Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, dự kiến lượt người di chuyển trong đợt “xuân vận” năm nay hơn 291 triệu, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tết nguyên đán 2016 có lẽ cũng là dấu hiệu lớn nhất cho thấy “giấc mơ Trung Hoa” mà Bắc Kinh theo đuổi những năm qua đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo văn hóa Á Đông, Tết Nguyên đán được xem là thời điểm cho sự sum họp, đem lại hạnh phúc và may mắn. Điều này vẫn đúng với hầu hết người dân Trung Quốc trong dịp Tết âm lịch năm nay. Nhưng với những nhà lãnh đạo của nước này thì chưa chắc, khi dịp Tết nguyên đán 2016 có lẽ cũng là dấu hiệu lớn nhất cho thấy “giấc mơ Trung Hoa” mà họ theo đuổi những năm qua đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Trong dòng người đông đảo lên tới hàng chục triệu đang hối hả bắt những chuyến tàu về quê, có những chỉ dấu cho thấy mục tiêu về một nền kinh tế dựa trên đô thị hóa ồ ạt, vốn là điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi, có thể kết thúc sớm hơn dự tính. Vì một phần lớn trong số đó sẽ không trở lại các thành phố phát triển để làm việc nữa.
Hàng năm, cứ đến dịp Tết nguyên đán ở Trung Quốc, cả thế giới lại được chứng kiến một sự di chuyển ở một quy mô khổng lồ hiếm thấy trên thế giới.
Ước tính ở Trung Quốc hiện có khoảng 246 triệu người Trung Quốc thuộc diện lao động di cư, phần lớn từ các vùng quê đến làm việc ở các thành phố lớn và họ trở về nhà vào dịp Tết âm lịch để đón Tết cùng gia đình. Không thống kê rõ ràng là có bao nhiêu trong số 246 triệu người kia di chuyển về nhà trong dịp cuối năm, nhưng ước tính sự di chuyển đại quy mô này tạo ra khoảng gần 3 tỷ lượt di chuyển chỉ trong khoảng hơn 1 tháng, từ cuối tháng 1.2016 đến đầu tháng 3.2016.
Sự đông đúc và ùn tắc tại các bến tàu và bến xe tại Trung Quốc đã trở thành kinh điển, khi có không ít các ông bố bà mẹ thậm chí phải dùng còng tay những đứa con của mình để chúng không bị lạc.
Một em nhỏ ngồi tàu xuất phát từ ga Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên để về quê ăn tết – Ảnh: Internet
Và nếu như hàng năm, điều này chỉ gây ra cho Chính phủ Trung Quốc sự quan tâm để đảm bảo sắp xếp các phương tiện đủ đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, thì năm nay nó lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Một thực tế là, trong vài năm gần đây, trong dòng người đông đảo đổ về các bến tàu để về quê ăn Tết, luôn có một phần trong số đó không quay trở lại thành phố làm việc sau khi hết dịp nghỉ Tết. Có nhiều người vì những lý do gia đình, hay môi trường và sức khỏe, nhưng phần lớn là do sự sụt giảm kinh tế đã khiến cho họ không thể kiếm được việc làm ở thành phố.
Trung Quốc đã từng trải qua điều này trong năm 2009 khi kinh tế thế giới đang rơi vào khủng hoảng và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Trung Quốc; đã có khoảng 20 triệu người về quê đón Tết mà không ai dám chắc sẽ có bao nhiêu người quay trở lại làm việc. Sự lo lắng chỉ trôi qua khi Chính phủ Trung Quốc tung ra các gói kích thích kinh tế để ổn định tình hình.
Nhưng lần này thì khác. Kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong vòng 25 năm trở lại đây và sự suy giảm lần này đang tác động trực tiếp tới tình trạng lao động tại các thành phố lớn.
Theo tính toán của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong năm 2015 lượng dân nhập cư tại các thành phố lớn của nước này đã giảm 5,68 triệu người, mức lớn nhất trong vòng 3 thập kỷ qua. Đây được xem là tác động trực tiếp từ sự sụt giảm tăng trưởng của Trung Quốc, cộng với việc hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi nước này, gây ra làn sóng thất nghiệp lớn.
Sự dịch chuyển nhân khẩu lao động từ thành thị về nông thôn đang được xem là một vấn đề lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Vấn đề cốt lõi của “giấc mơ Trung Hoa”, mục tiêu mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng khi lên nhậm chức và được lãnh đạo nước này theo đuổi trong những năm qua, là sự đô thị hóa nhanh chóng trong nền kinh tế Trung Quốc.
Nền tảng của chiến lược phát triển đất nước và nền kinh tế của lãnh đạo Trung Quốc là đô thị hóa nhanh chóng, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đã từng tuyên bố: “Đô thị hóa sẽ không chỉ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, đồng thời tạo công ăn việc làm, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người dân”.
Quả thực, sự đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc gắn liền với sự tăng trưởng chóng mặt của nước này. Ba thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng vừa qua cũng chứng kiến sự gia tăng đô thị hóa ở Trung Quốc nhanh chưa từng thấy: Vào năm 1980, chỉ có khoảng 19,8% dân số Trung Quốc sống ở các đô thị, đến nay đã lên tới hơn 50%. Mục tiêu mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đề ra đến năm 2030 là nước này phải có hơn 1 tỷ dân sống trong các đô thị và thành phố.
Vì vậy, sự di cư ngược từ thành phố về các vùng nông thôn đang có xu hướng gia tăng không khác gì đi ngược lại với mục tiêu to tát mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt ra.
Sự sụt giảm kinh tế khiến cho số người lao động từ các thành phố quay về quê nhà để sinh sống và làm việc tăng lên đáng kể, theo tính toán đã có khoảng 2 triệu người Trung Quốc quay về quê nhà để bắt đầu kinh doanh kiếm sống, số người bắt đầu khởi nghiệp ở nông thôn trong năm 2015 đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính riêng trong tỉnh Tứ Xuyên, vốn là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn nhất cho các thành phố lớn, đã có khoảng 40.000 người trở về quê nhà để sinh sống và lập nghiệp. Theo một số nhà xã hội học Trung Quốc, xu hướng di cư ngược này sẽ còn tiếp tục gia tăng và đạt đỉnh trong khoảng 5-10 năm tới. Nó được xem là quá trình tái phân bổ lại một cách hiệu quả nguồn lao động ở Trung Quốc trên quy mô lớn.
Những xu hướng di cư ngược này trong tương lai sẽ khiến số dân cư và lực lượng lao động ở các khu vực nông thôn tăng lên, trong khi ở các thành phố lớn giảm xuống. Có thể trong những năm tới lượng cư dân sống ở các đô thị của Trung Quốc thậm chí còn dưới mức 50%, tương ứng với sự giảm tốc về kinh tế và cố gắng thay đổi mô hình tăng trưởng của nước này.
Không khó để nhận ra rằng, mục tiêu có hơn 1 tỷ dân sống tại các thành phố vào năm 2030 của Chính phủ Trung Quốc sẽ không thành sự thực, đồng nghĩa với giấc mơ Trung Hoa của ông Tập và có thể cả những người kế nhiệm sẽ bất thành.
Làn sóng di cư ngược này không chỉ khiến mục tiêu đô thị hóa nhanh chóng và phát triển kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa của Chính phủ Trung Quốc bị phá sản, mà còn có thể gây ra những hệ quả khác.
Nó sẽ buộc Chính phủ Trung Quốc phải đầu tư nhiều tiền hơn để cải thiện cuộc sống ở các vùng nông thôn vốn đang có tới phân nửa dân số Trung Quốc sinh sống và dĩ nhiên, hiệu quả đầu tư ở đây sẽ không bằng tại các thành phố lớn, nơi kinh tế năng động và phát triển. Trung Quốc sẽ ngày càng tốn nhiều tiền hơn cho các dịch vụ y tế, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn nghèo nàn, thay vì tập trung tiền cho các dự án phát triển kinh tế tại các thành phố lớn như trước.
Có lẽ, đã đến lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần chấp nhận thực tế và tạm biệt “giấc mơ Trung Hoa” của mình, ngay trong dịp Tết nguyên đán, một dịp lễ có ý nghĩa đem lại may mắn và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg, CafeF, Vneconomy)
Nguồn: http://motthegioi.vn/ho-so-phan-tich/tet-nguyen-dan-va-dau-hieu-ket-thuc-giac-mo-trung-hoa-283331.html