Aung San Suu Kyi và bệnh sùng bái cá nhân

Vị thế thần thánh của Suu Kyi đã dẫn đến cái nhìn thiển cận trong đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) và cộng đồng quốc tế.

Logan Connor, The Diplomat, ngày 17/5/2016

Hiếu Tân dịch

clip_image001

Lãnh tụ phe dân chủ Myanmar Aung San Suu Kyi bắt tay người ủng hộ sau khi đọc diễn văn ở Monywa, ngày 30 tháng Mười Một, 2012. Ảnh: REUTERS/Soe Zeya Tun

Đóng góp của Aung San Suu Kyi vào nền dân chủ Myanmar là điều không thể phủ nhận. Bà đã chịu đựng 15 năm quản thúc tại gia dưới chế độ độc tài quân phiệt của nước này. Bà đã giúp thả các tù chính trị. Và bà đã lôi kéo sự chú ý của quốc tế đến một dân tộc vô cùng cần đến nó.

Là con gái của người anh hùng của nền độc lập Myanmar, Tướng Aung San, bà Suu Kyi đã có được một vị thế gần như thần thánh đối với nhiều người. “Tôi nghĩ chúng ta có xu hướng định nghĩa và tạo ra những anh hùng, và bà là một trong số họ”, Tim Johnston, một Giám đốc chương trình châu Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói. Theo Johnston, sự tôn kính đối với bà Suu Kyi không đáng ngạc nhiên. “Bà rõ ràng là một phụ nữ rất kiệt xuất”, Johnston nói. “Bà đã bảo vệ những nguyên tắc trong khi hầu hết những người khác oằn xuống. Bà đã trả một cái giá khổng lồ”.

Tuy nhiên Johnston nói thêm rằng nhận thức của công chúng không trùng với các kế hoạch của bà. “Chúng tôi đã xây những giấc mơ của chúng tôi về bà như một bản sắc – khi bà không nhất thiết chia sẻ những giấc mơ ấy.”

Một số người lên án đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của Suu Kyi là đang đi lạc vào chủ nghĩa độc đoán. Một bài báo gần đây trên tờ Myanmar Times mô tả phong cách cai trị thiển cận của NLD, trong đó có những lệnh cấm truyền thông và việc các đảng viên phải có giấy phép của các cơ quan lãnh đạo đảng mới được đến với các sự kiện của xã hội dân sự. Tờ Myanmar Times nói, những hạn chế này trong nội bộ đảng được gọi là than mani, tức “kỉ luật sắt.”

“Có một văn hóa trong đảng rất không minh bạch và độc đoán,” David Matieson, nhà nghiên cứu kì cựu về Myanmar trong Phân ban châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Nhiều đảng viên bị khoá miệng không được nói,” ông giải thích, “theo tôi, họ đang thật sự cố gắng để giữ kỉ luật đảng ở mức độ phi dân chủ.”

Trong khi còn quá sớm để phán xét về chính phủ mới ở Myanmar, đã có nhiều dấu hiệu khác cho thấy nó đang có một khởi đầu bất ổn. Aung Ko, Bộ trưởng mới được chỉ định nắm Bộ Tôn giáo trong một tuyên bố đã nhắc đến những người theo những tôn giáo thiểu số trong nước như những “thứ dân” [associate citizens]. Nghe nói người được đề nghị làm bộ trưởng mới Bộ Tài chính và Kế hoạch của chính phủ có bằng giả về tài chính mà ông ta mua từ một đại học giả mạo trên mạng.

Bà Suu Kyi cũng đã khẳng định rằng bà “ở trên tổng thống” trong vai trò mới của bà là “cố vấn nhà nước” trong chính phủ Myanmar, khiến cho một số người tự hỏi liệu những hành động này có làm xói mòn chính nền dân chủ mà bà chủ trương hay không.

Những người khác không chắc chắn như thế. “Tất cả các nền dân chủ là một sự dung hoà, đến một mức độ nào đó”, Johnston nói. “Theo cách nào đó bà ấy bỏ xa chính khách vì dân nhất của Myanmar. Bạn có thể chứng minh rằng hiến pháp là không dân chủ, chứ không phải bà ấy”. Johnston nói thêm rằng việc người ta cho Suu Kyi là dân chủ hay không dân chủ phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của người đó về dân chủ, và còn nói rằng “sẽ có một thời kì vỡ mộng khi chúng ta biết rằng bà cũng chỉ là con người”.

Một số người nói việc bà im lặng về vụ khủng hoảng Rohingya[*] đã bộc lộ cái ý tưởng rằng có lẽ bà không hoàn toàn vì nhân dân, mà đúng hơn, bà là một chính khách. Chris Lewa, điều hợp viên của nhóm hoạt động Rohingya của Dự án Arakan nói rằng Suu Kyi phải “chơi cái trò chơi làm cả hai phe đau lòng, mà bà không thể đứng hẳn về phe nào. Nhiều người thấy rằng bà không thể nói thẳng vì bà có thể mất sự ủng hộ của những môn đệ Phật tử của bà”.

Bản thân bà Suu Kyi đã thừa nhận rằng trên hết mọi thứ khác, bà là một chính khách. “Tôi luôn ngạc nhiên khi có người nói như thể tôi chỉ mới trở thành chính khách”. Suu Kyi nói trong một cuộc phỏng vấn của CNN. “Tôi đã là một chính khách từ lâu. Tôi khởi đầu trong chính trị không phải như một người bảo vệ nhân quyền, hay một nhà hoạt động nhân đạo, mà là lãnh tụ của một đảng chính trị. Và nếu đó không phải là chính khách thì tôi không hiểu thế nào mới là chính khách”.

Theo Mark Farmaner, giám đốc Chiến dịch vận động của Anh cho Myanmar, Suu Kyi đã khôn ngoan tận dụng vị thế thần thánh của mình, vận dụng tên tuổi của bà để giúp Myanmar có được sự chú ý trên trường quốc tế. So sánh tương tự với Nam Phi, Farmaner nói, người ta nói Nelson Mandela là người được nhân dân chú ý và đã đưa nhân dân vào hành động. Còn Suu Kyi có vẻ đã mở cánh cửa cho Burma [Myanmar] theo cách mà không ai khác làm được, vào lúc hết sức, hết sức khó khăn và lâu dài để thu hút sự chú ý của nhân dân.”

Tuy nhiên có lẽ cộng đồng quốc tế đã bỏ qua những chiến thuật lãnh đạo đáng ngờ của Suu Kyi. “Tôi nghĩ cho đến lúc này Suu Kyi đã có một chiều hướng khá rõ ràng trong cộng đồng quốc tế”, Mathieson nói. Trong mắt của nhiều người cách xa những sự kiện chính trị ở Myanmar, Suu Kyi vẫn là người đoạt giải Nobel. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gần đây nhắc đến bà trong tạp chí Time như một “ngọn đèn hi vọng”, ông nói rằng ông bị “ấn tượng ngay tức khắc bởi phẩm giá trầm lặng của Daw Aung San Suu Kyi”.

Nhưng ảo ảnh này có thể đang phai nhạt. Có thể dẫn một sự tương tự với Joko Widodo, tổng thống Indonesia. Lúc đầu được hoan nghênh nồng nhiệt như anh hùng dân tộc, “Jokowi” đã làm thất vọng một số người và chịu sự phê phán về việc ông đã không thực hiện được những lời hứa về [chống] tham nhũng và phát triển kinh tế.

Bất kể, một số người nói rằng Suu Kyi và NLD đang tự điều chỉnh để tránh thất bại vì phong cách tập quyền trong cai trị của họ”, Farmaner nói. “Tôi nghĩ về lâu dài sẽ rất khó thực hiện… Mọi việc [các bộ] đang làm sẽ là một quá trình ra quyết định hết sức phức tạp”. “Điều rất dễ xảy ra là tất cả mọi việc sẽ tiếp tục với Aung San Suu Kyi đóng vai lãnh tụ của NLD, nó sẽ là việc chỉ thị từ trên cao nhất xuống, từ văn phòng của bà chỉ thị cho các bộ phải làm gì. Đó chính là một khối lượng công việc không thể nào làm nổi – trong một nền dân chủ bình thường điều đó đã là không thể, chưa nói một nước với tất cả những thử thách như Myanmar đang phải đối diện”.

Chắc chắn khó tách Suu Kyi khỏi NLD. “Khi người dân bầu cho NLD, là họ bầu cho Suu Kyi”, Farmaner nói.

Nhưng ai sẽ cầm lái khi bà ra đi? “Mặc dầu không có ai có được sự ủng hộ rộng rãi và tính cách và thẩm quyền của Aung San Suu Kyi,” Farmaner nói, “vẫn có nhiều người có khả năng và tham vọng muốn tranh thủ cơ hội này”.

L. C.

*Logan Connor là một nhà văn Đông Nam Á có bài đăng trong các tờ báo lớn như Southeast Asia Globe, the Washington Post Magazine và TakePart World.

Dịch giả gửi BVN.


[*] Rohingya là thiểu số Hồi giáo trong nước Myanmar mà đạo Phật chiếm đa số áp đảo. Từ lâu họ bị từ chối hầu hết mọi quyền: quyền công dân, tự do tín ngưỡng, giáo dục, hôn nhân và đi lại. Năm 2012 mười nghìn người Rohingya bị đuổi khỏi nhà, năm ngoái để trốn khỏi bị hành hung và cướp đoạt nhiều người đã chạy trốn trong những cuộc vượt biển vô vọng. Bà Suu Kyi không muốn gọi họ bằng cái tên Rohingya của họ, vì người theo đạo Phật muốn duy trì vĩnh viễn huyền thoại Rohingya là người Bengal, mặc dù họ đúng là người Myanmar. Bà còn yêu cầu sứ quán Mỹ không dùng tên gọi đó. Lý do có lẽ bà sợ gây nên sự thù địch của những người dân tộc chủ nghĩa theo đạo Phật đã biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ tháng Tư năm ngoái vì viên đại sứ đã nhắc đến “cộng đồng Rohingya” trong bức thư chia buồn các nạn nhân Rohingya bị chìm tàu. Bà cũng sợ làm đảo lộn quá trình hoà giải dân tộc, và tệ hơn, nhen lại bạo lực khủng khiếp đã nổ ra năm 2012 giữa những người theo đạo Phật và những người Rohingya theo đạo Hồi ở bang miền Tây Rakhine. (Dịch giả chú thích theo http://www.nytimes.com/2016/05/09/opinion/aung-san-suu-kyis-cowardly-stance-on-the-rohingya.html?_r=0)

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.