8 tiếng cầm giữ và 2 giờ tranh luận

Những chuyện cười chẳng ra hơi, khóc không thành lời

Tôi thật sự cân nhắc rất kĩ trước khi viết ra những dòng này. Nhưng dường như im lặng không phải bản chất của tôi, vả lại, tôi cũng chẳng làm gì sai.

Đầu tiên cần phải nói rõ:

TÔI HOÀN TOÀN KHÔNG LIÊN QUAN, THAM GIA BẤT KÌ ĐẢNG PHÁI, TỔ CHỨC NÀO NHẰM CHỐNG PHÁ NHÀ NƯỚC ngoại trừ Đoàn Thanh niên Cộng Sản HCM mà mọi học sinh Việt Nam phải tham gia nếu muốn tốt nghiệp (nếu tính cái này?!). Cái tên Việt Tân với tôi không khác gì câu chuyện cổ tích bà kể và chỉ đến gần đây mới được nghe lại nhiều lần dưới công sức PR của báo giới.

TÔI KHÔNG VIẾT NHẰM CHIA RẼ, THÙ HẰN DÂN TỘC. Ai đọc thì rõ.

MỌI ĐIỀU TÔI VIẾT ĐỀU LÀ SỰ THẬT DO TÔI – MỘT NGƯỜI VÔ TỘI PHẢI TRẢI QUA MỘT ĐÊM KHỦNG KHIẾP – CHỨNG KIẾN TẬN MẮT.

Tôi đã nỗ lực liên hệ báo chí nhưng nhận được sự từ chối đưa tin (dĩ nhiên không nằm ngoài dự đoán). Đây là cách duy nhất để tôi lên tiếng.

Và tất cả những gì tôi muốn, không gì khác là lời giải đáp cho những trăn trở sẽ hoài ghi dấu trong tôi. Một ký ức ảm đạm…

Phần 1: 8 TIẾNG CẦM GIỮ

Khoảng 18h ngày 15/5, tại công viên 23/9

“Tại sao các anh lại bắt tôi? Các anh cho tôi biết tôi đã phạm tội gì?”

Tôi thất thanh khi bị lôi xềnh xệch đi trước ánh mắt ngỡ ngàng của bạn bè. Mặc cho lời nài gọi của bạn tôi, một người đàn ông to con, đội mũ lưỡi trai quát lớn: “Tụi bây đi ngay. Nếu không tao bắt tụi bây luôn”.

Rất mau chóng tôi được 5 người đàn ông mặc thường phục, người đeo khẩu trang, người đội nón áp tải lên xe buýt như bao con người khác bị lôi đi.

Trước đó khoảng 3 phút, nối tiếp sau cảnh đoàn người biểu tình dừng lại ở khu vực ngã tư Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thị Nghĩa là hình ảnh lực lượng an ninh gồm Cảnh sát cơ động và Lực lượng Áo Xanh Lá được trang bị đầy đủ gậy, áo giáp và nón cối rầm rập đổ xô đến bố ráp vòng ngoài, bao vây chặt xung quanh đoàn biểu tình. Rất nhanh chóng ngay sau đó là cảnh tượng hãi hùng với những tiếng la toáng và lần lượt đám đông trở nên hỗn loạn. Không khí sợ hãi bao trùm tất cả. Nhóm lớn bỗng chốc bị xé tan tác bởi những người đàn ông lạ mặt lao vào tấn công, đuổi bắt người dân. Có anh thanh niên bị nhóm 6 7 tên quật ngã ra cỏ, nhấn đầu xuống đất rồi bẻ tay lôi đi. Và tôi, “tôi tự đi được, để tôi đi” – nói với hai người đàn ông đang cặp nách hai bên nhưng có vẻ họ không buồn nghe.

Khi được đưa lên xe buýt, ngay lập tức là một người đàn ông (cũng mặc thường phục) chờ sẵn, yêu cầu từng người xuất trình điện thoại di động. Tất cả người bị bắt (kể cả tôi) đều yêu cầu lý do tại sao phải xuất trình, lý do bị bắt giải lên xe. Không khác biệt với những thông tin được biết trước đó, bất kể ai kháng cự lại yêu cầu đó sẽ ăn đòn. Thanh niên N. (1996, sinh viên) ngồi trước mặt tôi mạnh mẽ bất tuân và “bốp” – nhận ngay một cú tát vào mặt. “Người đàn ông” kia liên tục quát tháo, chửi bới, hăm doạ người dân trên xe. Không còn cách nào khác, tôi im lặng và đưa điện thoại của mình. Khi hắn mở ra và không thấy bất kì hình ảnh, video nào có liên quan đến đoàn biểu tình (hay đúng hơn là việc bắt bớ người biểu tình bị tình nghi phản động chăng?!), hắn nạt nộ:

– Mày nhanh tay quá ha! Xoá cũng lẹ lắm!

– Tôi không hiểu anh đang nói gì. Anh yêu cầu tôi đưa cho anh xem điện thoại thì tôi đưa. Anh vu khống cho tôi à?

– Mày nói tao vu khống hả? Tụi bây biết tại sao tao phải giữ điện thoại của tụi bây không? Để làm bằng chứng đó!

– Bằng chứng về cái gì anh? Mà bây giờ anh thấy rõ ràng điện thoại tôi không có gì, anh cho tôi xuống chứ?

– Không mày! Ngồi đó! Tắt nguồn cho tao! Về đồn giải quyết!

– Tất cả đóng rèm lại!

Vâng, mọi thứ được diễn ra đằng sau tấm rèm xe buýt.

Khi hắn và vài cảnh sát cơ động bận rộn giải quyết người mới tới, tôi vạch tấm rèm ra và quan sát thế giới bên ngoài cửa kính.

Một thiếu nữ bị hai tên nắm chân, hai tên nắm tay và bịt miệng. Quá nhỏ nhắn để thoát khỏi bàn tay hung bạo của 04 người đàn ông. Tôi thấy cô nỗ lực cựa quậy, la hét trong vô vọng. Một phụ nữ khác gương mặt chân chất của một người dân lao động tay chân bị “quẳng lên xe” và bà la hét đòi thả ra. Thảm nhất là một người đàn ông nói tiếng Hoa.

– Mày nói cái gì tao không hiểu? Mày nói tiếng người cho tao hiểu coi! – Hắn gào lên điên tiết.

– Tại sao các anh bắt tôi! Tôi không làm gì sai! Bớ người ta bắt cóc trái phép! – người đàn ông kia nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ không rõ vùng miền.

– Mày la hả?

Theo sau đó là những âm thanh có dấu hiệu bạo lực nhưng thật sự không thể biết họ làm gì anh vì được vây lại bởi cảnh sát cơ động. Vài người ngồi gần anh la lên: “Không được đánh người”. Tôi chồm lên để xem nhưng vì sợ nên chân dính chặt vào thành ghế.

Sau khi đã “gần đầy xe”, chúng tôi lập tức được đưa đến Trung Tâm Hỗ Trợ Xã Hội.

Trên xe, tôi đánh bạo hỏi “người đàn ông” kia:

– Anh cho tôi hỏi anh tên gì?

– Tao không có tên.

– Anh hiện đang làm ở cơ quan nào?

– Mày hỏi làm cái gì?

– Tôi hỏi anh đang làm ở cơ quan nào tại sao anh lại được phép tự do đi lại trên xe và đánh người, kiểm tra điện thoại người khác? Anh có chung nhóm với cảnh sát cơ động không?

– Tao chả chung nhóm với ai hết.

– …

—————-

Đường về Trung tâm dài và bị nén chặt bởi những nỗi đau và phẫn uất. Tất cả mọi người trên xe ngầm hiểu rằng mình xem như là mất hết quyền làm người. Xe di chuyển, tiếng còi hụ. Ghé mặt qua tấm rèm, tôi thấy dòng người dừng lại có vài người vẫy tay chào, có người khoanh bàn tay và giơ cao ngón cái, tràng pháo tay, và cả nụ cười. Tôi biết rằng, điều tốt đẹp vẫn còn đó, ở ngoài chiếc xe này.

Tầm 20h giờ, xe dừng lại ở Trung Tâm Hỗ Trợ Xã Hội đường Nơ Trang Long. Nhiều người đàn ông khác tiến lên xe, có người mang theo máy quay và bật đèn sáng khá chuyên nghiệp.

– Tại sao các ông lại quay chúng tôi? Quay để làm gì? – một phụ nữ ngồi đầu lên tiếng trong khi đang khai họ tên, địa chỉ và bị máy quay áp sát mặt.

– Quay để làm bằng chứng là tụi bây được đưa đến lành lặn thân thể, chả ai đánh đập gì tụi bây hết. Để thả tụi bây về tụi bây vu khống là đánh đập hành hạ tụi bây – giọng đàn ông lạnh lùng trả lời.

Tôi được đưa xuống ngồi cùng nhóm với những người có hộ khẩu Q5. Ở đây họ chia thành từng quận tách biệt. Có khoảng 60 người bị bắt cả thảy. Và cũng khoảng 70 cánh sát, an ninh với đủ sắc phục chưa tính những người làm công tác khác. Họ bắt đầu tiến hành cho lăn tay, khai báo lí lịch (lần thứ nhất) và cầm bảng số chụp ảnh. Từ đây tôi mang số hiệu 41.

80% người bị giữ là thanh niên trẻ, sinh viên, độ tuổi từ 20 – 30, mặt mũi xán lạn. 10% còn lại là trên 30 và 10% cho số trên 45. Đa phần mọi người đều răm rắp chấp hành, hợp tác với chính quyền. Tôi nghĩ họ có thể đã rút được kinh nghiệm và biết kết cục của việc không hợp tác.

– Cô ơi cô im lặng đi. Đừng cố gắng nữa! Ở đây họ chẳng nghe cô nói đâu! Cô bình tĩnh đi! – Bọn tôi cố thuyết phục phụ nữ bán vé số (theo lời khai của cô) khi cô cứ liên tục gào lên đòi thả cô ra và đối xử công bằng với cô.

– Tui chỉ chạy lại nói là trời ơi sao mấy đứa bây ác quá người ta có làm gì đâu mà đánh người ta. Tui nói vậy có gì sai mà mấy người bắt tui!

Sau vài lần cô kêu lên thì lệnh đưa cô qua khu vực bị rào lại kế bên lập tức thi hành. Cả bọn nghẹt thở nhìn theo bóng dáng cô bị vời đi bởi 04 thiếu nữ mặc áo thun quần thể dục, rời ngoài tầm nhìn của bất cứ ai. Sau vài tiếng la lối của cô vọng từ bên kia thì tắt biệt… và thỉnh thoảng lại kêu lên… và tắt lịm… Đến nay tôi thật sự không biết cô ra sao. Hình ảnh gương mặt cô tuyệt vọng gào thét là thứ tôi không bao giờ quên được.

————

Từng người một được gọi lên lấy lời khai. Trước đó thì tất cả đã bị tịch thu điện thoại. Người tiếp tôi là một đàn ông có bụng khá to, áo sơ mi ngoài quần, phanh cúc và phải thừa nhận là nói chuyện khá điềm tĩnh. Sau màn lấy lý lịch cá nhân (lần thứ hai, lần này chi tiết hơn), người đó hỏi:

– Tại sao anh bị vô đây?

– Đến giờ tôi cũng không biết?

– Sao anh không biết được, anh đi biểu tình anh bị bắt chứ gì mà không biết?

– Tôi chỉ đang ngang đó chơi cùng những người bạn và bị lao đến bắt.

– Khoan nhé, chúng tôi không hề bắt anh. Chúng tôi chỉ mời anh về để tìm hiểu sự việc thôi. Anh đừng có dùng từ “đánh bắt” nghe chướng tai quá – người đó bắt bẻ.

– Thứ nhất, tôi nói là đến bắt, không phải đánh bắt. Thứ hai, các anh mời à, mời mà không trình bày cho người ta lí do tại sao, mời mà 5 người trấn áp tôi, 2 người cặp nách lôi đi. Mời mà quăng tôi lên xe buýt và tịch thu điện thoại của tôi, không cho tôi liên lạc người thân. Các anh gọi đó là mời à? Tôi đề nghị anh ghi đúng vào tường trình lời khai của tôi là như thế.

– Anh nói đi chơi mà tự nhiên bị bắt? Anh đi đâu, khu vực nào?

…(sau đấy là đoạn giải trình về lí do tại sao tôi có mặt ở đó vào thời điểm “nhạy cảm”. Đa phần mọi người đều trả lời rằng họ chỉ hiếu kì, đi tập thể dục, đang đi ăn bị bắt… Chỉ một số ít nói rằng họ đi biểu tình. Tôi biết sâu trong thâm tâm, họ muốn sớm được trở về, họ đã hiểu bản chất sự tình. Họ không phục đâu, nhưng còn cách nào khác hơn để bảo vệ bản thân ngoài lời nói dối khi công lý không bảo vệ bạn. Hoặc giả là họ nói thật, cũng như tôi).

– Lý do duy nhất tôi nghĩ họ bắt tôi vì tôi có sử dụng điện thoại.

– Sử dụng làm gì?

– Nhắn tin.

– Anh nhắn tin mà bị bắt à?

– Thế anh bảo tôi làm gì? Các anh đã giữ điện thoại của tôi có thể kiểm tra. Tôi hoàn toàn không có bất kì hình ảnh nào liên quan đến cuộc biểu tình. Ngay từ lúc trên xe buýt các ông đã lao tới kiêm tra điện thoại tôi rồi còn gì. Mà giả tôi có chụp thì tôi mắc tội gì?

– Ở đây chưa ai buộc tội anh hết. Chúng tôi làm theo đúng trình tự. – anh ta vừa nói vừa viết vào giấy “Biên Bản Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính” – Anh có quyền ghi vào đây là không nhận lỗi – anh ta chìa ra cho tôi xem template mẫu biên bản báo cáo của ai đó vừa được ghi.

– Được thôi! Vậy anh cứ việc ghi phần anh! Tôi ghi phần tôi.

Tôi đã kí vào biên bản kèm với lời khai không đồng ý với cáo buộc của cơ quan chức năng về hành vi vi phạm hành chính của mình. Trên biên bản ấy ghi rõ thế này: “Vào khoảng 16h ngày 15/5/2016, tại công viên 23/9, đối tượng đã tham gia biểu tình gây rối trật tự công cộng.” Tất cả mọi người đều như một cả. Chung template mẫu. Đúng trình tự mà làm. Ai chống đối thì tính tiếp.

Sau đấy tôi được giảng giải khá nhiều về các vấn đề tại sao không nên tham gia biểu tình ở thời điểm này. Nào là phần tử xấu kích động. Nào là có nhiều việc tuổi 20 sẽ không hiểu được, dần dần 25 30 40 sẽ thay đổi cách nhìn khác. Giặc ngoài lăm le mà ở trong đây thì người biểu tình đâu ai thật sự vì môi trường, chính là để chống chính quyền. Sao các người biết nhà nước không làm gì. Mạnh ai nấy làm chuyện của mình đi.

– Vâng, cảm ơn anh. Em cũng hy vọng sau vài năm nữa anh cũng sẽ thay đổi nhìn nhận của mình. Chuyện chính quyền làm hay không chả ai biết. Biểu tình là quyền được quy định trong hiến pháp thì người ta có quyền thực hiện. Biểu tình trong ôn hoà thì có gì là phạm pháp. Còn các anh bắt giữ tôi đến bây giờ khi tôi không có bất cứ dấu hiệu phạm pháp nào thì các anh có phạm pháp hay không? Cho tôi hỏi tôi có nhận được sự đền bù nào hay không?

– Tôi giữ anh để điều tra là quyền của tôi. Còn anh muốn gì thì cứ kiện.

Trong lúc để anh ta hoàn tất hồ sơ thủ tục, tôi nghe lóm câu chuyện bàn bên:

“Hiếu kì hả? Mày mở miệng mày nói hiếu kì? Mày tưởng nói chuyện với con nít hả? Tụi tao đâu có ngu đâu? Mày bằng đại học mà mày nói mày thấy đám đông mày lại mày hiếu kì? Mày ăn cơm mày sống chi cho uổng cơm uổng gạo vậy. Mày ngu ngục hay gì?” – thanh tra bàn bên cạnh liên tục buông ra những từ ngữ sỉ vả, miệt thị người đàn ông ăn bận lịch sự và luôn miệng cười khì khì. Anh ta vẫn bảo anh ta chỉ hiếu kì mà thôi. Tôi khâm phục sự nhẫn nhịn của anh ta bấy nhiêu, thì ghê tởm hành vi khinh miệt của thanh tra kia bấy nhiêu…

Bấy giờ khoảng 23h kém,

Chúng tôi trước đó được phát mỗi người một ổ bánh mì và chai nước suối. Chắc họ đã rút kinh nghiệm của đợt bắt bớ tuần trước. Tôi nghe bảo không chỉ có Trung Tâm là nơi tập kết mà còn sân Hoa Lư nữa. Chắc vì tách nhóm nhỏ hơn nên họ cũng quản lý tương đối chu đáo hơn. Tôi trò chuyện với chị T.T.S (1978, Q5), chị kể tôi nghe về nỗi bứt xúc của chị khi không dám cho con nhỏ của mình ăn uống thứ gì cả. Chị mệt mỏi với sự thiếu minh bạch của chính quyền khi xử lý vụ việc. Chị giấu chồng con để ra biểu tình. Và chị cũng là số ít nhận mình biểu tình trong lời khai chính quyền. Chị hiểu rõ việc mình làm là vì tương lai của thế hệ mai sau. Chị hiểu rõ chị không làm gì sai. Chị chỉ không hiểu vì sao mình phải chịu đựng cảnh này. Ngoài chị thì có một anh cũng ở Q5, anh đi cùng bạn. Khi bạn anh bị vây bắt thì anh lao vào kháng cự nhằm ngăn chặn việc trái mắt xảy ra trước mặt mình, và kết cục là giờ anh ngồi đây, lây lất trong cái không gian ngột ngạt hơi người này.

Ngưởi tôi ấn tượng nhất phải kể đến anh K. (Q7) và cô gì đấy tôi quên mất phải hỏi tên (Q6) tóc đã hai màu.

Anh K. là chủ một doanh nghiệp kinh doanh các trang thiết bị cho các công ty hoá dầu. Anh bị đánh lát tay, lát chân, sưng mặt và mắt tụ máu đỏ bầm. Người đánh anh là những người mặc thường phục, chả ai biết họ là ai, chỉ biết họ được phép đánh người. Anh bị quẳng lên xe đến mất cả giày, chỉ đi vớ. Anh bảo: “Mình như vầy chắc đi nhận 200K của bọn Việt Tân à? 200K có đáng để mình bị đánh thế này không? Chuyện 200K phải nói là cái chuyện hài. Mà vậy chứ cũng lắm người tin.”

Còn cô (tạm gọi là Người Mẹ Anh Hùng), người phụ nữ mái tóc hoa râm và hàm răng đã ngả vàng nhưng đôi mắt vẫn tinh anh và dáng vóc khoẻ khoắn. Cô quyết không ăn bánh mì vì sợ biết đâu trong đó có bỏ cái gì độc hại, nhất là mấy con cá chết. Khi nãy vô vừa cãi nhau với thanh tra vì lí do cô nói cha cô hộ khẩu ở Nghĩa trang Trường Sơn do đi lính chết trận mà người đó nhất quyết không chịu tin (?!). Được biết, tuần trước con trai cô đã bị bắt khi cố gắng quay lại cảnh bắt bớ người biểu tình và bị theo dõi chặt. Tuần này, cô đi thay.

Ngoài ra, phải kể đến một anh thanh niên trong thân hình cũng ra dáng, nước da nâu sậm. Chiếc áo sơ mi anh đang mặc rách bươm đằng lưng và loang máu lốm đốm. Một bạn gái đưa cho anh chiếc áo khoác để khoác tạm để tránh làm người khác thêm sợ…

Chúng tôi chìm vào mệt mỏi trong chờ đợi thì bất chợt bừng tỉnh khi 1 đoàn 10 người khác được đưa tới vào khoảng 01 giờ sáng. Phải tỉnh thôi vì chúng tôi được lệnh dạt ra một bên chữa chỗ cho gần 50 cảnh sát cơ động, hình sự đứng vây quanh nhóm 10 người ngồi bệt đất không ai nói gì đấy. Bọn tôi sững sỡ, chắc hẳn nhóm người này phải phạm trọng tội gì đấy… Có người bảo, chắc họ toạ kháng.

Tôi thắt cả tim khi hồi tưởng lại cảnh ấy. Thật khủng khiếp!

Phần 2: 2 GIỜ TRANH LUẬN

Tầm 01h45 sáng ngày 16/5 thì công an khu vực đến bảo lãnh tôi về phường làm việc. Mỗi người sẽ được Trung Tâm liên hệ với công an địa phương cho người đến tận nhà xác minh danh tính qua việc kiểm tra hộ khẩu giữa đêm. Mỗi xe sẽ lên đón đúng 1 “phạm nhân” về cùng với 3 – 4 công an, phường đội.

“Anh về tới đây rồi là xem như anh đã an toàn. Cứ yên tâm.” Đó là lời một viên cảnh sát nói với tôi khi vừa về tới văn phòng.

Nhìn chung, công an khu vực tôi lịch sự và khá tử tế khi làm việc với tôi. Ngoài chuyện họ ngay lập tức xem và xoá tin nhắn, số điện thoại liên lạc, hình ảnh của tôi dù không đưa ra bất cứ lí do gì, tôi không phàn nàn gì hơn.

– Đó là lệnh mà bọn tôi nhận được khi tiếp quản anh từ trung tâm. Nãy anh cũng nghe rồi đó. Họ bảo xoá hết nhưng ở đây tôi biết cách làm việc. Tôi sẽ xem và chỉ xoá những thứ cần thiết thôi.

– Các anh rõ ràng có phải là đang xâm phạm bất hợp pháp quyền tự do cá nhân của tôi, xâm phạm đời tư cá nhân của tôi hay không? Đến thời điểm này vẫn chưa có bất kì tội danh nào của tôi được thành lập cả. Mà tôi bảo thật tôi không có chụp gì cả, trên đó người ta đã kiểm tra rồi.

– Anh đừng bép xép cái mồm. Tôi biết cách làm việc. Anh cứ việc mở khoá đi.

– Ok. Tôi mở.

– …

– Này sao anh vào xem cả email của tôi. Rõ ràng trên đấy tôi được nghe các anh chỉ xoá tin nhắn, số điện thoại và hình ảnh.

– Email anh vẫn có thể dùng để trao đổi tài liệu chống phá, tôi có quyền xem.

– Thế nào, không có gì cả đúng không? Giờ anh thật sự tin là tôi vô tội chứ?

Tại đây, tôi được lấy lí lịch cá nhân (lần thứ 3) kèm với một bản tường trình do chính tay tôi viết và một bản hỏi – đáp khi họ tiến hành lấy khẩu cung. Khi tôi nhìn thấy tấm bảng dạng như 5 điều cần lưu tâm của một người thi hành công vụ trong Nhà nước “của dân – do dân – vì dân”, có hai điều như sau:

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo

Tôi phì cười nghĩ lại 8 tiếng vừa qua, không biết tôi được ứng dụng cách đối xử như “nhân dân” hay “địch”.

Họ yêu cầu tôi phải viết giấy cam kết từ nay không tham gia biểu tình từ rày về sau (dù lần này họ tương đối thừa nhận là tôi bị bắt lầm). Tôi từ chối. Tôi bảo Quyền biểu tình được quy định trong hiến pháp, vậy cớ sao các anh bắt tôi cam kết một điều ngược với hiến pháp. Trong khoảnh khắc lúng túng của các anh, tôi đưa ra phương án hoà giải đôi bên: “Tôi sẽ cam kết không tham gia hay rủ rê lôi kéo các cuộc biểu tình bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng.” Còn nếu đó là biểu tình hợp pháp và ôn hoà, tôi có thể vẫn sẽ tham gia.

Trong 2 giờ này, tôi và anh Đại uý L.D.T trao đổi, “luận đàm” với nhau khá nhiều điều vì anh biết tôi xuất thân từ trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong và trình độ Đại học. Chắc đây cũng là lý do mà tôi được đối xử khá tử tế bởi ngài thanh tra bụng to. Trong cuộc nói chuyện mà anh cho phép tôi bật ghi âm nếu muốn (nhưng tôi không thể bật vì điện thoại đã cạn nguồn), có đôi điều đáng lưu tâm như sau:

1. Về vấn đề biểu tình:

Theo lời anh T., đó là chính quyền đã cho phép hai cuộc ngày 1/5 và 8/5 diễn ra thì mới có nhiều hình ảnh, nhiều clip phát tán như vậy và kéo dài như vậy. Nếu không cho phép thì sẽ như ngày hôm nay. Khi tôi hỏi tại sao không cho phép, tại sao lại cấm nếu đó là biểu tình ôn hoà, anh không trả lời thẳng thắn vấn đề này. Thay vào đó, anh nhận định chỉ thấy biểu tình ôn hoà được chừng 20 phút đầu, sau đó là các hành vi tông rào, vượt chắn, tấn công người thi hành công vụ. Tôi hỏi anh rằng anh có mặt trong các cuộc bảo vệ người biểu tình đó không mà nói thế, anh bảo đồng đội của anh bị đánh. Còn tôi, tôi khẳng định anh hôm nay khi tôi ở đấy, tôi chỉ thấy những người mặc thường phục lao vào công kích người dân biểu tình mà không có bất cứ hành động can ngăn nào của lực lượng an ninh. Thậm chí tôi bị bắt đưa lên xe cũng đâu ai ra bảo vệ.

2. Về vấn đề những cái “cấm” và cả “Luật biểu tình”

Theo lời anh, tôi không nên xuất hiện ở chỗ nhạy cảm như thế vào thời điểm nhạy cảm. Thành phố còn thiếu gì chỗ để đi. Tôi bảo các anh có ra lệnh cấm không, có ban bố thông tin rộng rãi về chuyện này không, có công văn nào không. Anh bảo không có công văn, nhưng thông tin báo đài và loa phát thanh đã nói rõ nhóm biểu tình có liên quan tổ chức phản động, người biểu tình nhận tiền để chống phá Nhà nước, là người dân bình thường anh nên tránh xa. Tôi trả lời, vì các anh không đưa công văn cấm nên đường của tôi thì tôi vẫn cứ đi, các anh cấm xe thì tôi đi bộ. Ngoài ra tôi đã ở Trung tâm và chẳng thấy bất kì ai có dấu hiệu liên quan đến tổ chức phản động, ít nhất là 4 người tôi trò chuyện. Tốt hơn các anh nên bớt thổi phồng chuyện tổ chức phản động VT kia mà thay vào đó, thông qua ban hành “Luật biểu tình” để người dân biết họ phải thực thi như thế nào đúng luật và các anh cũng theo đó mà bảo vệ người biểu tình. Đại uý T. bảo việc các anh làm, như giữ tôi để điều tra, là đúng, đến nay đã có “Luật biểu tình” và tôi nên về xem lại. Tôi không tranh cãi nhiều, bảo đưa luật cho xem tại chỗ thì không. Tôi về tim phát thì ra ngay nguồn tin đáng tin cậy và mới nhất:

Tại phiên làm việc sáng 17/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề nghị Quốc hội cho phép lùi dự án Luật biểu tình từ kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016) sang chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2016).” “Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận dự Luật biểu tình đúng lùi đi lùi lại từ nhiều năm. Nhắc lại theo nghị quyết Quốc hội tháng 6/2015 phải đưa Luật biểu tình vào chương trình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì.

(Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thuong-vu-quoc-hoi-khong-dong-y-lui-du-an-luat-bieu-tinh-3356359.html)

Như vậy, ở điểm này, tôi vẫn là người đúng.

3. Về vấn đề nỗi khó khăn của người thi hành công vụ:

Anh chia sẻ rằng anh và các đơn vị đã vô cùng mệt mỏi và cực khổ như thế nào nhiều ngày qua để mong giữ nền chính trị ổn định. Có chính trị ổn định thì kinh tế mới phát triển. Nhiều người dân đời sống bị ảnh hưởng bởi những người đi biểu tình. Tôi bảo đầu tiên anh nên xem lại lí do vì sao người dân phải đi biểu tình. Với anh, biểu tình là vô nghĩa vì chả làm được gì ngoài việc la lối, chưa kể mục đích chính là chống phá. Biểu tình không sai nhưng nhiều người đang lợi dụng nó. Tôi một lần nữa nhắc lại với anh, lý do người dân biểu tình vì họ bức xúc trước thời cuộc khi Nhà nước phản ứng chậm trễ với vấn đề. Bên cạnh đó, đây cũng chỉ là giọt nước tràn ly. “Dân cần minh bạch” liệu có là một biểu ngữ sai và mang tính chống phá như cách các anh thông qua báo chí xuyên tạc về người biểu tình? Còn chuyện các anh cực khổ, chúng tôi có sung sướng chăng? 50 người vây lấy 10 người vô hại, hùng hùng hổ hổ, anh có thấy đó là sự lãng phí của cải xã hội, lãng phí tiền thuế của người dân hay không? Anh thừa nhận với tôi đó là sự lãng phí. Nhưng cũng có đến 3 người lên đón tôi về tận nơi, trao trả tự do. Tôi bảo rằng đó là nghĩa vụ và công việc của các anh. Tôi là người đóng thuế. Ở đây hơn nữa tôi là người bị hại. Chẳng lẽ tôi phải cảm ơn các anh vì nghĩa cử cao đẹp là đi đón tôi sao. Mà nhân đây tôi cũng cảm ơn các anh vị thái độ tích cực vậy.

4. Về vấn đề giặc ngoài nguy biến mà người dân bên trong thì gây rối loạn:

Anh hỏi ý kiến tôi về vấn đề Trung Quốc. Tôi bảo cũng như nhiều vấn đề khác, tôi không hiểu những động thái của Nhà nước về vấn đề Biển Đông, về TPP hay Một vành đai một con đường, về nợ công, về tham nhũng, về một nền kinh tế bị Trung Quốc ảnh hưởng sâu sắc. Lý ra là đại diện Nhà nước, anh phải giải thích cho tôi mới đúng. Anh bảo thật đó không phải nhiệm vụ của anh. Những gì anh cần làm là bảo vệ trật tự trị an theo đúng đường lối đã vạch ra và anh tin tưởng. Tôi bảo anh tôi cũng có niềm tin của riêng mình. Quyền của công dân là giám sát các anh và cả thay đổi những “con đường” đã vạch ra sai và cần sửa lại cho đúng. Anh cho rằng tôi cần làm tốt việc của mình và để những thứ ấy cho người có thẩm quyền làm. Tôi bảo đấy là cách nghĩ đã cũ của những người thế hệ trước quá thờ ơ với thời cuộc và những gì diễn ra xung quanh tưởng xa xôi nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình.

Do không tìm được điểm chung và cuộc nói chuyện không đi đến đâu. Anh để tôi về vào lúc 04 sáng ngày 16/5 trong trạng thái lẫn lộn xúc cảm, trắng – đen – xám nhập nhằng không phân định…

Hôm ấy tôi nhận được điện thoại của chị S. Chị bảo chị đã được thả nhưng ngày 18/5 phải tiếp tục lên tường trình tại CA Phạm Ngũ Lão và đóng phạt. Chị bị hăm doạ nếu tiếp tục tham gia biểu tình sẽ đưa vào Trại cải tạo. Chị kể tôi nghe ngập đầy nỗi thống khổ mà tôi tưởng có thể sờ thấy được. Chị còn kể họ lan truyền với địa phương rằng chị đang bị quản thúc và có liên quan đến phản động, giờ chẳng ai dám tiếp xúc với chị.

Một người tôi quen khác tên H. cũng bị bắt ngày hôm ấy, bị gán vào tội danh cầm đầu khi anh chỉ chụp ảnh mà thôi. Anh bị bắt giữ 22 tiếng và đã trao trả tự do nhưng vẫn còn giữ điện thoại di động.

Dạo tin trên mạng, tôi thấy đợt này có vài người bị bắt nhầm bên cạnh nhiều người bị bắt không rõ lí do (như tôi). Tất cả đều đã bị xâm hại nhiều quyền cơ bản. Kể cả quyền im lặng và gặp luật sư tôi cũng chẳng dám giữ cho mình trong tình huống đó…

Đây chắc sẽ là thông tin sau cùng tôi nói về vấn đề này trong một khoảng thời gian. Không phải vì tôi rụt càng hay sợ hãi, mà vì thật sự cảm thấy bất lực và chưa tìm ra lối đi sáng sủa hơn cho vấn đề dân chủ. Biểu tình ôn hoà của mọi người xem ra như muối bỏ biển ở thời điểm này.

Phần 3: TÂM SỰ CÙNG NGƯỜI TRÍ THỨC

Vậy nên, đôi lời nhắn gửi đến những ai đang dự định xuống đường tuần hành hoặc quan sát đoàn tuần hành trong thời gian tới:

  • Mọi người hãy đừng xuống khi không nghĩ thấu đáo và nằm được sự phức tạp của các tình huống xảy ra như tôi vừa kể trên.
  • Vì biểu tình là quyền hiến định nên khuyên các bạn không nên xuống thì khác nào vả mặt mình. Tôi chỉ khuyên các bạn chỉ tuần hành nếu thật sự tìm ra một nhóm đủ đông (hàng ngàn hàng vạn người). Còn lẻ tẻ như người đàn ông cô đơn hay cả nửa chục con người ở công viên 23/9, bạn phải sẵn sang chấp nhận hy sinh.
  • Nếu đã bị tóm, hãy bình tĩnh mà hợp tác. Có cương cũng phải khéo léo. Còn tôi bảo thật chả nghĩa lí gì cả, tốt nhất là thôi làm theo được tới đâu thì làm theo. 10 tiếng “mới về làm việc” là may mắn lắm rồi. Ngoài ra còn được khuyến mãi thêm dịch vụ bảo vệ sát sao 25/24.
  • Không mang điện thoại, máy ảnh.
  • Mang theo sẵn snicker, bánh kẹo linh tinh nếu không muốn ăn bánh mì. Thật ra bánh mì cũng không tệ. Tới giờ không có dấu hiệu đau bụng.
  • Đừng tuần hành ban đêm hay chập tối. Khi ấy sẽ hỗn loạn cực kì và những nhân chứng xung quanh chẳng ai nhìn thấy được sự thật.
  • Ai có mục tiêu quan sát, chụp ảnh thì như trên, cẩn trọng. Cương cương là gặp bác sĩ Cường.
  • Ai không can dự gì tốt nhật khỏi ra đường chủ nhật tuần sau.
  • Ngoài ra chúng ta còn có thể biểu tình ôn hoà trên facebook, Zalo. Chả bị quy chụp gây rối trật tự công cộng. Đi qua đi lại like, share cho nhau, comment ủng hộ môi trường, khen nhau xinh trai đẹp gái. Vậy mà ổn. Các anh chiến sĩ cũng đỡ mệt ha (cười).
  • Cũng nên lưu ý rằng vấn đề môi trường không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền trong việc quản lý mà còn là nghĩa vụ của mỗi cá nhân chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
  • Người thân bạn bé chúng ta là những người lo lắng nhiều nhất. Hãy nghĩ đến họ. Đừng để họ thất vọng. Ai bỏ lý tưởng của mình vì sợ hãi cái ác là gián tiếp khiến họ thất vọng đó. Nói vậy thôi ai hiểu sao hiểu.

Còn lại dòng cuối này, tôi xin dành cho chính quyền nếu bất kì ai trong các ông thực sự đọc tới dòng này:

HÃY CHO TÔI MỘT LỜI PHÚC ĐÁP, ĐỂ KẺ SĨ NÀY BIẾT ĐƯỜNG SỐNG SAO CHO ĐẶNG.

clip_image002

Hình ảnh mang tính biểu tượng. Được sử dụng với tính chất minh hoạ mà thôi. (Ảnh trên mang tên “Người đàn ông cô đơn” của Bùi Dzũ. Tấm ảnh với caption thật xúc động: “Một dân tộc cô đơn vì mãi chẳng thể tìm thấy một tiếng nói chung, thì làm sao chung sức, chung lòng…”)

N. H. B.

Nguồn: FB Ngoc Hien Bui

This entry was posted in Biểu Tình, Nhân Quyền. Bookmark the permalink.