TP Hồ Chí Minh, ngày 31.5.2016
Anh Trần Huỳnh Duy Thức kính mến,
Chúng tôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu thiết tha và chân thành gửi đến Anh, người chúng tôi yêu quý và kính trọng, những lời gan ruột sau khi đã bàn bạc trao đổi với một số anh em trí thức đang bị giày vò bởi nỗi đau đất nước, mong được anh suy xét và quyết định.
Khâm phục và thông cảm với quyết định quả cảm của Anh vì chúng tôi cũng từng là những người tù chính trị trước năm 1975, đã từng bị tra tấn, đánh đập dã man, có người tưởng đã chết nếu không được bạn cõng đi tìm cách chạy chữa với hy vọng mong manh còn nước còn tát. Cho đến nay, một số trong chúng tôi vẫn đang bị hành hạ bởi những di chứng của cuộc sống trong tù buổi ấy. Vì thế chúng tôi càng xúc động trước thái độ kiên cường, bất khuất không nao núng, lùi bước trước bạo lực, cường quyền của Anh. Chúng tôi càng kính phục hơn với việc bác bỏ đề nghị đi Mỹ định cư như cái giá trao đổi để hưởng sự tự do. Chúng tôi càng xúc động với quyết định dũng cảm tuyệt thực cho đến chết từ ngày 24.5.2016, xem đó là “trận cuối cùng” cho mục tiêu cao cả: “đòi hỏi sự thượng tôn pháp luật và yêu cầu trưng cầu dân ý trao cho nhân dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước”.
Chúng tôi hiểu rất rõ quyết tâm và khí phách của Anh trong câu anh nói với cha mình: “Nếu đó là định mệnh, con sẵn sàng chết cho mục tiêu để người dân Việt Nam sớm nhìn thấy một đất nước thượng tôn pháp luật, tôn trọng quyền con người… Thưa Ba, con yêu gia đình lắm, nhưng con yêu Việt Nam hơn”.
Đó chính là khí phách của Trần Bình Trọng, khí phách của dân tộc Việt Nam chúng ta đang lưu chảy trong huyết quản của anh. Hình ảnh của Anh đang khơi dậy mãnh liệt và làm sục sôi thêm truyền thống quật cường của dân tộc cũng đang lưu chảy trong chúng tôi, những người đồng hành với Anh trong sự nghiệp chung của dân tộc vì một Việt Nam tươi sáng để có thể ngẩng cao đầu trước thế giới.
Mà chính vì thế chúng tôi nhờ cụ thân sinh của Anh chuyển đến Anh lá thư này để góp sức cùng Anh khơi dậy truyền thống quật cường của dân tộc để đẩy tới cuộc đấu tranh lâu dài cho mục tiêu cao cả của tất thảy chúng ta, những người Việt Nam đang nặng lòng vì đất nước.
Cuộc đấu tranh lâu dài ấy đang bước vào những bước có ý nghĩa đột phá mà những người như Anh, như tất cả chúng ta, càng cần phải tỉnh táo để lựa chọn cách dấn thân sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Cùng tham gia tuyệt thực tập thể bên ngoài nhà giam từ ngày 24.5.2016 để đồng hành cùng Anh vì mục tiêu cao cả, chúng tôi cùng một suy nghĩ với giáo sư Chu Hảo ở Hà Nội khi trả lời một đài nước ngoài “Cách lựa chọn của Trần Huỳnh Duy Thức là cách xứng đáng với nhân phẩm của Trần Huỳnh Duy Thức, một người có trí tuệ, bản lĩnh”.
Vào lúc này đây, vận mệnh của dân tộc đang đòi hỏi những người có nhân phẩm, bản lĩnh và trí tuệ phải có những quyết định sao cho phù hợp với đòi hỏi của phong trào đang ngày càng lan tỏa và dâng cao trong cuộc đấu tranh mềm dẻo, linh hoạt, ôn hòa để đạt được mục tiêu cao cả đang ló dạng. Một luồng sáng mới đã le lói từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama đòi hỏi tất cả những ai đang day dứt vì vận mệnh của đất nước phải có sự cân nhắc một cách sáng suốt để sao cho những quyết định, những hành động của mình đem lại những đóng góp trực tiếp đồng thời lại có ý nghĩa lâu dài và bền vững hơn.
Chất xúc tác đến từ bên ngoài rất quan trọng vào thời điểm nhạy cảm hiện nay, song sức mạnh bên trong, nội lực của dân tộc vẫn có ý nghĩa quyết định. Trong cuộc đấu tranh còn lâu dài này, đất nước đang cần những người như Anh. Chúng tôi đang cần, rất cần đến nhân cách, bản lĩnh và trí tuệ của anh. Chúng tôi không thể để mất Anh vào lúc này được. Vì, chúng tôi tự xét, anh đang sung sức hơn chúng tôi rất nhiều, nguồn xung lực anh sẽ tiếp thêm cho phong trào lớn hơn những cố gắng bền bỉ nhưng lực bất tòng tâm của chúng tôi.
Đành rằng, quyết định mang tầm vóc một nghĩa cử cao cả vì đất nước của Anh vượt rất xa những gì người ta đang chứng kiến. Nhưng sẽ có ý nghĩa sâu hơn, rộng hơn nếu bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình đã được trải nghiệm và chứng minh suốt 7 năm qua, theo nhận thức của chúng tôi, Anh sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước đau thương của chúng ta nhiều hơn sự ra đi cao cả của Anh vào lúc này. Vì thế, theo suy nghĩ của chúng tôi, sự ra đi của anh vào lúc này sẽ chưa phải là một lựa chọn hợp lý nhất cho cuộc đấu tranh lâu dài vì sự nghiệp cao cả của chúng ta. Với những suy nghĩ chân thành, thận trọng và nghiêm túc, chúng tôi thiết tha mong Anh cân nhắc để có một quyết định tỉnh táo nhất, phù hợp nhất vào lúc này.
Gửi đến Anh niềm kính trọng, sự cảm phục và lòng thương mến của chúng tôi, những người luôn ở bên Anh.
Huỳnh Tấn Mẫm
Lê Công Giàu
Huỳnh Kim Báu
Các tác giả bức thư gửi BVN
Phụ lục
Ông Thức tuyệt thực sang ngày thứ 8
Hai cựu tù chính trị Lê Công Định và Lê Thăng Long cầm ảnh ông Trần Huỳnh Duy Thức
Hôm 31/5, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực đã sang ngày thứ tám tại nhà tù số 6 tỉnh Nghệ An trong lúc thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự do cho ông hiện có gần 18.000 người ký.
Hôm 31/5, trả lời BBC qua điện thoại từ TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức nói: “Ngày mai 1/6, gia đình sẽ đi thăm anh tôi tại nhà tù. Tuy vậy, cả nhà đang lo ngại rằng quản giáo sẽ không cho gặp anh tôi do tù nhân đang tuyệt thực thường bị kỷ luật, cắt suất thăm gặp của thân nhân, dù mỗi lần gặp chỉ được khoảng 60 phút”.
“Nếu được gặp, gia đình sẽ cố gắng nói anh tôi ngưng tuyệt thực để có thể bảo toàn mạng sống, nhưng anh ấy quyết định thế nào thì không thể biết được”.
Ông Tân cũng cho hay ông Trần Văn Huỳnh, cha của ông Thức, ngoài 80 tuổi, sức khỏe rất kém vì buồn lo cho con trai cũng như bị tiền sử một số bệnh. Ông đã nhập viện hai hôm nay và hiện đang được chữa trị trong bệnh viện Nguyễn Trãi.
Đến nay, gia đình đã tuyệt thực đồng hành cùng ông Thức ba đợt, mỗi đợt 24 giờ.
Thỉnh nguyện thư yêu cầu trả tự do cho ông Thức hiện có gần 18.000 người ký.
‘Tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức’
Trên website Change.org, người soạn thỉnh nguyện thư này cho biết “Văn phòng Cao ủy Nhân quyền muốn làm rõ một vài vấn đề để giúp Trần Huỳnh Duy Thức”.
Hôm 30/5, Luật sư Lê Công Định và doanh nhân Lê Thăng Long, hai người từng bị kết án cùng đợt với ông Thức đã đến động viên gia đình.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức lãnh án tù nặng nhất trong nhiều năm nay
“Hàng ngày, luôn có những cá nhân, tổ chức thầm lặng cầu nguyện hay làm mọi cách trong phạm vi của mình để đồng hành cùng Duy Thức và kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho anh”, gia đình ông Thức viết trên mạng xã hội.
Từ hôm 24/5 ông Thức bắt đầu “ tuyệt thực đến chết để đòi sự thượng tôn pháp luật và yêu cầu trưng cầu dân ý trao cho người dân quyền quyết định thể chế chính trị của đất nước”.
Thời điểm đó, ông Lê Công Định cùng Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Linh mục Phan Văn Lợi, đồng Chủ tịch Hội Cựu Tù nhân Lương tâm đã phát động các đợt tuyệt thực đồng hành cùng ông Thức.
Bảy năm trước, ông Thức bị bắt giữ và khởi tố về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Ông Thức, 50 tuổi, bị đưa ra xét xử hồi đầu năm 2010 cùng với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long trong một vụ án chính trị được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.
Ông nhận mức án nặng nhất là 16 năm tù cùng với 5 năm quản chế, trong khi các bị cáo trong cùng vụ án với ông bị tuyên án từ năm đến bảy năm tù.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Tân cũng cho hay: “Gia đình đã nhiều lần nghe về việc chính quyền đề nghị anh Thức đi Mỹ. Từ góc độ gia đình, chúng tôi luôn muốn anh được thoát khỏi chốn lao tù, dù còn ở Việt Nam hay đi nước ngoài. Nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định của anh”.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160531_tranhuynhduythuc_update