HIỆP 1 VỤ KIỆN “ĐƯỜNG 9 ĐOẠN”: PHI LUẬT TÂN 1 – TRUNG QUỐC 0

Vào ngày 29 tháng 10 vừa qua, Tòa Trọng Tài được thành lập dưới Phụ Lục VII của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đã ban hành phán quyết là Tòa có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện của Phi Luật Tân phản đối yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đây là một phán quyết đồng nhất. Có nghĩa là tất cả 5 thành viên của Tòa nhất trí đồng ký tên vào văn bản phán quyết. Do đó, phán quyết của Tòa có sức thuyết phục rất cao.

Văn bản phán quyết dài 150 trang, gồm có một vài bản đồ Biển Đông và được chia làm 9 chương (một sự trùng hợp ngẫu nhiên với yêu sách chủ quyền “Đường 9 Đoạn”). Văn bản phán quyết này gồm có phần giới thiệu, tiến triển vụ kiện, những yêu cầu của nguyên đơn Phi Luật Tân, tác động của sự vắng mặt hoặc không tham gia vào vụ kiện của các quốc gia liên hệ gồm có Trung Quốc và Việt Nam, vấn đề tiên quyết liên quan tới thẩm quyền của Tòa, những vấn đề giới hạn về thẩm quyền của Tòa và phần phán quyết chính thức. Rõ ràng đây là một văn bản đã được sọan thảo kỹ lưỡng bởi những vị thẩm phán hàng đầu trên thế giới về luật biển với đầy đủ lập luận đúng đắn dựa trên bằng chứng và cơ sở pháp lý.

Tuy Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện này nhưng nguyên đơn Phi Luật Tân không đương nhiên thắng kiện mà Tòa nêu ra mọi luận cứ mà Tòa cho rằng Trung Quốc có thể áp dụng nếu Trung Quốc tham gia vào vụ kiện và đòi hỏi luật sư của nguyên đơn giải tỏa hoặc trình bày lời giải thích thỏa đáng đối với những luận cứ đó. Tất cả mọi văn bản và biên bản phiên xử về thẩm quyền trong tháng 7 đều được chuyển cho Tòa Đại Sứ Trung Quốc tại The Hague. Theo quy định thì mỗi bên chịu phân nửa án phí. Nhưng Trung Quốc không tham gia nên Phi Luật Tân phải trả luôn phần lệ phí của Trung Quốc.

Ngoài phía Trung Quốc thì Tòa cũng nhận được yêu cầu của một số quốc gia khác gồm có Việt Nam là được cung cấp tài liệu và biên bản liên quan tới vụ kiện. Phiên xử thẩm quyền trong tháng 7 là một phiên xử kín nhưng Tòa đã cho phép phái đoàn của một vài quốc gia tham dự gồm có Nam Dương, Nhật Bản, Mã Lai, Thái Lan và Việt Nam. Phái đoàn Việt Nam có 4 người tham dự gồm có Đại sứ Nguyễn Duy Chiến, Nguyễn Đức Hải và Nguyễn Đăng Thắng thuộc Ủy Ban Biên giới Quốc gia và Luật sư Cố vấn Thomas Grant.

Tuy Trung Quốc không nêu ra vấn đề nhưng Tòa yêu cầu nguyên đơn giải tỏa vai trò của Việt Nam có phải là một bên kiện không thể thiếu được trong vụ kiện này hay không (indispensable third party to the proceedings). Lập luận của Phi Luật Tân là đơn kiện không yêu cầu Tòa phán quyết về vấn đề chủ quyền. Do đó, quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của Việt Nam không bị ảnh hưởng gì cả. Tòa hiểu được là Việt Nam có quan tâm chính đáng đến vụ kiện này.

Yêu sách Đường 9 Đoạn của Trung Quốc được chính thức gửi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc vào năm 2009, phản bác lại đơn nộp riêng của Việt Nam và đơn nộp chung với Mã Lai cho Ủy hội Ranh giới Thềm Lục Địa (Commission on the Limits of the Continetal Shelf) trước đó. Vào ngày 7/12/2014, Việt Nam gửi đến Tòa một văn bản của Bộ Ngoại Giao trong đó có đoạn xác nhận Việt Nam phản đối yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn và cho rằng yêu sách này không có cơ sở pháp lý, lịch sử hoặc thực tế và do đó không có giá trị đối với Việt Nam. Với những thực thể tại Biển Đông, quan điểm của Việt Nam là không có thực thể nào có quy chế vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa ngoài phạm vi 12 hải lý vì những thực thể đó đều là đá hoặc các bãi đá cạn theo Điều 121 (3) của Công Ước về Luật Biển. Tóm lại, Việt Nam tin chắc là Tòa có thẩm quyền xét xử vụ kiện này của Phi Luật Tân. Dựa trên những điểm này, Tòa phán rằng Việt Nam không phải là một bên kiện không thể thiếu và việc Việt Nam không tham gia vào đơn kiện không ngăn cản Tòa thụ lý và xét xử đơn kiện của Phi Luật Tân.

Phi Luật Tân đưa ra 15 luận cứ có thể tóm tắt qua 3 điểm chính liên quan với nhau. Thứ nhất, Phi Luật Tân yêu cầu Tòa xác nhận quyền lợi và trách nhiệm hàng hải của các quốc gia tại Biển Đông được ấn định bởi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và yêu sách chủ quyền Đường 9 Đoạn của Trung Quốc vi phạm Công Ước và do đó không có giá trị pháp lý. Thứ hai, Phi Luật Tân yêu cầu Tòa xác định bản chất của một số thực thể tại Biển Đông là đảo, đá, bãi đá cạn hoặc bãi cát chìm và những thực thể này có quy chế hàng hải thế nào dưới Công Ước ví dụ như chỉ có phạm vi 500 thước, lãnh hải 12 hải lý hoặc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Thứ ba, Phi Luật Tân yêu cầu Tòa phán xét là một số hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông đã vi phạm Công Ước khi Trung Quốc ngăn cản quyền hàng hải của Phi Luật Tân hoặc xây cất đảo nhân tạo hoặc đánh cá làm tổn hại đến môi trường hàng hải tại Biển Đông.

Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện và lập luận rằng Tòa Trọng Tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này cũng dựa trên 3 lý do. Thứ nhất, Trung Quốc lập luận đề tài của vụ kiện thật sự là tranh chấp chủ quyền của một số thực thể tại Biển Đông mà tranh chấp chủ quyền không thuộc phạm vi của Công Ước. Thứ hai, cho dù đề tài vụ kiện liên quan tới việc diễn giải và áp dụng các điều khoản của Công Ước nhưng Tòa không thể tránh khỏi ban hành phán quyết phân định lãnh hải giữa hai quốc gia mà việc này Trung Quốc đã có tuyên bố bảo lưu không chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Thứ ba, Trung Quốc và Phi Luật Tân qua một vài văn kiện tuyên bố song phương và Bản Tuyên Bố Ứng Xử tại Biển Đông mà Trung Quốc đã ký với các quốc gia Hiệp Hội Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý giải quyết tranh chấp bằng phương pháp thương lượng. Do đó, việc Phi Luật Tân đơn phương đưa đơn ra Tòa kiện là vi phạm luật quốc tế.

Trong phán quyết về thẩm quyền này, Tòa ghi nhận cả Trung Quốc và Phi Luật Tân đều là thành viên của Công Ước. Mọi thành viên phải tuân thủ Công Ước gồm có các điều khoản liên quan tới việc giải quyết tranh chấp, chỉ trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Tòa cũng phán là việc Trung Quốc từ chối tham gia vào vụ kiện không có nghĩa là Tòa mặc nhiên không có thẩm quyền. Phán quyết của Tòa sẽ có giá trị ràng buôc đối với Phi Luật Tân và Trung Quốc cho dù Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện. Tòa đã cẩn trọng đi từng bước để bảo đảm là tiến trình xét xử theo đúng luật định gồm có ấn định một số câu hỏi về thẩm quyền cho Phi Luật Tân và tiến hành xét xử và đón nhận lập luận của luật sư đại diện cho Phi Luật Tân trong phiên xử sơ khởi về thẩm quyền trong tháng 7 vừa qua. Tòa cũng bảo đảm là tất cả mọi văn bản lập luận của Phi Luật Tân đều được chuyển cho phía Trung Quốc và mời gọi lập luận phản bác. Cửa Tòa mở rộng để chào đón Trung Quốc tham gia vào vụ kiện bất cứ lúc nào.

Tòa ghi nhận là có sự tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng đơn kiện của Phi Luật Tân không yêu cầu Tòa xét xử tranh chấp chủ quyền và cũng không yêu cầu Tòa phán xét chủ quyền cho Phi Luật Tân. Hơn nữa, Tòa có thể ban hành phán quyết về đề tài của vụ kiện này mà không cần giải quyết vấn đề chủ quyền. Và vấn đề một quốc gia có quyền hàng hải hay không khác với vấn đề lãnh hải của hai quốc gia nên được phân định thế nào khi bị trùng lắp. Khi có một số vấn đề liên quan với nhau, xét xử một vấn đề này không có nghĩa là phải xét xử luôn cả vấn đề kia. Những vấn đề liên quan tới bản chất của các thực thể tại Biển Đông và các thực thể đó có quy chế hàng hải thế nào không liên quan tới việc phân định lãnh hải. Chính Phi Luật Tân cũng đã yêu cầu Tòa không xét xử hoặc phân định lãnh hải.

Còn về các văn bản tuyên bố song phương giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân, Tuyên Bố Ứng Xử tại Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN và Hiệp Ước Thân Thiện và Hợp Tác thì Tòa phán là Tuyên Bố Ứng Xử tại Biển Đông là một văn bản chính trị không có tính ràng buộc pháp lý và tự nó cũng không ngăn cản các bên có tranh chấp đưa vấn đề ra Tòa. Các văn bản tuyên bố song phương cũng vậy. Trong khi đó, Hiệp Ước Thân Thiện và Hợp Tác tuy có tính ràng buộc pháp lý nhưng không ngăn cản những phương thức giải quyết tranh chấp khác như sử dụng tới Tòa Trọng Tài. Tương tự như vậy, Công Ước Bảo vệ Mội trường Sinh vật Đa dạng (Convention on Biologocal Diversity) cũng có thể áp dụng đối với những cáo buộc của Phi Luật Tân là những công tác tôn tạo đảo hoặc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã làm phá hủy môi trường, nhưng Công Ước này không ngăn cản thành viên có quyền sử dụng phương pháp giải quyết tranh chấp bằng Tòa Trọng Tài dưới Phụ Lục VII.

Tóm lại, Tòa phán là có đầy đủ thẩm quyền tiến hành xét xử vụ kiện này. Kết quả về phiên xử về thủ tục bây giờ đã rõ. Bước kế tiếp là Toà sẽ ấn định phiên xử về thực trạng của vấn đề. Đó là yêu cầu Phi Luật Tân trưng dẫn bằng chứng mà Phi Luật Tân nêu ra trong đơn kiện cũng như những cáo buộc về cung cách hành xử vi phạm Công Ước của Trung Quốc. Cụ thể là Phi Luật Tân phải chứng minh những thực thể tại Biển Đông không phải là đảo theo đúng định nghĩa của Công Ước và không có quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và nhiều lắm là các bãi đá này chỉ có 12 hải lý hoặc chỉ hưởng quy chế 500 thước.

Tuy là Tòa chấp thuận một số luận cứ trong 15 luận cứ mà Phi Luật Tân đưa ra nhưng Tòa cũng bảo lưu phần phán xét một số luận cứ khác gồm có khái niệm quyền lịch sử (historic rights) mà Trung Quốc nêu ra có bị thay thế bởi các điều khoản của Công Ước hay không? Hoặc Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi và Second Thomas Shoal có nằm trong thềm lục địa của Phi Luật Tân hay không? Hoặc các công tác cải tạo đảo của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn có vi phạm các điều khoản bảo vệ môi trường của Công Ước hay không và Trung Quốc đã có những hành vi ngăn cản Phi Luật Tân khai thác quyền kinh tế tại Second Thomas Shoal hay không?

Nói chung thì kết quả của phán quyết này chỉ mới là hiệp một. Tuy là một tin mừng cho mọi người yêu chuộng hòa bình và tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng cuộc đấu tranh pháp lý tại Biển Đông vẫn còn tiếp diễn.

Câu hỏi là chừng nào Việt Nam mới sẵn sàng sử dụng hệ thống luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc xâm chiếm và quần đảo Trường Sa nơi mà Trung Quốc đang tiến hành thực hiện ý đồ xâm chiếm?

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.