Đúng 1 giờ chiều ngày 11-5-2010, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phố Trần Thánh Tông, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã chủ trì buổi lễ tiễn đưa nhà thơ Hoàng Cầm về nơi an nghỉ cuối cùng. Đông đảo nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa, nhà báo (có cả các nhà báo nước ngoài), phóng viên nhiếp ảnh và quay phim, giới nghệ sĩ sân khấu, giới khoa học, giới quân nhân, học sinh, sinh viên, anh em bầu bạn xa gần nhiều lứa tuổi, cùng gia đình thân quyến đã tề tựu từ sớm bên quan tài con người nổi tiếng ấy, đứng tràn ra cả trước sân nhà tang lễ. Nhạc sĩ Phạm Duy cùng người con trai thứ cũng đã bay từ TP Hồ Chí Minh ra để được nhìn mặt người bạn cũ từ thời Cách mạng tháng Tám và những năm đầu Kháng chiến chống Pháp. Các ông Phùng Hữu Phú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương và Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lần lượt cùng các đoàn đại biểu các ngành tuyên giáo, văn hóa đến viếng nhà thơ. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế cũng gửi vòng hoa đến viếng.
Các vòng hoa của tạp chí Diễn đàn, Talawas, nhà văn Nam Dao ở Canada, nhà văn Phạm Thị Hoài ở CHLB Đức, nhà văn Nguyễn Đỗ và Paul Hoover ở Hoa Kỳ cùng nhiều vòng hoa bè bạn trong nước được Nhóm anh em thân hữu gồm Phạm Toàn, Dương Tường, Hoàng Hưng, Quốc Trọng (Đạo diễn điện ảnh), Từ Huy (TS văn học Pháp), Trần Ngọc Vương (PGS ở ĐH KHXH và NV Hà Nội), Trần Trung Chính (nhà báo, con rể học giả Nguyễn Kiến Giang), Bích Hạnh (CTV Nxb. Tri thức) v.v. do Nguyễn Huệ Chi dẫn đầu, trân trọng rước vào ngay trước linh cữu.
Đúng 3 giờ chiều, lễ tưởng niệm bắt đầu với bản điếu văn đánh giá cao tài năng và phẩm đức người quá cố do ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc. Không khí cuộc tưởng niệm trở nên xúc động khi bà Hạc Đính, quả phụ cố thi sĩ Trần Huyền Trân lên phát biểu về mối thâm tình giữa hai người bạn thơ Trần Huyền Trân và Hoàng Cầm thuở trước và đọc trong những giọt nước mắt nghẹn ngào bài thơ vĩnh biệt Hoàng Cầm của bà.
Để đánh dấu sự kiện người đại biểu nòng cốt cuối cùng của Nhóm Nhân văn Giai phẩm rũ sạch mọi oan khiên ở chốn trần hoàn đi vào cõi Thiên thu, BVN xin đăng lại dưới đây bài lược ghi cảm tưởng của Hoàng Cầm và Dương Tường ngay trong chuyến Nam du của hai ông vào giáp Tết năm 1988-1989, mới được Dương Tường tìm thấy lại và gửi đăng trên Diễn đàn ngày 11-5-2010.
Bauxite Việt Nam
Một kỉ niệm với Hoàng Cầm
Cuối 1988 – đầu 1989, Hoàng Cầm và tôi có một chuyến Nam du đầy ý nghĩa đối với cả hai chúng tôi, nhất là với Hoàng Cầm. Trong hơn nửa thế kỷ bạn bầu với nhau, chúng tôi đã cùng chia sẻ biết bao buồn vui, hoạn nạn, nhưng đây có lẽ là kỷ niệm sâu đậm nhất giữa hai chúng tôi. Chuyến đi, kéo dài hơn hai tháng, có một ý nghĩa đặc biệt với hai chúng tôi, nhất là với Hoàng Cầm. Bởi vì nó diễn ra vào những ngày đầu đổi mới, ngay sau khi TBT Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ. Hơn ba mươi năm bị cấm xuất bản, cách biệt hoàn toàn với công chúng, giờ trở lại trong sự yêu mến chân thành của những người hâm mộ (vốn cũng bị ức chế bao lâu không được bộc lộ công khai, hồn nhiên tình cảm ấy). Hoàng Cầm cảm thấy một cú sốc lớn êm ái, hay như anh tâm sự với tôi, “một cuộc hồi sinh”. Trong hơn hai tháng đó, chúng tôi đã gặp gỡ nhiều nhân vật kỳ thú, gặp lại bạn bè cũ, làm quen với nhiều bạn mới tuyệt vời, đã tổ chức được 3 đêm thơ Hoàng Cầm tại TP Hồ Chí Minh và Tiền Giang (Mỹ Tho cũ) – 2 ở TP Hồ Chí Minh và 1 ở Tiền Giang – trước hàng nghìn khán giả cuồng nhiệt, điều mà trước nay anh chưa từng thấy. Đặc biệt, đêm thơ ở Tiền Giang đến một cách hoàn toàn ngẫu hứng, không định trước. Nhà báo Hà Giang (tên thật Nguyễn Đình Soạn), Thư ký tòa soạn báo Ấp Bắc, chỉ định đón chúng tôi xuống thăm, nhưng rồi trên bàn trà, từ ý kiến khởi xướng của anh Quý, một thày giáo yêu văn chương nghệ thuật, mọi sự được quyết định trong không đầy nửa tiếng đồng hồ. Thành thử đêm Hoàng Cầm ở Tiền Giang lại đi trước đêm Hoàng Cầm ở Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hô Chí Minh đã được lên kế hoạch từ trước! Dễ hiểu là Hoàng Cầm đã thốt lên: “Lúc này, tôi là người sung sướng nhất thế giới!” Và thổ lộ cùng tôi: “Giá lúc giời gọi về cõi, mình được ra đi trong trạng thái này!” (Tôi không chắc sáng ngày mồng 6 tháng 5, anh có ra đi trong trạng thái ấy?). Không hiểu do một xui khiến định mệnh nào mà ngay từ khi viết những trang thơ đầu, chàng thiếu niên Bùi Tằng Việt đã chọn cho mình cái tên của một vị thuốc đắng làm bút danh. Cho nên những ngày ngọt ngào tôi vừa nhắc ở trên là điều cực hiếm trong cuộc đời đầy cay đắng của anh.
Kết thúc chuyến đi này, cuối một buổi tiệc tiễn do báo Tuổi trẻ mời, hai chúng tôi đã viết chung một bài lấy tên là TÂM SỰ ĐÔI TẤT NIÊN. Nó gần như một thứ tổng kết chuyến đi. Tôi vừa tìm lại được…
Dương Tường
Dương Tường: Thấy không, Hoàng Cầm, đường phố Sài Gòn đã xuất hiện nhiều dưa hấu, dấu hiệu sắpTết, có nghĩa là Hà Nội chắc cũng đang chuẩn bị cho chợ hoa truyền thống ở Hàng Lược. Đã đến lúc chúng mình kết thúc chuyến đi này. Ông có nhớ cái rét giáp Tết Hà Nội?
Hoàng Cầm: Ờ, cái rét Hà Nội… tất nhiên là nhớ rồi. Nhưng có lẽ khi nào về Bắc, lại nhớ cái nồng ấm phương Nam – không phải chỉ cái nồng ấm của thời tiết, mà còn là cái nồng ấm của tình cảm nữa. Phải, chuyến đi này đối với mình là một vụ gặt bội thu về tình cảm – tình cảm bạn bè, cả bạn cũ lẫn bạn mới, và tình cảm công chúng. Và trong cái nồng ấm ấy, hơn hai tháng trời vèo qua như một giấc mơ đẹp. Mình đã chẳng có lần nói với Dương Tường – hình như bữa ấy có cả một số bạn bè khác – rằng: “Lúc này, mình là người sung sướng nhất thế gian” đó sao?
DT: Tôi chia sẻ với ông niềm sung sướng ấy. Dĩ nhiên, hạnh phúc này không bắt nguồn từ một chút vinh quang phù du. Ông đã dẫn Maïakovski khi trả lời tạp chí Sông Hương: “Tranh nhau danh giá làm gì!” Giờ lại phải nhắc lại… Chúng mình, hai thằng thơ, đi nhẹ về nặng – hành trang tâm linh. Ông tự cảm thấy những vỉa quặng thơ của ông dưới tầng sâu ra sao?
HC: Trữ lượng chưa vơi, có lẽ còn đủ để khai thác cho đến hết đời. Chuyến đi này cũng kể như một đợt nạp nhiên liệu mới. Nhiên liệu ấy là những cuộc gặp gỡ khó quên với bạn bè, với những nhân vật kỳ thú như anh Năm Phước, con người thao lược, chú Hạc, Chủ tịch Tân Long, Cồn Rồng…, với công chúng Mỹ Tho – Tiền Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Cảm xúc ăm ắp, chộn rộn, chưa kịp lắng xuống. Nếu sau đây không làm được cái gì thì chỉ nên tự trách mình mà thôi.
DT: Chúng mình ban đầu dự định đi từng chặng lần lần ghé Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang rồi Thành phố Hồ Chí Minh. Cơn bão đã làm đảo lộn kế hoạch. . Vậy là ngoài TP Hồ Chí Minh, mình chỉ có dịp thăm Mỹ Tho (Tiền Giang) và Vũng Tàu.
HC: Dù sao đi nữa, mình cũng rất thỏa mãn. Còn hơn cả thỏa mãn nữa. Mình có cảm giác đây là một cái gì giống như sự hồi sinh. Đêm thơ đầu tiên ở Mỹ Tho đối với mình là một bất ngờ thú vị. Mọi sự được quyết định trong dăm mười phút, từ ý kiến khởi xướng của anh Quý, Trần Bửu, Hà Giang. Sau đó, trở về TP Hồ Chí Minh, cái đêm ở Nhà Văn hóa Thanh niên, ngay trước khi khai mạc khoảng nửa tiếng…
DT: … ông bị một cơn sốc do quá xúc động và tôi đã lo ông bị ngất xỉu, làm lỡ đêm thơ. Ông có nhớ những người yêu mến ông đã đỡ ông vào nơi kín gió và chạy đi tìm thuốc và dầu xoa. May sao ông hồi lại khá mau…
HC: Ờ, hơn ba mươi năm không ra mắt một đám cử tọa đông, mình bị déshabitué (mất thói quen). Vả chăng chính ông cũng nói mình là hypersensible (siêu nhạy cảm) mà. Có lúc mình nghĩ giá khi nào rời khỏi thế giới này, mình cũng ở trong trạng thái như vậy!
DT: Khoan nói chuyện ấy vội. Cuộc đời đến như thế nào, ta hãy đón nhận nó như vậy. Một anh bạn nhạc sĩ trẻ Hồng Đức phổ nhạc bài thơ mới Anh đứng đây là… của ông gần như đồng thời với người bạn cũ Hoàng Hiệp của chúng ta, một chị Tâm Vấn từng đóng vai Sơn Nữ trong vở kịch thơ Hận Nam Quan cách đây 38 năm, giờ mới gặp tác giả, một cô gái từ xa về mang theo thư và ảnh của Kiều Loan đến cho ông trúng vào kỷ niệm sinh nhật của cháu…, hãy coi đó là những quà duyên của từng ngày. Hãy nhận và tạ lại bằng những gì ta có thể làm bằng phương tiện riêng của ta.
HC: Và cảm ơn cuộc đời, cảm ơn xu thế đổi mới đang có đà trên đất nước ta. Mình quên chưa kể với Dương Tường là hôm vừa rồi, mình trở lại Mỹ Tho chơi với anh Năm Phước vừa đi họp Quốc hội ngoài Hà Nội về. Con người ấy, với cơ sở chăn nuôi hiện đại và xí nghiệp đông lạnh, mỗi năm đem lại cho Nhà nước không dưới bốn triệu đồng.
Thật tình, mình bây giờ như cái cây qua mùa đông, lại bắt đầu dâng nhựa.
DT: Vậy đó, tác giả Bên kia sông Đuống giờ lại Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
Có lẽ ông nên gửi lời tạm biệt công chúng TP Hồ Chí Minh bằng những câu thơ mới nhất của ông trên mặt báo Tuổi trẻ, tờ báo mà chúng ta yêu.
HC: Đồng ý. Đọc để Tường và các bạn cho mình thêm dương tính nhé.
Nhánh mai vàng đón cửa
Cỗ Tết Tuổi trẻ mời
Diệu kỳ đi kẽ tóc
Nao nao tình bén hơi
Mắt trẻ nhìn em mãi
Tóc thẹn trắng mây êm
Hồn xanh thành phố cưới
Vào tranh nép dáng hiền
Em cứ mười hai tuổi
Cây – Lá – Quả lành duyên…
(Thành phố Hồ Chí Minh
những ngày giáp Tết Kỷ Tỵ)
Nguồn: http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tam-su-111oi-tat-nien/