Bài này viết riêng cho trang Ba Sàm
David Brown
Song Phan dịch
18-5-2016
Trong nhiều năm qua, tôi đã bình luận về các sự kiện ở Việt Nam và xung quanh, nhằm cung cấp cho người Mỹ và người nước khác một cái nhìn đầy đủ hơn và có thể chính xác hơn về một quốc gia mà, nói một cách tương đối, tôi biết khá rõ. Hầu hết các bài viết của tôi đều có bản dịch đăng trên trang Ba Sàm.
Tôi đã chỉ trích chế độ Hà Nội về những thiếu sót khác nhau. Đôi khi, độc giả lại chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ và hệ thống dân chủ của Mỹ cũng chẳng hoạt động tốt lắm trong thời gian gần đây. Họ cho rằng những người sống trong nhà kính thì đừng nên ném đá (đừng phê phán kẻ khác khi mình cũng chẳng hơn gì). Cho tôi xin được thanh minh rằng, tôi phê phán đủ mọi phía. Tôi cũng thường có vấn đề với chế độ ở Washington.
Nhiều người Việt Nam nhìn sang Hoa Kỳ để tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc đấu tranh chống Trung Quốc của Việt Nam. Việt Nam có thể yêu cầu điều gì từ Mỹ? Và xác suất Mỹ sẽ đáp ứng là bao nhiêu? Với chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama chỉ còn khoảng một tuần nữa, bây giờ có vẻ là thời điểm tốt để nhìn kỹ nước Mỹ trong bối cảnh cụ thể của mối quan hệ đang phát triển với Việt Nam.
Các ý kiến dưới đây là của riêng tôi. Tôi không phát biểu cho chủ cũ của tôi, chính phủ Mỹ, theo bất kỳ cách nào.
Biến động chính trị trong nước
Đất nước tôi cố gắng sống đúng theo những giá trị quốc gia đầy khát vọng và được nhiều người ngưỡng mộ. Trong lịch sử, Hoa Kỳ luôn là một quốc gia ‘đầy tham vọng’. Trong 240 năm, người Mỹ chúng tôi đã dám nghĩ về quốc gia chúng tôi như một mô hình mới cho một thế giới cũ. Từ khi các cường quốc phát xít bị đánh bại bảy mươi năm trước đây, chúng tôi cũng đã đi đến việc xem mình là người bảo đảm cho một trật tự quốc tế không dựa trên sức mạnh, mà dựa trên các quy tắc hành xử đã thoả thuận.
Tuy nhiên, trong năm bầu cử nay, đặc biệt chúng tôi bị làm rối trí bởi các tranh luận nội bộ. Những người biết suy nghĩ lo rằng, chính trị Mỹ đã bị hỏng một cách vô vọng, rằng trung tâm chính trị đã rỗng đi và việc thỏa hiệp mang tính xây dựng đã trở thành chuyện gần như không thể có. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đã tăng lên trong ba thập niên qua. Bây giờ là sự phản ứng trở lại. Như một bước ngoặt về kinh tế-xã hội, chưa từng thấy có điều gì giống như thế, kể từ kỷ nguyên tiến bộ (Progressive Era) của chúng tôi 100 năm trước đây.
Tổng thống Obama là một nhân vật bi kịch, một người đáng kính và đầy lý tưởng, đã phải tiếp nhận cuộc khủng hoảng kinh tế và cuộc chiến tranh viển vông ở Trung Đông do tiền nhiệm George W. Bush để lại. Với thái độ phe phái một cách hẹp hòi, đảng Cộng Hòa (với đa số ghế trong cả hai cánh Quốc Hội) không đồng ý hợp tác với Obama để giải quyết những vấn đề chủ yếu.
Bây giờ, điều nghịch lý là chính Obama lại bị đổ lỗi vì những vấn đề này vẫn chưa dứt đuợc. Và, mặc dù lời lẽ phân biệt chủng tộc không còn chấp nhận được về mặt chính trị, sự tức giận nhắm vào Obama là, một phần, vì ông nâng đỡ người da màu và thách thức sự cố chấp.
Một số lớn đến kinh ngạc cử tri đang tức giận rằng nền kinh tế Mỹ không còn mang lại sự thịnh vượng cho người dân bình thường. Bốn mươi năm trước đây, hầu như bất cứ đàn ông da trắng nào có trình độ trung học là có thể có một cuộc sống tươm tất. Bây giờ điều dó không còn nữa. Cho đến năm 2007, một gia đình công nhân vẫn có thể có dư ít tiền khi có hai đầu lương. Sau đó, trong cuộc Đại suy thoái, một số lớn người dân bị mất việc làm và vì không thể trả nợ, cũng bị mất nhà. Việc làm thay thế sau khi nền kinh tế được phục hồi thường được trả lương ít hơn nhiều. Chín mươi phần trăm người lao động Hoa Kỳ có thu nhập không hơn thu nhập thực tế của họ năm 1980.
Năm nay, Đảng Cộng hòa đã tự huỷ hoại về vấn đề giàu nghèo. Trong nhiều thập niên, Đảng Cộng hòa vẫn có tính cạnh tranh trong cuộc bầu cử quốc gia qua việc thuyết phục cử tri đừng chú ý lập trường kinh tế giật lùi của đảng mà ủng hộ lập trường của đảng về các vấn đề xã hội (phản đối phá thai, phản đối kiểm soát quyền có vũ khí và mang súng, v.v.) và một chính sách đối ngoại quân sự / mạo hiểm hơn. Về chính sách kinh tế, cánh đảng Cộng hòa trung dung thường tìm thấy nền tảng chung với cánh đảng Dân chủ trung dung. Tuy nhiên, trong tám năm dưới thời ông Obama, cánh giáo điều của đảng Cộng hòa đã đẩy đảng này tiến đều về phía cực đoan và làm cho việc thắng lợi của chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống Donald Trump thành điều khả dĩ.
Mộ phần lớn đảng Dân chủ cũng đã trở nên phe phái hẹp hòi hơn. Mặc dù chính quyền Obama đã cố thông qua chương trình bảo hiểm y tế mang tính bước ngoặt và ổn định được nền kinh tế đang trên bờ vực khủng hoảng, nhiều thành viên cốt lõi của đảng thấy các lãnh đạo đảng đang thường xuyên quá nồng ấm với Wall Street, các nhà tài trợ lớn và các nhà môi giới ảnh hưởng ở Washington.
Bây giờ, với lập luận rằng người dân phải lấy lại quyền kiểm soát chính phủ, cả Donald Trump (tự cho mình là Cộng hòa) và Bernie Sanders (Dân chủ cấp tiến) đang huy động một đội quân của những người rất, rất tức giận.
Những cử tri đổ lỗi cho chính sách của chính phủ liên bang đã làm mất địa vị xã hội và thu nhập của họ, đã xếp hàng chạy theo Trump. Còn những ai than phiền hệ thống chỉ để phục vụ người giàu chứ không phải người nghèo thì lại hy vọng Sanders có thể chỉnh đốn mọi thứ đâu vào đó.
Trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, ứng cử viên Dân chủ trung dung Hillary Clinton vẫn có khả năng chiến thắng. Rất có thể, đảng Dân chủ cũng sẽ giành lại được quyền kiểm soát ở Thượng viện. Một khi tuyên thệ nhậm chức, lẽ thường về chính trị, đòi hỏi Tổng thống H. Clinton phải đưa việc cải cách các hoạt động của Wall Street, cải cách hệ thống ngân hàng và cải cách luật tài trợ cho chiến dịch tranh cử lên ưu tiên hàng đầu.
Mỹ sẽ tồn tại. Chúng tôi đã qua được nhiều biến động chính trị-xã hội trước đây, và cuối cùng các tổ chức nhà nước của chúng tôi đã thích nghi với thực tế mới. Thực tế mới hiện nay là: nước Mỹ là một nước đa chủng tộc với một nền kinh tế công nghệ cao. Đó là một đất nước mà phụ nữ không còn bị giao cho các ‘công việc của đàn bà’ và ở đó không một ai do màu da, do không theo đạo Kitô hoặc do yêu người cùng giới mà bị hạn chế trong việc tham gia đầy đủ vào cuộc sống dân sự. Bất cứ ai đã từng cố gắng học được các kỹ năng có giá trị trao đổi và mang tới thị trường đạo đức nghề nghiệp tốt, đều có khả năng sẽ được yên ổn sống.
Điều đó luôn luôn là như vậy ở Mỹ vì nhiều lý do. Điều khác biệt bây giờ là có quá nhiều công dân đủ loại chưa được trang bị đủ để có thể vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế thế kỷ 21 của chúng ta. Họ phải đánh vật để tránh rơi khỏi tầng lớp trung lưu. Giải quyết nhu cầu của họ cũng phải nằm trên cao trong chương trình làm việc của tổng thống kế tiếp.
Nhìn ra nước ngoài, tâm trạng khó khăn
Trong khi giới chính trị Mỹ đang bận tâm bởi sự rối rắm bên trong, ở ngoài Washington không còn nhiều năng lượng, thậm chí ít sự quan tâm dành cho với các vấn đề ở ngoài biên giới của chúng tôi.
Trong năm mươi mốt năm kể từ khi Thủy quân Lục chiến Mỹ lội vào bờ biển Đà Nẵng, niềm tin của những người Mỹ sống ở Mỹ là một quốc gia với một vai trò đặc biệt, như một lực lượng vì quyền lợi quốc tế, đã bị xói mòn nghiêm trọng.
Chiến tranh Việt Nam đã làm sự tự tin của người Mỹ bị suy sụp và thúc giục việc tố cáo lẫn nhau. Cuộc chiến ở Iraq ‘thắng lợi’ vào năm 1991 và những can thiệp ở vùng Balkans sau đó làm cho chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi lại là một lực lượng vì điều thiện lần nữa. Tuy nhiên, chúng tôi đã không nhớ được những bài học trong quá khứ và kết quả là sự sa lầy ở Afghanistan, Iraq và ở nhiều nước Trung Đông khác, sự bất ổn được Mỹ đốc thúc. Các ứng phó thiếu phối hợp của Mỹ được lặp đi lặp lại trong khu vực đó đã gieo thêm sự hỗn loạn và gây khó khăn cho bạn bè. Bây giờ, niềm tin ngây thơ ở Mỹ rằng chúng tôi có thể vun bồi các cải cách dân chủ ở đó, đã nhường bước cho sự tỉnh ngộ nhưng không sao thoát ra được.
Obama đã đúng khi chống lại việc can dự sâu hơn nữa. Trung Đông và dầu ở đó không còn là một mệnh lệnh chiến lược của Mỹ. Khu vực này có những vấn đề nội bộ riêng phải giải quyết. Chúng ta chẳng thể làm được gì nhiều để giúp. Về mặt đạo đức và chính trị, chúng tôi buộc phải ủng hộ sự tiếp tục của Nhà nước Israel chứ không phải những nỗ lực của Israel đe doạ và kiểm soát nước láng giềng.
Nền chính trị bị hỏng hóc, nền kinh tế đáng thất vọng của chúng tôi và sự tan vỡ các mối quan hệ giữa các nước Trung Đông đã chuyển hướng sự chú ý của Mỹ khỏi châu Á – Thái Bình Dương – khu vực của thế giới vốn thật sự có tầm quan trọng chiến lược sống còn đối với an ninh và hạnh phúc của chính chúng tôi. Mặc dù các nhà chiến lược Mỹ đã thực hiện nỗ lực sáng suốt để ‘chuyển trục’ và Obama đã chấp nhận điều đó, việc thực hiện đang gặp khó khăn. Phần lớn lực lượng không quân và hải quân của chúng tôi vẫn còn đóng ở vùng Trung Đông, không có sẵn để triển khai sức mạnh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Nói vắn tắt, hiện nay có các giới hạn thực sự đối với việc Mỹ tạo ảnh hưởng với sức mạnh hậu thuẫn mà chúng tôi có thể hy vọng sẽ tác động lên các mối quan hệ ổn định và sự tăng trưởng chung ở đông và đông nam châu Á.
Tuy nhiên, năm này sang năm khác, hòa bình ở châu Á càng ngày càng có vấn đề hơn. Một làn sóng đòi trả thù đã lan tỏa khắp Trung Quốc. Người Mỹ không còn có thể vui thú với ý nghĩ dễ chịu rằng ‘Trung Quốc đang trỗi dậy’ để có thể chia sẻ những khát vọng của Mỹ trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề toàn cầu. Thay vào đó, nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc, và các cơ quan đối ngoại của chúng tôi nói chung, bây giờ lại lo rằng, có rất ít điểm chung giữa các giá trị Mỹ và nguyện vọng trả thù ‘thế kỷ quốc sỉ’ của Trung Quốc.
Các giới hạn của quyền lực Mỹ
Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn từ người láng giềng phương Bắc. Nếu ghi nhớ trong đầu về nền chính trị hiện bị hỏng hóc của Mỹ và việc can dự đầy hao tốn tại Trung Đông, thì Washington có thể sẽ đến giúp Việt Nam trong điều kiện nào? Về mặt này, trường hợp của Ukraine đáng để xem xét nghiêm túc.
Hai năm trước, Ukraine đã cố gắng tách mình ra khỏi quỹ đạo của Nga, ngây thơ tin rằng NATO, liên minh Mỹ – châu Âu, sẽ ôm lấy và bảo vệ như một đối tác mới. Moscow đã phản ứng bằng cách cắt lấy vài phần thuộc miền đông Ukraine nơi có người thuộc chủng tộc Nga chiếm đa số – đặc biệt là khu vực Crimea. Theo cái nhìn địa chiến lược, Moscow không thể làm khác và vẫn là một đấu thủ trong nền chính trị quốc tế của các khu vực biển Đen, biển Aegea và đông Địa Trung Hải. Và, mặc dù Washington tham gia với Đức và các đồng minh khác trong việc lên án Nga viện tới vũ lực và trong việc tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Ukraine, dường như Washington đã không nghĩ tới việc can thiệp.
Không giống như Nga, Trung Quốc rõ ràng không phải là một cường quốc hiện trạng. Bắc Kinh nhắm tới việc khống chế một trật tự chiến lược mới tại Đông Á và Đông Nam Á. Họ khẳng định ‘quyền lịch sử’ về chủ quyền đối với ‘Nam Hải’ (biển Đông) và dọa chiếm lấy nhiều khu vực giàu dầu và khí đốt trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Ngay cả thế, trong trường hợp có một cuộc xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc, dễ có thể tưởng tượng rằng, có cố vấn chính trị cho một tổng thống Mỹ tương lai sẽ đưa ra cùng kiểu lập luận vốn chiếm ưu thế ở Washington khi Ukraine kêu gọi giúp đỡ.
Trong một cuộc khủng hoảng tương lai, sẽ luôn có một số người ở Washington lập luận rằng, biển Đông không thực sự quá quan trọng, rằng có những tuyến đường biển thay thế để tới Arabia qua Eo biển Lombok của Indonesia. Một số người sẽ cho rằng Mỹ và các đồng minh không nên làm cho mình trở thành kẻ thù của Trung Quốc khi việc hợp tác với họ là cần thiết trên rất nhiều vấn đề toàn cầu. Một số người sẽ lập luận rằng, nếu hải quân Mỹ và hải quân Trung Quốc dứt khoát phải đụng độ, thì đó không phải là nơi có nhiều khó khăn để điều động một hạm đội Mỹ vốn được thiết kế cho các trận chiến ở vùng biển cả, mà lại gần các căn cứ không quân và các vị trí bố trí tên lửa của Trung Quốc.
Phải thừa nhận rằng, đây là một kịch bản ảm đạm, đặc biệt là đối với Việt Nam. Tuy nhiên, kịch bản đó có khả năng xảy ra. Công chúng Mỹ đang trong tâm trạng than phiền. ‘Sự khôn khéo về chính sách ngoại giao’ thường lệ, phần lớn bị mất tin cậy. Như chúng ta đã thấy, quân đội Mỹ đã bị kéo dãn mỏng ra để đối phó với cuộc xung đột ở Trung Đông. Nền chính trị Mỹ đã trở nên hỏng hóc. Những điều tiêu cực này có xu hướng buộc người kế nhiệm của Obama phải đáp ứng một cách thận trọng với các hành vi xâm lấn nhỏ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đến bây giờ hai chính phủ Việt Nam và Philippines đã có thể kết luận rằng việc Trung Quốc mở rộng dần dần sức mạnh quân sự của họ trên biển Đông, đặt ra một mối đe dọa hiển hiện cho nền độc lập của họ. Hãy giả định rằng cả Hà Nội lẫn Manila đều nhận ra rằng vị trí chiến lược của họ tương đương với vị trí của Kiev về mặt quan trọng này. Vậy thì họ phải làm gì để bảo đảm rằng Hoa Kỳ cùng đồng minh Nhật Bản vẫn sẽ tham dự một cách tích cực và xây dựng vào việc cân bằng sức mạnh Trung Quốc?
Khi Trung Quốc trở nên tệ hại (đối với Philippines, đó là khi Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough, phía tây của đảo Luzon, bốn năm trước đây), Manila không có thực lực hải quân đáng kể. Hải quân và Tuần duyên Philippines bây giờ có khả năng tốt hơn để tuần tra các vùng biển của đất nuớc, nhưng họ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của Mỹ và Nhật Bản. Về mặt ngoại giao, chính quyền Aquino đã làm tốt. Philippines đã buộc ASEAN phải thừa nhận rằng, hành vi của Trung Quốc là có vấn đề và họ đã thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Tòa án UNCLOS. Đảo ngược chính trị như lệ thường, Manila đã hoan nghênh việc Mỹ và Nhật Bản sử dụng các căn cứ ở quần đảo Philippines.
Việt Nam đã có thể đối phó tốt hơn với với sự xâm phạm của Trung Quốc trong vài biện pháp. Việt Nam có truyền thống đáng tự hào trong việc chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc. Một thập niên trước, Hà Nội đã bắt đầu đầu tư vào việc hiện đại hóa hệ thống phòng không và phòng thủ biển của mình. Việt Nam hiện triển khai một lực lượng ngăn chặn có thể gây ra những thiệt hại đáng kể, nếu quân Trung Quốc tấn công.
Chỗ Việt Nam thiếu là: cuộc chiến giành lấy lòng người. Vì những lý do phức tạp bắt nguồn từ lịch sử chung của chúng ta, người Mỹ đã tự động đưa Việt Nam lên một chuẩn cao hơn chuẩn cho các quốc gia đang phát triển khác. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam mong được sự ủng hộ từ Hoa Kỳ, họ phải nỗ lực nhiều hơn để cho người dân Mỹ thấy họ xứng đáng để ủng hộ.
Bởi vì chừng nào mà đa số các ủy viên Bộ Chính trị còn tin rằng, những việc xâm phạm của Trung Quốc được xử lý tốt nhất qua đối thoại giữa đồng chí với nhau, thì chế độ Hà Nội còn đưa ra một thông điệp không rõ ràng cho người dân nước này, cho các nước ASEAN và cho bạn bè trên toàn thế giới. Sau cuộc đối đầu HD-981 vào mùa hè năm 2014, lập trường của chế độ có rõ ràng hơn: Trung Quốc là một kẻ xâm lược và sự trợ giúp của bạn bè được hoanh nghênh. Tuy nhiên, các hành động sau đó lại thiếu vững chắc một cách kỳ lạ. Hà Nội đã không tham gia cùng Philippines khiếu kiện tại tòa trọng tài mà chỉ tham dự với tư cách một quan sát viên. Như công chúng Việt Nam có thể thấy được, hợp tác quân sự với Hoa Kỳ chủ yếu chỉ là trò chuyện, đánh dấu bởi các chuyến thăm cảng hàng năm.
Ban lãnh đạo Hà Nội muốn có sự ủng hộ từ bên ngoài không? Theo quan điểm của Mỹ, rất khó để hiểu vì sao Hà Nội lại tiếp tục cằn nhằn về việc kéo dài các hạn chế đối với chuyện bán vũ khí cho Việt Nam hay, có vẻ họ lo ngại rằng Mỹ có thể “bán đứng Việt Nam cho Trung Quốc như đã làm hồi năm 1972 và năm 1988”. Cũng có thể do nhận được sự bảo đảm của Tổng thống Barack Obama, rằng Hoa Kỳ không có ý định phá hoại các tổ chức của đảng và nhà nước, và qua việc đặt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương làm trung tâm trong chiến lược toàn cầu hóa kinh tế – xã hội của mình, Hà Nội chủ yếu có ý định muốn gửi một thông điệp cho Trung Quốc: chúng tôi có lựa chọn khác.
Như đã giải thích bên trên, không chắc rằng các lựa chọn hiện nay bao gồm việc có thể trông cậy vào sự giúp đỡ quân sự và bán quân sự của Mỹ và có thể của Nhật Bản khi căng thẳng tăng vọt ở biển Đông. Đối với các nhà tư tưởng chiến lược chủ chốt của Mỹ, cung cấp trợ giúp nhanh chóng và hiệu quả cho Việt Nam có thể là điều phải làm. Người dân Mỹ bình thường và hầu hết các chính trị gia sẽ khó để thuyết phục hơn.
Một chuẩn mực cao hơn
Mặc dù sự thật biến đổi đáng kể, khá nhiều người Mỹ đều nhận thấy Việt Nam hiện nay là một nước cảnh sát trị, tham nhũng chính trị và toàn trị cứng nhắc, thuộc Thế giới thứ ba.
Tôi tin rằng Việt Nam là đặc biệt trong mắt người Mỹ theo hai cách chính yếu. Thứ nhất, như là một cách để đưa những hồn ma bóng quế của chính chúng tôi vào yên nghỉ, chúng tôi những người Mỹ, gồm cả người Mỹ gốc Việt, hy vọng sẽ nhận thấy rằng, từ thử thách nghiệt ngã của cuộc chiến tranh làm chúng tôi bị hạ thấp, một nước Việt Nam giàu mạnh hơn xuất hiện.
Thứ hai, vẫn còn một số người Mỹ quan tâm tới những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Những công chúng tinh mắt này bao gồm nhiều cựu chiến binh hoặc chuyên gia dân sự từng đến VNCH với thiện ý khoảng hơn 50 năm trước. Tập thể này cũng bao gồm con cháu của những người tị nạn đã xây dựng cuộc sống mới ở Mỹ nhưng không bao giờ đánh mất tình yêu đối với mảnh đất nơi họ sinh ra. Tập thể này còn gồm cả những người đàn ông và phụ nữ mà việc họ tham gia vào đời sống chính trị Mỹ bắt đầu với những cuộc biểu tình dũng cảm chống lại sự can thiệp của Mỹ trong cuộc nội chiến của Việt Nam. Những nhóm này có ảnh hưởng chính trị lên các dân biểu và nghị sĩ đại diện cho họ. Họ gây ảnh hưởng tinh thần đến các đồng bào của mình.
Tôi đã lập luận trong một bài viết khác chống lại nhận thức về Việt Nam như một chế độ toàn trị cứng nhắc, qua việc chỉ rõ sự mở rộng rất đáng kể các quyền tự do dân sự trong những năm gần đây, được thúc đẩy không phải do sáng kiến của nhà nước, mà nhờ toàn cầu hóa và việc truy cập vào mạng toàn cầu (world wide web). Tuy nhiên, tư thế chính thức của Hà Nội về quyền và nghĩa vụ của công dân vẫn chưa tiến triển, và chỉ riêng việc này thôi lại đặt ra những giới hạn rất thực tế về khả năng phát triển các mối quan hệ song phương. Mỗi khi Hà Nội bắt giữ hoặc truy tố những người có vẻ như chỉ đơn giản đang thực hiện các quyền hiến định, thì việc đó lại củng cố niềm tin của công chúng Mỹ rằng, Hoa Kỳ chớ nên dính dáng vào một cuộc xung đột ở xa xôi vì một chế độ không rõ ràng.
Đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa là tiếp thêm đạn cho các nhà lập pháp Mỹ đang nhắm bắn hạ thỏa thuận TPP. Trái lại, bằng chứng cho thấy Bộ Chính trị mới có ý định mở rộng quyền tự do chính trị sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là một đối tác trong Hiệp định xuyên Thái Bình Dương.
Tôi hy vọng có rất ít các lãnh đạo Hà Nội thật sự còn tin rằng, các tổ chức xã hội dân sự độc lập tự thân có ý đồ lật đổ chính quyền. Tôi tin rằng các lãnh đạo chóp bu trong chính phủ mới của Việt Nam thật lòng muốn cắt đi các quan hệ tham ô giữa giám đốc các doanh nghiệp nhà nước với các quan chức cao cấp của chính phủ. Nếu cả hai điều này là đúng thì tại sao lãnh đạo mới của Việt Nam lại ngần ngại thực hiện hành động đột phá nhân danh các công dân của đất nước? Không giống các vị tiền nhiệm lúc đương chức, Nguyễn Phú Trọng, Đinh Thế Huynh, Trương Hòa Bình, Trần Đại Quang và các đồng liêu của họ ít nhiều an toàn trước các cáo buộc lệch lạc về ý thức hệ. Vì thế điều nghịch lý là họ đang ở trong một vị thế mạnh hơn để thực hiện cải cách chính trị.
Cách thức và việc định thời gian cho cải cách chính trị là chuyện của Việt Nam. Không nước nào cho mình có quyền áp đặt lựa chọn của Việt Nam. Như Tổng thống Obama đã nói với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7 năm ngoái, Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam. Tuy nhiên, người Mỹ chắc chắn sẽ hoan nghênh nếu Quốc hội bãi bỏ Điều 258 và các quy định khác của bộ luật hình sự, vốn xâm hại các quyền tự do dân sự được hiến pháp nêu lên. Chúng tôi sẽ rất ấn tượng nếu chính phủ Việt Nam tập trung nỗ lực nhiều hơn trong quản lý kinh tế và ít hơn trong việc can dự trực tiếp vào đó. Chúng tôi sẽ rất vui mừng khi thấy có những nỗ lực mạnh mẽ và bền vững để xây dựng sự minh bạch thật sự và có sự tham gia rộng rãi hơn vào quá trình ra quyết định chính trị của Việt Nam.
Theo cái nhìn của tôi, để đặt nền tảng cho một mối quan hệ mạnh mẽ và lâu bền với Hoa Kỳ, ban lãnh đạo mới chỉ cần tin tưởng vào sự thành tâm và thiện ý của chính công dân Việt Nam, và từ đó có hành động phù hợp. Đó là một bước đi hoàn toàn hợp lý, bởi vì hy vọng lớn nhất của Đảng Cộng sản muốn nắm quyền mãi mãi thì phải trở thành cái gì khác – một tổ chức chính trị ít tham nhũng hơn, nhiều minh bạch hơn và dốc sức vào việc đưa tới ngày càng nhiều tự do hơn cho các công dân của mình.
D. B.
Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2016/05/18/8340-viet-nam-qua-goc-nhin-cua-nguoi-my/