Nhật Bản và Trung Quốc: một rừng, hai cọp tại châu Á

Ngày 10/4 vừa qua, ngoại trưởng của các nước G7 đã nhóm họp tại Hiroshima tạo điều kiện cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tham gia lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 140.000 nạn nhân bỏ mạng sau cuộc đánh bom nguyên tử ngày 6/8/1945 theo lệnh của Tổng thống Harry Truman để chấm dứt chiến tranh ở châu Á. Mục đích của Hội nghị Ngoại trưởng là chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức vào ngày 26-27 tháng 5 sắp tới tại Ise-Shima, một trung tâm nghỉ mát ven biển gần thành phố Osaka. Lãnh tụ của các nước có nền kinh tế công nghiệp tân tiến gồm có Tổng thống Obama (Mỹ), Thủ tướng David Cameron (Anh), Thủ tướng Angela Merkel (Đức), Tổng thống François Holland (Pháp), Thủ tướng Mateo Renzi (Ý), và Thủ tướng Justin Trudeau (Canada) sẽ có mặt tham dự. Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật sẽ chủ trì Hội nghị. Chủ tịch Liên Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker cũng được mời tham dự. Hai vị khách đặc biệt khác của Hội nghị là Tổng thống Maithripala Sirisena của Bangladesh và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam.

Bản Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao đưa ra vào ngày 11/4 có hai điểm chính về mặt an ninh quốc tế. Thứ nhất, G7 kêu gọi và thúc đẩy thế giới tiến tới một tương lai phi vũ khí nguyên tử. Thứ hai liên quan tới tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, G7 kêu gọi các bên can dự tôn trọng quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không theo luật quốc tế và phản đối mạnh mẽ “mọi hành động ép buộc, đe dọa, khiêu khích đơn phương làm thay đổi hiện trạng và leo thang cẳng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông” cũng như yêu cầu các bên liên can giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc tế gồm có việc sử dụng Tòa án Trọng tài dưới Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tuy không nêu đích danh nhưng ai cũng biết Trung Quốc là đối tượng của Bản Tuyên bố. Do đó, Trung Quốc đã giận dữ triệu tập đại sứ các nước G7 để bày tỏ thái độ phản đối Bản Tuyên bố này. Thật ra trước khi nhóm ngoại trưởng G7 nhóm họp, Trung Quốc đã yêu cầu Nhật Bản trong vai trò nước chủ nhà cùng với một số thành viên G7 khác không đặt Biển Đông và Biển Hoa Đông trong chương trình nghị sự. Nhưng Nhật Bản cho rằng đó là một đòi hỏi vô lý vì rõ ràng những hành động hung hăng quân sự hoá của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh, hòa bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Quyết định đưa vấn đề cũng như thuyết phục các ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung cho thấy quan hệ Trung – Nhật dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe đang bước sang một khúc rẽ quan trọng và quyết liệt.

Sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc và Nhật bị giải giáp dưới quyền của Tướng MacAthur, Nhật đóng lại một chương sử đầy tác hại và đau thương của chế độ quân phiệt sẵn sàng sử dụng chiến tranh để bành trướng chủ quyền. Tiến trình dân chủ hóa của Nhật bắt đầu bằng bản Hiến pháp hòa bình 1946 (có hiệu lực từ ngàu 3/5/1947). Điều 9 Hiến pháp ghi rõ là “nhân dân Nhật Bản mãi mãi từ bỏ: (1) sử dụng chiến tranh như là một hình thức chủ quyền của dân tộc và (2) đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế“. Bên cạnh đó, Nhật cũng ký hiệp ước hòa bình do 48 nước Đồng Minh đề ra tại Hội nghị San Francisco vào ngày 8/9/1951, cam kết từ bỏ chiến tranh và sử dụng vũ lực trong tranh chấp quốc tế cũng như từ bỏ chủ quyền đối với Đài Loan, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Kurils và Nam Sakhalin.

Dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ, Nhật Bản tái cấu trúc hệ thống quốc phòng và thành lập lực lượng phòng vệ Nhật Bản gồm có lục quân, hải quân và không quân có nhiệm vụ “bảo vệ hòa bình và nền độc lập quốc gia trước cuộc xâm lược trực tiếp hoặc gián tiếp“. Một đặc điểm của hệ thống phòng vệ mới này là tính dân sự chẳng hạn như Bộ Quốc phòng được gọi là Cục Phòng vệ và mọi nhân sự của Lực lượng Phòng vệ đều được coi là dân sự phục vụ dưới sự lãnh đạo của các quan chức dân sự trong Cục Phòng vệ. Không có tòa án quân sự hoặc luật bí mật quân sự và mọi bị cáo trong Lực lượng Phòng vệ đều được xét xử bởi các tòa án dân sự.

Hiệp định An ninh Nhật – Mỹ được ký vào năm 1960 ấn định trách nhiệm của Lực lượng Phòng vệ là bảo vệ an ninh nội địa còn Hoa Kỳ bảo vệ Nhật khi có cuộc tấn công từ bên ngoài. Hiệp định này cho phép Nhật tập trung mọi nguồn lực vào việc phát triển kinh tế và sau 4 thập niên, GDP mỗi đầu người tăng vọt nhanh chóng từ 200 Mỹ kim năm 1955 lên 7.300 vào năm 1978, 15.800 vào năm 1987 và 27.000 vào năm 1990. Tuy nhiên, kinh tế Nhật Bản gặp nhiều khó khăn và suy thoái trong hai thập niên qua và GDP mỗi đầu người đã giảm từ 46.679 vào năm 2012 xuống 38.633 năm 2013 và 36.194 trong năm 2014 theo thống kê của Ngân hàng Thế giới.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết vào cuối năm 1991, một trật tự thế giới mới được hình thành và Hoa Kỳ trở thành siêu cường quốc đứng đầu thế giới. Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai. Năm 1992, Nhật thông qua  các đạo luật cho phép Lực lượng Phòng vệ được hoạt động tại nước ngoài để thi hành nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc và sau đó gửi quân gìn giữ hòa bình tới các quốc gia như Cambodia, Mozambique, Rwanda và Đông Timor. Năm 1997, trong bản hướng dẫn hợp tác an ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản, Nhật đồng ý cung cấp các hỗ trợ hậu cần và phi tác chiến khác cho các hoạt động của quân sự của Hoa Kỳ trong “những khu vực xung quanh Nhật Bản“. Điều này gây lo ngại cho Bắc Kinh vì có thể ảnh hưởng tới cục diện nếu có sự xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. Năm 1998, Bình Nhưỡng cho phóng một tên lửa đạn đạo qua đảo Honshu nhắc nhở Nhật Bản về mối đe dọa của Bắc Hàn.

Không có sự xung đột nào giữa Trung Quốc và Nhật Bản cho đến giữa thế kỷ 19 nhưng từ 1850 tới 1945 thì lịch sử ghi nhận Trung Quốc là nạn nhân thảm hại nhất của chủ nghĩa phát-xít Nhật. Chiến tranh Nhật – Thanh diễn ra từ 1/8/1894 tới 17/4/1895 đánh dấu sự suy tàn của nhà Thanh. Kết quả là nhà Thanh nhượng quyền bảo hộ Triều Tiên và bồi thường chiến phí cho Nhật trị giá khoảng 340 triệu lạng bạc tương đương với 6 lần tổng thu ngân sách của Nhật Bản. Năm 1915, Nhật đưa ra 21 yêu sách ép buộc Trung Quốc công nhận quyền lợi chính trị và thương mại của Nhật tại Trung Quốc. Năm 1931, Nhật sử dụng sự kiện Phụng Thiên (Mukden Incident) cho nổ đường ray xe lửa do Nhật làm chủ gần Phụng Thiên để lấy cớ xâm lược Mãn Châu. Năm 1937, Nhật tiến quân xâm lược Trung Quốc và chiếm được Thủ đô Nam Kinh đẩy lùi quân Trung Quốc về Trùng Khánh. Trong vòng 6 tuần sau khi Nam Kinh thất thủ, quân Nhật sát hại khoảng từ 40.000 – 300.000 binh sĩ và thường dân cũng như hãm hiếp hơn 20.000 phụ nữ Trung Quốc. Cuộc tàn sát Nam Kinh là một trở ngại lớn trong việc hàn gắn bang giao Trung – Nhật và Trung Quốc vẫn cho rằng Nhật chưa bao giờ thành khẩn nhận lỗi về tội ác chiến tranh đối với nhân dân Trung Quốc của quân đội Thiên Hoàng, đặc biệt là khi các vị thủ tướng Nhật tiếp tục viếng đền Yusakuni trong đó có thờ một số tội phạm chiến tranh Đệ nhị Thế chiến.

Sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng thống Nixon vào tháng 2 năm 1972, Trung Quốc và Nhật Bản nối lại quan hệ ngoại giao vào ngày 29/9/1972. Nhật bắt đầu viện trợ và đổ tiền đầu tư vào Trung Quốc cũng như thúc đẩy Trung Quốc hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Sau biến cố Thiên An Môn 1989 khi cả ngàn sinh viên bị sát hại và Trung Quốc bị thế giới lên án và cấm vận, Nhật giúp Trung Quốc phục hồi và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Có thể nói là nhờ vào viện trợ và kỹ thuật của Nhật mà Trung Quốc có điều kiện phát triển kinh tế nhanh chóng trong 3 thập niên qua. Chính sách của Nhật trong giai đoạn này là hỗ trợ Trung Quốc phát triển cũng như tìm cách trói buộc kinh tế và vận mệnh của Trung Quốc với Nhật Bản với hy vọng là từ đó chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ thân thiện và có lợi cho Nhật. Có lẽ đây cũng là một cách nói xin lỗi của người Nhật đối với Trung Quốc thay vì phải thốt ra những lời mà họ cho rằng có thể mang tính nhục mạ đối với thế hệ tiền bối quân phiệt của họ.

Có hai sự kiện biến đổi bản chất quan hệ Trung – Nhật trong năm 2010. GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật và chiếm hàng thứ hai sau Mỹ. Vào tháng 9 năm 2010, một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản gần đảo Sensaku và nguyên đoàn thủy thủ Trung Quốc bị bắt giam 20 ngày. Trung Quốc giận dữ triệu tập Đại sứ Nhật và nhiều lần yêu cầu Nhật phải xin lỗi. Sau đó, Trung Quốc ngăn cản tàu chở về Nhật đất hiếm (Trung Quốc chiếm giữ 95% thị trường cung cấp) là thứ nguyên tố kim loại cần thiết cho việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Thay vì nhẹ nhàng giải quyết vấn đề thì hai Ngoại trưởng Trung – Nhật lại đấu khẩu công khai với nhau dẫn đến vài cuộc biểu tình của các nhóm thiên hữu của Nhật trước Lãnh sự Quán Trung Quốc tại Fukuoka và Nagasaki. Ngược lại, hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối Nhật diễn ra dưới đất và trên mạng tại Trung Quốc. Cuộc biểu tình tại Thành Đô có hơn 30.000 người Trung Quốc tham dự.

Trong tháng 8 và 9 năm 2012, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara (một chính khách thiên hữu) có ý định mua lại 3 hòn đảo Senkaku từ một gia đình người Nhật. Lo ngại là sự việc này sẽ làm xấu đi quan hệ với Trung Quốc, chính phủ Nhật quyết định quốc hữu hóa quần đảo này. Nhưng kết quả lại trái ngược vì Trung Quốc tức tối cho rằng Nhật cố ý khiêu khích. Hàng trăm cửa tiệm, nhà hàng và Lãnh sự Quán Nhật tại Trung Quốc bị đập phá trong suốt tháng 9 năm 2012.

Tình hình căng thẳng leo thang cho tới tháng 12 năm 2012 khi 8 chiến đấu cơ F15 của Nhật phải ngăn chận phi cơ trinh sát của Trung Quốc bay qua Senkaku. Sự việc này lặp lại vào ngày 11/1/2013. Cũng trong tháng 1, 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera báo cáo là tàu chiến Trung Quốc đã hướng radar nhắm bắn vào tàu Nhật. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác lại và cho là Nhật cố tình “bôi nhọ” Trung Quốc. Ngày 16/3/2013, Trung Quốc công bố Bạch thư nêu đích danh Nhật Bản là thủ phạm gây rối tại Senkaku. Ngày hôm sau, Trung Quốc đưa tàu khu trục Lan Châu và tàu tuần dương Hành Thủy vào gần vùng biển Senkaku. Nhật đáp trả bằng cách vào ngày 21/4/2013, thành viên nội các của Thủ tướng Abe tới viếng đền Yasukuni. Ngày 23/4/2013, 170 Dân biểu Quốc hội Nhật đặt chân lên Senkaku gửi một thông điệp cứng rắn đến Trung Quốc là Nhật khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này.

Ngaỳ 23/11/2013, Trung Quốc công bố thành lập vùng nhận dạng phòng không trong Biển Hoa Đông bao trùm lên cả quần đảo Senkaku. Hoa Kỳ lập tức thách đố tuyên bố này bằng cách cho hai máy bay ném bom B52 bay qua mà không báo trước cho Bắc Kinh. Nhật và Hàn Quốc cũng đưa máy bay bay qua sau Mỹ. Vào ngày 6/12/2013, Quốc hội Nhật thông qua nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút lại tuyên bố này. Trong chuyến công du châu Á vào tháng 4 năm 2014, Tổng thống Obama xác nhận Hiệp ước An ninh Nhật Mỹ áp dụng cho quần đảo Senkaku. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiếp tục đưa máy bay trinh sát vào gần vùng biển xung quanh Senkaku.

Trong tháng 9 năm 2015, Quốc hội Nhật Bản thông qua Đạo luật An ninh Quốc gia cho phép Nhật sử dụng quyền phòng thủ tập thể và gửi quân tham chiến ở nước ngoài. Sự kiện này đánh dấu một chu kỳ lịch sử chiến tranh và hòa bình để Nhật trở thành quốc gia có hệ thống quốc phòng bình thường như các nước khác trên thế giới.

Nguyên nhân chính của sự thay đổi cốt lõi này rõ ràng là do sự trỗi dậy “hung hăng” của Trung Quốc đã đánh thức tinh thần võ sĩ đạo yên giấc từ năm 1945. Tuyên bố của các Ngoại trưởng G7 cũng nằm trong bối cảnh đó và lót đường cho Bản Tuyên bố của nguyên thủ G7 trong tháng 5 sắp tới. Phán quyết của Tòa Trọng tài cho vụ kiện “Đường Lưỡi bò” của Philippines dự đoán sẽ được ban hành trong tháng 6. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều đã tiến hành những bước xoay trục trong quan hệ ngoại giao không thể nào quay đầu trở lại. Tình hình an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương trong những ngày tháng sắp tới một phần lớn sẽ phụ thuộc vào thái độ của hai con cọp này có thể được xem nếu không là kẻ thù truyền kiếp thì cũng là đối thủ truyền kỳ. Nhưng có một sự khác biệt rất lớn giữa hai nước. Nhật Bản đã chọn một thể chế dân chủ, đa nguyên, đa đảng, văn minh, tiến bộ và nhân bản và chính người dân Nhật Bản sẽ không bao giờ cho phép chính quyền của họ quay đầu lại với quá khứ quân phiệt đen tối sẵn sàng dùng vũ lực để bành trướng chủ quyền. Trong khi đó Trung Quốc vẫn đi theo con đường cộng sản, độc tài, độc quyền, lỗi thời, bao cấp và tàn bạo và cho dù có muốn đi nữa thì người dân Trung Quốc cũng không thể nào ngăn cản được dã tâm tranh bá đồ vương mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang theo đuổi với một tương lai chết chóc đầy thảm khốc.

Việt Nam cũng chọn đi theo con đường của Trung Quốc và hậu quả là gì? 40 năm sau chiến tranh, GDP mỗi đầu người của Nhật tăng từ 200 Mỹ kim vào năm 1955 lên gần 11.465 Mỹ kim trong năm 1985 so với Việt Nam là 239 Mỹ kim trong năm 1985 và 2.052 vào năm 2015. Đó chỉ là về mặt kinh tế còn chưa kể văn hóa, giáo dục, xã hội và nhất là tinh thần yêu nước biết quan tâm đến tương lai, vận mệnh và chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của dân tộc ngày càng suy đồi và tuột dốc. Nếu không cấp bách thay đổi thể chế chính trị thì không bao lâu nữa Việt Nam cũng sẽ mất luôn chủ quyền ở Trường Sa vào tay Trung Quốc.

N. V. T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Quốc Tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.