Tôi khóc cho ngư dân tôi…
Tôi khóc cho những ngư dân khi con đường sống của họ bỗng nhiên đứt đoạn không còn nữa. Khóc cho những đàn cá chết oan uổng nằm phơi xác bên bờ cát.
Khóc cho dân tôi khi đang bị họa giặc Tàu o ép ở biển Đông, thì giờ thêm họa cá chết không còn nữa, phải sống làm sao đây…
Khóc cho dải miền Trung sao lắm họa chất chồng, khóc cho những đàn cá mênh mông bỗng nhiên bị đầu độc chết giữa ban ngày…
Khóc cho những đoàn tàu đánh cá trống không khi cập bến, khóc cho những bạn chài ngơ ngác không còn muốn ra khơi.
Khóc cho những chàng trai cô gái không dám mở hội nơi bờ cát, khóc cho những em nhỏ không còn được đùa vui nơi ven biển…
Khóc cho biển chết, cho cá chết cùng niềm hy vọng cũng chết.
Khóc khi người dân tôi gào ngàn uất hận, đòi trả lại cho họ biển xanh cùng đàn cá trắng đã ra đi không quay về.
Tôi khóc cho dân tôi khi ánh dương không còn chiếu sáng quê hương, mà vầng trăng cũng đã vội vã đi rồi.
Mẹ cơm chan nước mắt trông tăm cá,
Con đói ngẩn ngơ đợi bóng thuyền về.
Mai Tú Ân
29/04/2016 – 15:36 PM
Qua tính toán dòng chảy đáy biển, KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, cảnh báo: nếu không cắt ngay nguồn độc đang gây cá chết tại 4 tỉnh ven biển miền Bắc Trung Bộ, và mới ngày hôm nay 29.4 là Đà Nẵng, thì nguy cơ chất độc sẽ còn lan xuống tận Phú Quốc! Đặc biệt, cần nhìn nhận Sơn Dương – Vũng Áng là một yếu huyệt bảo vệ sự an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển!
Cá chết ở vùng biển Đà nẵng sáng ngày 29.4. Ảnh: Tuổi Trẻ
Phỏng vấn của Người Đô Thị với KS Doãn Mạnh Dũng, phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, nguyên trưởng ban Cơ sở hạ tầng cảng biển thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.
Thưa ông, với thảm họa cá chết hàng loạt trong thời gian dài, chủ yếu là cá tầng đáy, ở 4 tỉnh ven biển miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, và mới hôm nay ngày 29.4 là Đà Nẵng, thì liệu tình trạng cá chết này có khả năng còn lan rộng nữa không?
Trong đặc điểm tự nhiên của bờ biển Việt Nam, do chênh lệnh nhiệt độ giữa Bắc cực và Xích đạo, do trái đất quay từ Tây sang Đông, do bờ biển Trung Quốc khi xuống phía Nam thì lệch về hướng Tây nên trong 365 ngày/năm luôn luôn có dòng hải lưu tầng đáy chạy dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc xuống Nam, nhưng mạnh nhất từ Vũng Áng – Sơn Dương, Hà Tĩnh đến mũi Cà Mau.
Tốc độ dòng tầng đáy tính toán được khỏang 0,38 m/s trên hiện tượng di chuyển của các thi thể hành khách trên xe 48K-5868 bị tai nạn ngày 18.10.2010 ở Nghị Xuân – Hà Tĩnh.
Về mùa đông, vào tháng 1, 2, 3, 4, 8, 9, 10, 11, 12 (9/12 tháng), vì ảnh hưởng gió đông bắc nên có dòng chảy mặt theo hướng từ Bắc xuống Nam với tốc độ bình quân 0,757 m/s.
Dòng tầng đáy và tầng mặt cộng hưởng đưa phù sa bờ biển Việt Nam theo hướng từ Bắc xuống Nam. Vùng bờ biển Vũng Áng, Sơn Dương nằm phía nam vĩ tuyến cực Nam của đảo Hải Nam, nên bờ biển miền Trung từ vị trí này hướng về Nam là chịu tác động của dòng chảy tầng đáy và cả tầng mặt.
Bạn nhớ bài hát “Quảng Bình – Quê ta ơi” với những cồn cát trắng? Ở Bắc sông Gianh, các cồn cát đã cao đến 17-18 m, nhưng ở Hà Tĩnh hoàn toàn không có cồn cát. Đó là hiện tượng khác biệt giữa bờ biển Hà Tĩnh và Quảng Bình. Do nguyên lý này mà các vịnh ở bờ biển Đông Việt Nam chỉ sâu khi vịnh chống được dòng hải lưu trên chảy vào vịnh, có nghĩa rằng cửa vịnh phải quay về hướng Nam. Ví dụ như vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong, Vũng Rô. Vì là các vịnh ven núi, nên các vịnh chỉ sâu khi không có dòng sông lớn xuất phát từ dãy Trường Sơn. Ví dụ vịnh Dung Quất có sông Trà Bồng nên hạn chế độ sâu. Khi đến mũi Cà Mau, dòng hải lưu bị đẩy về hướng Tây, nên mũi Cà Mau có hình dàng như mũi tàu cong về phía Tây. Chính dòng hải lưu trên làm vịnh Thái Lan bị cạn dần và đang bị ngọt hóa. Chính sự ngọt hóa này mà Phú Quốc có những hải sản khác thường với ngư trường Phan Thiết.
Như vậy sự việc chất độc gây cá chết tại Hà Tĩnh sẽ không giới hạn khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.
Đúng thời điểm này, gió Tây Nam đưa dòng tầng mặt qua đảo Hải Nam, nên hiện tượng cá chết chưa lan tràn xuống Nam Trung Bộ. Hơn nữa hiện tượng cá tầng đáy bị chết chứng tỏ nguyên nhân gây chết cá là độc tố trong nước. Các chất thải ra biển hầu hết có tỷ trọng cao hơn nước biển nên nhanh chóng lắng xuống tầng đáy. Vì vậy sự viện dẫn cá chết do rong tảo trôi nổi trên tầng nước mặt là không logic và không thuyết phục được những người quan tâm.
Như vậy, dòng tầng đáy đã chắc chắn đưa chất độc xuống bờ biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam. Tôi cho rằng, khu vực này chưa thấy cá chết do mật độ chất độc thấp, nhưng tiềm ẩn đem lại bệnh tật trong tương lai là khó tránh khỏi.
Tóm lại, theo tính toán dòng chảy như trên, thì chất độc không chỉ ở 5 tỉnh miền Trung mà còn có nguy cơ lan chảy từ Hà Tĩnh xuống Phú Quốc. Những tính toán này là thuộc về vấn đề khoa học cơ bản, rất rõ ràng.
Tôi cho rằng đây là một hiểm họa cực kì lớn đối với cả đất nước, nó triệt tiêu nguồn tài nguyên để nhiều triệu người có thể duy trì cuộc sống trong nhiều ngàn năm qua dọc theo mảnh đất hình chữ S.
Hệ thống ống dẫn nước xả thải kéo dài từ Formosa đến biển Vũng Áng. Ảnh: T.Hoa/infornet
Là người có nhiều nghiên cứu về biển, theo ông, những “điểm” nào có khả năng gây ra chất độc khiến cá chết hàng loạt và kéo dài như hiện nay?
Không chỉ nghi vấn riêng Formosa, mà tất cả các khu công nghiệp (KCN) trước khi nước thải ra biển đều phải có sự kiểm tra hết. Không kiểm tra được thì đóng cửa. Đó là nguyên tắc. Quyền lợi của một nhóm luôn nhỏ hơn rất nhiều quyền lợi của cả một dân tộc. Vừa rồi trên thế giới có tập đoàn thép của Ấn Độ đã phải từ bỏ thị trường nước Anh, vì chi phí môi trường ở đây quá lớn. Còn ở Việt Nam thì lại chọn chi phí môi trường thấp nhất để kiếm lời. Đó là sự kiếm lời trên cái sống tàn tạ và trên tiền thuốc men, bệnh tật của người Việt Nam. Chúng ta làm việc và chiến đấu để sống, chứ không phải để chết.
Theo ông, việc xây dựng và phát triển công nghiệp tại vị trí Vũng Áng – Sơn Dương có phù hợp hay không?
Việc hình thành KCN, tôi cho rằng tùy vào mục tiêu của mình. Mục tiêu của ta là làm giàu bằng mọi giá, hay chúng ta từng bước phát triển, xây dựng quê hương tốt đẹp cho chúng ta? Hai mục tiêu đó khác nhau, mà mục tiêu của một nhóm người bằng mọi giá để lấy tiền và sau đó ra đi định cư ở nước ngoài là khác xa với mục tiêu của đa số người dân Việt Nam này là mơ ước tìm hạnh phúc ngay trên đất nước của mình.
Một khu kinh tế với những ngành công nghiệp nặng như Vũng Áng hiện nay là một nguy cơ rất lớn cho ô nhiễm môi trường vùng biển và nguy cơ cho ngành kinh tế thủy sản biển của mình. Nhất là khi mình vẫn chấp nhận nền công nghiệp lạc hậu của Trung Quốc, đó là điều không chấp nhận được và hậu quả sẽ không lường.
Ông đã từng đánh giá Vũng Áng – Sơn Dương có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng…
Đúng vậy! Sơn Dương là một trong bốn yếu huyệt bảo vệ sự an ninh lãnh thổ Việt Nam từ hướng biển đuợc xếp theo thứ tự: Cam Ranh, Sơn Dương, Nam Du và Côn đảo. Bốn yếu huyệt này được xác định dựa vào những yếu tố địa lý tự nhiên.
Ở vịnh Bắc Bộ, cảng Sơn Dương nằm phía nam Vũng Áng thuộc Hà Tĩnh có vị trí khá đặc biệt. Vị trí này cùng vĩ tuyến với cảng Tam Á, có hạm đội nguyên tử của Trung Quốc. Vị trí cảng Sơn Dương cũng nằm ngay phía bắc đèo Ngang nơi có đường Quốc lộ 1A với đường đèo và hầm qua núi. Độ sâu cảng Sơn Dương sau khi xây đê 3.000 m từ mũi Ròn đến hòn Sơn Dương thì vùng cảng kín sóng gió và đạt độ sâu đến trên -16 m cùng với vùng nước rộng rãi. Vì vậy, cảng Sơn Dương là yếu huyệt của vịnh Bắc Bộ, kiểm soát đường biển và đường bộ từ Nam Bộ và Trung Bộ tiếp tế cho miền Bắc Việt Nam.
Vùng nước Sơn Dương phía Nam Vũng Áng là vị trí duy nhất của cả miền Bắc có thể đón tàu sân bay được, nhưng mình giao cho Trung Quốc là hỏng. Vị trí đó nằm ngay Đèo Ngang, chỉ cần hai trung đội là đủ cắt đôi đất nước ngay, vì ở đây có hầm Đèo Ngang và đường độc đạo, xe lửa đi tới đây phải chạy ngược lên về phía Tây để băng qua, chứ còn vị trí này là đèo, không đi qua được.
Vị trí này là huyệt đạo của cả hải quân Việt Nam. Nó phải dành cho Hải quân Việt Nam chiếm lĩnh để bảo vệ đất nước. Vì với một nước nhỏ, nghèo, mọi việc từ xây dựng đến bảo vệ đất nước phải biết sử dụng những đặc điểm địa lý tự nhiên. Hải quân Việt Nam phải có các căn cứ quân sự đủ sức phòng ngự và tấn công để phòng ngự. Các căn cứ hải quân phải có độ sâu thích hợp, độ rộng mặt nước đủ năng lực tiếp nhận nhiều tàu quân sự, có núi cao để che chắn và thuận lợi trong cung ứng hậu cần. Và sự hợp tác với các đối tác nước ngoài trong xây dựng kinh tế ở các yếu huyệt trên cần gắn chặt với nhu cầu quốc phòng khi xảy ra chiến tranh vệ quốc.
Còn làm kinh tế là từng bước, chúng ta làm để sống chứ không phải làm để chết.
Năm 2003, tôi là người trực tiếp đã báo cáo tiềm năng vịnh Sơn Dương với bí thư Hà Tĩnh hồi đó – Trần Đình Đàn, tiềm năng của cảng Hà Tĩnh không phải ở Vũng Áng phía Bắc mà là phía Nam Vũng Áng, tức là vùng Sơn Dương. Việc đầu tư kinh tế tại đây là một sai lầm. Người Việt Nam mình phải hiểu địa phương mình hơn nước ngoài chứ!
Cá chết bất thường ở vùng biển miền Bắc Trung Bộ. Ảnh: Quang Tiến/zing.vn
Việc kiểm tra của các đoàn cơ quan Nhà nước vẫn đang được tiến hành tại KCN Vũng Áng nói chung và Formosa nói riêng. Trước tính chất nghiêm trọng của thảm họa cá chết hiện nay, ông đánh giá việc kiểm tra như mức độ hiện nay của Nhà nước là đủ chưa? Hành động ngay trong lúc này của Nhà nước cần là gì, thưa ông?
Tốt nhất bây giờ chúng ta cứ giải quyết vấn đề sòng phẳng với các doanh nghiệp kinh doanh, nếu anh gây ra ô nhiễm thì anh phải chịu trách nhiệm với hậu quả của chính anh. Việc chính quyền nhân nhượng doanh nghiệp trong việc kiểm soát chất thải là điều không chấp nhận và là nguyên nhân chính dẩn đến sự hỗn loạn của xã hội, nhất là với các doanh nghiệp nước ngoài.
Vấn đề cần làm hiện nay là phải cắt ngay nguồn độc này! Việc đầu tiên hiện nay là cần cấm đưa chất thải chưa xử lý ở các KCN ra biển. Hệ thống kiểm tra môi trường cần xác định ngay tính hợp pháp của những đường ống chất thải ra biển. Nếu hệ thống ống không hợp pháp thì cần xử lý ngay theo pháp luật, kể cả giải thể doanh nghiệp. Nếu hệ thống ống thải là hợp pháp thì cần thay đổi ngay những cán bộ có chức năng đang kiểm soát môi trường tại Hà Tĩnh vì họ không hoàn thành nhiệm vụ.
Khi người dân Việt Nam từ Hà Tĩnh đến Phú Quốc không dám ăn cá biển thì kinh tế và xã hội Việt Nam sẽ ra sao? Thương hiệu hải sản Việt Nam sẽ đi về đâu? Nó là một tai họa không tưởng tượng được, và tôi nghĩ rằng nó sẽ đốt tất cả những thành quả bao nhiêu năm qua của chúng ta. Khi con người ở ven biển mà không dám ăn cá, khi hàng triệu ngư dân không có công việc để kiếm sống thì đất nước này sẽ hỗn loạn.
Lê Quỳnh (thực hiện)
***
Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng chủ yếu do Trung Quốc thầu và thi công. KKT này được thành lập vào tháng 4.2006, trên cơ sở khu công nghiệp – cảng biển Vũng Áng đã được thành lập từ năm 1997. Đây là một bộ phận của khu đô thị Vũng Áng và vùng kinh tế Bắc Quảng Bình – Nam Hà Tĩnh. KKT Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3.4.2006 có diện tích 22.781 ha với mục tiêu xây dựng, phát triển thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là:
(1) phát triển các ngành công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về tài nguyên, nguồn nguyên liệu; các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, công nghiệp thép, trung tâm nhiệt điện và lọc hóa dầu,
(2) phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng Vũng Áng – Sơn Dương bao gồm việc đầu tư và khai thác có hiệu quả khu liên hợp cảng, phát triển dịch vụ cảng và các dịch vụ vận tải biển để tạo thành một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của Bắc Trung Bộ.
(3) xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng, đồng thời ưu tiên phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch nghĩ dưỡng biển trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc Trung Bộ.