Cuộc chiến chống cát cứ, cài cắm lợi ích

TBKTSG) – Người được mệnh danh là ông “tuýt còi” Lê Hồng Sơn vẫn nhớ như in một kỷ niệm khi còn làm Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.

 

Theo Thông tư 47 của Bộ Tài nguyên – Môi trường, nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A – là mức tương đương với chất lượng nước mà con người có thể uống được, và cao hơn chục lần so với yêu cầu chất lượng nước thải của Nhật Bản, Thái Lan. Ảnh: MINH KHUÊ 

Lần đó, chính quyền của hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước ra gần 100 các loại văn bản về xử phạt hành chính, thẩm quyền, mức phạt, thậm chí thu giữ luôn cả xe của người vi phạm trên phạm vi địa phương mình. Đó là điều không được phép theo luật. Thay mặt Bộ Tư pháp, ông Sơn phải tuýt còi ngăn chặn tình trạng cát cứ đó.

Song, dù làm theo luật, cá nhân ông phải đối diện với những tình huống khó xử về tình. Ông kể: “Lúc tôi xử lý thì họ gọi điện cho tôi, bảo anh à, tôi mà không để văn bản đó ban hành ra thì tôi không còn ghế nữa”. Ông Sơn hỏi vì sao, họ đáp: “Vì đó là chủ trương, đường lối của địa phương rồi”. Có người còn than trách với ông Sơn: “Tôi ngồi họp thay mặt bên tư pháp phát biểu phản đối cái chủ trương địa phương ban hành quy định xử phạt đó, nhưng đồng chí bí thư quay lại mắng ngay, tại sao địa phương A, địa phương B họ ra quy định được mà anh ngồi đây anh ngăn chủ trương của tỉnh ủy, của thành ủy!”.

Dù lần đó, ông Sơn và Bộ Tư pháp vẫn ngăn chặn được gần 100 văn bản xử phạt hành chính vượt thẩm quyền, nhưng cơ chế chúng ra đời làm ông không khỏi suy nghĩ. Ông nói trong một cuộc họp gần đây ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Chúng ta hay nói chính sách, pháp luật phải phù hợp với chủ trương, đường lối. Đây là điều không thể nói khác được… nhưng bản thân chủ trương, đường lối phải chuẩn xác đã”.

Vụ gần 100 văn bản bị thổi còi do trái luật có thể chỉ là trường hợp hãn hữu. Nhưng việc các cơ quan chức năng hay lồng những quan điểm chủ quan vào các văn bản pháp luật để dễ bề quản lý bất chấp việc gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp như tinh thần câu chuyện trên, là khá phổ biến. Những gì diễn ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối tuần trước về dự án Luật Dược sửa đổi là một ví dụ.

Căn cứ vào dự thảo luật, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình UBTVQH cho xin ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án: phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn năm năm và phương án cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần. Sau đó, luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Thủ tục hành chính của mình cay độc lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, nhiều thủ tục để làm gì?”. Rồi ông giải thích: “Là để có tiền thì mới xong chứ sao nữa. Pháp luật nói tự do kinh doanh mà sao nghề chữa bệnh cứu người lại gây cản trở?”. Ông Hùng đề nghị, chỉ cấp một lần thôi, về sau kiểm tra thấy đủ điều kiện thì hoạt động tiếp, còn không đủ thì thôi chứ sao lại một vài năm lại cấp lại.

Thủ tục rườm rà bị phê phán như trường hợp trên, tiếc thay, lại khá phổ biến trong rất nhiều luật khác, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã cho ý kiến thẩm định đề nghị không quy định 256 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 390 thủ tục không hợp lý trên tổng số 965 thủ tục hành chính quy định tại 101 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có quy định về thủ tục hành chính, chiếm gần 67%. Đồng thời, kiểm tra 115 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, phát hiện 15 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với pháp luật, trong đó có bốn văn bản sai về nội dung, 11 văn bản còn lại chủ yếu là sai sót về thể thức.

Trước khi về hưu, ông Lê Hồng Sơn (khi đó là Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) đã nhiều lần đề nghị các cơ quan phải có cơ chế kiểm tra nội bộ trước khi ban hành văn bản nhưng chẳng mấy người nghe ông. 

Với ông Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, tình trạng như trên chẳng có gì là lạ. Ông Tuấn cho biết, theo Thông tư 47 của Bộ Tài nguyên – Môi trường, nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A – là mức tương đương với chất lượng nước mà con người có thể uống được, và cao hơn chục lần so với yêu cầu chất lượng nước thải của Nhật Bản, Thái Lan. “Yêu cầu này là phi thực tế, doanh nghiệp có đầu tư hàng chục tỉ đồng cho hệ thống nước thải chăn nuôi cũng không thể đạt được. Vậy quy định để làm gì?”, ông hỏi.

“Để làm gì ư? Để tạo quyền lực cho mình, để thu vén chức năng về mình”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung lý giải cho ông Tuấn. Ông Cung dẫn chứng, để triển khai Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức khóa học 3-4 ngày rồi cấp chứng chỉ và chỉ cấp bộ được cấp thôi. Lẽ ra, bộ chỉ cần đưa ra chuẩn mực tối thiểu về hiểu biết là đủ. “Bộ quy định như thế là tạo độc quyền cho mình”, ông nói.

Theo ông Cung, dù đã đổi mới 30 năm nhưng tư duy của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung và hành chính điều hành vẫn chi phối không ít lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước. Còn nhiều cơ quan điều hành bằng công cụ hành chính. “Có nhiều bộ không quan tâm tới cải cách thể chế, nhiều người dành phần lớn thời gian xử lý vụ việc hơn là cải cách thể chế. Ngay cả tư duy của nhiều bộ trưởng cũng không thay đổi, dù học ở nước ngoài”.

Theo một báo cáo về việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh do Bộ Tư pháp chủ trì, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, UBTVQH đã thông qua 99 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 89 luật, pháp lệnh do Chính phủ trình (chiếm gần 90%), có 91 luật, pháp lệnh có quy định các nội dung giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết thi hành. Để quy định chi tiết 91 luật, pháp lệnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cần xây dựng, ban hành 493 văn bản quy định chi tiết bao gồm 249 nghị định, 25 quyết định của Thủ tướng, 200 thông tư, 19 thông tư liên tịch. Đó là một khối lượng văn bản đồ sộ, và không tránh khỏi những quy định được “cài cắm” trong đó.

T.G.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/142996/Cuoc-chien-chong-cat-cu-cai-cam-loi-ich.html

 

This entry was posted in kinh tế, lao động, Nông Thôn. Bookmark the permalink.