Cảm nhận về hội thảo quốc tế đánh giá tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong

Trên công luận, có hai bài tường thuật về hội thảo Mekong Delta Study (MDS) của báo Tuổi Trẻ đăng ngày 5/12 với cái tít rất kêu “Chưa nên công nhận vì nhiều thiếu sót” (*) và tường thuật của báo VietNam Plus tiêu đề “Kiến nghị phát triển 11 đập thủy điện trên dòng chính Mekong” theo hai góc nhìn khác nhau.

Là người tham dự và phát biểu tại hội thảo, với tư cách chuyên gia độc lập, xin chuyển tải cảm nhận về hội thảo nói trên để rộng đường công luận. 

Hội thảo nóng ngay từ buổi đầu khai mạc

Ngày 4/12 Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mekong Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế “Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong”. Có khoảng 80 đại biểu tham dự đại diện cho Lào, Campuchia, các tổ chức quốc tế, các sứ quán, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Đối ngoại Trung ương, các ngành, tỉnh thành, chuyên gia độc lập, v.v.

Đây là một trong các cuộc hội thảo được nhiều giới quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Minh Quang và các đại biểu tham dự suốt cả ngày, lắng nghe các ý kiến phản biện tranh luận dưới các góc nhìn khác nhau.

Trước hết, phải ghi nhận, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai minh bạch cho công bố toàn bộ về kết quả của MDS mới được cập nhật và mời nhiều thành phần tham dự kể các các chuyên gia độc lập lâu nay đã lên tiếng phản biện về nghiên cứu này.

Sau khi nghe phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai và trình bày báo cáo của tư vấn quốc tế, Gs Nguyễn Ngọc Trân mở đầu bài phát biểu đề nghị không nên chấp nhận báo cáo này vì chưa logic trong sơ đồ khối về phương pháp luận, không kể đến các tác động của thủy điện Trung Quốc, các tác nhân của biển, của con người, độ chính xác của số liệu mô hình hóa. Đặc biệt ông Trân còn đề nghị nhà nước kiểm tra tài chính nghiên cứu này làm ngay cả một số đại biểu quốc tế cũng ngơ ngác, giờ giải lao hỏi tôi nội bộ có chuyện gì không. Thật ra, về tài chính là điều hiển nhiên phải làm của kiểm toán nhà nước đối với bất cứ dự án, đề tài nghiên cứu nào, không nên “đao to, búa lớn” đưa ra ở hội thảo quốc tế chỉ thảo luận về vấn đề chuyên môn.

Gs Trân còn đề cập đến vấn đề lý lịch, cho rằng Ts Chu Thái Hoành chuyên môn về ngành nước không đủ kiến thức nghiên cứu về nông nghiệp. Ts Hoành từ tốn, giải đáp đã theo học tiến sĩ ở Đại học Nông nghiệp Wageningen (Hà Lan) và nhiều năm làm chuyên gia ở IRRI (Viện Lúa Quốc tế ở Philippines) chuyên nghiên cứu về mô hình nông nghiệp. Phương pháp đánh giá về tác động đến nông nghiệp ở đây là dựa theo các kết quả nghiên cứu khoa học của quốc tế có tham vấn chuyên gia và rất nhiều tài liệu trong nước.

PGS Lê Anh Tuấn và thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (mỗi người phát biểu 2-3 lần) chủ yếu góp ý phê phán liên quan đến phạm vi nghiên cứu, một số thông tin về số liệu còn mâu thuẫn, không rõ ràng như số liệu về phù sa, không nghiên cứu đánh giá sâu về loài cá, phạm vi tốc độ xói lở bờ, quan điểm đối tượng bảo vệ nông nghiệp, v.v. Cả hai ý kiến của Lê Anh Tuấn và Nguyễn Hữu Thiện nhằm nâng cao chất lượng của báo cáo, không hề nói bác bỏ MDS. Phía Việt Nam còn có ý kiến của đại diện Bộ Xây dựng cần bổ sung nghiên cứu tác động đến các đô thị hóa ở đồng bằng sông Cửu Long. Một ý kiến khác của đại diện ở Cần Thơ nói đồng ý với ý kiến của Gs Trân và bổ sung phát triển thủy điện không nên coi là phát triển bền vững như phía Lào giải thích.

Gs Tăng Đức Thắng Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Ts Nguyễn Thế Bình nguyên Phân viện trưởng Phân viện Thiết kế Quy hoạch Nông nghiệp là những người am hiểu thực tế nhưng chắc vì “tế nhị” nên không phát biểu.

Ts John Dore chuyên gia người Úc đại diện cho tổ chức Tài nguyên nước vùng Châu Á đánh giá MDS mặc dù còn một số khiếm khuyết nhưng không thể phủ nhận đây là kết quả nghiên cứu nỗ lực rất đáng ghi nhận của tư vấn làm rõ nhiều điều so với các nghiên cứu mang tính chất định tính trước đây.

Các bạn ở đoàn của Lào khẳng định quyền của mình được xây dựng các đập thủy điện để phát triển kinh tế, và làm thủy điện còn có nhiều mặt lợi không phải chỉ có hại như trong báo cáo của MDS.

Phía Campuchia và Lào có ý kiến tranh luận với tư vấn về việc sử dụng số liệu cũ hay mới. Đặc biệt là ý kiến của Ts Sokhem Pech (ba lần phát biểu) cần lưu ý đến tác động ảnh hưởng rất lớn đến Tonle Sap về dao động mực nước và phù sa, thủy sản. Báo cáo lần trước so với lần này có khác nhau (nên hiểu là mới bổ sung đánh giá cả kịch bản 2 và 3 thay cho chỉ có kịch bản 1 như lần công bố trước). Ts Sokhem cũng như ý kiến của đại diện Mỹ, và các đại biểu quốc tế khác ghi nhận các kết quả của nghiên cứu và tuy chỉ ra MDS còn những bất cập, đề nghị tư vấn bổ sung hoàn chỉnh báo cáo chính thức, nhưng không có ai đề nghị bác bỏ nghiên cứu này như Gs Trân.

Quan điểm của người viết bài này

Ở hội thảo do giới hạn về thời gian tôi chỉ nêu một số ý chính (phát biểu hai lần buổi sáng và buổi chiều) có thể tóm tắt như sau:

-Hội thảo tranh luận sôi nổi nhiều ý kiến dưới các góc nhìn khác nhau rất ích lợi cho tư vấn và cơ quan chủ trì lắng nghe, giải trình, tiếp thu để hoàn chỉnh báo cáo cuối cùng.

– Tư vấn DHI (Đan Mạch) và HDR (Mỹ) là các công ty có danh tiếng trên thế giới nhưng lĩnh vực nghiên cứu MDS quá rộng và phức tạp, trong thời gian ngắn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Con người tác động vào tự nhiên luôn có được và mất, đó là bài toán “trade off” đánh đổi, do đó phải làm sao cho cái lợi lớn nhất và cái mất ít nhất.

– MDS cần làm rõ mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu và sơ đồ khối (Flow Chart) minh chứng cụ thể các số liệu mới cập nhật sử dụng cho mô hình toán.

– MDS là nghiên cứu lần đầu tiên cho kết quả mang nhiều tính chất định lượng cụ thể về mực nước, độ mặn, sản lượng lúa, phù sa, v.v. khác hẳn với các nghiên cứu nặng về định tính trước đây. Nếu làm rõ tính kế thừa từ các nghiên cứu khác trước đây như nghiên cứu về chiến lược môi trường, chương trình sử dụng tài nguyên nước (WUP) Ủy hội sông Mekong (bộ SWAT, IQQM, ISIS, DSF), một số nghiên cứu ở Việt Nam liên quan như quy hoạch thủy lợi xét đến biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng để thấy rõ tính mới và tính sáng tạo của MDS (khi áp dụng mô hình Mike) thì dễ thuyết phục người đọc hơn.

-Ý kiến của đại diện Campuchia cho rằng số liệu sử dụng cũ, bên tư vấn phản ứng lại là mới (sư nói sư phải, vãi nói vãi hay) không minh chứng cụ thể. Với tư cách chuyên gia độc lập, tôi đã giải thích MDS sử dụng mạng giám sát chất lượng nước của MRC thực hiện giám sát liên tục từ 1988-2015 (chuỗi số liệu hơn 25 năm) tại 48 vị trí quan trắc trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong (Campuchia: 18 vị trí, Lào: 11, Thái Lan: 8 và Việt Nam 10 vị trí). Quan trắc liên tục 1 tháng thu mẫu 1 lần (ngày 15 hàng tháng, 12 tháng/năm) với 19 chỉ tiêu hóa lý. Các phòng thí nghiêm tham gia mạng lưới áp dụng hệ thống Quản lý chất lượng theo ISO 17025, hàng năm tham gia thử nghiệm thành thạo PT của ERA – USA đảm bảo số liệu tin cậy và hệ thống.

Ngoài ra, còn có nghiên cứu bổ sung số liệu và thông tin về thành phần chất dinh dưỡng, phục vụ cho tính toán mô hình chất lượng nước EcoLAB. Thời gian thực hiện: 2 đợt tháng 10/2014 và tháng 4/2015. Bổ sung thêm một đợt tại Lào tháng 3/2015. Số liệu Sediment của MRC thực hiện từ năm 2012-2015, tại 68 mặt cắt, dòng chính và nhánh sông Mekong. Một số nghiên cứu bổ sung đo 2 đợt tháng 4/2015 và tháng 10/2014. Ngoài ra, thêm một đợt bổ sung tại Lào tháng 3/2015, v.v. Tổng số lượng mẫu phù sa bùn cát trong nghiên cứu bổ sung là: 1340 mẩu bùn cát đáy và 418 mẫu bùn cát lơ lửng. Có thể nói, đây là đợt nghiên cứu bổ sung với quy mô và nội dung chưa từng có từ trước đến nay trong khu vưc, cung cấp khá đầy đủ số liệu đầu vào, để thực hiện theo yêu cầu cua DHI.

Số liệu của IKMP/DSMP chủ yếu là tổng lượng sediment, không có số liệu về các thành phần dinh dưỡng. Trong khi đó, số liệu của WQMN thì chỉ có hàm lượng tổng N và P trong nước (mẫu nước gồm cả thành phần hòa tan và thành phần trong chất lơ lửng (TSS)). Do đó, vai trò của các nghiên cứu bổ sung trong nghiên cứu này chủ yếu để xác định tỷ lệ các chất dinh dưỡng ở các dạng khác nhau trong nước, làm cơ sở tính toán thành phần dinh dưỡng trong sediment của các năm kịch bản nền (vì số liệu đo trong các năm này hạn chế).

Cần lưu ý tách biệt số liệu Bedload sử dụng cho Mike 11 ST và Wash Load sử dụng cho Mike 11 AD để người đọc dễ theo dõi.

Ở đây, có vấn đề về chính sách quản lý số liệu như thế nào. Nếu các chuyên gia Việt Nam muốn sử dụng số liệu cơ bản về chất lượng nước kể cả các số liệu mặt cắt ngang phần dòng chính thượng lưu sông Mekong thì có được miễn phí không? Hay chỉ các chuyên gia DHI mới có độc quyền sử dụng?

– Tôi chia sẻ với các bạn Lào về nguyện vọng muốn khai thác tiềm năng thủy điện để phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng không thể nói phát triển thủy điện là bền vững và quyền được làm thủy điện vì theo Hiệp định MRC có ba giai đoạn viết tắt là PNPCA bao gồm giai đoạn 1: Thủ tục thông báo (Procedures for Notification). Giai đoạn 2: Tham vấn trước (Prior Consultation), thời gian dành cho Tham vấn trước là 6 tháng kể từ ngày nhận được Thông báo. Giai đoạn 3: Chuẩn thuận (Agreement).

Trong giờ giải lao, tôi tiếp tục đàm đạo với các bạn Lào là đừng quên tinh thần của Hiệp định MRC 1995 là “4 quốc gia thành viên tham gia ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường do phát triển và xử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mekong”, v.v.

Các mặt còn tồn tại trong báo cáo của MDS

Theo nhận xét của tôi:

Về mục tiêu MDS chỉ mới tập trung vào tác động của các đập dòng chính mà chưa mở rộng được ra các vấn đề liên quan đến phát triển khác như chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong toàn vùng.

– Tuy đã có nhiều kết quả có thể định lượng rõ ràng như tác động lên dòng chảy, mực nước, độ mặn, sản lượng lúa vẫn còn thiếu nhiều lĩnh vực chưa đánh giá định lượng được chắc chắn như đa dạng sinh học, bồi xói, v.v.

– Về phương pháp chưa phân tích được sự tương tác giữa các ngành với nhau như mối quan hệ giữa nông nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học, v.v.

– Về số liệu: Vẫn còn thiếu nhiều mảng số liệu như thủy sản, đa dạng sinh học, dân sinh và chưa có được chuỗi số liệu dài năm đồng bộ để phân tích tác động theo thời gian.

– Số liệu xói lở vùng biển không phù hợp với thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long.

– Độ chính xác của mô hình phụ thuộc số liệu đầu vào, phần mềm tính toán, và tay nghề của chuyên gia mô hình. Phương pháp số nào cũng có những hạn chế của nó. Phương pháp sai phân hữu hạn có một điểm bất lợi cơ bản so với phương pháp thể tích hữu hạn là không bảo tồn được tính bảo toàn của phương trình vận tải chất.

Từ trước tới nay, các chuyên gia tính dòng chảy tại Kratie qua đường quan hệ H-Q (mực nước và lưu lượng). Phương pháp này đã được kiểm chứng qua số liệu đo nhiều năm. Đo mực nước rồi tính ra tính ra lưu lượng. Để tính bằng mô hình Mike 11 cho dòng chính thì phải cho trước điều kiện biên (hoặc H hoặc Q) tại Kratie. Khi chạy mô phỏng (ví dụ 2007) thì đã có thể có các giá trị H/Q tại Kratie, nhưng khi tính các phương án thì các giá trị H, Q tại Kratie chưa có (đúng ra các giá trị này phải là kết quả tính ra từ mô hình, như trong trường hợp dòng chảy từ thượng lưu tới hạ lưu).

Mike 11 được sử dụng trong MDS đã phát triển giải thuật toán cho cả dòng chảy êm lẫn dòng chảy xiết. Khi tính cho dòng chẩy xiết DHI có sửa version 2014 để cho tính toán ổn định chứ không phản ánh bản chất của dòng chảy xiết. Đối với dòng chảy xiết, chuyên gia lược bỏ số hạng đối lưu trong phương trình động lượng. Mike 11 không thực sự mô phỏng dòng chảy xiết và kết quả tính sẽ kém chính xác khi số Froude gia tăng. Tuy nhiên, điều này chỉ cục bộ một vài điểm trên toàn lưu vực nên kết qủa mô phỏng coi như sai số cho phép.

Vấn đề đáng quan tâm là từ Kratie trở xuống là tam giác châu Mekong với địa hình tương đối thấp. Khi có lũ, nước sẽ tràn bờ và chảy trên đồng. Lưu lượng tràn bờ (theo chiều từ sông tràn lên đồng và ngược lại, tràn từ trên đồng xuống sông) là không hề nhỏ so với lưu lượng chảy trong lòng sông chính.

Ví dụ cụ thể, chúng tôi ước tính sơ bộ nếu tích hợp giữa mô hình 1D và 2 D cho trận lũ 2011 thấy lưu lượng tại Kratie và tại Phnompenh (sông Mekong và sông Bassac) và lưu lượng tràn bờ trên các đoạn sông tương ứng. Lưu lượng tràn bờ trên các đoạn sông này bằng 70-80% lưu lượng trong sông. Các chất dinh dưỡng, phù sa… trong dòng nước sau khi tràn lên bờ sẽ biến đổi trong quá trình chảy tràn trên đồng. Khi nước tràn ngược trở lại sông, chắc chắn chất lượng của nó sẽ thay đổi. Mô hình 1D của MDS hầu như không có khả năng tính toán được sự tương tác giữa dòng trong sông và dòng trên đồng cả về lượng nước lẫn vật chất mang trong dòng nước. Và sự khiếm khuyết này là đáng quan tâm khi lưu lượng tràn bờ là đáng kể như trong trường hợp nêu trên.

Chuyên gia tư vấn giải trình tiếp thu ý kiến này nhưng việc xây dựng mô hình 2D còn phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho nghiên cứu trong tương lai.

Thay cho lời kết

Hôm lâu, Gs Trân nhắn tin cho tôi “Anh nên viết sớm, trước khi có “đèn đỏ” về MDS đó. Quan điểm của tôi dưới góc nhìn của chuyên gia độc lập, nhà báo công dân, không bị tác động của bất cứ ai, kể cả những người có thẩm quyền.

MDS đánh giá tác động thủy điện trên dòng chính, chưa phải là quy hoạch phát triển để đưa vào tất cả các dự báo, các biến động và các quyết định về sử dụng tài nguyên không liên quan đến chủ đề nghiên cứu là các đập ở thượng lưu. Việc này sẽ làm ở giai đoạn sau, đó cũng là trách nhiệm của các cơ quan quy hoạch của Việt Nam. MDS không đủ thời gian và cũng không đủ khả năng để làm các việc này.

Nếu cập nhật đến hiện tại thì tác động của các thủy điện ở Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn xuống hạ lưu, khi đó làm lu mờ tác động của thủy điện dòng chính của 11 đập ở hạ lưu sông Mekong.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mekong Việt Nam cùng tư vấn quốc tế nghiên cứu xem xét, tiếp thu các ý kiến phản biện của các đại biểu tham gia hội thảo để hoàn chỉnh báo cáo chính thức cuối cùng như cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang theo đánh giá chung của các đại biểu tham dự Hội thảo là thỏa đáng. Những “lỗ hổng” còn lại trong MDS sẽ được phía Việt Nam nghiên cứu trong chương trình khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững của đồng bằng sông Cửu Long.

(*) Trên trang online, bài này mang tên trung tính hơn: Nhiều ý kiến về báo cáo tác động thủy điện trên dòng MekongBVN.

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.