Thông tin Cụ Rùa Hồ gươm đã chết ngày 19/1/2016 được một số tờ báo chính thống đăng tải, sau đó có người bảo “Trong không khí vui tươi, hân hoan chào đón Đại hội Đảng, báo chí tạm thời không đưa tin cụ Rùa ở Hồ Gươm chết”.
Năm rồi WIN/GallupIA khảo sát ở 67 nước, hỏi khoảng 1.000 người mỗi nước. Hạnh phúc: Ta thứ 5, Lạc quan: thứ 4; Hy vọng: thứ 7. Người Việt ta rất lạc quan, và hy vọng, hay gắn cụ Rùa với vận nước. Nay cụ mất mới bị hẫng, chứ thực ra cũng chỉ là hiện tượng tự nhiên như “sinh lão bệnh tử”.
Hiện trường nơi xác cụ Rùa đang nằm (Ảnh trên mạng)
Kiến trúc sư Trần Thanh Vân kể mấy năm trước, đã đi cùng PGS. Hà Đình Đức và TS. Ngô Kiều Oanh đến lễ ở Cây đa Thần Rùa nghìn tuổi và lấy nước nguồn “trường sinh bất tử” của công chúa Ngọc Hoa nơi chân núi Ba Vì để mang về chữa bệnh cho Cụ Rùa. Nhưng hôm nay Cụ vẫn ra đi. Đó là quy luật của Trời Đất.
Ngay sau khi được tin cụ Rùa Hồ Gươm chết, có nhóm các nhà Kinh dịch đã gieo quẻ để xem có điềm gì cho vận nước thời gian tới thì được Quẻ Thủy – Sơn Kiển (39) trong đó có hào hỗ là Hỏa – Thủy và hào biến Thủy – Địa tỷ. Đây là một quẻ Hung nhưng có hào biến nên có thể chuyển thành Cát.
Hình tượng (bối cảnh) của quẻ là: sau lưng là núi cao không thể lùi, trước mặt là Biển sóng vỗ và bên cạnh có con hổ trực vồ. Lực lượng trung dung trong nội bộ sẽ đóng vai trò giúp tìm ra lối thoát đó là phải mạnh dạn vượt sóng để bơi ra biển lớn thì mới không bị hổ vồ.
Tôi lắng nghe để biết dư luận xã hội. Theo tôi hiểu, tâm linh là sự “cảm nhận” có tính chủ quan của mỗi người. Trong tín ngưỡng của người Việt, con rùa là loài vật linh thiêng (long quy) cũng như con cá sấu (giao long), con tê giác (linh tê), v.v. Những con vật này ngày nay, loài người đã chuyển nó thành vật nuôi để lấy thịt, lấy da như rùa và cá sấu, còn tê giác và hổ, báo thì giết lấy sừng, lấy xương làm thuốc… Ở trên trái đất này, chỉ có “con Người” là loài vật linh thiêng nhất!
Hồ Hoàn Kiếm là cái tên do vua Tự Đức (thời Nguyễn) đặt. Trước đó là hồ Tả Vọng (thời Chúa Trịnh), thời Lê là hồ Thuỷ Quân và trước đó nữa gọi là hồ Lục Tảo.
Truyền thuyết “Cụ Rùa đòi kiếm của Lê Lợi” mới được hư cấu sau này (có thể vào thời Nguyễn), trên cơ sở sự kiện Lê Lợi vô tình đánh rơi kiếm khi luyện quân ở đây. Khi ấy nghe nói Lê Lợi còn định tát cạn nước để tìm lại kiếm, nhưng không thành vì thời ấy Hoàn Kiếm là một phần của sông Hồng.
Có ý kiến cho rằng Lê Lợi là con của một tù trưởng Mường vợ Kinh, nên có thuận lợi tập hợp được người dân tộc cha và mẹ mình, nhưng cũng như nhiều quân vương khác, sự tàn nhẫn của ông đã giúp ông chiến thắng, đồng thời là tiền đề của sự bất hòa ngày càng tăng giữa ông, vương triều của ông, và nhiều cộng sự gần gũi có công lớn với đất nước. Người thuộc dân tộc thiểu số có ưu điểm là quyết tâm làm cả những gì coi như không có thể, nhưng lại có những định kiến, về lâu dài phá hoại sự nghiệp của mình. Stalin ở Liên xô là một ví dụ, nước ta cũng thế!
Sự kiện cụ Rùa chết là chuyện bình thường theo quy luật của tạo hóa, nhưng có sự thật là cuộc sống hàng trăm năm của cụ Rùa đã chứng kiến biết bao đổi thay của thời cuộc, cho nên sự ra đi của cụ đã là chứng nhân của lịch sử.
Sau hội nghị trung ương 14, mọi việc coi như đã an bài. Sáng hôm nay, tôi ra nghĩa trang, viếng mộ ông Võ Văn Kiệt, “tâm sự riêng” với ông về thời cuộc và vận nước vì chính ông là người đã tin tưởng và động viên tôi làm công tác phản biện xã hội.
Trong thể chế hiện nay, người dân không tham gia bỏ phiếu bầu chọn lãnh đạo nhưng đều mong muốn dàn lãnh đạo nhiệm kỳ mới hãy vì dân, vì nước “trông người lại ngẫm đến ta” thống nhất ý chí và hành động tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về chính trị và kinh tế để đất nước hội nhập và phát triển cùng các nước tiên tiến trên thế giới.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN