Thăm người đổ máu vì… Tập Cận Bình

Ngày 6.11.2015. Sáu giờ sáng. Tôi nhận được điện thoại của nghệ sĩ Kim Chi. Chị thông báo cho tôi, nhà Trần Bang đang bị công an bao vây, đừng đến thăm, có thể phiền cho tôi!. Chị Kim Chi từ tối 5.11.2015 đã chăm sóc tận tình cho Trần Bang và đưa Bang về nhà…

Thực tình thì hiện lúc đó, tôi có hơn gì Trần Bang, hai chú an ninh vây chặt cửa nhà tôi, có lẽ vì họ Tập chưa rời Việt Nam!

Nhưng tôi quyết định phải đi thăm Bang dù bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì đó là chuyện tình cảm riêng với Bang, ngoài cái chung.

Trần Bang, người đi biểu tình đả đảo Tập Cận Bình sáng 5.11.2015 tại Hồ Con Rùa, quê ở làng Tiên Kiều xã Đức Chính huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Hưng, là học trò cấp ba (hệ 10 năm) của tôi năm học 1974-1975 tại trường cấp ba huyện Cẩm Giàng.

Năm đó tôi ngoài 30 tuổi, Bang học lớp 8, tôi dạy môn Văn. Năm tháng đi qua, Bang học hết phổ thông, đi bộ đội đánh Tàu xâm lược biên giới phía Bắc, rồi học kỹ sư, làm nhà nước, làm doanh nhân ngoài quốc doanh… Quả đất vốn tròn nên thầy trò lại gặp nhau ở Sài Gòn. Cậu học trò nhà nghèo, mò cua bắt ốc, đội gạch… vừa lao động vừa đi học ở miền quê Bắc Bộ năm xưa nay giữa Sài Gòn đô hội, vẫn đến thăm thầy mỗi khi tết nhất, những lúc thầy đau yếu… Lẽ nào lúc này Bang vừa qua cơn nguy kịch, bị đánh tóe máu đầu, đi cấp cứu bệnh viện mới về… thầy lại làm ngơ?!

Tôi quyết định phải đến thăm Trần Bang. Cũng may, hai chú an ninh sau khi nghe tôi nói lý do đi thăm người bệnh, có gói quà mang theo… đã để tôi ra khỏi nhà… nhưng vẫn hai xe bám theo xe taxi chở tôi đến tận nhà Trần Bang cuối quận Bình Thạnh bất chấp trời mưa như trút nước lúc tôi ra về.

Nhìn Trần Bang thất sắc, dáng mỏi mệt, miếng băng trắng dán trên mắt trái… tôi không khỏi ái ngại. Nhưng tôi cũng không bất ngờ vì sự việc nầy. Linh tính đã báo cho tôi biết sẽ có điều không lành với Bang ngay từ chiều 4.11.2015, khi đến được công viên đối diện tượng đài Đại vương Trần Hưng Đạo để tham gia cuộc mít tinh phản đối tên cướp Tập Cận Bình do GS Tương Lai, BS Huỳnh Tấn Mẫm chủ trì.

Khi vượt được sự cản trở của ba nhân viên an ninh để tiến từ bờ sông Sài Gòn sang chân tượng đài Đại vương Trần Hưng Đạo, nhập hội với đoàn biểu tình đang tiến từ phía Bắc xuống với khẩu hiệu, băng rôn trên tay, tôi đã thấy ngay Trần Bang đi hàng đầu và tiếng em hô rất to. Lúc đó là 2 giờ chiều ngày 4.11.2015. Cuộc mít tinh sau khi kết thúc thì biến thành cuộc tuần hành trên đường phố, vừa đi vừa hô đả đảo thì Bang cũng đi ở hàng đầu. Tôi biết Bang đã lọt vào “mắt xanh” của an ninh.

Tác giả và Trần Bang

Sáng 5.11.2015, khi các bậc cao niên bị vây hãm rất chặt chẽ, không thể ra ngoài nhà, linh cảm lại báo cho tôi hay, các bạn trẻ nhất định sẽ bị đàn áp dã man trong buổi sáng khi Tập Cận Bình đáp xuống Hà Nội. Trần Bang, với tính cách mạnh mẽ, em sẽ khó tránh khỏi đòn đàn áp.

Thì đây! Trước màn hình vi tính, Trần Bang máu chảy ròng ròng trên mặt, vẫn hô to: “Máu tôi đổ vì Tập Cận Bình! Có chết tôi cũng đuổi Tập Cận Bình…”. Cuộc loạn đả diễn ra, giằng co, lôi kéo. Các bạn trẻ nữ lao vào cứu Trần Bang, dũng mãnh vô cùng… Bang bị khiêng lên xe…

Buổi tối thì nhận được tin Bang đang nằm cấp cứu ở bệnh viện 115, đến khuya thì nghệ sĩ Kim Chi đưa Bang về nhà.

Trần Bang ở cuộc biểu tình phản đối Tập Cận Bình ngày 5.11.2015

Sáng 6.11.2015. Bang kể: Cú đấm ấy rất mạnh. Người có võ mới đấm được như thế, đấm thẳng và hình như có đệm sắt thép ở ngón tay mới làm em rách thịt như thế. Lúc đầu thì em chưa thấy gì, còn hô được rất to, nhưng ít phút sau thì thấy choáng rồi không biết gì nữa… Lúc nằm cấp cứu em nghe loáng thoáng người ta nói: “An ninh thành phố nó đi rồi, bỏ lại cho công an quận!”. Bang đem chiếc áo thun có hình lưỡi bò bị cắt, còn thấm máu cho tôi xem. Người ta đã đón tiếp Tập Cận Bình bằng máu của thanh niên Việt Nam yêu nước như thế!

Trước khi ra về tôi bảo Bang: “Gắng tĩnh dưỡng để ngày nhà giáo 20.10 sắp tới, thầy trò lại gặp nhau trong cuộc họp mặt hằng năm của Hội Cựu học sinh Cẩm Giàng tại Sài Gòn như thường lệ…”. Mắt Bang ánh lên niềm vui!

Tôi xé tờ lịch chưa kịp xé của ngày 5.11.2015 trên tường và bảo Bang: “Em giữ lấy tờ lịch này làm kỷ niệm. Ngày này Đất nước gọi tên em!”.

 L. P. K.

Tác giả gửi BVN.

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.