Cuộc cách mạng dân chủ ở Myanmar ảnh hưởng đến  các thể chế độc tài như thế nào*

Thái độ của Myanmar với Trung Quốc

Ngả theo Trung Quốc để giữ chính quyền là điều “cực kỳ nguy hiểm” vì “cánh cửa đổi mới” ở Myanmar đã mở ra và “không thể đóng lại” được nữa trong lúc quá trình dân chủ hóa cho thấy “phù hợp” với xu thế chung của thế giới và nguyện vọng của người dân.

Đó là ý kiến của cựu Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, ông Chu Công Phùng, bình luận về cuộc bầu cử năm 2015 vừa diễn ra và cho thấy Đảng NLD hay Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung Sang Suu Kyu lãnh đạo đang chiếu ưu thế, dựa trên kết quả đang tiếp tục công bố.

Trao đổi với BBC hôm 10/11/2015, nhà ngoại giao Chu Công Phùng nói:

“Chính quyền dân sự hiện nay mà do các tướng lĩnh nắm quyền ở Myanmar thì họ nhìn thực tế rồi, họ đã cố gắng rất nhiều, họ thừa biết rằng trong 5 năm qua họ cố gắng rất nhiều, cố gắng lắm, cải thiện đời sống, kinh tế…, thực hiện dân chủ v.v… thế nhưng dân người ta vẫn chưa đồng ý và các ông bầu cử thua.

“Họ hiểu rằng uy tín của họ đã xuống rồi, các biện pháp làm của họ đã hết sức rồi, bây giờ tốt nhất là để cho một Đảng khác lãnh đạo đi, rồi mình tự kiểm điểm, tự phản biện, để 5 năm sau, ta lại tính chuyện là giành lại chính quyền, cũng như các nước khác có hai đảng đối lập.

“Cực kỳ nguy hiểm”

“Thế còn bây giờ lựa chọn con đường mà ngả theo nước ngoài, ví dụ như ngả theo Trung Quốc, để mà giữ quyền thì là điều cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, trong mấy năm vừa rồi, Myanmar đã thực hiện một số động tác có tính chất dần dần tách khỏi quỹ đạo thân Trung Quốc trước đây…”.

Image copyright AP Image caption Người dân Myanmar ăn mừng cuộc bầu cử tự do năm 2015 vừa diễn ra.

“Đối với Trung Quốc là họ tương đối rõ ràng. Cho nên trở lại câu hỏi bảo rằng bây giờ dựa vào Trung Quốc để giữ quyền lãnh đạo thì đó là một sai lầm ai cũng biết, mà không thể dựa được.

“Xin nói thêm là Trung Quốc hiện nay là một nước lớn cô đơn, không có bạn bè chiến lược, không có bạn thân, mà toàn có những mối bạn bè dùng tiền đi mua chuộc thôi”.

“Tình hình thực tế ở Myanmar cho thấy rằng là hiện nay xu hướng của người dân người ta mong muốn cái gì? Mong muốn cởi mở hơn về chính trị, phát triển hơn về kinh tế và dân chủ hơn nữa về chính trị, xã hội…”.

Dự đoán xu thế “cải tổ và dân chủ hóa” của Myanmar là “không thể đảo ngược”, vị cựu Đại sứ nói thêm:

“Sau 2010, sau bầu cử, Myanmar đã mở cửa, đã từng bước hội nhập thế giới và việc dân chủ đang phát triển và bây giờ chúng tôi cho rằng cánh cửa dân chủ ở Myanmar đã mở ra, thì không thể đóng lại được nữa.

“Không thể đóng được nữa, nhất là bối cảnh bây giờ khác năm 1990, bối cảnh bây giờ là thế giới đang hội nhập, tất cả các quốc gia đều hội nhập với nhau, sự quan tâm của thế giới đối với mỗi quốc gia đều là rất quan trọng.

“Bây giờ sự ủng hộ của thế giới, nguyện vọng của người dân, cánh cửa dân chủ đã mở ra, thì không có lý gì mà bây giờ chính quyền hiện tại của Myanmar, chính quyền dân sự đấy, nhưng thực chất quân sự cầm quyền, họ lại không giao quyền lực được.

“Nếu mà không giao quyền, thì nó sẽ sinh ra biến, mà chính quyền sẽ không tồn tại được”, ông Chu Công Phùng nói với BBC.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/11/151110_chucongphung_part1

 

VN có thể “học hỏi rất nhiều” từ Myanmar

11-11-2015

Cải tổ và dân chủ hóa ở Myanmar là “một quá trình” có nguồn gốc từ lâu và Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo “được rất nhiều” từ Myanmar, theo cựu Đại sứ Việt Nam tại quốc gia này.

Trong phần tiếp theo và cũng là phần cuối của cuộc trao đổi với BBC, hôm 10/11/2015, ông Chu Công Phùng nói:

“Mỗi một quốc gia có đặc điểm riêng của họ, Myanmar có đặc điểm, đặc thù riêng của họ, họ thực hiện dân chủ, họ phát triển kinh tế có đặc điểm riêng của họ. Việt Nam có đặc điểm riêng của chúng ta.

“Cho nên tôi nghĩ những bài học của Myanmar, tôi nghĩ bài học là đối với Việt Nam của chúng ta có thể tham khảo được rất nhiều, tham khảo từ mô hình phát triển kinh tế.

“Tại sao rừng vàng biển bạc, Myanmar nhiều như vậy mà suốt nửa thế kỷ họ chìm đắm trong nghèo khổ, thậm chí thiếu ăn?

“Thì Việt Nam chúng ta cũng thế, tài nguyên phong phú như thế, nhưng mà trước năm 1988 chúng ta (Việt Nam) rất thiếu thốn.

Việt Nam nhiều cái còn rất mới mẻ, vậy chúng ta phải từng bước, từng bước học tập họ và từng bước thực hiện.Chu Công Phùng, cựu Đại sứ VN tại Myanmar

“Myanmar cũng có cải cách kinh tế, thì bây giờ đạt được họ xuất khẩu gạo rồi, chúng ta từ năm 1988 đến giờ cũng đã đổi mới, phát triển, xuất khẩu gạo rồi”.

Từng bước và lộ trình

Còn về mặt chính trị, thể chế, cựu Đại sứ Việt Nam tại Myanmar nói thêm:

“Thế còn về chính trị của hai bên nó khác nhau. Tôi xin nói rằng Myanmar ngay từ thập kỷ sau khi mà họ thành lập đất nước những năm 1948, là Myanmar đã có dân chủ rồi… có nghị viện, dân chủ, đa đảng rồi.

“Cho đến bây giờ họ trở lại không khí đổi mới, trở lại đời sống dân chủ không phải mới đâu. Đối với người Myanmar không phải mới đâu, họ thụ hưởng rồi.

“Thế còn Việt Nam nhiều cái còn rất mới mẻ, vậy chúng ta phải từng bước, từng bước học tập họ và từng bước thực hiện.

“Bởi vì tôi nói rồi quá trình phát triển, quá trình dân chủ nó phải là từng bước một và có thời gian, có lộ trình, không thể cùng một lúc có thể làm ngay được”, ông Chu Công Phùng nói với BBC.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/11/151110_chucongphung_part2

* Đầu đề do BVN đặt.

This entry was posted in Dân chủ, Quốc Tế. Bookmark the permalink.