“Nhân ngày pháp luật Việt Nam 09/11/2015”
Khái niệm đa nguyên:“Đa nguyên theo nghĩa tổng quát là sự xác nhận và chấp nhận tính đa dạng. Khái niệm này thường được dùng theo nhiều cách khác nhau trong nhiều vấn đề khác nhau. Trong chính trị, sự xác nhận tính phong phú về các mối quan tâm và niềm tin của toàn thể công dân là một trong số các đặc tính quan trọng của nền dân chủ hiện đại. Trong khoa học, khái niệm này thường miêu tả quan điểm cho rằng có vài, không phải duy nhất, phương pháp, lí thuyết hay quan điểm là hợp lí hoặc đáng tin cậy. Thái độ này được cho là một yếu tố quan trọng cho tiến bộ khoa học. Thuật ngữ đa nguyên cũng được dùng với một số nghĩa khác trong ngữ cảnh tôn giáo và triết học.” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Đa nguyên là bản tính của tự nhiên. Nó là quy luật tất yếu, khách quan. Đa nguyên là một giá trị phổ quát không loại trừ không gian, thời gian. Đa nguyên là quy luật chung chi phối mọi lĩnh vực không loại trừ trong chính trị.
Trong chính trị đa đảng tức là không phải một đảng. Đa đảng không tất yếu là đa nguyên. Trong lịch sử Việt Nam đã có thời kỳ tồn tại ba đảng là đảng Lao Động, đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội nhưng không phải là đa nguyên. Vì các đảng này đều chịu lãnh đạo của một đảng Lao Động. Và thực tế ở các nước trên thế giới hiện nay cũng có nước đồng thời tồn tại nhiều đảng hoặc hai đảng cộng sản hoặc đảng Macxit nhưng không phải là đa nguyên… Nhưng nếu đa đảng mà dẫn đến đa nguyên thì cũng chỉ là một dạng của đa nguyên. Theo logic hình thức đa đảng thuộc ngoại diên của đa nguyên.
Điều 25, Hiến pháp năm 2013, quy định:
“Điều 25.
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Như vậy, hiến pháp đã ghi nhận đa nguyên, đa đảng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Mặt khác bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 không có điều nào về “Tội đa nguyên, đa đảng”. Mặt khác điều 4 hiến pháp 2013 cũng quy định đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Việc lãnh đạo này bằng hiến pháp và pháp luật chứ không được lãnh đạo nhà nước và xã hội trực tiếp bằng nghị quyết, chỉ thị của đảng hay các bằng phát ngôn của lãnh đạo đảng.
Một đảng phái chính trị hay một tổ chức kinh doanh bao giờ cũng có mong muốn được độc quyền, “một mình một chợ”. Nhưng đây chỉ là mong muốn của họ còn chấp nhận hay không là thuộc về quyền và ý chí của xã hội.
Trên đây, chỉ là những điều hiển nhiên, một giá trị phổ quát, một quyền được hiến pháp 2013 ghi nhận. Thế nhưng đảng, nhà nước lại coi đa nguyên, đa đảng là một tội là “thế lực phản động”. Trong quá khứ và hiện tại nhiều người chỉ vì thực hiện quyền được đa nguyên, đa đảng mà bị gượng ép kết án, bị bỏ tù. Nếu hiến pháp 2013 không được tôn trọng và các văn bản luật, dưới luật vi hiến được ban hành thì hoặc phải loại bỏ hoặc phải sửa đổi điều 25 của hiến pháp để nó không trở thành cái bẫy để bỏ tù những người trung thực./.
Hà Nội, ngày 09/11/2015.
H.H.S
Tác giả gửi BVN