Trong những năm gần đây, trên báo chí và mạng internet bỗng rộ lên cụm từ “nhóm lợi ích” hiểu theo nghĩa xấu, có tính miệt thị (pejorative). “Lợi ích nhóm” được hiểu như một thứ lợi ích không chính đáng, gây tổn hại đến “lợi ích chung”, còn “nhóm lợi ích” được coi là tập hợp của những cá nhân câu kết với nhau trong bóng tối, dựa vào quyền lực thu vén lợi ích về cho cá nhân, gia đình, phe phái, v.v.
Vấn đề đặt ra là: các khoa học xã hội hiện nay trên thế giới hiểu khái niệm “nhóm lợi ích” như thế nào?
Hai loại nhóm áp lực: nhóm lợi ích và nhóm mục đích:
Trong ngôn ngữ thông thường, mỗi khi nghe đến từ “nhóm” (group), chúng ta thường liên tưởng đến các nhóm nhỏ, bao gồm “một số ít người”. Thật ra, trong các khoa xã hội học và chính trị học trên thế giới hiện nay, thuật ngữ nhóm (group) hay nhóm xã hội (social group) có ý nghĩa rất rộng, có thể dùng để chỉ bất kỳ nhóm nào gồm “từ hai người trở lên”, với điều kiện những người này tương tác với nhau và tự thừa nhận mình như một đơn vị xã hội riêng biệt.[1] Như vậy,”nhóm” hay “nhóm xã hội” có thể dùng để chỉ từ một gia đình nhỏ cho đến một công đoàn, một hội nông dân, một làng, v.v. thậm chí cả một cộng đồng dân cư trong một quốc gia.
Trong một quốc gia dân chủ, khi quyền tự do hội họp và lập hội được tôn trọng, những người có cùng chung lợi ích – do hoàn cảnh kinh tế hay do nghề nghiệp, thường tập hợp lại thành các nhóm lợi ích (interest groups). Các nhóm xã hội này tự tổ chức để bảo vệ lợi ích của các thành viên và tìm cách gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ – nhất là các chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống thường ngày. Vì dựa trên hoàn cảnh kinh tế hay nghề nghiệp, đôi khi các học giả còn gọi tên các nhóm này là nhóm bộ phận (sectional groups) hay nhóm chức năng (functional groups). Vì nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thành viên, các nhóm này có khi còn được gọi là nhóm bảo hộ (protective groups).
Các nhóm lợi ích được biết đến nhiều nhất là các công đoàn (trade unions), các hội doanh nhân (business associations) và các hội nghề nghiệp (professional associations). Các hội nông dân – từng đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa tại các nước Bắc Âu, cũng là các nhóm lợi ích.
Ngoài các nhóm lợi ích, còn có các nhóm không đại diện cho lợi ích nghề nghiệp mà cổ xúy cho một mục tiêu, một niềm tin, một ý tưởng hay tập trung giải quyết một vấn đề nóng bỏng nào đó. Các nhóm đó được gọi là nhóm mục đích (cause groups), hay còn có tên là nhóm cổ xúy, nhóm xúc tiến (promotional groups) hoặc nhóm thái độ (attitude groups). Dưới chế độ dân chủ, các nhóm mục đích phát triển một cách hết sức đa dạng: các tổ chức tôn giáo hoạt động tích cực cho các vấn đề đạo đức, giáo dục hay xã hội, các nhóm môi trường đấu tranh để bảo vệ môi trường, các nhóm phụ nữ đấu tranh cho bình đẳng giới, v.v. Có thể kể ra hàng loạt các nhóm khác nữa: từ các nhóm văn hóa và nghệ thuật, các câu lạc bộ thể dục thể thao, các câu lạc bộ của giới trẻ, các hội khoa học, cho đến các nhóm hoạt động từ thiện, các hội của người tiêu dùng, các nhóm hoạt động nhân quyền, v.v.
Tất cả các nhóm lợi ích và nhóm mục đích đó thường tìm cách gây ảnh hưởng đến chính quyền bằng cách vận động hành lang (lobby), thương lượng với các công chức hay các chính trị gia. Nhưng họ cũng có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt để đạt được mục tiêu của mình (vd: công nhân có thể đình công). Vì lý do đó, cả hai loại nhóm nói trên được các nhà chính trị học gọi tên là nhóm áp lực (pressure groups).[2]
Phan Châu Trinh có lẽ là người Việt đầu tiên nhận thức được vai trò của các nhóm áp lực. Trong một bài nói chuyện tại Sài Gòn vào năm 1925 – trước khi qua đời, ông nói:
“Bên Pháp, mỗi khi người có quyền thế, hoặc Chính phủ, lấy sức mạnh mà đè nén quyền lợi riêng của một người hay một hội nào, thì người ta hoặc kêu nài, hoặc chống cự, hoặc thị oai, vận động kỳ cho đến được công bằng mới nghe. Vì sao mà người ta làm được như thế? Là vì người ta có đoàn thể, có công đức biết giữ lợi chung vậy.”[3]
Đoàn thể (tức các nhóm áp lực) chính là điều kiện để người dân có thể tập hợp lại, nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội. Từ “thị oai” hay “thị uy” (bày tỏ sức mạnh của mình làm cho đối phương sợ) chính là nhằm để chỉ hình thức mà ngày nay chúng ta gọi là “biểu tình”. Đó là phương pháp đấu tranh của kẻ yếu, người nghèo. Tước bỏ khả năng đó đồng nghĩa với việc bảo vệ cho những kẻ có quyền, có tiền bằng bất cứ giá nào, tạo ra bất công xã hội.
Sự hình thành và phát triển của các nhóm áp lực:
Các nhóm lợi ích không hoạt động đơn lẻ mà thường liên kết với nhau thành những tổ chức rất lớn, được gọi là tổ chức đỉnh (peak organisations) hoặc tổ chức bảo trợ (umbrella organisation, dịch theo nghĩa đen là “tổ chức ô dù”). Mặc dù hoạt động chủ yếu vẫn nằm ở các tổ chức thành viên, sự liên kết thành tổ chức bảo trợ giúp cho các nhóm áp lực phối hợp hoạt động, có tiếng nói mạnh hơn đối với chính quyền và xã hội.
Để tự bảo vệ lợi ích cho chính mình, những người lao động tập hợp thành các nhóm lợi ích được gọi tên là các công đoàn (trade unions hay labor unions). AFL–CIO (American Federation of Labor–Congress of Industrial Organizations) là tổ chức công đoàn lớn nhất tại Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1955 bằng cách hợp nhất hai tổ chức AFL (thành lập 1886) và CIO (thành lập năm 1935). Bên dưới “chiếc dù” của AFL-CIO, có 56 tổ chức công đoàn thuộc đủ mọi ngành nghề, với tổng số hơn 12 triệu rưỡi người lao động. Ngoài AFL-CIO, ở Hoa Kỳ còn có một liên đoàn lao động khác tách ra từ AFL-CIO vào năm 2005 mang tên Change to Win Federation (CtW). Tổ chức bảo trợ này có 3 công đoàn thành viên, thu hút hơn 4 triệu lao động. (Dữ liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ năm 2014)
Ở Anh, ngoài các công đoàn nhỏ hoàn toàn độc lập, hầu hết các công đoàn đều là thành viên của TUC (Trade Unions Congress, Đại hội các Công đoàn) – thành lập vào thập niên 1860. Đây là liên hiệp công đoàn duy nhất tại Anh,[4] dưới “chiếc dù” của nó là 52 công đoàn-thành viên, tập hợp hơn 5 triệu rưỡi lao động. Ba công đoàn-thành viên lớn nhất của TUC là Unite, UNISON và GMB, chiếm gần 60% tổng số công đoàn viên của TUC. Ngoài các công đoàn tập hợp công nhân trong các ngành công nghiệp, còn có các công đoàn thuộc nhiều ngành nghề khác như: Association of Flight Attendants (nhân viên phục vụ trên máy bay), Musicians’ Union (nhạc sĩ), Writers’ Guild of Great Britain (nhà văn), National Union of Journalists (nhà báo), v.v…[5]
Đặc điểm của AFL-CIO là trung lập về chính trị, không ủng hộ đảng phái chính trị nào nhất định. Trong khi đó, mặc dù TUC không có liên hệ trực tiếp với Đảng Lao Động Anh (Labour Party), khoảng một nửa số công đoàn-thành viên lại có liên quan đến đảng này. Sự ủng hộ của TUC là một nguyên nhân quan trọng giúp cho Đảng Lao Động trở thành một trong hai đảng lớn nhất tại Anh. Từ 1945 cho đến cuối thập niên 1970, TUC tham gia vào việc định hình các chính sách kinh tế – cùng với chính phủ và giới doanh nhân. Nhưng từ năm 1979, dưới thời của Thủ tướng Margaret Thatcher (thuộc Đảng Bảo Thủ), TUC bị loại bỏ ra khỏi quy trình lập chính sách của chính phủ. Lý do đó cùng với một số nguyên nhân khác đã khiến cho số lượng đoàn viên của TUC giảm từ 12 triệu (1979) xuống còn 6,6 triệu vào cuối thế kỷ 20.
Về phía giới chủ nhân, các hội doanh nhân cũng tập hợp thành những tổ chức bảo trợ để đấu tranh trong lĩnh vực hoạch định chính sách kinh tế. Vd: tại Anh, CBI (Confederation of British Industry, Liên đoàn Công nghiệp Anh) là một trong những tổ chức hàng đầu của giới chủ doanh nghiệp. Đây là một tổ chức bảo trợ được thành lập năm 1965, do sự hợp nhất của ba tổ chức trước đó. Trong thực tế, CBI là một liên minh bao gồm 140 hội đoàn của giới chủ, là tiếng nói của 190 ngàn doanh nghiệp thuộc mọi tầm cỡ và mọi khu vực, sử dụng gần 7 triệu lao động, tức là khoảng 1/3 lực lượng lao động thuộc khu vực tư nhân tại nước Anh. Tại Hoa Kỳ, hiệp hội các nhà sản xuất lớn nhất là NAM (National Association of Manufacturers, Hiệp hội Toàn quốc các Nhà chế tạo) thành lập năm 1895. Hiệp hội này đại diện cho các nhà sản xuất trong mọi ngành công nghiệp tại 50 tiểu bang, bao gồm hơn 11 ngàn công ty sản xuất, sử dụng gần 12 triệu công nhân và hàng năm đóng góp hơn 2 ngàn tỷ đô-la cho nền kinh tế Mỹ.
Có thể nói các nhóm lợi ích – nhất là công đoàn và các hội doanh nhân (của giới chủ), là những nhóm áp lực quan trọng nhất. Sức mạnh của những nhóm này dựa vào sự đóng góp của các thành viên cả về công sức lẫn tiền bạc. Trong các nước đã phát triển, các nhóm thuộc giới chủ doanh nghiệp thường ủng hộ cho các đảng cánh hữu, còn các nhóm thuộc giới lao động thường ủng hộ cho các đảng cánh tả.
Tại Bắc Âu, sự ủng hộ của các công đoàn lớn đã giúp cho các đảng dân chủ-xã hội nắm quyền trong một thời gian khá dài – đặc biệt là Đảng Dân chủ-xã hội Thụy Điển (SAP) và Đảng Lao động Na Uy. Nhưng từ những thập niên cuối thế kỷ 20 đến nay, do tác động của xu hướng toàn cầu hóa, “mô hình Bắc Âu” gặp khó khăn, ảnh hưởng của các công đoàn bị giảm sút. Tại Thụy Điển, mật độ công đoàn (union density, tức tỷ lệ công nhân tham gia công đoàn) giảm từ 86% (1995) xuống còn 71% (2012). Nhìn chung, tỷ lệ này giảm trên toàn vùng Bắc Âu: 74% (Phần Lan), 67% (Đan Mạch), 52% (Na Uy). Mặc dù vậy, những con số này vẫn còn cao hơn nhiều so với các nước châu Âu khác: 18% tại Đức, 8% tại Pháp.[6] Sức mạnh của công đoàn giảm sút cũng ảnh hưởng lớn đến các đảng dân chủ-xã hội. Tiêu biểu là trường hợp của LO – tổ chức công đoàn lớn nhất tại Đan Mạch, từ năm 1995 đã chấm dứt mối quan hệ gắn bó chặt chẽ kéo dài hơn một thế kỷ với Đảng Dân chủ-Xã hội Đan Mạch. Ngày càng có nhiều tổ chức công đoàn tại các nước Bắc Âu nhấn mạnh tính độc lập của họ đối với các đảng phái chính trị.
Về phía các nhóm mục đích, mặc dù không có sức mạnh về tiền bạc và nhân lực bằng các nhóm lợi ích, nhưng do đặc điểm của thành phần tham gia cũng như do tính chất của các hoạt động, các nhóm này lại có khả năng gây ảnh hưởng rộng rãi, và trong thực tế một số nhóm đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, phát triển trên phạm vi toàn cầu.
Tổ chức Hướng đạo là một nhóm mục đích lâu đời và phát triển rộng khắp. Ra đời từ năm 1907, tổ chức giáo dục thanh thiếu niên này đã phát triển thành một phong trào toàn cầu. Ngày nay, phong trào hướng đạo tập hợp trong hai tổ chức bảo trợ lớn : (1) Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement, WOSM) với 161 tổ chức thành viên và trên 40 triệu người tham gia và (2) Hội Nữ Hướng đạo Thế giới (World Association of Girl Guides and Girl Scouts, WAGGGS) có tổ chức hoạt động tại 145 nước với 10 triệu người tham gia. Cuba, Lào và Bắc Triều Tiên nằm trong danh sách các nước không có phong trào hướng đạo. Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar (Miến Điện) trước đây là vùng trắng, trong thời gian gần đây hoạt động hướng đạo đã và đang chớm nở hoặc hồi sinh, nhưng vẫn chưa được công nhận chính thức.
Từ sau khi Thế Chiến thứ II chấm dứt, hàng loạt nước thoát khỏi ách thực dân trở thành các nước độc lập. Nhưng mặc dù được “giải phóng” khỏi ách áp bức của thực dân, đế quốc, nhân dân tại các nước này lại rơi vào ách áp bức của các chế độ độc tài dưới nhiều hình thức, vì thế “nhân quyền” trở thành chủ đề ngày càng được mọi người quan tâm. Đó là lý do khiến cho các nhóm đấu tranh cho “các quyền căn bản của con người” ngày càng phát triển trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), thành lập năm 1961 tại London (Anh), ngày nay đã trở thành một phong trào hoạt động tại hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, lôi cuốn hơn 3 triệu người (bao gồm các thành viên, các nhà đấu tranh cho nhân quyền và những người ủng hộ). Mặc dù chỉ mới thành lập từ năm 1978 tại Hoa Kỳ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) ngày nay đã mở rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu, và hàng năm công bố báo cáo về tình hình nhân quyền tại khoảng 90 quốc gia.
Một trong những tổ chức đấu tranh cho nhân quyền đồng thời là một hiệp hội văn chương nổi tiếng là Văn bút Quốc tế (PEN International) thành lập tại London năm 1921. Ngày nay, Hội có các Trung tâm Văn bút quốc tế (International PEN centers) tại trên 100 nước. Vào lúc khởi thủy chủ yếu chỉ là tiếng nói của các nhà thơ và nhà văn, PEN ngày nay thu hút các nhà văn thuộc mọi hình thức của văn chương – bao gồm cả các nhà báo và các nhà viết sử. Cố xúy cho tình hữu nghị và sự hợp tác về trí tuệ giữa các nhà văn trên khắp thế giới, PEN cũng đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, lên tiếng bảo vệ các nhà văn bị sách nhiễu, cầm tù hay bị giết hại vì quan điểm của họ. Vì thế nhóm mục đích này trở thành cái gai trong mắt của các nhà cầm quyền độc tài.
Một trong những hiện tượng nổi bật của thời đại mới là sự xuất hiện của các nhóm đấu tranh bảo vệ môi trường (environmentalist groups) tại các nước phương Tây kể từ thập niên 1970 và ngày nay phát triển rộng khắp trên quy mô toàn cầu. Không chỉ dừng lại ở các nhóm áp lực, các nhóm mục đích này còn tập hợp lại để hình thành nên các đảng chính trị – thường gọi là Đảng Xanh (Green Parties).
“Nhóm lợi ích” theo cách hiểu tại Việt Nam hiện nay:
Theo cách hiểu hiện nay tại Việt Nam, cụm từ “nhóm lợi ích” có thể được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau:
1) Theo ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó trưởng ban thường trực của Ban Tuyên giáo Đảng CSVN, thì đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là “có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền.”[7] Hiểu theo nghĩa này, “nhóm lợi ích” giống với khái niệm “tư bản-thân hữu” (crony) tại phương Tây. Sự khác nhau là ở chỗ: ở phương Tây không có khái niệm “nhóm tư bản thân hữu” mà chỉ có “các nhà tư bản thân hữu” (cronies). Khi tệ nạn này phát triển đến mức ảnh hưởng đến một vài ngành hay toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia, người ta gọi đó là chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism).
2) Khi trả lời phỏng vấn trang web Thế Giới Mới, ông Vũ Ngọc Hoàng còn nói thêm: “Thật ra “lợi ích nhóm” là hình thức đặc biệt của tham nhũng. Đó là tham nhũng có tổ chức.” (…)“Lợi ích nhóm” là thâu tóm, độc quyền kể cả về kinh tế và chính trị.”[8] Hiểu theo nghĩa này thì “nhóm lợi ích” không chỉ là sự câu kết, thông đồng giữa hai yếu tố (các nhà tư bản bên ngoài và những người có quyền lực bên trong bộ máy cầm quyền) mà còn có khả năng “thâu tóm, độc quyền kể cả về kinh tế và chính trị”.
Theo một số nhà chính trị học (như Bruce J. Dickson) thì đây chính là đặc trưng của hiện tượng “tư bản-thân hữu” mang màu sắc Trung Quốc. Đó là các đảng viên “hạ hải” (“xuống biển”, có nghĩa là dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh theo lời kêu gọi của Đặng Tiểu Bình) và các nhà tư bản làm ăn giỏi được kết nạp vào đảng. Họ là các nhà tư bản đỏ (red capitalists), vừa có quyền vừa có tiền. Bruce Dickson và Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) gọi đó là chủ nghĩa cộng sản thân hữu (crony communism) – một sự cộng sinh (symbiose), một sự tích hợp (integration) giữa quyền và tiền.
3) Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương thì lợi ích nhóm ở Việt Nam “có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển, v.v.”. Ông nhận xét rằng những nhóm lợi ích ở Việt Nam “hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh một số cá nhân nhất định” và “hoạt động trong một không gian chủ yếu phi chính thức, bất hợp pháp, trong không ít trường hợp có quan hệ đến buôn lậu hay các hoạt động có tính chất phạm pháp ở mức độ khác nhau”.[9] Hiểu theo nghĩa này, các “nhóm lợi ích” thực chất là các nhóm quyền lực hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, nghĩa là một hình thức đặc biệt của “cộng sản-thân hữu”, một thứ “tư bản đỏ tập thể”. Có tình trạng này phải chăng là do ĐCSVN cho phép các cơ quan đảng và nhà nước – kể cả công an và quân đội, làm kinh tế kiểu tư nhân, vì vậy họ mới có thể phát triển thành “nhóm”?
4) Nếu xét về xuất xứ thì khái niệm “lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” không phải là một khái niệm khoa học do các nhà nghiên cứu khám phá và định danh, mà là một khái niệm sinh ra từ nhu cầu đấu tranh chính trị nội bộ, là “phát minh” của một số nhà lãnh đạo của ĐCSVN và sau đó được triển khai, diễn giải bởi các nhà lý luận chính thống hoặc các trí thức cung đình.
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, ông Vũ Ngọc Hoàng xác nhận: “Ở nước ta, trong lãnh đạo, người đầu tiên công khai hóa và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phát biểu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI). Ông còn nói rõ thêm: “Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.”[10] Mặc dù trong nghị quyết này (công bố ngày 16-1-2012), chúng ta không tìm thấy cụm từ “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích”, nhưng những câu chữ như “lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân” hoặc “đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển” rõ ràng là để ám chỉ “nhóm lợi ích” và “lợi ích nhóm”.
Chính Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng xác nhận rằng ông Nguyễn Phú Trọng – qua bài phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 3 vào ngày 10-10-2011, là tác giả của hai khái niệm “nhóm lợi ích” và “tư duy nhiệm kỳ”.[11]
Như chúng ta đã biết, cuộc “đấu tranh chống lợi ích nhóm” đã đạt đến đỉnh điểm tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (tháng 10 năm 2012). Tại hội nghị này, phái “chính thống” của Đảng đã tìm cách “kỷ luật khiển trách… một đồng chí trong Bộ chính trị” nhưng không thành công vì Ban chấp hành Trung ương bác bỏ đề nghị này. Mặc dù người ta không nhắc tên nhân vật bị đề nghị kỷ luật một cách công khai mà chỉ gọi bóng gió là “đồng chí X”, mọi người dân đều biết nhân vật đó chính là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật quan trọng thứ ba trong Bộ chính trị nhưng lại là nhân vật đứng hàng thứ hai xét về thực quyền. Kể từ đó cuộc đấu tranh nội bộ “chống nhóm lợi ích” vẫn kéo dài và kết quả chung cuộc cho đến nay vẫn còn là ẩn số – do môi trường chính trị Việt Nam vẫn còn cực kỳ ngột ngạt, bưng bít, thiếu tính công khai và minh bạch.
Hiểu theo ý nghĩa thứ tư này thì “nhóm lợi ích” thật ra là một phái chính trị trong Đảng (tạm gọi là phái lợi ích) mà phái chính thống đánh giá là “chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo lợi ích bè phái, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam”.
Dù hiểu theo nghĩa nào, khái niệm “nhóm lợi ích” tại Việt Nam hoàn toàn khác xa với khái niệm “nhóm lợi ích” theo cách nhìn của các khoa học xã hội trên thế giới hiện nay. Vấn đề đặt ra là : tại sao lại có chuyện “gọi nhầm tên” như thế? Đây là một sự nhầm lẫn vô tình hay cố ý? Trong tình hình mà nhu cầu hội họp và lập hội đang ngày càng trở nên bức thiết thì việc gieo rắc cách suy nghĩ thiếu thiện cảm đối với khái niệm “nhóm lợi ích” phải chăng cũng phản ảnh tâm lý “toàn trị” của các nhà lãnh đạo ĐCSVN? Hay đó là một xảo thuật chính trị nhằm một mặt diệt trừ “phái lợi ích”, mặt khác quyết tâm bóp chết mọi mầm mống của xã hội dân sự?
Nói cách khác, mặc dù giờ đây khả năng thực hiện chế độ toàn trị không còn được như xưa – nhất là trong giai đoạn “hậu-toàn trị” (post-totalitarianism) ngày càng đi vào thế bế tắc, các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam dường như vẫn còn tiếp tục nuôi dưỡng “giấc mơ toàn trị”, coi toàn bộ cuộc sống của người dân đều thuộc quyền kiểm soát của đảng cầm quyền. Và do đó, sự hồi sinh và phát triển của xã hội dân sự trong tương lai có thể sẽ trở thành cơn ác mộng của những người “cộng sản” cuối cùng trên mảnh đất Việt Nam này…
Đà Lạt ngày 5-1-2016
M.T.L.
Tác giả gửi BVN
Tài liệu tham khảo chính:
1) Clive S. Thomas, “Interest Group”, Encyclopædia Britannica, Last Updated 11-14-2014: http://www.britannica.com/topic/interest-group
2) Rod Hague and Martin Harrop, Comparative Government and Politics – An Introduction, 6th Edition, Published by PALGRAVE MACMILLAN, 2004, pp. 166-184.
3) Kenneth Newton and Jan W. Van Deth, Foundations of Comparative Politics, Second Edition, Cambridge University Press, New York, 2010.
4) Bill Coxall, Pressure Groups in British Politics, Routledge-Taylor & Francis Group, London and New York 2013, Chapter 1: What are pressure groups?
Các dữ liệu khác chủ yếu dựa vào Wikipedia (bản tiếng Anh), Britannica Encyclopædia và các trang mạng chính thức của các nhóm áp lực.
[1] “Social groups”, Sociology Guide:
http://www.sociologyguide.com/basic-concepts/Social-Groups.php
[2] Hiện nay, một số học giả sử dụng thuật ngữ “nhóm lợi ích” để gọi chung cả hai loại nhóm nói trên. Nhưng một số học giả khác lại sử dụng thuật ngữ “nhóm áp lực” để gọi tên chung cả hai loại nhóm, còn “nhóm lợi ích” chỉ dành để chỉ các nhóm thuộc loại thứ nhất. Tôi dựa theo xu hướng thứ hai vì nó giúp chúng ta phân biệt rõ hơn đặc điểm của hai loại nhóm.
[3] TS Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, Bản in lần thứ hai, Nxb Văn hóa-Thông tin, 2006, tr. 943.
[4] TUC thật ra chỉ hoạt động ở hai xứ Anh (England) và Wales. Scotland có STUC (Scottish Trades Union Congress) tách ra khỏi TUC từ năm 1897. Các tổ chức công đoàn Bắc Ireland nằm chung trong ITUC (Irish Trade Union Congress).
[5] Các hội nhà văn, nhà báo này là “hội nghề nghiệp” (nhóm lợi ích), khác với các hội nhà văn, nhà báo là “nhóm mục đích”, như sẽ thấy ở phần sau.
[6] Dữ liệu năm 2012 của ETUI (European Trade Union Institute):
http://www.worker-participation.eu/National-Industrial-Relations/Across-Europe/Trade-Unions2
[7] Vũ Ngọc Hoàng, “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” – cảnh báo nguy cơ, Tạp chí Cộng sản số 872 (tháng 6-2015):
[8] Vũ Ngọc Hoàng, “Lợi ích nhóm làm đất nước tụt hậu, văn hóa xuống cấp, niềm tin bị mất“, Một Thế Giới, 08-07-2015: http://motthegioi.vn/xa-hoi/uy-vien-tu-dang-vu-ngoc-hoang-loi-ich-nhom-lam-dat-nuoc-tut-hau-van-hoa-xuong-cap-niem-tin-bi-mat-207509.html
[9] Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Nhóm Tư vấn Chính sách kinh tế vĩ mô, Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 – Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu, Nxb Tri Thức 2012, tr. 277.
[10] Vũ Ngọc Hoàng, TCCS số 872, bđd.
[11] Lê Đăng Doanh, sđd.