Sau gần một tháng kể từ đợt cá chết hàng loạt ở quanh khu vực công nghiệp gang thép Formosa thì các bộ ngành bắt đầu lên tiếng. Ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết chính bộ của ông làm chủ trì phối hợp với các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng 4 tỉnh có cá chết hàng loạt để thành lập nhiều đoàn đi thanh tra. Ngoài ra còn đáng kể đến cả “ông kẹ” Viện hàn lâm KHCN Việt Nam, cùng các cơ quan khoa học trong và ngoài nước, cả GS của Đại học Tokyo cùng thảo luận đưa ra “nhiều ý kiến xác đáng” dù là kết quả nghiên cứu bước đầu.
Ông Thứ trưởng cho biết đã loại trừ được các nguyên nhân khác, đi đến nhận định sơ bộ, trích:
“1. Có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thứ nhất, do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển. Thứ hai, do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thủy triều đỏ.
- Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.
- Qua số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định” [1].
Theo cách trình bày trên, người đọc hiểu có 3 ý nhấn mạnh, nên đã được đánh số cụ thể. Vì sự tách bạch như thế, ai cũng có thể hiểu rằng giữa mục (1) và (2) độc lập với nhau. Và như thế yếu tố “con người” ở mục (1) không có liên quan gì đến Formosa (cũng là con người) ở mục (2) cả.
Cho tới thời điểm thông cáo báo chí đầu tiên ra đời, họ chưa có kết luận gì về mục (1) nên chính vì thế đoạn sau của thông báo nêu rất rõ: “Để xác định rõ nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết hàng loạt và có các giải pháp ứng phó về lâu dài với các thảm họa tương tự, cần tổ chức nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân nói trên” [1].
Trong khi đó, ở mục thứ hai thì nêu rõ ràng là chưa có mối liên hệ nào giữa Formosa với hiện tượng cá chết hàng loạt cả (dù là kết quả sơ bộ). Như thế, người đọc không thể hiểu khác được là thực chất của thông cáo báo chí này không có gì khác hơn là một thông tin trấn an dư luận một cách chính thống.
Chính vì lẽ đó mà nhiều báo chí đều đồng loạt lên tít cho rằng theo thông cáo thì Thủy triều đỏ có thể là nguyên nhân của vụ cá chết hàng loạt. Hẳn không phải tất cả họ đều hiểu sai tinh thần và nội dung bản thông cáo, vì các Bộ đã sơ bộ loại Formosa ra khỏi danh sách đen rồi!
Và cũng chính tuyên bố từ một tập hợp các cơ quan chính thống đó cho thấy sự lố bịch của chính họ. Ở mục (3) kết quả phản biện không ở đâu xa mà chính ngay trong nội bộ của tập thể đó. Sở TN&MT của Thừa Thiên-Huế (đơn vị có trong các đoàn thanh tra), trước thông cáo báo chí ra một ngày, họ công bố đã phát hiện trong nguồn nước cá chết có tình trạng nhiễm kim loại nặng crôm và nitơ – tính theo amoni – vượt quá mức ngưỡng cho phép [2].
Nếu xét theo cấp độ quyền lực thì hẳn là Sở TN&MT của Thừa thiên-Huế hoặc là không đủ trình độ xét nghiệm, làm sai kết quả, hoặc họ báo cáo láo. Nếu họ làm sai hoặc báo cáo láo thì trong thông cáo báo chí phải có lời đính chính (vì thông cáo báo chí ra sau bài báo trên Người Lao động đưa tin) [2]. Đằng này không. Vậy câu hỏi đặt ra cho tập thể toàn những bộ sậu đó đã làm gì? Có thực họ làm khảo sát thực sự không? Có thể họ sẽ lập luận là họ đã làm, nhưng không có họ bảo không có. Tuy nhiên, về nguyên tắc, dữ kiện khoa học có tính động và tính bổ sung. Vấn đề là đi tìm dữ kiện cho một giả thuyết. Một khi có dữ kiện phù hợp với giả thuyết thì kết quả đó cần được tôn trọng và giữ nguyên cho tới khi tìm được bằng chứng mới thuyết phục hơn.
Chưa hết, mới vừa hôm trước thông cáo báo chí đưa tội đồ “thủy triều đỏ” vào “danh sách đen”, thì ngay ngày hôm sau, một cuộc họp khoáng đạt hơn, quy mô hơn bao gồm cả Tân Thủ tướng cùng bộ sậu cũ, thêm cả bộ Hình (Bộ Công an), Bộ Y tế, Bộ Thông tin truyền thông và cả Ban Tuyên giáo trung ương đã đính chính lại. “Thủy triều đỏ” không phải là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt trong thời gian qua [3]. Lý do được cho là hôm nay (28/4/16) mới có kết quả xét nghiệm. Kể thiệt là lạ. Toàn các Bộ đầu não mà làm việc như là “kiến bò chảo rang”, nóng đâu chạy đó, chạy quanh. Chỉ cần chờ thêm không đầy 24 giờ đồng hồ nữa là có thêm một kết quả hết sức quan trọng mà không chờ nổi, đến độ phải khẩn cấp ra thông cáo báo chí, mà nội dung gần như để bao biện cho Formosa và nghi vấn chuyển sang yếu tố thiên nhiên (không tự bào chữa được)! Thêm một thắc mắc nhỏ là chuyện liên quan đến khoa học và môi trường, sao lại có Ban Tuyên giáo ở đây? Hay lại để định hướng dư luận, biết đâu rồi sẽ không còn tin cá chết trên các báo. Biết đâu.
Ai làm công tác khoa học cũng đều biết, chuyện gì cũng có quy trình và tiến độ, mọi việc đều có sự bất định nhưng luôn có dự kiến. Chẳng có một công việc nào mà không được tiên liệu trước, và luôn có phương án phụ trợ, nếu sự kiện diễn tiến bất thường. Và điều đó để nói lên chẳng khác nào các vị đang làm một việc múc từng gàu nước chữa lửa. Để cho mọi người vạch ra sự vô lý rồi mới chống chế, chữa cháy.
Thêm chuyện ngoài, trên báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước – số 22/4 đưa tin nhân dân ở phường Quỳnh Phương, Hoàng Mai cho biết có tình trạng thủy triều đỏ xuất hiện ở cửa sông Hoàng Mai liên tục từ đầu năm đến nay và đã tác động nghiêm trọng đến đời sống thủy sinh ở vùng này, làm cho nhiều hộ nuôi tôm ở đây bị xóa sổ [4].
Lập tức đại diện Phòng TN&MT thị xã Hoàng Mai, Nghệ An phản bác ngay rằng hiện tượng nước sông Hoàng Mai ở đây là lúc có màu đỏ, lúc có màu bùn không phải là thủy triều đỏ. Lý do có thể do thời tiết chuyển mùa mà làm cho bùn bị khuấy lên gây đổi màu. Điều đó cũng có nghĩa là cán bộ cấp thị xã đã giáng một cái tát vào cơ quan ngôn luận của đảng và nhà nước. Nếu là bùn sục lên thì làm sao có thể gây chết được thủy sinh? [5]
Các vị lãnh đạo cao cấp luôn kêu gọi người dân nên đặt niềm tin vào các cấp chính quyền, vào lãnh đạo, vào sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của họ. Nhưng thử hỏi chỉ có vài thông tin nêu ra mà đã tự mâu thuẫn như thế thì họ đi tìm kiếm niềm tin ở đâu? Vẫn câu nói người xưa “nhất ngôn bất tín, vạn sự bất tin”. Mà không biết người dân đã bao lần bị thất tín!
Điểm cuối, một nghịch lý khác nằm ở chỗ Bộ TN&MT là bộ đã cấp giấy phép cho Formosa đặt ống thải xả, thì cũng chính cái bộ này làm chủ trì trong mọi công việc thanh tra tìm kiếm vừa qua, và cũng chính họ đứng ra đưa thông cáo báo chí tạm thời thanh minh cho sự trong sạch của Formosa. Điều đó chẳng khác nào là “trọng tài vừa đá bóng vừa thổi còi”! Chưa hết, trong tương lai việc đi tìm kiếm nguyên nhân cá chết còn có thể sẽ cần “huy động các tổ chức khoa học quốc tế để kiểm chứng”. Từ ngữ là chính xác “huy động” – có nghĩa là các quan nhà ta sẽ điều động, kêu gọi các tổ chức khoa học quốc tế vào cuộc. Không biết các tổ chức khoa học quốc tế đã đầu quân cho các bộ của ta khi nào mà cơ quan chủ quản có quyền huy động họ nhỉ?
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung vừa rồi cần phải nghiêm túc được coi là một thảm họa quốc gia. Thảm họa nào cũng có yếu tố nguy cơ và nguyên nhân. Có những nguyên nhân và nguy cơ phòng ngừa và ngăn ngừa được nhưng cũng có nguy cơ và nguyên nhân không ngừa được. Trong trường hợp này nguy cơ có thể ngăn ngừa lập tức được là yếu tố tác động trực tiếp từ các chất thải công nghiệp trong vùng bị hại, bất luận rằng có bằng chứng hay chưa có bằng chứng. Cho nên, dù rằng kết luận sơ bộ các chất thải của nhà máy gang thép Formosa trong mẫu thử gần đây là trong sạch thì nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn đó. Tác động nhanh nhất để có thể loại trừ nguy cơ tiềm ẩn này là nghiêm cấm nhà máy Formosa cũng như các nhà máy khác quanh vùng xả thải ra biển cho đến khi có đủ dữ kiện xác quyết là vô hại. Điều đó chỉ có thể được coi là khách quan khi có kết quả giám định từ một tổ chức giám định quốc tế độc lập. Tổ chức này là một tổ chức trung gian chịu trách nhiệm pháp lý chứ không phải các nhà khoa học bè bạn hay các nhà khoa học quốc tế được huy động.
Mà trước nay, các cấp thẩm quyền của ta rất giỏi trong việc điều gì quản không được thì cấm. Vậy nay không quản được Formosa thì các vị hãy chứng tỏ tài của mình, cấm quách nó đi là xong. Coi như nguy cơ thải chất độc sẽ được tiễu trừ.
===
[1] http://cafef.vn/bo-tai-nguyen-moi-truong-thuy-trieu-do-co-the-la-mot-nguyen-nhan-gay-ca-chet-hang-loat-o-mien-trung-20160427202659289.chn
[2] http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nuoc-bien-vung-ca-chet-bi-nhiem-kim-loai-nang-20160426120245557.htm
[3] http://dantri.com.vn/xa-hoi/loai-tru-nguyen-nhan-thuy-trieu-do-lam-ca-chet-o-mien-trung-20160428190743067.htm
[4] http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/moi-truong/item/29385902-thuy-trieu-do-xuat-hien-o-nghe-an.html
N.Đ.N
Tác giả gửi BVN