Chủ tịch Hồ Chí Minh – điểm tựa cho tinh thần dân tộc của chúng ta

Tâm tư và suy nghĩ nhân kỷ niệm 120 năm ngày 19 Tháng Năm

“Tình huống hiện nay chỉ cho phép nước ta lựa chọn cách ứng xử như thế nào mà thôi:

– Kịch bản 1: Hoặc là dấn thân đi vào hướng phát triển phồn vinh của dân chủ tự do, để có thực lực, có nhân cách và có tư cách trở thành một đối tác được tôn trọng của Trung Quốc và của cả thế giới?

– Kịch bản 2: Hay là chịu thúc thủ buông xuôi, mặc cho số phận đưa đẩy vào con đường của đổ vỡ do tham nhũng tha hóa bên trong, của quỳ gối lệ thuộc do bị o ép từ bên ngoài, như quá khứ mất nước của chính ta và như kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ ra?! Trong tình huống này, nếu được ban phát hòa bình và hữu nghị, thì đó sẽ chỉ là thứ hòa bình – hữu nghị dành cho thằng hầu hay kẻ làm đĩ!

– Không có kịch bản thứ ba! Càng không có một phép trời hay liên minh ý thức hệ nào có thể đẻ ra cho nước ta kịch bản thứ ba. Ta có ngậm miệng hay nhắm mắt, có van xin hay cố giữ hòa hiếu đến đâu đi nữa, cuộc sống khách quan chỉ dành cho nước ta hai kịch bản nói trên để lựa chọn mà thôi!”

“Cục diện thế giới “tranh tối tranh sáng” hiện nay tạo ra cho nước ta điều kiện có thể đóng vai trò tích cực trong nhiều vấn đề “nóng” của thế giới, mang lại cơ hội cho phép nước ta không phải lệ thuộc vào một ai để khẳng định mình, vừa là thời cơ vừa là đòi hỏi Đảng phải rũ bỏ mọi yếu kém của mình để tự thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ từ trên xuống và từ trong Đảng ra: Đổi mới thể chế chính trị của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc của đất nước. Đây chính là chiến trường mới vô tiền khoáng hậu của Đảng. Đất nước không có kịch bản thứ ba, nên Đảng cũng không có kịch bản thứ ba!”

Thưa học giả Nguyễn Trung, tâm huyết và khát vọng nồng cháy vì sự an toàn lãnh thổ và phồn vinh của dân tộc trong những lời kêu gọi của ông ai cũng thấy rõ. Nhưng yêu cầu thay máu cho một tổ chức mà ai cũng nhìn không kém rõ ràng là đối với người cầm chịch chỉ còn là đặc quyền đặc lợi, thì đó là yêu cầu có vẻ như không tưởng. Cho nên, những lời nồng nàn ấy, chỉ cần vấp phải thứ suy nghĩ lạnh tanh máu cá mà phía sau nó là tiếng xủng xoẻng của đồng tiền đã như một hệ thống tư duy chi phối từ trên xuống dưới, thì ông tính xem, chúng còn được bao nhiêu ý nghĩa? Bởi thế, chúng tôi nghĩ, đường đi nước bước thế nào để biến một đảng hiện nay thành một đảng thực sự của dân tộc, đó mới là điều cực kỳ nan giải, mặc dù cũng là điều phải đặt ra – vì không còn bước lùi nào nữa – cho thực tiễn của đất nước.

Bauxite Việt Nam

Từ nhìn nhận thế giới để định rõ công việc của nước ta là việc xưa nay vẫn phải làm, thời chiến cũng như thời bình. Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 này trên thế giới xuất hiện nhiều vấn đề mới, báo hiệu một thời kỳ phát triển khác trước, và đồng thời cũng đặt ra cho nước ta nhiều vấn đề mới. Trong bài viết “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”[i] tôi sưu tầm thông tin trong khả năng có thể của mình, cố đưa ra bức tranh thế giới theo cách tôi nhận thức được. Tất cả với mục đích tìm hiểu xem nước ta định vị ở đâu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề gì trong bối cảnh mới ấy của thế giới? Hơn thế nữa, Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang đến gần, tất cả những vấn đề của đất nước đặt ra cho Đại hội này thực chất là những vấn đề của đất nước trong thập kỷ thứ hai này.

Trong bài viết trên tôi đi tới nhận định: Toàn bộ sự vận động của thế giới trong những năm gần đây đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh – trong đó siêu cường Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối, để chuyển mạnh hơn nữa sang thời kỳ một siêu đa cường, với đặc điểm: Mỹ sa sút nhanh, Trung Quốc nổi lên nhanh, tiếng nói của các nước lớn khác như Nga, Ấn Độ… cũng ngày càng có trọng lượng hơn.

Nhiều biến động lớn về chính trị và kinh tế trên thế giới trong những năm đầu của thế kỷ này, đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 nổ ra từ Mỹ đã biến thành khủng hoảng kinh tế của cả thế giới, đang làm cho thế giới phương Tây từ lâu vốn đã có có nhiều vấn đề, trong tình hình này lại càng xuống dốc nhanh hơn. Sau cơn sóng dữ làm chao đảo kinh tế nước Mỹ năm 2009, bây giờ nổi lên “căn bệnh Hy Lạp” đang uy hiếp Cộng đồng Châu Âu (EU) và đồng Euro. Trong tình hình như vậy, Trung Quốc là nước được lợi nhất và càng đi lên nhanh hơn trên con đường trở thành siêu cường kinh tế, chính trị, quân sự với nhiều câu hỏi để ngỏ cho cả thế giới…

Hơn nữa, kinh tế Mỹ, EU và Nhật đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải thực hiện nhiều thay đổi mang tính cơ cấu, sẽ tác động sâu sắc đến tất cả các nền kinh tế khác trên trái đất. Châu Á và Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng nổi lên là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Toàn cầu hóa của kinh tế thế giới do đó sẽ xuất hiện nhiều vấn đề mới. Chưa ai nói được gì nhiều về xu thế diễn biến này, song cơ cấu mặt hàng sẽ có nhiều thay đổi, dịch vụ cũng phải thay đổi, cạnh tranh quyết liệt hơn, tính bảo hộ ngày càng cao. Đặc biệt là mặt trận tài chính tiền tệ trên thế giới tiềm tàng những biến động mới khó lường.

Trên thế giới chưa bao giờ trong ngôn ngữ của giới báo chí và giới nghiên cứu lại có nhiều tiếng nói như ngày nay về về siêu cường Trung Quốc đang xuất hiện, về “chủ nghĩa tư bản toàn trị đặc sắc Khổng giáo”, đòi hỏi cả thế giới phải tìm cách tiếp cận mới. Đã xuất hiện những kiểu quan hệ mới: quan hệ Mỹ-Nga ấm hẳn lên do hai bên càng cần nhau hơn trong tình thế mới; Nhật và EU dịu giọng với Trung Quốc và thi nhau có mặt ở Expo Thượng Hải – bất chấp các chuyện Tân Cương, Tây Tạng còn đang nóng hổi…; đồng USD sau khi có tiếng nói cứng rắn đã quay sang thương lượng với đồng nhân dân tệ; Trung Quốc tăng cường “quan hệ chiến lược” với Bắc Triều Tiên, bắt tay chặt hơn nữa với Iran, Sudan, Congo, với một số lưc lượng cánh tả ở Mỹ Latinh… Đã xuất hiện những tiếng nói không thể làm ngơ về mối lo trong tình thế nào đó – trước hết là do thế đang tiếp tục suy yếu đi của Mỹ – sẽ có nguy cơ xảy ra thoả hiệp Mỹ – Trung bắt tay nhau chi phối thế giới, trước mắt là trong dáng dấp của G2…

Tất cả nói lên thế giới đang chuyển dần sang một cục diện mới, với những biến động thường khó lường hoặc rất nhạy cảm, tranh tối tranh sáng (twilight), của thời kỳ chuyển đoạn [ii]. Nhạy cảm nhất đối với nước ta hiện nay là an ninh quốc gia, tiền đồ phát triển, vấn đề Biển Đông và hoà bình trong khu vực. Để cho cái “tranh tối tranh sáng” hiện nay trở thành mối nguy làm chìm đắm tiền đồ đất nước, hay biến nó thành cơ hội bứt lên khai phá một con đường mới cho đất nước? Đấy là vấn đề sống còn đặt ra cho nước ta trong cái thế giới đầy bất trắc mới.

Nhìn vào trong nước, chặng đường 25 năm đầu tiên của đổi mới mô hình phát triển theo chiều rộng đã làm xong chức năng của nó, đất nước ta nhất thiết phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có những thay đổi sâu sắc và toàn diện: Từ phát triển theo chiều rộng, phải chuyển sang phát triển theo chiều sâu, đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên thế mạnh của nguồn lực con người – về nhiều mặt, thực chất đây là sự phát triển dựa trên thế mạnh của dân chủ.

Bản thân những thành tựu đã giành được trong 35 năm đầu tiên kiến thiết đất nước tự nó cũng đặt ra ngày càng nhiều đòi hỏi mới gay gắt của phát triển. Nói đơn giản, ngày nay quản lý đất nước của một nền kinh tế mở, giao lưu với cả thế giới, với GDP theo đầu người khoảng trên 1000 USD và sẽ còn phải tăng lên nhiều nữa, hiển nhiên khác hẳn so với thời kỳ quản lý một đất nước của nền kinh tế bao cấp với thu nhập khoảng 100 USD/1người trước đây. Đổi mới đã làm nên rất nhiều thay đổi, được cả thế giới thừa nhận và đánh giá cao, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước. Tụt hậu trong cải cách thể chế chính trị – thực chất là sự tụt hậu của thể chế phát huy sức mạnh con người – đang kìm hãm sự phát triển năng động của đất nước.

Ngày nay nước ta đi tới một thực tế mới chưa từng xảy ra trước đây một vài thập kỷ: Càng phát triển như phương thức hiện tại, càng tích tụ thêm trong nội tại đất nước những bất cập mới, ách tắc mới, tha hóa mới. Lý do cơ bản là mô hình phát triển hiện hành đã làm xong chức năng của nó, đồng thời năng lực quản lý quốc gia của mô hình này ngày càng không theo kịp cuộc sống.

Trong khi đó xuất hiện ngày càng nhiều các sức ép đối với nước ta – từ cạnh tranh kinh tế với bên ngoài, từ những vấn đề căng thẳng trên Biển Đông, từ nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu khác, từ cục diện quốc tế đang thay đổi khó lường… Ngay trước mắt, trong khi cả thế giới còn đang loay hoay chưa biết nên ứng xử ra sao với siêu cường Trung Quốc đang lên này, nước ta đứng ngay sát vách “cái công xưởng của thế giới”, với tất cả những cái “nóng” và bao điều phiền toái khác ngày đêm nó phả ra chung quanh!

Hãy xem qua một vài ví dụ: Trung Quốc tháng 4-2010 vừa qua quyết định loại bỏ sản xuất khoảng 25 triệu tấn sắt và thép và khoảng 3 triệu tấn nhôm của các xí nghiệp có công nghệ lạc hậu. Thị trường toàn cầu thông suốt, rút dây động rừng, mỏ sắt Thạch Khê và quặng bauxite Tây Nguyên của ta sẽ chịu tác động ra sao trước tình hình này? Trong khi đó hầu như không có cách gì ngăn cản nổi hàng nhập lậu từ Trung Quốc vào ta! Tàu chiến của Trung Quốc và tàu chiến của ta thỏa thuận cùng nhau hợp tác tuần tra biển, song Trung Quốc ngày 29-04-2010 lại ban hành lệnh mới cấm đánh bắt cá bao gồm cả vùng biển của nước ta, tính sao đây? Song song với ngôn ngữ hữu nghị của chính giới Trung Quốc, báo chí nước này thô bạo bác bỏ đàm phán đa phương cho tranh chấp biển đảo, không lúc nào dứt lời đe dọa hành động cứng rắn trên Biển Đông. Những vụ việc như thế xảy ra ngay giữa lúc những người lãnh đạo có thẩm quyền của nước ta nhiều lần khẳng định dứt khoát quan điểm trước sau như một của Việt Nam là kiên trì quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với Trung Quốc.

Rồi còn bao nhiêu hoạt động khác của quyền lực mềm…

Tình hình trên thế giới và trong khu vực diễn biến cấp bách đến mức có thể nói: Những yếu kém nội tại của đất nước, khoảng cách tụt hậu quá lớn, và những thách thức mọi mặt từ bên ngoài, tất cả đang gián tiếp hoặc trực tiếp đe dọa độc lập chủ quyền và an ninh của ta, uy hiếp tiền đồ phát triển của nước ta.

Cục diện mới hiện nay trên thế giới và trong khu vực đặt nước ta trước tình huống: Bê đất nước ta đến một góc trời nào đó hiền hòa hơn trên trái đất này là điều không thể. Đứng lại tại chỗ oán trách số phận hay kêu gọi thiên hạ rủ lòng thương hại cũng chẳng khác gì đầu hàng trước mọi thách thức. Ta dẫu không muốn thế, nhưng tình thế cứ áp đặt cho ta như thế!

Tóm lại, sau 35 năm đất nước độc lập thống nhất, cục diện hiện tại của quốc tế và khu vực lựa chọn cho nước ta phải sắm vai anh hàng xóm của siêu cường Trung Quốc đang lên, lại nằm ngay cửa ngõ phía Nam của siêu cường đang lên này, trong một thế giới siêu cường Mỹ đang đi xuống với nhiều biến động lớn trên thế giới, đặt ra cho nước ta nhiều vấn đề mới. Tình huống như thế tự nó chơi khăm với nước ta, không cần quan tâm đến việc ta chấp nhận hay từ chối sự lựa chọn của nó.

Tình huống mới này quyết liệt đến mức có thể nói: Lịch sử đã sang trang, trước hết với ý nghĩa dân tộc ta phải bước vào một chiến trường mới, một giai đoạn phấn đấu hoàn toàn khác so với khi còn hai phe và khi ta và Trung Quốc nhiều lúc đã cùng nhau từng là một phe trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nước ta đang bước vào một đấu trường hoàn toàn khác so với thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, một thời kỳ mới hoàn toàn khác so với thời kỳ hậu chiến tranh lạnh… Phải, ngày nay dân tộc ta đang bước vào một chiến trường mới đa diện và hoàn toàn khác trước, một giai đoạn phấn đấu mới trong cục diện thế giới đã kết thúc thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, thời kỳ thế giới mở đường đi vào cục diện đa cực với siêu cường đương ngự trị là Mỹ và siêu cường đang ngoi lên là Trụng Quốc.

Tình huống hiện nay chỉ cho phép nước ta lựa chọn cách ứng xử như thế nào mà thôi:

– Kịch bản 1: Hoặc là dấn thân đi vào hướng phát triển phồn vinh của dân chủ tự do, để có thực lực, có nhân cách và có tư cách trở thành một đối tác được tôn trọng của Trung Quốc và của cả thế giới?

– Kịch bản 2: Hay là chịu thúc thủ buông xuôi, mặc cho số phận đưa đẩy vào con đường của đổ vỡ do tham nhũng tha hóa bên trong, của quỳ gối lệ thuộc do bị o ép từ bên ngoài, như quá khứ mất nước của chính ta và như kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới đã chỉ ra?! Trong tình huống này, nếu được ban phát hòa bình và hữu nghị, thì đó sẽ chỉ là thứ hòa bình – hữu nghị dành cho thằng hầu hay kẻ làm đĩ!

– Không có kịch bản thứ ba! Càng không có một phép trời hay liên minh ý thức hệ nào có thể đẻ ra cho nước ta kịch bản thứ ba. Ta có ngậm miệng hay nhắm mắt, có van xin hay cố giữ hòa hiếu đến đâu đi nữa, cuộc sống khách quan chỉ dành cho nước ta hai kịch bản nói trên để lựa chọn mà thôi!

Việt Nam ta không phải là quốc gia đầu tiên bị diễn biến cục diện thế giới ăn hiếp đẩy vào tình huống như vậy. Trên thế giới, hầu như nước nhỏ yếu không bao giờ hay khó lòng có quyền lựa chọn tình huống! Thời nào cũng thế! Đừng than vãn làm gì cho tốn thời giờ và mất nhuệ khí. Lựa chọn tình huống hầu như luôn luôn chỉ là đặc quyền của kẻ mạnh. Làm thế nào được? Cuộc sống là như thế, sống thì phải chấp nhận như thế!

Cho đến nay, trời đất chỉ cho các nước nhỏ yếu quyền duy nhất là lựa chọn cách ứng xử nào đối với tình huống áp đặt cho mình mà thôi! Trên thế giới quả thực có nhiều nước nhỏ yếu đã có sự lựa chọn xứng đáng. Thụy Sỹ, Monaco, Lichtenstein, Israel, Singapore… là những nước như thế. Họ đã lựa chọn được cách ứng xử cho phép ngự trị được tình huống áp đặt lên họ!

Việt Nam ta đâu có tự lựa chọn cho mình tình huống phải chống lại những kẻ ngoại xâm mạnh hơn mình gấp bội! Đời nào nước ta lại tự lựa chọn cho mình những tình huống đầy máu và nước mắt như vậy! Song đúng nước ta chỉ được phép lựa chọn cách ứng xử như thế nào với tình huống xảy ra đối với nước ta. Và cách ứng xử của nước ta, của dân tộc ta đã thắng, ta đã làm chủ được tình huống: giành lại được non sông đất nước! Lịch sử nước ta nói lên rõ ràng điều này.

Dù Việt Nam ta có muốn hay không, giờ đây, sau 35 năm độc lập thống nhất đất nước, cục diện thế giới và yêu cầu phát triển của đất nước lại đặt ra cho dân tộc ta tình huống: Phải quyết đứng lên làm chủ tình huống. Nhưng lần này là tình huống của một cuộc chiến có lẽ ít bom đạn hơn nhiều lần, song gian khổ đạo đức, gian khổ trí não, gian khổ nghị lực chắc chắn sẽ gấp rất nhiều lần! Thời gian cũng trường kỳ hơn nhiều lần, thậm chí là mãi mãi!.. Lần này phải là Nguyễn Trãi gấp nhiều lần của toàn dân tộc: Lấy cái thiện, lấy cái đẹp, lấy chữ nhân, lấy chữ nghĩa, lấy chữ nhẫn và lấy ý chí chân cứng đá mềm, trước hết để chiến thắng những yếu kém của chính mình, để làm nên thực lực, để có thực lực vật chất và tinh thần chiến thắng tất cả, để chính nghĩa và nhân nghĩa thu phục lòng người trong nước và cả thế giới, để chiến thắng tất cả cường bạo và đen tối đang uy hiếp sự sống còn và danh dự của Tổ quốc! Lần này phải là Nguyễn Trãi gấp nhiều lần trong tinh thần mỗi người sinh ra là con của dân tộc này! Dân chủ đích thực là như vậy.

Sự tồn vong của dân tộc, danh dự của đất nước và nhân phẩm của mỗi người Việt chúng ta đòi hỏi phải như thế. Sinh ra là Việt Nam thì như thế, phải như thế, quyết như thế! Việt Nam sinh ra không có sự lựa chọn tình huống cho mảnh đất chữ S của mình trên lục địa này, mà chỉ có mỗi quyền: Phải làm chủ tình huống đặt ra cho quốc gia mình bằng cách như thế! Làm chủ đất nước là như thế!

Nói một cách cụ thể, muốn làm chủ tình huống như thế, nhất thiết trong khoảng thời gian ngắn nhất phải làm bằng được ba nhiệm vụ:

(1) Đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ phát triển mới trong một thế giới đang thay đổi sâu sắc.

(2) Phải tìm ra lời giải thành công cho bài toán đối ngoại khó nhất của quốc gia là vấn đề Trung Quốc – đây cũng là vấn đề của cả thế giới.

(3) Phải đổi mới xây dựng Đảng để cải cách thành công thể chế chính trị của đất nước có khả năng phát huy thế mạnh con người – một đòi hỏi trở thành điều kiện tiên quyết để giải quyết được hai vấn đề lớn nêu trên.

Đó là 3 nhiệm vụ vô tiền khoáng hậu, để sớm mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước ta sau khi đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước: Thời kỳ bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Hồ Chí Minh là như vậy!

Cội nguồn sức mạnh của một quốc gia như vậy chỉ có thể là tinh thần dân tộc và dân chủ. 35 năm qua mới chỉ là khúc dạo đầu của thời kỳ này.

Đó cũng là ba nhiệm vụ vô tiền khoáng hậu của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập: Đảng phải trở thành đảng của dân tộc, để lựa chọn chiến trường mới cho mình là chiến trường của dân tộc do tình huống mới đặt ra, để chiến đấu trên chiến trường mới của dân tộc, để xây dựng Đảng trở thành người lãnh đạo và quân tiên phong của dân tộc trên chiến trường mới này.

Dân tộc ta sẽ làm chủ được tình huống mới này?

Câu hỏi này quyết liệt bao nhiêu, tôi càng tin cậy vào lịch sử dân tộc mình bấy nhiêu.

Nhiều người đã nói với tôi, một nghìn năm Bắc thuộc không mất nước thì bây giờ càng không thể mất nước. Tôi cũng tin sắt son như vậy.

Không ai dám nói giữ nước là dễ, nhưng bây giờ làm cho đất nước trở thành một đối tác được Trung Quốc – và như thế cũng có nghĩa là được cả thế giới tôn trọng – chắc chắn sẽ khó hơn nhiều. Tôi ý thức được điều này, và càng ra sức đào bới lịch sử nước mình, nhất là lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám đến nay. Tôi nhớ đến những năm tháng, những tình huống vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc…

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”

“Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”

“Không có gì quý hơn độc lập tự do!”..

Đấy là những lời hào hùng của non sông, là ý chí, là tinh thần bất khuất dẫn dắt dân tộc ta suốt cuộc trường chinh làm nên sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước hôm nay, thật là từ tay không chân đất mà nên!

Càng nghĩ, tôi càng tin: Giác ngộ quyền làm chủ bản thân mình, giác ngộ quyền làm chủ đất nước, nhân dân ta sẽ làm nên tất cả! Thành công của dân tộc ta từ Cách mạng Tháng Tám đến nay chính là thành công của tinh thần dân tộc và dân chủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhen nhóm lên trong lòng dân tộc ta thời đại ngày nay.

Ngay hôm qua thôi, khi đất nước đứng bên bờ vực thẳm của sụp đổ do duy ý chí thời kinh tế bao cấp – nguyên nhân chủ yếu là vi phạm tinh thần dân tộc và dân chủ – đổi mới đã vực dậy đất nước, giành lại cho đất nước vị thế như hôm nay, trước hết chính là tôn trọng, là phát huy tinh thần dân tộc và dân chủ.

Vì thế, trước tình huống mới đất nước đang đối mặt, hơn bao giờ hết tinh thần dân tộc và dân chủ phải là nguồn sáng tạo vô tận và là sức mạnh bất khả kháng của Tổ quốc Việt Nam ta. Ai có thể bác bỏ được điều này? Ai không tin vào điều này?

Điều cần lưu ý ở đây, thời phải chiến đấu giành lại đất nước, bằng sự hy sinh phấn đấu và với tất cả phẩm chất trong sáng của mình, Đảng đã xây dựng nên một một chế độ chính trị đồng nghĩa với người bảo vệ Tổ quốc, được nhân dân yêu mến và được nhân dân đồng nghĩa nó gần như với Tổ quốc. Chế độ chính trị ấy đã phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc để làm nên toàn thắng trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước. Ngày nay trong tình huống mới, đòi hỏi này càng trở nên vô cùng quan trọng. Một chế độ chính trị được nhân dân ngày nay đồng nghĩa nó gần như với Tổ quốc phải có nghĩa là: Nhân dân của quốc gia độc lập phải là người chủ chế độ chính trị của đất nước. Đây là sự khác biệt cơ bản, một bước tiến quan trọng phải đạt được trong tình huống mới, đó chính là dân chủ trong một nhà nước pháp quyền!

Ngày nay chỉ có giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ mới có thể tạo ra nền tảng thực hiện được đoàn kết, hòa hợp và hòa giải dân tộc. Đấy chính là con đường mở mang dân trí, phát huy con người Việt Nam, là nguồn sức mạnh và sáng tạo vô tận, để làm nên một Việt Nam hạnh phúc, phồn vinh. Đó chính là phương hướng xây dựng một chế độ chính trị mà người dân có thể cảm nhận nó gần như đồng nghĩa với Tổ quốc, tạo dựng một nền nội trị vững chãi bất khả xâm phạm của đất nước, khơi dậy hào khí dân tộc. Chỉ một khi người dân cảm nhận được chế độ chính trị này là của mình, vì mình, là lực hậu thuẫn vô song cho sự phấn đấu của mình, là người gắn kết toàn dân tộc và khơi dậy mọi tinh hoa gìn giữ và làm rạng rỡ giang sơn gấm vóc, là người đưa đất nước dấn thân vào trào lưu tiến bộ chung của nhân loại, là niềm tự hào vì nó mà mình phấn đấu, là điều thiêng liêng vì nó mà mình sẵn sàng xả thân gìn giữ, là niềm tự hào của nước Việt Nam… chỉ khi xây dựng được một chế độ chính trị làm nên những giá trị như thế nó mới hòa nhập được vào làm một với Tổ quốc, nó mới được người dân cảm nhận gần như đồng nghĩa với Tổ quốc. Một quốc gia có chế độ chính trị và Tổ quốc là một, quốc gia ấy là vô địch! Không một chủ nghĩa nào có thể thay thế được sức sống của sự hòa nhập làm một như vậy của chế độ chính trị và Tổ quốc! Một chế độ chính trị như thế sẽ giải phóng mạnh mẽ nhất trí tuệ và nghị lực Việt Nam. Một chế độ chính trị như thế đến lượt nó – sẽ nâng lên giá trị và sự thiêng liêng của Tổ quốc, nâng lên vị thế của quốc gia trong cộng đồng thế giới. Hơn lúc nào hết dân tộc Việt Nam ta cần có sức sống này! Tinh thần yêu nước của người Việt Nam ta ngày nay phải được xây dựng từ lẽ sống này! Văn hóa và giáo dục Việt Nam cần hướng vào xây dựng cái đích này. Ngày nay kho tàng trí tuệ của nhân loại và của dân tộc mình hoàn toàn cho phép chúng ta khai phá con đường xây dựng cho đất nước một chế độ chính trị như thế. Rất đáng để thế hệ này sang thế hệ khác ngay từ bây giờ tiếp nối nhau xây dựng nên cho tổ quốc của chúng ta một chế độ chính trị như thế…

Xem: “Việt Nam Trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ XXI”

Nhiệm vụ xây đựng một chế độ chính trị gần như đồng nghĩa với Tổ quốc như thế mà tình huống mới này nay đòi hỏi có khả thi không?

Nhân dân ta, trước hết là đảng lãnh đạo, đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam, nhận thức được, giác ngộ được nhiệm vụ này, nhất định sẽ thực hiện được nhiệm vụ này. Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn gian khổ nhất, phức tạp nhất trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta từ trước đến nay – nhiệm vụ đổi đời số phận đất nước, nhiệm vụ chuyển đổi đất nước ta từ nước đang phát triển chậm tiến trở thành một nước phát triển tiên tiến. Nhiệm vụ này còn phải đi trước cả nhiệm vụ công nghiệp hóa, là tiền đề cho thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa.

Điều chắc chắn là Đảng và nhân dân ta ngày nay bắt tay vào nhiệm vụ trọng đại này không phải từ con số không. Những thành tựu về cải cách dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền tuy còn rất khiêm tốn của 25 năm đổi mới là sự khởi đầu vô cùng quý báu. Song vốn quý nhất đất nước đang có trong tay là Hiến pháp năm 1946 do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Nguồn cảm hứng chính của tuyệt tác này của Người có thể là Tuyên ngôn nhân quyền Mỹ 1776, Hiến pháp Mỹ 1787, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp 1789 và những kiến thức khác Người lĩnh hội được trong kho tàng văn minh nhân loại. Điều ngạc nhiên và đáng kính phục vô cùng là Hiến pháp năm 1946 ngắn, đầy đủ, khúc chiết, rất dễ hiểu. Anh Nguyễn Sỹ Dũng đã nhấn mạnh rất đúng: Hiến pháp năm 1946 trực tiếp bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, được đặt ở vị trí thượng tôn đứng trên Nhà nước, quyền năng được phân chia rõ ràng, cân bằng và giám sát lẫn nhau [iii]. Tính pháp quyền rất cao như vậy là điều kiện không thể thiếu để ngăn ngừa lạm dụng quyền lực, là nền tảng pháp lý của dân chủ.

Mỗi quốc gia có đặc thù riêng, khó mà nói thế nào là một Hiến pháp hoàn hảo. Tuy nhiên, khi so sánh Hiến pháp của ta năm 1946 với Hiến pháp Mỹ năm 1787, Hiến pháp Cộng hòa liên bang Đức năm 1949, Hiến pháp nước Pháp do tướng de Gaulle đề xướng sửa đổi năm 1958… không thể kết luận khác: Hiến pháp 1946 cùng đi chung trong một dòng tư duy tiến bộ của văn minh nhân loại: quyền của người dân là tối thượng, Hiến pháp đứng trên nhà nước, thực hiện sự phân quyền cân bằng và giám sát lẫn nhau. Tình huống mới đặt ra cho đất nước đòi hỏi phải có một nhà nước pháp quyền như thế làm rường cột cho một chế độ chính trị mà người dân có thể cảm nhận nó gần như đồng nghĩa với Tổ quốc! Đi theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta sẽ thực hiện được.

Trong tình huống mới đặt ra cho đất nước, điều trăn trở lớn nhất, cũng là điều gần như thu hút hết tâm trí tôi, đó là những suy nghĩ về Đảng. Đó là nghĩa vụ tự nhiên của người đảng viên: Vì Đảng bây giờ phải chiến đấu trên chiến trường mới của dân tộc, của đất nước. Là đảng lãnh đạo đất nước, Đảng không thể và không có quyền lựa chọn cho mình chiến trường riêng của mình.

Tôi nhớ lại, trong tình hình ngặt nghèo nhất của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 11-1945 tuyên bố trước Quốc hội đầu tiên của nước ta: “Tôi chỉ có một Đảng – đảng Việt Nam!”. Trong Di chúc, Người dặn dò sau kháng chiến kết thúc “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Lời dặn dò không thể khác được của một người vô cùng từng trải, lo trước nỗi lo của thiên hạ.

Có lẽ như nhiều đảng viên khác, trong suy nghĩ của tôi không biết bao nhiêu lần đã tự hỏi mình: Cốt cách tinh thần người cộng sản Hồ Chí Minh trước hết là gì? Càng được biết những đoạn trường cách mạng gian truân Người đã trải qua, những thử thách Người phải đương đầu, những việc Người phải xử lý trong những tình huống chính trị cực kỳ nhạy cảm và tế nhị, câu hỏi này cứ lớn mãi lên, lớn mãi lên theo cả sự trưởng thành của chính tôi, công việc tìm kiếm câu trả lời cứ thế gần như vô tận. Đến hôm nay vẫn là vô tận.

Mãi cho đến khi tôi đọc đi đọc lại trong Di chúc của Người trong những hoàn cảnh khác nhau “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”, tôi dần dần mỗi ngày tin thêm một chút, và cuối cùng là dám cả quyết, cốt lõi trong tư tưởng của người cộng sản Hồ Chí Minh: Đảng phải là đảng của dân tộc! Có rất nhiều sự việc, nhiều giai thoại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người tạo ra cho tôi niềm tin này. Cái kiên định đến kiên cường của Người dĩ bất biến ứng vạn biến càng khiến tôi tin như vậy. Bởi vì suy cho cùng, tất cả đều nhằm phục vụ cho sự nghiệp của dân tộc, sự nghiệp Người đã lựa chọn, sự nghiệp mà vì nó Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình. Đảng phải là đảng của dân tộc nghĩa là như vậy! Dĩ bất biến này mới không là nô lệ cho bất kỳ ý thức hệ hay định kiến nào. Dĩ bất biến này mới là bất khuất trước bất kỳ uy vũ hay quyến rũ nào. Dĩ bất biến này mới không thoả hiệp trước bất kỳ tha hoá nào. Dĩ bất biến này phá tan mọi giáo điều và can đảm khai phá cái mới, sáng tạo cái mới. Dĩ bất biến này mới là khát vọng đến cháy bỏng và chiến đấu đến cùng cho một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Dĩ bất biến này mới là đời đời đi với dân tộc, mãi mãi phục vụ dân tộc.

Đứng trước tình huống mới đặt ra cho đất nước, Đảng phải tìm câu trả lời dứt khoát: Tuân thủ hay chối bỏ dĩ bất biến này mà Chủ tịch Hồ Chí đã nhất mực trung thành!

Cục diện thế giới “tranh tối tranh sáng” hiện nay tạo ra cho nước ta điều kiện có thể đóng vai trò tích cực trong nhiều vấn đề “nóng” của thế giới, mang lại cơ hội cho phép nước ta không phải lệ thuộc vào một ai để khẳng định mình, vừa là thời cơ vừa là đòi hỏi Đảng phải rũ bỏ mọi yếu kém của mình để tự thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ từ trên xuống và từ trong Đảng ra: Đổi mới thể chế chính trị của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc của đất nước. Đây chính là chiến trường mới vô tiền khoáng hậu của Đảng. Đất nước không có kịch bản thứ ba, nên Đảng cũng không có kịch bản thứ ba!

Song việc tìm kiếm câu trả lời về cốt cách người cộng sản Hồ Chí Minh của tôi vẫn tiếp tục, để học hỏi, để suy nghĩ đạo làm người… Điều chắc chắn, tinh thần cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là điểm tựa cho tinh thần dân tộc của chúng ta trước tình huống mới ngày nay của đất nước./.

Hà Nội, tháng 5- 2010

NT


[i] Bài viết tháng 11 và 12-2009, đã được trích đăng làm nhiều kỳ trên Tuanvietnam.net và đăng toàn văn trên nhiều báo mạng khác trong các tháng đầu năm 2010. Gần đây tôi được biết Tài liệu tham khảo đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã ngày 29-04 và ngày 03-05-2010 đã đăng một số chương của bài này. Tìm xem toàn văn trên: http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www_de.cgi/http://www.tapchithoidai.org/201018_NguyenTrung.htm hoặc là http://www.viet-studies.info/kinhte/NguyenTrung_TDM_201018.pdf

[ii] Thời kỳ thường xảy ra do tình trạng tranh tối tranh sáng giao thời từ trạng thái hiện tại sang trạng thái mới. Lịch sử quan hệ quốc tế thường chứng kiện những hiện tượng bất thường trong thời kỳ chuyển đoạn này: Sau đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 kinh tế thế giới đi vào một bước ngoặt mới, xuất hiện Đức Quốc xã, rồi đi vào Chiến tranh thế giới II; sau Chiến tranh thế giới II xuất hiện hai phe, phong trào giải phóng dân tộc và chiến tranh lạnh. Khi các nước Liên Xô Đông Âu cũ sụp đổ, tình hình dẫn đến thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, siêu cường Mỹ trở nên mạnh áp đảo. Hiện nay thời kỳ hậu chiến tranh lạnh kết thúc, với đặc điểm Mỹ suy yếu nhanh chóng đến mức phải chấp nhận những thay đổi chiến lược, xuất hiện nhiều đảo lộn mới trên bàn cờ thế giới…

[iii] Nguyễn Sỹ Dũng, “Hiến pháp 1946 với tư tưởng pháp quyền”, tuanvietnam.net 08-05-2010.

Nguồn: http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_HoChiMinh.htm

This entry was posted in Tản Mạn and tagged . Bookmark the permalink.