Dân ta sao lắm tai ương

Từ đầu năm đến giờ có thể nói có quá nhiều sự kiện nghiêm trọng xảy ra với dân Việt ta mà nguyên nhân do thiên tai và cả nhân tai. Nghiêm trọng nhất là xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, kế đến là vụ cá chết hàng loạt ven biển bốn tỉnh từ Kỳ Anh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long như năm nay là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử, chưa bao giờ nước biển xâm nhập sâu và diện rộng như vừa qua. Với hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt vừa qua có thể nói chúng ta hoàn toàn bị động, mặc dù đã được cảnh báo trước rằng Việt Nam là một trong năm nước bị thiệt hại nặng nhất nếu nước biển dâng; không những bị động mà chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hiện tượng trên. Nhà chức trách, kể cả một số chuyên gia, nhà khoa học chỉ mới đưa ra những “chỉ thị” như: không để dân thiếu nước ngọt, nên chuyển đổi cây trồng vật nuôi chịu mặn… (!)

Vậy ta phải làm gì để chủ động đối phó với xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi vựa lúa của cả nước, nơi đóng góp phần lớn lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam?

Một số chuyên gia đưa ra giải pháp xây đập ngăn nước mặn giống như Hà Lan, nhưng kinh phí quá tốn kém không khả thi; hoặc chuyển đổi cây trồng vật nuôi, biện pháp này cũng không thể làm ngay và cũng không thể mọi vật nuôi cây trồng đều thích ứng với nước mặn được, và giả sử chuyển đổi vật nuôi cây trồng được thì nước ngọt cho con người giải quyết bằng cách nào? Tôi chỉ là thảo dân, xin mạnh dạn đưa ra giải pháp để các nhà khoa học cũng như quản lý nghiên cứu.

Chúng ta không thể ngăn các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông xây đập làm thủy điện được vì họ đã xây, đang xây và sẽ xây với số lượng trên 20 đập làm thủy điện. Có nước còn ngang ngược tuyên bố “lưu vực sông của chúng tôi, chúng tôi muốn làm gì thì làm”. Trước tình hình đó, chúng ta cũng xây đập, sẽ không làm được thủy điện vì chiều cao đập không cho phép, mà để tích trữ nước ngọt. Vào mùa mưa ta không cần trữ nước nhưng cuối mùa mưa thì ta bắt đầu trữ nước, khi hạ lưu hạn hán ta tự xả nước mà không phải cầu cạnh các quốc gia đầu nguồn Mê Kông. Nếu xây ở chín cửa sông ta không đủ kinh phí, nhưng ta có thể xây chỉ một đập duy nhất ở biên giới với Campuchia hoặc một vị trí thích hợp ở tỉnh Đồng Tháp, với làm cách này ta biến các nước thượng nguồn sông Mê Kông thành hồ chứa nước ngọt cho ta. Cách này hoàn toàn khả thi. Hiệu quả cao hay thấp tùy thuộc chênh lệch độ cao về địa hình giữa ta và Campuchia.

Các chuyên gia đưa ra dự tính nếu xây đập ngăn nước mặn theo kiểu Hà Lan phải mất chừng 50 tỷ USD, nhưng xây đập thượng nguồn chỉ mất vài tỷ USD, bởi thay vì xây 9 đập rất dài ở cửa biển, ta chỉ cần xây duy nhất 1 đập ở đầu nguồn với chiều dài đập ngắn hơn nhiều đập cửa biển.

Thảm hoạ biển

Vụ cá chết hàng loạt từ Kỳ Anh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế cũng là điều bất thường chưa từng xảy ra. Những ngày qua báo chí quốc doanh cũng như lề dân tốn biết bao công sức và giấy mực, và hầu hết thất vọng với thông tin mập mờ của nhà chức trách. Có kẻ quyền cao chức trọng còn lớn tiếng rằng Formosa làm đúng luật và trạm quan trắc tự động của Formosa có khả năng làm sạch được nước thải khi phát hiện nước thải không đủ tiêu chuẩn (!). Thông tin mới nhất của Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn cho rằng có thể do thủy triều đỏ hoặc độc tố hóa học. Trong khi đó tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định do hóa chất cực độc, Hội Nghề cá trong văn bản gửi nhà chức trách phản đối nguyên nhân thủy triều đỏ làm cá chết.

Câu hỏi đặt ra là kẻ lớn tiếng kia liệu có khách quan khi cơ quan ông ta vừa là nơi duyệt đầu dự án, cũng là nơi theo dõi giám sát dự án vận hành? Tại sao theo đúng dòng hải lưu ven biển miền Trung, cá chết bắt đầu từ Vũng Áng Hà Tĩnh, tiếp đến Quảng Bình, Quảng Trị, rồi Thừa Thiên – Huế? Nếu hệ thống quan trắc tự động của Formosa mà xử lý được nước thải đủ tiêu chuẩn rồi mới cho xả ra biển thì Formosa xả ngay nước thải ra bãi biển chứ cần gì làm đường ống dẫn nước thải dài 1,5 km đặt chìm đáy biển cho tốn kém? Như vậy đã rõ sự mờ ám này có ngay từ khi lập dự án xây dựng hệ thống xả thải, và không hiểu vì lý do gì mà nhà chức trách Việt Nam đồng tình phê duyệt, trong khi không có chuyên môn như dân đen như chúng tôi cũng đã có thể nghi ngờ rằng nếu nước thải đủ tiêu chuẩn thải ra môi trường thì thải ngay chứ việc gì phải làm đường ống dài chìm sâu trong nước cho tốn?!

Đến nay các phát ngôn của nhà hữu trách có vẻ né tránh và bênh vực nhà đầu tư. Họ lấy cớ làm căng làm đúng sẽ làm nản nhà đầu tư và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam, nhưng đằng sau cớ ấy thực chất là gì thì chỉ có trời mới biết! Nhiều người cho rằng ông giám đốc đối ngoại Chu Xuân Phàm là người trong cuộc của Formosa đã nói đúng, Việt Nam phải lựa chọn “muốn đánh bắt cá tôm hay muốn xây dựng ngành thép”, câu nói của ông giám đốc đối ngoại Formosa đã nói lên tất cả.

Hà nội ngày 29 tháng 4 năm 2016

T.B

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in kinh tế, Môi Trường. Bookmark the permalink.