Nhục dân mệnh (Mênh mông thế sự 17)

Nhân họ Tập đọc diễn văn trước diễn đàn Quốc hội, tại hội trường mang tên Diên Hồng mà nghĩ về biểu tượng “Hội nghị Diên Hồng” trong lịch sử. Đại Việt Sử ký toàn thư, Kỷ Nhà Trần chép: “…Thoát Hoan… đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta. Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói đánh, muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng”. Liệu có phải vì ông Chủ tịch Sinh Hùng không “ban yến” mà chỉ “phát phong bì” nên các dân biểu mất hết khí phách là người đại biểu của dân đã biến “Phòng Diên Hồng” trong toà nhà Quốc hội thành “Phòng Khuất phục” để hớn hở, hún hớn vỗ tay, rắc hoa chào đón kẻ xâm lược đến truyền ban “chiếu chỉ”?

Cũng lại nhân câu huấn thị của mẹ mìn họ Tập nói với thanh niên hai nước Việt Trung rồi ông Tổng Trọng mùi mẫn hoà theo với những lời có cánh “mong các bạn trẻ hiểu sâu sắc và trân trọng, không ngừng phát huy giá trị của quan hệ hai nước, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” mà bàn đôi câu về lịch sử.

Này ông Trọng, ông hãy nói rõ ra “truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” là truyền cái gì? Ông có dám nói không hay chỉ nói dựa theo cái bóng họ Tập trùm lên vừa phán truyền về lịch sử. Sau khi đã khéo léo kể công các cố vấn Trung Quốc đã sang giúp Việt Nam như thế nào, họ Tập giảng giải: “Lịch sử là sách giáo khoa tốt nhất; nhân dân hai nước cần mãi mãi ghi nhớ lịch sử quý báu giúp đỡ lẫn nhau, ghi nhớ nội hàm sâu sắc của tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt…”.

Tập cạn nghĩ, cứ ngỡ là nhắc đến công lao của các “cố vấn Trung Quốc” trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân là đủ để ghi vào sách giáo khoa về “tình hữu nghị truyền thống”. Ông Trọng chắc là chưa đọc, hoặc đã đọc thì chắc là cũng không dám nhắc đến một cuốn “sách giáo khoa” do Nhà Xuất bản Sự Thật in tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1979: “Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 30 năm quađể hỏi họ Tập rằng các ngài đã “ghi nhớ nội hàm sâu sắc của tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt” ra sao, đồng thời cũng để tự thấy là ông liều lĩnh đến thế nào khi ông đòi thế hệ trẻ Việt Nam phải “truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác” cái tình nhữu nghị viển vông và lệ thuộc hết sức tệ hại của các ông.

Ông Trọng, nếu ông đủ can đảm và học được chút ít khí phách của Trần Bình Trọng, một tí chút thôi, chứ đem ông mà so sánh với Trần Bình Trọng thì sẽ là một xúc phạm đến ông cha tôi đâu có dám làm, thì ông hãy đọc cho mẹ mìn họ Tập đoạn sau đây trong cuốn sách đó: “Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965: Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore… Một vùng như Đông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”. Tiện thể, kết thúc chuyến thăm Hà Nội, họ Tập sẽ đến Singapore, ông làm ơn đọc cho Tập nghe câu phát biểu của nguyên soái Trần Nghị khi ông đảm nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cách nay đã mấy thập kỷ: “Singapore có trên 90% là người Trung Quốc, trong số dân hơn 1 triệu người thì hơn 90 vạn là người Trung Quốc. Cho nên Singapore hoàn toàn trở thành một quốc gia do người Trung Quốc ở đó tổ chức”.

Ông có dám lột cái mặt nạ bịp bợm trơ trẽn của họ Tập khi y nói rằng “Dân tộc Trung Hoa luôn yêu chuộng hòa bình. Gen ‘hòa’ của dân tộc chưa bao giờ biến dị. Từ hơn 2.400 năm trước, cổ nhân Trung Quốc đã đề ra ‘lễ chi dụng, hòa vi quý’. Nguyện vọng hòa bình đã bám rễ trong tâm tưởng người Trung Quốc, dung hòa vào dòng máu dân tộc Trung Hoa. Là hỏi thế thôi, chứ tôi biết chắc bản lĩnh, trí tuệ và tâm địa như ông thì làm sao dám mở miệng hỏi người đang hà hơi tiếp sức cho ông. Nhất là khi ông dám nhân danh Tổng Bí thư để liều lĩnh tuyên bố: “thực hiện nghiêm túc các nhận thức chung và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; duy trì nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, gây căng thẳng tình hình”.

Nguyên trạng” là nguyên trạng gì hở ông Trọng mà ông đòi duy trì khi mà Bắc Kinh vẫn bồi đắp, tân tạo thành các căn cứ quân sự tại các vùng biển đảo ở Trường Sa như đảo Xu Bi đang được thiết kế để biến thành một cơ sở cho chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động trong vùng, tương tự như hai cơ sở khác là Đá Chữ Thập ở Trường Sa và Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Hình ảnh vệ tinh chụp đảo Xu Bi ngày 03/09 vừa qua cho thấy là đường sân bay này rộng 60 mét, hiện đã dài 2.200 mét, nhưng khi các công trình nối dài được hoàn tất thì sẽ dài đến 3.300 mét.

Liệu có phải là “nguyên trạng” theo lời tuyên bố ngạo ngược của họ Tập khi trả lời Reuters: “Các đảo và bãi đá ở biển Nam Trung Hoa là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ lâu đời do tổ tiên của người Trung Quốc để lại. Nhân dân Trung Quốc sẽ không cho phép bất kỳ một ai vi phạm chủ quyền, quyền và quyền lợi của Trung Quốc trong vùng biển này. Hành động của Trung Quốc tại vùng biển Nam Trung Hoa là chính đáng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”. Đây cũng là nội dung mà y đã nói tại “Rose Garden” của Nhà Trắng ngày 25.9. 2015 và lặp lại ở Diễn đàn của Hội đồng Liên Hiệp Quốc sau đó.

Vậy thì lúc họ Tập dỗ dành “khi đại sự được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết” thì cái “đại sự” ấy là gì vậy? Có phải là Việt Nam phải chấp nhận hành động ăn cướp của Bắc Kinh trên Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng bành trướng từ lũ hậu duệ của các vương triều Trung Quốc suốt mấy nghìn năm qua không?  Cả khu vực và thế giới đều thấy rõ những hành vi hung đồ bạo ngược trên Biển Đông mà Việt Nam là nạn nhân trực tiếp nhất, điều họ Tập đã không úp mở đã nói toẹt ra. Phải chăng coi trọng “đại sự” đó là Việt Nam phải chấp nhận hành động ăn cướp của Trung Quốc, ngang ngược khẳng định chủ quyền với gần 90 % diện tích Biển Đông, áp đặt bá quyền trên khu vực tự do đi lại trên đó chiếm đến 1/3 lưu lượng hàng hải quốc tế với hơn 5 ngàn tỷ USD thương mại toàn cầu đi qua v ùng biển này mỗi năm? Cái “chữ tín là nền tảng để làm bạn” mà họ Tập trơ trẽn nói ra là chữ tín gì vậy, tín với ai? Chả nhẽ chỉ là tín với Nguyễn Phú Trọng bằng lời hứa đảm bảo cái ghế quyền lực đã lung lay vì sự bất tín của ông đối với dân tộc, đưa người cửa trước rước người cửa sau không vậy?

Thế nhưng, nhằm cảnh báo hành động quá quắt bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã cho tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Lassen vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, đến gần đá Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa áp sát một trong các đảo nhân tạo, để chứng tỏ người Mỹ không chấp nhận Bắc Kinh áp đặt việc đã rồi. Đây là một hành động cụ thể nhằm cảnh cáo Trung Quốc, “một siêu cường hung đồ”, con “Quái vật Trung Quốc không thể thuần hóa được trong trật tự quốc tế hiện hành và chính nó đang thách thức trật tự quốc tế hiện hành. Xem ra đây là một sửa sai muộn mằn vì cũng chính người Mỹ, cụ thể là Tổng thống Richard Nixon, người góp phần thúc đẩy mộng bá quyền của Trung Quốc, bật đèn xanh cho Đặng Tiểu Bình xua hơn nửa triệu quân xâm lước Việt Nam năm 1979 trước khi mất đã chua chát nói với William, bình luận gia của New York Times rằng “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein”, một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết giả tưởng của Mary Shelley thế kỷ XIX.

Thế rồi chính quái vật Frankenstein thế kỷ XXI này hùng hổ với tuyên bố “sẽ không cho phép bất kỳ nước nào vi phạm không phận và lãnh hải của Trung Quốc trên Biển Đông nhân danh việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn cao giọng rất trịch thượng “chúng tôi khuyên Mỹ nên nghĩ kỹ trước khi hành động, không hành động mù quáng hay gây chuyện”, như tờ Guardian đã trích dẫn. Thậm chí, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc còn cảnh báo một sự cố nhỏ cũng có thể châm ngòi chiến tranh! Thế rồi sau đó thì tịt ngòi vì thấy chiến hạm Mỹ vẫn thản nhiên hành động, còn tuyên bố duy trì kế hoạch tuần tra hai tháng một lần trên khu vực này.

Liệu có phải vì thế mà trong cuộc hội đàm với ông Trọng, họ Tập nhắc lại phương châm “16 chữ và 4 tốt”, đồng thời cảnh báo về “sự tác động của các thế lực bên ngoài” đối với quan hệ Việt-Trung. Họ Tập cũng bày tỏ “kỳ vọng Việt Nam coi trọng và đề cao quan hệ với Trung Quốc hơn, trong khi phát triển đồng đều quan hệ với các nước khác”. Mùi mẫn làm sao khi Tập dẫn câu ngạn ngữ “mất hàng ngàn vàng mua láng giềng gần” và nói rằng rằng đây là câu nói mà nhân dân hai nước đều dùng, đều tâm đắc. “Người Trung Quốc thường nói, thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn. Hàng xóm láng giềng khó tránh những khi va chạm, nhưng song phương cần kiên trì xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, thông qua thảo luận hòa bình hữu nghị, kiểm soát và xử lý tốt mâu thuẫn”.

Chao ôi! Hàng xóm láng giềng mà xua hơn nửa triệu quân sang bắn giết hãm hiếp dân lành, tàn phá nhà cửa ruộng vườn, bệnh viện, trường học ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc sau khi thất bại trong cuộc chiến biến giới phía Tây Nam. Vì “đại cục”, để giữ chữ tín với kẻ thù mà ông Tổng Bí thư và những người dưới quyền ông cấm tiệt nhân dân mình không được nhăc đến tội ác của quân xâm lược. Chưa đủ, các ông còn hạ lệnh đục bỏ bia liệt sĩ, phá bỏ tượng anh hùng chống Trung Quốc xâm lược đã dựng ở trường học để giáo dục truyền thống bất khuất cho trẻ nhỏ Việt Nam. Các ông bắt báo chí nhà nước phải gọi tàu Trung Quốc ăn cướp, uy hiếp đánh đập ngư dân ta là “tàu lạ”! Vậy đó. Thế rồi, ông Tập muốn và ông Trọng ngoan ngoãn chiều theo cái đại cục “thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn” theo kiểu “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” này. Vấn đề đặt ra là, tại sao mặc dầu không ai có thể quên cái sự thật “láng giềng” nghiệt ngã ấy, họ Tập vẫn mùi mẫn nhắc lại câu ngạn ngữ hay ho kia?

Nếu nhớ lại nhận định của David Brown đăng trên Asia Sentinel mấy tháng trước đây sau chuyến đi Mỹ của Tổng Trọng:”Không ai ở Hà Nội có thể hiểu biết hơn ông Trọng về thông điệp mà chuyến đi Mỹ của ông sẽ chuyển tới Bắc Kinh người hàng xóm khổng lồ muôn thưởrằng: Hà Nội đã tự điều chỉnh để gần gũi hơn với Washington, ít nhất là trong suốt thời gian Trung Quốc theo đuổi bá quyền trên vùng biển ngoài khơi bờ biển dài 3.260 km của Việt Nam” sẽ tìm ra câu trả lời. Cho nên, nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt, những lời mùi mẫn kia chỉ nằm ở đầu lưỡi của mẹ mìn. Ông Trọng có thể tin “người đồng chí” của ông, nhưng chúng tôi thì biết tỏng bụng dạ của tên bành trướng họ Tập vì câu ngạn ngữ hoa mỹ kia đã nằm trong kịch bản soạn sẵn mà hắn ta đã diễn nhiều lần.

Chuyện như sau: Thời Nam Bắc Triều ở Trung Quốc, có một người tên Lữ Tăng Trân, nhiều đời sinh sống ở khu vực Quảng Lăng. Lữ là người chính trực, có mưu trí và đảm lược, được mọi người trọng vọng. Có một người cố ý tìm đến mua căn nhà ở sát vách Lữ Tăng Trân. Mọi người hỏi ông ta: ”Ông mua nhà hết bao nhiêu tiền. Người này đáp: 1.100 lượng. 100 lượng tôi mua nhà, còn 1.000 lượng kia là để mua láng giềng.

Tại Đại học Seoul, Hàn Quốc ngày 4.7.2015, Tập đã dẫn điển tích này trong câu “Trăm lượng mua nhà, ngàn lượng mua láng giềng. Láng giềng tốt ngàn vàng cũng không đánh đổi. Trước đó một năm, chuẩn bị đến thăm Tajikistan vào tháng 9/2014, Tập cũng gửi đến truyền thông nước này bức thư có câu: “Người thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn. Trung Quốc xem Tajikistan là đối tác hợp tác quan trọng để mở cửa về phía Tây”. Rồi lại trước đó một năm, ngày 7/4/2013, trong bài diễn văn khai mạc Diễn đàn Bác Ngao Tập cũng đưa ra câu đầu lưỡi nọ:”Người thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn”!

Đành rằng, “chính trị là miếng đất trên đó các loại cây gai của sự thù địch độc hại, các nghi kỵ xấu xa, các sự lừa dối trơ trẽn… phát triển nhanh chóng và um tùm” mà trong một bài viết trước đây tôi đã dẫn ra ý này của M. Gorky. Hơn nữa, khi “chúng ta sống trong một cơn bão của các xúc cảm chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực; cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối” thì những trơ tráo nói trên cũng là chuyện bình thường.

Chỉ có một chi tiết “trên bình thường” được Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) nhấn mạnh, đó là so với những người tiền nhiệm, chuyến thăm Việt Nam được ông thực hiện bên cạnh trong vai trò Chủ tịch Trung Quốc, là vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vậy là, chuyến thăm Việt Nam bằng “song trùng thân phận” của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới thực sự mang ý nghĩa “vượt trên bình thường”. Theo “Hoàn Cầu”, chi tiết này làm nổi bật đặc thù chuyến công du Việt Nam, nhấn mạnh hai nước cùng là các quốc gia xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo, phương châm và đường lối phát triển lớn của quốc gia do Đảng đề ra. Do đó, mối quan hệ hai Đảng chiếm vị trí hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước.

Chính cái “song trùng thân phận” này khiến cho cái “Gen hòa” của Tàu chưa bao giờ biến dị như Tập trơ trẽn nói càng trơ trẽn hơn, bịp bợm hơn. Cái đại hoạ cùng chung ý thức hệ khốn khổ này đã đưa đến thảm hoạ Thành Đô và ngày càng siết chặt hơn cái thòng lọng chư hầu đã quàng vào cổ người bạn láng giềng mà mẹ mìn họ Tập gọi là “Huynh đệ đồng tâm, ký lợi đoạn kim (anh em đồng làm thì đủ sắc bén để cắt vàng)!

Chính sự “đồng tâm huynh đệ” này đã khiến cho một bộ phận những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành tội đồ của lịch sử. Uy tín của Đảng vì thế mà đang sụt xuống tận đáy. Ngọn lửa phẫn nộ của nhân dân về vấn nạn đất nước lệ thuộc vào Tàu, mà là Tàu Cộng Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập, lũ hậu duệ nham hiểm hơn, thủ đoạn tinh vi hơn của các triều đại phong kiến Trung Hoa, ông cha của chúng xưa kia – đang bùng lên ngút trời.

Chẳng phải dông dài làm gì, sau mấy câu bịp bợm ngọt xớt “ký lợi đoạn kim” mỹ miều đầu lưỡi, vừa rời khỏi Hà Nội, họ Tập đã nói tại Đại học Singapore ngày 7.11.2015 rằng các đảo ở Biển Đông “thuộc lãnh thổ nước này từ thời cổ đại” và “chính phủ Trung Quốc phải gìn giữ quyền chủ quyền cũng như lợi ích hàng hải của mình”. Những lời lẽ bịp bợm mà các ông nghị, bà nghị ngồi trong Phòng “Hội nghị Diên Hồng” dỏng tai lên nghe không thiếu một chữ đã tự nó phơi bày dã tâm của con quái vật Frankenstein thế kỷ XXI muốn biến đất nước của các vị thành một chư hầu phục vụ cho lợi ích bá quyền của nó, mà các vị đang là người đi đầu rất mẫn cán khi đã cúi đầu khuất phục, biến “Diên Hồng”, cái tên của biểu tượng bất khuất, quật cường của dân tộc thành “Hội trường khuất phục”, biểu tượng nhục nhã về sự đớn hèn của phường giá áo túi cơm.

Các vị sẽ bảo là tôi nặng lời, nhất là với một số bạn bè tôi đã từng dành cho họ sự tôn trọng và thông cảm với tâm trạng “nhả chẳng ra cho nuốt chẳng vào”, “đi thì cũng dở ở không xong” của các bạn, nhưng chính vì lòng phẫn nộ trước thủ đoạn quỷ quyệt của tên xâm lược, con quái vật Frankenstein thế kỷ XXI, mà tôi không thể không nặng lời với bạn tôi. Các vị sẽ biện hộ bằng lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “dù còn có ý kiến khác nhau nhất định nào đó nhưng đón khách đến nhà chúng ta cần tỏ thái độ hiếu khách và ứng xử văn hóa”.

Này ông Hùng, ông hãy nhớ cho, chưa đợi ông phải nhắc nhở, chúng tôi cũng đã khẳng định điều đó ngay từ những câu đầu tiên trong thư khẩn gửi các đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh ngày 3.11.2015: “Về mặt ngoại giao, là chủ nhà, chúng ta phải có thái độ lịch thiệp của một dân tộc có bề dày truyền thống văn hiến, tôn trọng người đại diện của nhân dân Trung Quốc láng giềng, núi liền núi, sông liền sông. Nhưng chúng ta không thể không phẫn nộ trước tuyên bố ngang ngược của ông Tập Cận Bình…”.

Này ông Sinh Hùng và thưa các vị, có phải để giữ cho được “thái độ hiếu khách” mà các vị đã đồng tình với việc đánh đập dã man người cựu chiến binh của mặt trận biên giới 1979 khiến máu lênh láng trên mặt anh khiến Trần Bang phải thét to lên “Tôi chết để đuổi Tập Cận Bình cút khỏi Việt Nam”.

Có phải ứng xử có văn hoá của các vị là sai một lũ sai nha đàn áp thô bạo và dã man những thanh niên yêu nước biểu tình phản đối Tập Cận Bình, quật ngã họ rồi ném lên xe đã đợi sẵn như ném một con vật để tô điểm thêm cho thứ văn hoá đáng xấu hổ được phơi ra trước ống kính các phóng viên ngoại quốc và ánh mắt khinh bỉ của người nước ngoài đang quan sát “một điểm hẹn đáng đến”!

Này ông Sinh Hùng, ông hiểu thế nào là “thái độ lịch thiệp của một dân tộc có bề dày truyền thống văn hiến”? Ông đã có lúc nào mở sách lịch sử để học về cách ứng xử lịch thiệp của ông cha ta trước kẻ thù chưa?

Xin mách với ông, hãy bớt chút thì giờ để đọc về khí phách của Đỗ Khắc Chung, Nguyễn Biểu, về lý lẽ đấu tranh của Lê Văn Thịnh, tài ứng đối của “lưỡng quốc trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi, tài biện luận của Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hãng, Hồ Phi Tích, Nguyễn Công Nhuận trong việc đòi đất bị lấn chiếm ở vùng biên giới. Và rồi trí tuệ, bản lĩnh của Ngô Thời Nhiệm, Lê Quý Đôn khiến các quan nhà Thanh phải kính phục. Họ phải nói rằng nhân tài nước Nam như Lê tiên sinh thì ngay cả Trung Hoa cũng chỉ có cỡ 1, 2 người.

Làm sao kể hết được “bề dày truyền thống văn hiến” đích thực của cách ứng xử “lịch thiệp” để làm ngời sáng thêm lòng tự tôn dân tộc chứ không mờ tối đi vì sự ngu dốt và ươn hèn của lũ bán nước cầu vinh. Xin hãy chỉ nói đến một khí phách của sứ thần Giang Văn Minh, dám ném thẳng câu “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” vào mặt tên vua Sùng Trinh để đối lại với câu “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” của hắn để rồi hiên ngang nhận lấy cái chết vì biết chắc sự trả thù hèn mạt của vua nhà Minh thế kỷ XVI. Thái độ trước kẻ thù ấy xứng đáng được triều đình phong tặng và nhân dân tôn vinh là vị sứ thần “bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Đấy cũng là lý do gợi cho người viết đặt tên bài là “NHỤC DÂN MỆNH”.

Vâng, “dân mệnh”.

Vì các vị tự xưng là đại biểu của dân, là “người lính vâng mệnh quốc dân ra mặt trận” và các vị đã hành xử như vậy trước họ Tập, các vị đã xứng đáng được phong là “NHỤC DÂN MỆNH”, xin hoan hô các vị. Và xin chào.

 T. L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.