TTO – “Tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”, thuyền trưởng Trần Văn Nga cho biết.
Ngày 26-11, ông Nguyễn Duy Hiết, giám đốc Công ty bảo đảm An toàn hàng hải biển Đông và hải đảo, xác nhận tàu Hải đăng 05 của công ty bị hai tàu hải cảnh số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc vây ép tại Trường Sa vào ngày 13-11.
Cụ thể, theo tường trình của thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 Trần Văn Nga và các thuyền viên, từ 11g – 13 g ngày 13-11, khi tàu Hải Đăng 05 đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây thì bị các tàu Trung Quốc vây ép, chĩa súng thẳng vào tàu Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thuyền trưởng Trần Văn Nga tường trình lại như sau:
Khoảng 9g30 sáng 13-11, khi tàu Hải Đăng 05 đi ngang qua bãi đá Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 12 hải lý thì Trung Quốc xua một tàu nhỏ ra đuổi.
Đến 11g cùng ngày, hai tàu hải cảnh mang số hiệu 2305 và 35115 xuất hiện và tổ chức vây ép từ mũi và đuôi tàu Hải Đăng 05.
“Tình huống lúc này rất nguy hiểm. Tàu hải cảnh 35115 xé nước từ phía sau lái tàu Hải Đăng 05. Còn tàu hải cảnh 2305 lại ép từ mạn phải, phía trước mũi tàu. Sau đó các tàu Trung Quốc thi nhau cắt mũi nằm tạo tình huống ngụy tạo là tàu Việt Nam cố va chạm”, thuyền trưởng Trần Văn Nga kể.
Khoảng 30 phút sau, tàu chiến 995 xuất hiện. Theo thuyền trưởng Nga thì đây là tàu đổ bộ, có độ giãn nước khá lớn, màu xám và được trang bị pháo 37 ly, cùng nhiều loại vũ khí khác.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc ngay lập tức vây ép tàu Hải đăng 05 của Việt Nam. Đồng thời bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi. Sau đó tàu chiến 995 phát loa bằng tiếng Trung. Tuy nhiên, các thuyền viên tàu Hải đăng 05 không hiểu được nội dung.
“Nhưng nghiêm trọng nhất là đến khoảng 12g thì tàu chiến 995 của Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”, thuyền trưởng Trần Văn Nga cho biết.
“Anh em vẫn bình tĩnh, điều khiển tàu Hải Đăng 05 đi theo đúng hải trình đã định và cố gắng không để xảy ra va chạm, mắc bẫy các tàu Trung Quốc dù hành động của họ là trái với các quy tắc hàng hải và lộ rõ ý độ khiêu khích”, thuyền trưởng Trần Văn Nga kể.
Trước sự kiên cường của tàu Hải Đăng 05, đến 13g30 các tàu của Trung Quốc đã rút đi.
Âm mưu thâm độc
Ông Nguyễn Duy Hiết cho biết đây không phải là lần đầu tiên tàu của công ty bảo đảm an toàn hàng hải Biển đông và hải đảo bị tàu Trung Quốc vây ép.
“Vào tháng 10-2015, khi tàu Thuận Thủy 36 của công ty đi tiếp tế lương thực và thiết bị tại Trường Sa cũng nhiều lần bị phía Trung Quốc xua tàu chiến, tàu hải cảnh, kể cả máy bay ra vây ép”, ông Hiết thông tin.
Trong đó, lần vây ép nguy hiểm nhất là vào ngày 7-10, khi tàu Thuận Thủy 36 đang di chuyển từ đảo Sơn Ca lên Song Tử Tây thì nhiều tàu Trung Quốc đã đeo bám suốt ngày. Sau đó, khi đêm xuống, các tàu Trung Quốc đã dàn đội hình chắn trước mũi tàu Thuận Thủy 36.
Đánh giá tình hình nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, tàu Thuận Thủy 36 đã chuyển hướng, nhằm tránh lọt vào mưu đồ khiêu khích của tàu Trung Quốc.
Thông tin thêm với Tuổi Trẻ, thuyển trưởng tàu Hải Đăng 05 cho biết cuộc chạm trán ngày 13-11 không phải là lần đầu tiên tàu tiếp tế hải đăng của Việt Nam gặp. Nhiều chuyến trước đó từ các đảo phía Nam lên phía Bắc Trường Sa, tàu Hải Đăng 05 cũng đã bị tàu Trung Quốc vây ép. Tuy nhiên chưa lần nào mức độ nguy hiểm cao như ngày 13-11 vừa qua.
“Đây là âm mưu rất thâm độc của Trung Quốc. Khi bị ép như vậy thì ngoài việc gây ra nguy hiểm, có thể tạo ra tình huống va chạm thì các tàu Việt Nam có thể phải chạy sát vào các đảo ở Trường Sa đang do Đài Loan, Philippines chiếm giữ trái phép. Và trong tình huống này có thể sẽ tạo ra va chạm giữa tàu của nhiều bên chứ không chỉ của Việt Nam và Trung Quốc”, thuyền trưởng Trần Văn Nga phân tích.
|
|
V.S.