Thư thứ nhất: Ý kiến về hình thức thi hành án tử hình
(TS Cù Huy Hà Vũ chuyển nhờ BVN đăng lên cho rộng đường dư luận)
Kính gửi Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ
Qua đọc kiến nghị của Tiến sĩ gửi Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 11/5/20012) về hình thức thi hành án tử hình, tôi thấy đó là ý kiến hay, phù hợp với lòng người, làm phân biệt rõ được mức độ đáng trừng phạt của một loại tội ác lớn nhất mà con người ta muôn đời đều căm ghét.
Hiện nay trên thế giới đã có 89 quốc gia đã bỏ án tử hình, hầu hết những nơi này có nền dân chủ cao, xã hội ổn định, công bằng và văn minh. Họ không muốn phải tước đi mạng sống quý giá của đồng loại cho dù kẻ đó gây ra tội ác rất lớn. Mặt khác họ cũng tin vào khả năng giáo dục xã hội của họ và sự hoàn lương của con người. Chúng ta không có hạnh phúc ấy vì không có những điều kiện trên. Vì vậy án tử hình là cần thiết trong xã hội chúng ta, nó có tác dụng răn đe lớn đối với những kẻ dám gây ra những tội ác tầy đình.
Tuy nhiên, muốn có kết quả cao trong việc răn đe các loại tội phạm cần có một xã hôi công bằng, có chuẩn mức đạo đức được thực sự tôn trọng và một hệ thống tư pháp khách quan. Nếu không, càng xử sẽ càng nẩy ra nhiều “tội phạm”, nhà tù và pháp trường chỉ là nơi ra vào của những người kém may mắn, hoặc đôi khi là của những người có gan muốn phá bỏ cái cũ, cái lạc hậu.
Tôi cũng đồng ý thi hành án bằng “tiêm thuốc độc” đối với người bị kết án tử hình về các tội phạm khác quy định tại Bộ Luật Hình sự. Vì thi hành án theo cách này tránh được nhiều điều rất phiền phức, ảnh hưởng tâm lý lớn cho những người thực hiện, cho gia đình và bản thân tội phạm.
Đối với người bị kết án tử hình về “Tội phản bội Tổ quốc” thì nên thi hành án bằng xử bắn. Vì “Phản bội Tổ Quốc là tội nặng nhất” (Điều 76 Bộ luật Hình sự), mà tội nặng nhất thì phải có hình thức trừng phạt xứng đáng với nó. Tổ chức việc xử bắn cũng là một nghi thức cần thiết để đánh dấu, để tống tiễn một tên tội phạm nguy hiểm, đáng khinh bỉ ra khỏi cộng đồng của cả một dân tộc mà hắn phản bội. Điều này có ý nghĩa răn đe lớn đối với những kẻ đồng lõa và nhắc nhở sâu đậm trong trí nhớ mọi người.
Là người không chuyên ngành Luật, nhưng khi đọc Điều 78 Bộ Luật Hình sự tôi thấy việc quy định tội phản bội Tổ quốc còn sơ sài, thậm chí còn chưa chuẩn xác, có thể để tội phạm có cớ cãi nhăng, tránh tội.
Điều 78 Bộ Luật Hình sự quy định phạm “tội phản bội Tổ quốc” là hành vi của “công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
Có thể nói chắc rằng không có người Việt nào, dù lòng lang dạ sói, cũng không điên dại mà tự dưng lại làm điều gì chỉ nhằm gây nguy hại cho Tổ Quốc. Nhằm là hướng tới đích. Bán nước, gây nguy hại cho Tổ Quốc chỉ là hành động nhằm đạt mục đích khác.
Mục đích của bọn bán nước là thấp hèn, đó là vì quyền lợi của bản thân, của dòng họ hay của một nhóm người nào đó. Chúng coi thường lợi ích của dân tộc, nên sẵn sàng đem “bán” để đánh đổi lấy những điều mà chúng thèm khát hão huyền .
Đó mới là mục đích của của chúng.
Bọn này thường đức thấp, tài mọn nhưng tham vọng thì lại lớn. Chúng mưu tính quẩn quanh, không biết lắng nghe ý dân mà làm theo điều phải. Chúng sẵn sàng chịu nhẫn nhục trước ngoại bang để được yên ổn, hưởng lộc trên sự lầm than của dân chúng khi đất nước rơi vào thế mất tự chủ.
Ích Tắc, Chiêu Thống xưa kia cũng vậy. Có bao giờ chúng tự thấy là đã gây nguy hại cho đất nước? Chúng cũng có những mơ tưởng hão huyền, ẩn náu dưới những mục đích “cao cả” là bảo vệ sự tồn tại của một Vương triều và cũng là… vì trăm họ. Hành động mà chúng tự cho là “mềm giẻo”, là “khôn ngoan” thực chất là ươn hèn, khuất phục.
Tấm gương Diên Hồng còn đó. Tại hội nghị này không chỉ có Hoàng tộc, mà còn có các bô lão của muôn dân. Các vua nhà Trần đã biết lắng nghe và làm theo ý dân nên chúng ta đã có được những trang sử thật huy hoàng.
Nếu ngày nay dân được nói, Nhà nước biết nghe dân, thì tình hình sẽ khác.
Vậy có nên hiểu tội phản bội Tổ Quốc là: Hành vi của “công dân Việt nam cấu kết với nước ngoài, với bất kỳ mục đích nào, gây nguy hại cho khối đoàn kết dân tộc, cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” ?. Hiểu như vậy có thể sẽ rõ ràng hơn.
Ý kiến của tôi, một độc giả của Bauxite Việt Nam gửi tới Tiến sĩ, mong được ông và các độc giả khác xem để biết và có những ý kiến đúng và hay hơn. Hy vọng sẽ không như biết bao nhiêu ý kiến tâm huyết về những việc đại sự khác của công dân đã gửi đến các cơ quan, báo chí lại được đáp lại bằng sự im lặng đáng sợ.
Trân trọng.
Nguyễn Hữu Năng
Thư thứ hai: Góp ý với Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa
Hà Nội, Ngày 14 tháng 05 năm 2010
Thân gửi: Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa
Qua trang mạng Bauxite Việt Nam tôi có đọc Bài “ Phải chăng là mừng hụt” của anh. Cảm giác của tôi là rất buồn vì hai điều sau:
– Thứ nhất: Buồn vì tình thế của đất nước Việt Nam mình đang gặp nhiều khó khăn trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế. Chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ nói chung và biển đảo nói riêng gặp nhiều thách thức chưa từng có và có dấu hiệu ngày càng xấu đi nghiêm trọng.
– Thứ hai: Buồn vì lối tư duy về tinh thần “yêu nước” của một bộ phận người bao gồm rất nhiều thành phần, trong đó có cả trí thức như anh.
Anh Vi Toàn Nghĩa thân mến!
Tôi không dám nghi ngờ điều gì về tinh thần yêu nước của anh thông qua nỗi lo về an ninh của đất nước. Nhưng theo tôi những điều anh chia sẻ là không đúng và rất tầm thường về quân sự và an ninh.
Thứ nhất: Về quân sự:
– Tôi tin rằng anh cũng như tôi hay đại đa số người dân trên toàn thế giới này hiểu biết tàu ngầm Kilo qua google và những thông tin đó cũng chỉ mang tính chất mô tả chung chung và sơ sài. Hay anh có thông tin, tài liệu tuyệt mật của tàu ngầm Kilo? Tôi chắc là không, nếu có anh là một nhân vật gián điệp quân sự cộm cán nằm vùng hoặc người Nga sẽ phá sản nền công nghiệp quốc phòng.
– Bản đồ nói chung hay hải đồ nói riêng mà anh xem thì cả thế giới này biết vì nó là loại dân sự. Hay anh có bản đồ, hải đồ chi tiết toàn bộ lòng Biển Đông? Tôi chắc là không, nếu có người Mỹ đã đặt mua của anh với nhiều triệu đô la rồi.
Mỗi một lĩnh vực có những yếu tố đặc thù biệt mật. Nền quốc phòng của mỗi nước thì yếu tố này là hàng đầu. Tôi cũng như anh và nhiều triệu người dân nước Việt Nam này đều mang tình yêu đất nước sâu nặng, và tôi hiểu từ tình yêu sẽ mang lại niềm ưu tư, trăn trở… Nhưng thưa anh, thay bằng những ý nghĩ rất nông nổi và đơn giản về nỗi lo lắng, ưu tư định nghĩa bằng từ “yêu nước” thì tình yêu đó nên chuyển hóa thành niềm tin vào các Chú Bác, Anh, Chị chúng ta đang ngày đêm canh gác, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc ngoài biên cương. Họ sẽ nghĩ gì khi người họ bảo vệ bằng tất cả tuổi trẻ, tình yêu và cả máu ở hậu phương luôn nghi ngờ việc làm của họ? Anh trả lời đi.
Thứ hai: Tư duy về chiến tranh
Theo tôi tìm hiểu, bất cứ cuộc chiến tranh nào đều gây những thiệt hại đau thương. Tuy nhiên, khi anh đề cập 02 nhà máy điện hạt nhân thì tôi không thể nín cười được. Bởi: Trong lịch sử hiện đại thì cuộc chiến tranh nào dù kinh hoàng đến mấy cũng có quy ước của nó. Không phải là nếu chiến tranh là tìm cơ sở hạt nhân mà bắn, mà câu hỏi quan trọng nhất trong chiến tranh là được gì?
Mặt khác nếu quả thực tình huống xấu đến mức có chiến tranh hạt nhân thì xin thưa với anh rằng: Tên lửa xuyên lục địa bắn được bất kỳ vị trí nào trên trái đất, chứ không phải như anh nghĩ nó đi lù lù vô sát bờ biển mà bắn. Tôi nghĩ anh nhầm với pháo?
Một lần nữa, tôi chia sẻ với anh về tình yêu nước. Nhưng tôi nghĩ tình yêu nào cũng cần đúng cách, đúng lý trí và phải trên cơ sở một sự tỉnh táo, nhìn xa trông rộng. Đặc biệt tình yêu nước – Tổ quốc là mẹ hiền.
Chúc anh nhiều sức khoẻ!
Viêt Ngoc