Phe quân đội vẫn chiếm 25% số ghế trong Quốc hội và là nhóm có nhiều đại diện thứ nhì, chỉ sau đảng NLD của bà Suu Kyi
Quốc hội Myanmar nhóm họp lần đầu tiên kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi long trời lở đất hồi tuần trước.
Phiên họp không gồm các tân dân biểu – các thành viên Quốc hội đương nhiệm kể cả khi đã mất ghế trong kỳ bầu cử vừa rồi vẫn tại nhiệm cho tới cuối tháng Giêng.
Bà Suu Kyi trước đó đã chỉ trích việc chuyển giao kéo dài mất nhiều thời gian và nói bản hiến pháp là “rất ngớ ngẩn”, nhưng các phóng viên nói bà tỏ ra sẵn sàng tuân thủ.
Nếu như việc chuyển giao quyền lực được diễn ra, điều đó sẽ chấm dứt hơn 50 năm cầm quyền của Chính phủ được giới quân sự hậu thuẫn tại Myanmar, nước còn được gọi bằng cái tên Miến Điện.
Trong lúc vẫn còn có chân trong Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đương nhiệm có thể tiếp tục thông qua luật, cho nên hiện đang có lo sợ là họ thậm chí có thể đưa ra một mức ngân sách mới gây khó dễ cho chínnh phủ mới sẽ do đảng đối lập dẫn dắt kể từ năm sau.
Giành được gần 80% số ghế được đưa ra tranh cử, bà Suu Kyi được trông đợi là sẽ gặp cả Tổng thống lẫn Chỉ huy trưởng Quân đội hiện thời để thảo luận việc chuyển giao quyền lực.
Bản thân Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann cũng thua cử, mất vị trí đại diện cho đảng USDP đương quyền
Chủ tịch Quốc hội sắp ra đi Shwe Mann, người mất ghế đại diện cho đảng USDP đương quyền, đã thúc giục các nhà lập pháp là hãy làm “những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân” trong các cuộc tranh luận cuối cùng của mình tại quốc hội.
“Tuy chúng ta sẽ không trở lại, nhưng chúng ta cần làm những gì tốt nhất để thực hiện nghĩa vụ của các nhà lập pháp, trung thực và thành thật”, ông được Reuters dẫn lời nói tại phiên họp mới.
Chỉ sau khi phiên họp “vịt què” kết thúc, Quốc hội mới với thành phần đa số thuộc đảng NLD mới nhóm họp.
Quốc hội mới sẽ ngay lập tức chọn tân Chủ tịch, mà nhiều khả năng sẽ là bà Suu Kyi, rồi chọn hai Phó Tổng thống và một Tổng thống.
Chừng 30 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu – tỷ lệ đi bầu ước tính đạt 80%.
Kỳ bầu cử vừa rồi được đánh giá rộng rãi là một kỳ bỏ phiếu công bằng, tuy vẫn có những tường thuật về chuyện bất thường, và hàng trăm ngàn người, trong đó có cả cộng động người Hồi giáo Rohingya thiểu số vốn không được thừa nhận là công dân, đã không được đi bầu.
Bây giờ là lúc đảng NLD kiểm soát Myanmar?
Không hẳn vậy. Đảng NLD có đủ số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện để có quyền chọn Tổng thống, nhưng Quân đội chiếm 25% số ghế và kiểm soát các bộ ngành then chốt, do đó các bên vẫn cần phải hợp tác với nhau.
Bà Aung San Suu Kyi sẽ trở thành Tổng thống?
Không. Bản hiến pháp do bên Quân đội soạn ra cấm những ai có người phối ngẫu hoặc con cái, như trong trường hợp của bà Suu Kyi, được đảm nhận vị trí này. Quy định trên được nhìn nhận là nhằm chặn việc bà trở thành Tổng thống. Nhưng bà Suu Kyi đã lặp đi lặp lại rằng bà dẫu thế nào thì cũng vẫn sẽ dẫn dắt đất nước nếu NLD chiến thắng.
Đảng NLD có thể thay đổi Hiến pháp được không?
Không, Quân đội có quyền phủ quyết trước bất kỳ bước đi nào nhằm thay đổi Hiến pháp.
Kỳ bầu cử vừa rồi có công bằng không?
“Nói chung là có”, bà Suu Kyi nói. Nhưng hàng trăm ngàn người, trong đó có cả cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiếu số, không được phép đi bầu, và việc bỏ phiếu đã không được tổ chức tại bảy khu vực nơi đang xảy ra tình trạng xung đột sắc tộc rộng khắp.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/11/151116_myanmar_mps_first_meet_after_election