là những con sâu, nhưng lại một mực khẳng định những người làm dân chủ tha hoá là phần đông nếu không muốn nói là hầu hết. Anh nói được chúng tôi bị thông tin tuyên truyền một chiều, nhưng lại nghĩ các anh thì không thế! Tôi bảo thật, hãy tỉnh đậy đi! Trước khi không còn có thể tỉnh lại được nữa!
Đưa tôi ra máy bay là hai nhân viên an ninh Hùng và Đại, 2 trong số 4 người chịu trách nhiệm chính trong vụ án của tôi, trong vô thức đã hồ hởi chia sẻ: “chỉ khi đưa người đi tụi anh mới được đi vào cổng quốc tế thế này! Cả cuộc đời anh chưa lần nào xuất ngoại!”. Sau tôi mới biết, nếu đã làm an ninh điều tra thì không được phép xuất ngoại, trừ phi có công tác (thường là công tác do thám), chả trách các anh có tầm nhìn rất hạn hẹp. Vậy thì em sẽ bay đi khắp thế giới và tả lại cho các anh nghe, hy vọng các anh biết ngoài kia, những con người không mang căn cước Việt họ có đời sống thế nào, để biết trào nước mắt cho số phận của người Việt Nam mình.
Phần 10: Hành trình cho những ngày sau
Xin mượn lại tiêu đề của phần đầu để đặt cho phần cuối, như một cái kết mở, vì đây thực sự là một chuyến đi mang tính chất khai phóng đối với bản thân tôi.
Cho em gởi lời cảm kích đến các anh chị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, đã khẳng khái đề nghị nếu có nhu cầu, sẽ sẵn sàng thanh minh cho tin đồn em là thành viên của Tập Hợp. Em cảm thấy không cần thiết, phần vì chính quyền không gán ghép em vào tội ấy, và phần vì, chỉ cần có thiện chí như thế, với em, đã là quá đủ. Em cảm ơn.
Một số người trách tôi sao nỗ lực về vào lúc này, vì đây hoàn toàn không phải là “trận cuối” để mà phải “hy sinh” như thế. Tôi chỉ cười. Sống trên đời, mỗi người có một nguyên tắc. Và nguyên tắc của tôi là trừ phi bất khả kháng, không ngồi chốn an toàn xúi người khác xung phong. Tôi nhớ nhà thơ Chế Lan Viên từng viết về cuộc tổng tiến công 1968:
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
Suốt mười năm lặng lẽ, âm thầm đi bên cạnh những đổi thay, chưa một lần tôi dám lên tiếng kêu gọi mọi người xuống đường. Lương tâm không cho phép tôi làm việc ấy. Nhưng lần này, vì tính chất quá nghiêm trọng của sự việc buộc tôi phải lên tiếng, và ngay khi lên tiếng kêu gọi, tôi đã biết mình phải chuẩn bị hành trang cho một chuyến đi … không tốn nhiều tiền khách sạn. Và tôi đi, cũng chính bởi “đây không phải là “trận cuối” nhưng chính xác là thời điểm của một KHỞI ĐẦU MỚI cho một chặng đường mới. Một hành trình cho những ngày sau.
An ninh đã hỏi tôi: “Vậy thì theo em, tổ chức nào mới thực là kẻ thù của chế độ?”. Tôi trả lời: là chính những sai trái nảy sinh trong nội tại các anh, quất lên đất nước những lằn roi tụt hậu. Ngày nào chính phủ các anh còn chống chế và đổ lỗi cho một đối tượng nào đó, ngày đó các anh còn xác định sai kẻ thù. Sự chậm trễ trong việc kết án kẻ thù đích thực chỉ làm trầm trọng thêm sự việc.
Còn với các bạn, tôi xin mượn lại lời của một bài viết cũ: sẽ không ai trách nếu bạn chỉ mưu cầu một cuộc sống bình yên, ai cũng vậy. Nhưng VN còn lại gì? Cho bạn, cho tôi, cho con cái chúng ta? Đồi trọc, rừng thưa, tài nguyên cạn kiệt, thực phẩm, nguồn nước ngày một công khai nhiễm độc. Nhìn xa hơn, giáo dục tê liệt, y tế tụt hậu, đạo đức chỉ còn là món hàng xa xỉ. Ngoài khơi ngoại bang hằm hè thôn tính, trong đất liền chính phủ nhắm mắt bịt tai trước nhu cầu sống còn của gần một trăm triệu con người. Có ai đó nói đùa “đến cả muốn ăn không khí trừ cơm cũng không còn được nữa!” Đùa mà đau …
Sẽ không ai trách khi bạn chỉ muốn bình yên, nhưng nếu hôm nay an phận, bạn trả lời tôi đi, ta còn lại gì để bình yên sống những ngày sau? Tấm lưới kẽm gai đang mỗi ngày bị chọc thủng. Chọn làm người tự do hay chọn sống cúi đầu là quyền của các bạn, nhưng sự tự do chưa bao giờ là miễn phí. Và nơi nào càng hiếm, thì nơi đó nó càng đắt đỏ.
Tất cả chúng ta, dẫu chọn lựa thế nào đi chăng nữa, đều phải ĐỨNG LÊN VÀ ĐI TIẾP vì cuộc sống không ngừng lại ở ngày hôm nay. ĐƯỜNG TUY DÀI NGÚT NGÀN, CŨNG BẮT ĐẦU BẰNG 1 BƯỚC CHÂN.
Gởi các anh an ninh Hùng, Minh, Đại, Vũ, Thành và anh Chỉnh: Ngày 23, khi còn trong trại, các anh cười cợt vào mặt em rằng “tỉ lệ bầu cử là hơn 98%, cái con số lẻ không đi bầu có lẽ chỉ toàn bạn bè của em!”. Khi ra khỏi trại rồi em mới biết, là chuyện bầu cử còn một vế sau: nhưng là lần đầu tiên trong vòng 41 năm, tuy “bầu rất nhiệt” nhưng lại không đủ số đại biểu cử tri! Phải bầu bổ sung lần 2, lần 3 cho đến khi đủ số! Điều đó có nghĩa là người dân đang từng ngày đứng lên để giành lại quyền làm chủ cái đất nước này, thưa các anh!
Nếu một ngày, ai trong các anh quyết định cởi quân phục để trở về với dân, chắc chắn sẽ có một tấm thảm bay đưa anh đến những mảnh đất, những dải nước, những chân trời mới để từ đó, anh có thể khám phá chính quê hương mình từ một góc nhìn khác, một lăng kính khác. Người ta bảo “trải nghiệm”, tức chỉ có thể “trải” mới có thể “nghiệm” một cách đủ đầy, tròn trịa, như chính chuyến đi này của em.
Trân trọng.
N.N.
Nguồn: https://www.facebook.com/banh.ngot.319/posts/957501654364090