Người lao động phỏng vấn TS Tô Văn Trường
Chọn cá tôm, chọn môi trường sống, chọn kế mưu sinh của hàng vạn ngư dân, chọn sức khỏe, chọn lòng tự tôn dân tộc, chọn chủ quyền biển hay chọn tiền mặt (dân không có phần), chọn tiền thuế (chưa chắc có vì sẽ báo lỗ), chọn sự oán thán của hàng triệu con người? Từ góc nhìn của Vũng Áng, nhìn ra cả nước, không, không ai được quyền thay người dân chọn hết!
Với trình độ của nhiều trí thức trong và ngoài nước hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn được giải pháp hợp lý cho phát triển kinh tế nhưng không phải hy sinh sự sống và môi trường, nếu biết huy động trí tuệ của các tầng lớp nhân dân và trí thức thật sự vì sự phát triển đất nước. Tuy đã muộn nhưng chúng ta đòi hỏi các cấp quản lý nhà nước hãy làm lại để không xuất hiện những hiểm họa tương tự Vũng Áng mới cứu được các vùng duyên hải Miền Trung cũng như các khu kinh tế – công nghiệp sẽ được đầu tư khác.
TS Tô Văn Trường
Sau hơn 20 ngày diễn ra thảm cảnh cá chết hàng chục tấn từ Hà Tĩnh lan qua các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế gây nên thảm cảnh tiêu điều về môi trường và tác động lớn đến ngành đánh bắt thủy sản, du lịch và đảo lộn cuộc sống vốn đã rất khó khăn của người dân. Phóng viên báo Người lao động phỏng vấn TS Tô Văn Trường – Chuyên gia tài nguyên nước và môi trường – xung quanh vấn đề nói trên.
Ảnh : TS Tô Văn Trường
PV: Theo ông nhìn nhận chung về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh duyên hải miền Trung vừa qua?
TVT: Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân tích, đánh giá cá chết hàng loạt, nguyên nhân từ điều kiện tự nhiên rất ít hoặc không đáng kể bởi vì không phát hiện có động đất, núi lửa phun trào, sóng thần. Không có hiện tượng mưa lụt vùng ven bờ. Kết quả nghiên cứu từ ảnh viễn thám và điều kiện tự nhiên, quan sát điều tra của một số nhà khoa học và người dân không thấy hiện tượng thủy triều “đỏ” tức là tảo độc. Chỉ còn nguyên nhân duy nhất là do hoạt động của con người, chất thải có độc tố cao. Khu vực xung quanh nơi xả thải (Kỳ Anh-Hà Tĩnh và Quảng Bình) nơi có hàm lượng độc tố cao nên cá tự nhiên bị chết nhiều nhất, gồm cả cá nuôi lồng, bè. Nhưng người ta vẫn loay hoay chưa chỉ ra được nguồn xả thải từ đâu.
Vụ cá chết do ô nhiễm môi trường nước ở vùng biển miền Trung đã gây ra những thiệt hại to lớn cho bà con ta ở nơi vốn nghèo nhất, khổ nhất nước. Bây giờ, cái nghèo ấy lại tăng lên gấp bội. Tuy nhiên, vụ cá chết chưa rõ nguyên nhân chính xác để quy trách nhiệm thì cũng đã bộc lộ những tử huyệt về sự lúng túng, chồng chéo, chậm chạp trong hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở nước ta.
PV: Sau hơn 20 ngày kể từ khi cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, tối ngày 27/4 cuộc họp báo đầu tiên của Bộ Tài nguyên Môi trường thực sự gây bức xúc cho hàng trăm phóng viên báo đài vì chỉ diễn ra có 15 phút , không ai được hỏi câu nào, và nguyên nhân cá chết chưa xác định được thủ phạm?
TVT: Các cơ quan chịu trách nhiệm né tránh vì nguyên nhân nào đó, do thiếu bản lĩnh hay hiểu biết đều là có lỗi với dân, với nước. Bản thông báo nói “Chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy định” là không chặt chẽ theo tinh thần khoa học. Phải nói là: “Chưa phát hiện một số thông số môi trường vượt quy định”. Cần nêu rõ đã phân tích những thông số gì, để từ đó ta biết còn có nghi vấn về những thông số nào khác. Thông cáo báo chí dài dòng, đưa ra 2 nguyên nhân, trong đó có tảo không thuyết phục bởi vì phải chứng minh ngay được là tảo vì có những đặc điểm sinh hoá điển hình. Xảy ra hiện tượng “thủy triều đỏ”, là hiện tượng bùng nổ mật độ tảo do nguyên nhân môi trường nước trong tình trạng phú dưỡng (giàu photpho và nitơ, thành phần phân bón lân và đạm). Tảo với mật độ cao tiết ra nhiều độc tố sát hại hầu hết các loài động vật thủy sinh. Hiện tượng thủy triều đỏ có thể xác định được nhanh chóng bằng các kỹ thuật khảo sát phân tích chuyên môn tương đối đơn giản, thậm chí rất dễ quan sát bằng mắt thường.
Vả lại, nếu là tảo do thủy triều đỏ, thì tại sao phía Bắc Vũng Áng cùng chế độ thủy triều mà không có cá chết? Về nguyên nhân từ hoạt động công nghiệp, những người có chuyên môn và người dân quan tâm nhất đến 300 tấn hoá chất độc hại mà Formosa đã dùng và cá chết theo dòng hải lưu từ Formosa được giải thích như thế nào?
Có hồ sơ bên Hải quan, Formosa cần minh bạch về những hóa chất này. Chí ít là họ phải trình ra Material Safety Data Sheet (MSDS) mà nhà sản xuất cung cấp theo mỗi hóa chất. Hệ thống quản lý môi trường đòi hỏi công bố rộng rãi các MSDS cho công nhân làm việc với các hóa chất liên hệ chứ không phải là hồ sơ mật. Hoặc nếu công ty không hợp tác thì tự ta vẫn có thể truy ra thành phần, đặc tính các hóa chất này. Từ đó, ta có thể khoanh vùng những thông số cần phân tích trong các mẫu nước biển và trầm tích đáy. Cần nhớ là các hóa chất súc rửa đường ống rất độc và rất tốn kém để xử lý nước súc rửa. Cho nên công ty dễ bỏ qua việc xử lý, hoặc vì không biết công nghệ hoặc vì không muốn chi tiền.
PV: Trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ TNMT tuyên bố “Chưa tìm thấy mối liên hệ giữa cá chết và Formosa” nhưng không ai được hỏi gây bức xúc trên công luận. Theo ông, liệu có cách nào để truy tìm thủ phạm?
TVT: Trên thế giới đã công bố nhiều hồ sơ về thảm họa môi trường sông biển do chất thải từ các khu công nghiệp thép và hóa chất, trong đó Tập đoàn Fomosa đã từng phải bị trừng phạt trong một số công trình đầu tư của họ ở Hoa Kỳ và CEO của nó là ngài Lee Chih-Tsuen đã từng nhận giải “Hành tinh đen” năm 2009 cho những cá nhân/tổ chức đóng góp nhiều vào việc phá hủy môi trường thế giới. Lẽ ra, trong giai đoạn xem xét quyết định cấp phép đầu tư các cơ quan trách nhiệm của Chính phủ phải thuê tư vấn đủ trình độ chuyên môn đưa vào các điều kiện ràng buộc pháp lý tuân thủ nghiêm ngặt về an ninh môi trường, cũng như triển khai các hệ thống theo dõi, giám sát biến động môi trường khu vực xung quanh khu công nghiệp này nhằm sớm phát hiện và ứng phó kịp thời để giảm thiệt hại.
Tuy nhiên, muộn còn hơn không, trong trường hợp ở Vũng Áng muốn xác định nguyên nhân, truy tìm thủ phạm, cần thực hiện như sau:
– Cần kiểm tra xung quanh nguồn thải từ khu công nghiệp Formosa, nguồn thải nước làm vệ sinh máy móc, thiết bị, đường ống được ống dẫn thải chôn ngầm trong nước biển đưa ra biển. Hóa chất sử dụng để pha thành dung dịch tẩy rửa bao gồm: amoniac, natri nitrit (NaNO2), axit formic, axit citric, natri sulfit, diphotphat, triphotphat, chất hoạt động bề mặt, chất ức chế ăn mòn kim loại.
– Nước thải sau khi tẩy rửa vệ sinh có hàm lượng axit vô cơ và hữu cơ rất cao, nếu tính tổng có thể đạt tới 2 lít axit HCl đặc (loại 36 %). 1 m3 nước thải đủ để làm giảm pH của 70 – 80 m3 nước biển (pH của nó là 7,7) xuống pH < 3. Mỗi ngày thải 12.000 m3 sẽ tác động đến 900.000 m3 nước biển. Cá biển không sống được trong môi trường pH thấp.
– Lượng sắt hòa tan trong nước thải đạt tới trên 1,4 kg/m3, khi vào nước biển sẽ làm cạn kiệt nguồn oxy hoà tan của 50 m3 nước biển.
Đó là 2 nguyên nhân chính cộng với tác động đầu độc của amoniac và nitrit, chất ức chế ăn mòn… là các thành phần không thể thiếu khi vệ sinh thiết bị, đường ống.
– Hệ thống xử lý nước thải của Formosa, không có khả năng xử lý dòng thải đặc thù đó, lại càng ít có cơ hội tái sử dụng nước thải. Muốn xử lý thật sự, cần phải có hệ thống xử lý riêng, và rất tốn kém.
Ngoài ra, cần quan tâm kiểm nghiệm đất trầm tích, các kim loại nặng, nhất là các ion sulphat và phôtpho, kết hợp với phân tích các mẫu cá chết trên các máy có thư viện chất độc để dễ đối chứng.
PV: Tuyên bố ngang ngược của ông Chu Xuân Phàm – phó phòng đối ngoại của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp (Formosa) – “Hãy chọn một bên là gang thép, một bên là cá” làm người dân Hà Tĩnh phẫn nộ và hoang mang vì không ai lường hết 5-10 năm tới cả duyên hải miền trung sẽ ra sao? Đây không phải là lựa chọn của người dân?
TVT: Nhiều nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo bài toán “được và mất” nhất là thảm họa về môi trường khi phát triển công nghiệp, nhất là các nhà máy thép.
Đối với duyên hải miền Trung, điều đáng lo nhất là những di hại sau thảm họa này: hệ động thực vật biển trong một vùng rộng lớn lan tỏa theo hải lưu chưa bị chết ngay vì mức độ nhiễm độc chưa tới ngưỡng gây tử vong tức thời nhưng, cũng đã bị nhiễm độc và sẽ di hại rất lâu dài khi đánh bắt để làm thực phẩm.
Nhiều nơi trong nước cũng đã coi trọng môi trường sống của người dân lên hàng đầu, cương quyết từ chối đầu tư các nhà máy sản xuất thép tỷ đô như Vân Phong–Khánh Hòa, nhà máy thép Quảng Ngãi, nhà máy thép Đà Nẵng do liên doanh Đài Loan và Nhật Bản, v.v. là những quyết định của những nhà quản lý thông minh, biết nhìn xa trông rộng nhưng đáng tiếc không được Hà Tĩnh tham khảo.
Trên blog của nhà báo Kỳ Duyên đã nói rõ chọn gì? Chọn cá tôm, chọn môi trường sống, chọn kế mưu sinh của hàng vạn ngư dân, chọn sức khỏe, chọn lòng tự tôn dân tộc, chọn chủ quyền biển hay chọn tiền mặt (dân không có phần), chọn tiền thuế (chưa chắc có vì sẽ báo lỗ), chọn sự oán thán của hàng triệu con người? Từ góc nhìn của Vũng Áng, nhìn ra cả nước, không, không ai được quyền thay người dân chọn hết!
Với trình độ của nhiều trí thức trong và ngoài nước hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn được giải pháp hợp lý cho phát triển kinh tế nhưng không phải hy sinh sự sống và môi trường, nếu biết huy động trí tuệ của các tầng lớp nhân dân và trí thức thật sự vì sự phát triển đất nước. Tuy đã muộn nhưng chúng ta đòi hỏi các cấp quản lý nhà nước hãy làm lại để không xuất hiện những hiểm họa tương tự Vũng Áng mới cứu được các vùng duyên hải Miền Trung cũng như các khu kinh tế – công nghiệp sẽ được đầu tư khác.
*Bản gốc của bài đã đăng trên báo Người Lao động
TS Tô Văn Trường gửi BVN