Trần Thu Dung
Caen là thủ phủ của vùng Normandie, cách Paris 250 cây số, nằm chính giữa vùng bắc Calvados, giữa đồng bằng trù phú phía Tây nước Pháp. Hàng năm nơi đây có tổ chức triển lãm với đề tài khác nhau vào giữa tháng 9 khi vụ mùa đã thu hoạch, công việc đồng áng tạm nghỉ. Đây là một hình thức quảng cáo du lịch thế giới.
Triển lãm thường kéo dài 10 ngày thu hút khoảng hai trăm nghìn khách. Năm ngoái triển lãm mang chủ đề “Du lịch xe chuyên dụng”. Việc chuẩn bị công phu kế hoạch phải sớm để có nhiều người tham gia. Chủ đề năm nay là “Khám phá chín con rồng ở Mê Kông” được thông báo ngay khi kết thúc triển lãm hồi tháng Chín 2015. Tựa đề này chính là tên dịch nôm na từ sông Cửu Long (Chín Rồng). Người xem sẽ được du lịch ngược dòng từ đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam và qua các vùng châu Thổ, thăm các đền Angkor Vat nổi tiếng và qua Lào, và lên mãi tít tận cao nguyên Himalaya.
Áp phích quảng cáo về triển lãm «Cửu Long Giang» (Chín con rồng của Mékong)
Mỗi một triển lãm là một chuyến du hành về một miền đất mới, với những cuộc phiêu lưu lý thú đó là mục đích của triển lãm ở Caen.
Sông Mê Kong là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Sông Cửu Long đã từng là điểm quan trọng đi khám phá nhằm khai thác thuộc địa từ thời Pháp thuộc. Triển lãm này sẽ làm sống lại những cuộc thám hiểm phiêu lưu của những người Pháp đầu tiên đi chinh phục thuộc địa từng có mặt nơi đây như Auguste Pavie (1847-1925), một nhà ngoại giao và nhiếp ảnh về sông Mékong, đã làm việc sinh sống ở Nam Kỳ, Lào, Campuchia; và Francis Garnier (1839-1873) một sĩ quan hải quân Pháp cũng từng là một trong những thám hiểm sông Mê kông với viên sĩ quan Ernes Doudart de Lagrée, tham vọng đi chinh chiến Bắc Kỳ đã bị giết thảm ở Cầu Giấy.
Cuộc triển lãm chắc chắn hấp dẫn nhiều con cháu từng có ông cha ở Đông Dương. Ngay ở Caen, trong công viên cư xá nhà thương, cũng có một khoảng sân mang tên “Cựu chiến binh Đông Dương” gần đại lộ Quân đoàn 43. Nơi đây dựng một tượng đài kỷ niệm những người hy sinh và mất tích ở Đông Dương 1945-1954. Khắp nước Pháp đâu đâu cũng có thể tìm thấy những con đường và đài tượng niệm chiến tranh Đông Dương. Hơn 200 con đường ở Pháp mang tên liên quan đến Việt Nam* chứng minh Điện Biên Phủ và chiến tranh Đông Dương đã khắc sâu trong lịch sử nước Pháp. Nhưng tượng đài ở Caen có một nét đặc biệt. Hội cựu chiến binh Đông Dương ở Normadie và Caen khá đông đã quyết định đi thăm lại Điện Biên Phủ xin mang đất về đặt trân trọng trong tượng đài.
Tượng đài vô danh về những người hy sinh, và mất tích ở Đông Dương ở Caen, đặc biệt đất mang [về] từ Điện Biên Phủ
Tượng đài kỷ niệm những người hy sinh và mất tích (1945-1954) ở Normandie
Sông Cửu Long cũng đã đi vào tác phẩm văn học Pháp như “Đập chắn Thái Bình Dương”, “Người Tình”… của nhà văn nữ nổi tiếng Marguerite Duras sinh ra ở Sài gòn. Dòng sông này là một nhân chứng lịch sử ghi lại chiến tranh của người Việt chống Pháp và chống Mỹ được sử sách Pháp ghi chép.
Triển lãm sẽ tạo dựng những rừng tràm, rừng đước cùng những làng mạc, chợ nổi ven sông hư ảo như trong phim India Jones hấp dẫn ly kỳ khách. Người xem như khám phá một thế giới xa lạ quyến rũ sống động đã được miêu tả trong sách và phim Pháp. Chiến tranh đã chấm dứt từ hơn nửa thế kỷ, cuộc sống nơi đây đã đổi thay. Các nước đã giành độc lập. Thuộc địa đã mất. Mối quan hệ giữa Pháp và các nước nơi sông Cửu Long chảy qua đã khác. Tuy nhiên những kỷ niệm của đất nước và dòng sông Mê Công vẫn mãi mãi ghi đậm trong lịch sử thuộc địa Pháp. Huyền bí sông Mê Kông luôn là điểm hấp dẫn khách du lịch trên thế giới.
Sông Mê kong huyền thoại thời Pháp thuộc bây giờ cũng đã đổi thay. Những cái đập thượng nguồn bên Trung Quốc đang giết chết những con rồng uốn khúc xuống Việt Nam. Hạn hán đang xảy ra, đất khô cằn. Hai con rồng chảy qua đất Việt đang khắc khoải. Obama mới qua thăm Việt Nam phát biểu “nước Lớn không được uy hiếp nước bé”, nhưng liệu thế giới có cản được Trung Quốc đang hủy hoại môi trường bằng những con đập thay đổi tự nhiên và khí hậu của toàn khu vực ven sông này?
Luật sinh tồn. Cá lớn nuốt cá bé để tồn tại. Vấn đề cá bé phải khôn nhanh nhẹn để tránh cá lớn. Nhưng liệu cá bé có thích nghi với nước đang cạn dần, khô cằn không?
Hạn hán
Hoàng Sa đã bị cá lớn xơi tái, bây giờ 2 con rồng đang khắt khoải.
Hy vọng nhân dịp đợt triển lãm này Việt Nam sẽ đưa ra bằng chứng để kiện những cái đập lớn bên Trung Quốc trước hội đồng thế giới về vấn đề hủy diệt môi trường?
Triển lãm sông Cửu long sắp tới gợi nhớ bài hát ca ngợi tiểu đoàn 307 làm bùi ngùi bao trái tim người Việt yêu nước “Ai đã từng đi qua Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy, ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn 307… đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy… Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy nguyện một lòng gìn giữ non sông…”
Những anh hùng của tiểu đoàn 307 giờ đâu nhỉ?
Chợ nổi (Ảnh quảng cáo triển lãm)
Đền Angkor (Ảnh quảng cáo triển lãm)
T.T.D.
* Trần Thu Dung, Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường của Pháp, NXB Văn hóa Thông tin, 2014
Ảnh dùng trong bài:. http://www.memorialgenweb.org/memorial3/html/fr/resultcommune.php?idsource=59641
Tác giả gửi BVN