Trước khi làm việc gì người ta thường vạch ra: mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, kế hoạch… Với ĐH Đảng còn thấy nêu ra CHỦ ĐỀ và PHƯƠNG CHÂM. Nhớ lại, ĐH IV, năm 1976 đề ra phương châm là: Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH. Phương châm đó đã hoàn toàn phá sản.
Thử xem chủ đề các đại hội gần đây:
ĐH IX – Phát huy sức mạnh dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa (31 chữ).
ĐH X – Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển (38 chữ).
ĐH XI – Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (47 chữ).
ĐH XII – Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (67 chữ).
Phương châm của ĐH X là: Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới, Phát triển; của ĐH XI là: Đổi mới, Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết. Tại ĐH các cấp tỉnh, thành chuẩn bị cho ĐH XII, mỗi nơi được tự lựa chọn một trong các cụm phương châm sau: 1- Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới; 2- Đoàn kết, Dân chủ, Sáng tạo, Phát triển; 3- Bản lĩnh, Dân chủ, Kỷ cương, Đoàn kết. Trong 8 tiêu chí được dùng trong 5 cụm phương châm thì Đoàn kết dùng 5 lần, Dân chủ 4 lần, Đổi mới 3 lần, Phát triển, Trí tuệ và Kỷ cương 2 lần, Sáng tạo và Bản lĩnh 1 lần. Như vậy tiêu chí Đoàn kết và Dân chủ được cho là quan trọng nhất.
Về hình thức, chủ đề càng ngày càng dài và nghe qua thấy chủ đề nào cũng hay, cũng hấp dẫn. Mỗi cụm phương châm chỉ có 4 tiêu chí và phương châm nào nghe cũng có lý. Chắc rằng để viết ra được chủ đề và phương châm như vậy phải tốn nhiều công sức và trí tuệ của những nhà lý luận cao cấp của Đảng. Rồi Tổng bí thư và BCH trung ương còn phải tốn thời gian, tốn công sức để thảo luận và thông qua.
Tôi rất muốn tìm hiểu, đánh giá về tác dụng và hiệu quả của những chủ để và phương châm ấy, nhưng không thực hiện được vì lực bất tòng tâm. Qua điều tra sơ bộ chỉ mới phát hiện ra là đa số đại biểu dự đại hội các cấp không quan tâm đến chủ đề và phương châm của ĐH, họ chủ yếu chỉ muốn biết đến vấn đề nhân sự. Thôi thì nêu vấn đề ra để ai có quan tâm thì bàn luận. Kể ra có ai đó lấy vấn đề vừa nêu để làm đề tài một luận án tiến sĩ chuyên ngành Xây dựng đảng thì có nhiều khả năng được đánh giá “rất xuất sắc”, còn nếu đăng ký được để làm nghiên cứu khoa học với đề tài “Chủ đề và phương châm ĐH Đảng qua các thời kỳ dưới ánh sáng của tư tưởng cách mạng” thì chắc cũng được cấp một khoản kinh phí kha khá. Đó là khi họ làm nghiên cứu theo kiểu ngụy biện, nghĩa là bằng cách dùng luận cứ chỉ là một phần của sự thật, luận chứng nhằm ca ngợi và luận đề là sự vô cùng sáng suốt của lãnh đạo, mặt khác phải cố tình che dấu hoặc loại bỏ đi một phần của sự thật, phần quan trọng và bản chất là nhiều đại biểu không hề quan tâm. Còn nếu như làm nghiên cứu một cách thực sự khoa học để vạch ra đầy đủ cả mặt phải và trái, cả mặt tích cực và tiêu cực thì không khéo sẽ bị qui kết là phản động, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Tôi không có tham vọng nghiên cứu một cách hoàn chỉnh, chỉ nêu ra một vài nhận xét có tính phản biện, may ra có tác dụng gì đó đến suy nghĩ của những trí thức cao cấp của Đảng và làm thức tỉnh những người muốn biết sự thật.
Những tiêu chí như Sáng tạo, Trí tuệ, Bản lĩnh được nêu ra một cách dè dặt, phải chăng trong hoàn cảnh hiện nay đó là thứ mà nhiều tổ chức Đảng ít cần đến, là của hiếm? Những vấn đề như Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới, Trong sạch và vững mạnh của Đảng được nhắc đến nhiều, chứng tỏ Đảng rất quan tâm, nhưng qua các kỳ đại hội chẳng tiến bộ được bao nhiêu mà có khi còn thụt lùi. Vì sao vậy? Theo tôi vì quan điểm của Đảng về những thứ đó trái với thông thường, phạm vào điều mà trong lôgic học có tên là lỗi “đánh tráo khái niệm”.
Trước tiên xét khái niệm dân chủ. Đảng muốn tập trung dân chủ, tập trung quyền lực vào một nhóm người. Đảng viên và cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng cấp trên, từ đó mới sinh ra việc BCH TƯ ra quy định những điều đảng viên không được làm, ra nghị quyết 244 về bầu cử, v.v. Theo điều lệ Đảng cũng như theo cách hiểu phổ thông thì dân chủ là mọi người có quyền nói lên quan điểm của mình, có quyền ứng cử và bầu cử. Như vậy thì NQ 244 là trái điều lệ, là phản dân chủ. Dân chủ theo quan niệm của Đảng trên nền chuyên chính vô sản là trái với dân chủ thông thường của nhân loại (mà các nhà lý luận của đảng cho là dân chủ tư sản).
Về đoàn kết. Để có đoàn kết rộng rãi thì trước hết trong Bộ chính trị, trong BCH TƯ phải có đoàn kết thật sự, sau đó là có sự thống nhất về mục tiêu trong toàn Đảng và giữa Đảng với dân. Sự thống nhất đó không phải do áp đặt, không phải do tuyên truyền dối trá mà phải trên cơ sở thảo luận công khai, đối thoại minh bạch, tôn trọng các quan điểm khác nhau. Đảng kêu gọi hòa hợp dân tộc nhưng bắt người khác cải tạo để hòa hợp với mình chứ Đảng không chịu hòa hợp với người khác, miệng hô hào đoàn kết nhưng việc làm lại có tác dụng chia rẽ, thế thì đến muôn đời cũng không thể có đoàn kết thực sự.
Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Muốn làm được việc đó thì phải từ bỏ những lý thuyết và công việc làm cho Đảng suy sụp và thối nát. Đó là Chủ nghĩa Mác Lê nin, là con đường XHCN, là đấu tranh giai cấp, là chuyên chính vô sản. Đảng kêu gọi chống tham nhũng nhưng không chịu thấy “tham nhũng quyền lực” mới là tổ sư của mọi tham nhũng khác, hàng giờ, hàng phút đẻ ra và nuôi dưỡng các tham nhũng khác. Mà chính Đảng mới là nguồn gốc của tham nhũng quyền lực, tham nhũng từ khi mới thành lập, trong suốt cả thời kỳ dài, đến khi Đảng nắm được chính quyền thì tham nhũng đó nhanh chóng biến hóa thành tham nhũng tài sản và chức tước. Đảng hô hào làm trong sạch và vững mạnh mà cứ khư khư ôm lấy những mầm mống thối nát thì chỉ hô hào suông mà thôi.
Về đổi mới. Trong mấy chục năm qua từ “đổi mới” đã bị lạm dụng quá mức. Thực chất của công cuộc phục hưng kinh tế từ 1986 chẳng phải là đổi mới, chẳng phải sáng tạo gì hết, chẳng qua là trước đó vì ngu dốt, phạm sai lầm, nay sửa sai, làm lại theo cách cũ mà người khác vẫn làm. Tôi không có dịp khảo sát xem còn có nước nào hô hào đổi mới mạnh mẽ như chúng ta không, tôi thấy dùng chữ PHỤC HƯNG có thể thích hợp hơn.
Phân tích qua như trên với tinh thần phản biện để thấy rằng những chủ đề và phương châm của ĐH, mặc dầu phải tốn nhiều công sức của nhiều người mới nêu ra được, nhưng chủ yếu chỉ là những lời hô hào suông chứ có rất ít tác dụng. Càng ngày thực tế cuộc sống càng chứng tỏ rằng Chủ nghĩa cộng sản là không tưởng, các đảng cộng sản đã từng phát triển và hiện một số đang tồn tại thoi thóp dựa trên sự dối trá, và nếu là đảng cầm quyền thì còn dựa trên sự đàn áp. ĐCS là tổ chức không thể cải tạo. Tuy vậy những đảng viên CS, những người từng tôn thờ và đi theo CS phần nhiều là tốt, yêu nước, biết tôn trọng nhân quyền, họ có thể tự cải tạo, được cải tạo để trở thành những người chiến sĩ ưu tú, đấu tranh cho tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân. Trong ĐCSVN hiện nay một số những đảng viên ưu tú như thế bị gán cho tội tự diễn biến, tự chuyển hóa. Mong rằng những người như vậy trong ĐH XII có đủ dũng cảm, tập hợp lại, đề xuất việc từ bỏ con đường cộng sản sai lầm, đổi tên đảng, lấy lại tên Đảng Lao động như Hồ Chí Minh đã đặt. Nếu họ bị thiểu số trong ĐH thì hãy để Đảng Cộng sản lại cho những người bảo thủ vẫn còn luyến tiếc, vẫn còn ra sức bảo vệ nhằm thu lợi cho cá nhân và nhóm lợi ích. Họ sẽ tách ra, thành lập một đảng mới, lấy tên là Đảng Lao động hoặc Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, là đảng đối lập với Đảng CS . Tôi tin rằng một đảng như vậy sẽ thu hút được nhiều người con ưu tú của dân tộc, sẽ được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, lúc ấy những tiêu chí như dân chủ, đoàn kết mới thực sự có ý nghĩa thực tế.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN