Thói quen tư duy “phát động chiến dịch” và “đồng loạt ra quân”

Vừa mới đây nghe ông Phó chủ tịch UBND của Thủ đô “địa linh, nhân kiệt” ra lệnh: “Từ 1/4/2010 tất cả 29 quận huyện phải đồng loạt ra quân thực hiện Đề án chỉnh trang, sơn vôi, sơn cửa nhà mặt phố… phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi thấy ớn lạnh cả người![*]

Bởi vì những kỷ niệm muốn quên đi, bỗng nhiên nhớ lại. Đó là vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi tôi vừa làm giáo viên vừa tham gia công tác thanh niên của xã, luôn nhận được chỉ thị của  cấp  ủy về  “phát động chiến dịch” (chắc nay gọi là Đề án) rồi “đồng loạt ra quân” … Có những “chiến dịch”, nhớ lại vẫn thấy hãi. Đó là tất cả thanh niên đồng loạt ra quân “cải tạo ruộng đồng”, phá hết những bờ ruộng “cá thể, tư hữu ngàn đời”, đắp mới những bờ lô, bờ thửa “tập thể xã hội chủ nghĩa” thẳng tắp, mênh mông! Nhưng khi tát nước đổ ải mới té ra những thửa ruộng mới “chỗ trũng như ao, chỗ cao như đống”! Làm lúa nước mà mặt ruộng không phẳng thì chết rồi!

Lại đồng loạt ra quân khuân đất chỗ cao lấp xuống chỗ trũng… Đói, rét, người quắt lại, vẫn thi đua quần quật suốt ngày đêm! Tiếp đó là đồng loạt ra quân “quán triệt” chỉ đạo của huyện về “chiến dịch Đông-Xuân”, quyết tâm cấy lúa chiêm xong trước Tết với khấu hiệu: “Lúa chưa cấy xong, chưa yên lòng ăn Tết!”. Tất cả sức người, sức trâu bò tập trung “cao điểm” cho chiến dịch. Đêm đông mưa rét cũng thắp đèn măng-sông, đốt đuốc để nhổ mạ, cấy lúa ào ào! Huyện lại có sáng kiến dựng một tấm pano lớn ngay ngã ba đường quốc lộ; trên đó vẽ 1 cái máy bay có anh phi công thò nửa người qua cửa sổ, miệng cười hả hê, tay vẫy cờ đỏ; tiếp theo là một anh cưỡi ngựa, tay giương cờ hồng, cúi rạp người phi nước đại; sau cùng là một anh nông dân tiu nghỉu cưỡi trên lưng con rùa! Hợp  tác  xã  nào  cấy  xong sớm  nhất đều  được ghi tên dưới  hình chiếc  máy  bay. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, không xã nào, hợp tác xã nào muốn phải “cưỡi rùa”, phải quyết tâm “đi máy bay” (vẽ), không thì cũng phải được “phi ngựa” (giấy)! Nam Đồng là hợp tác xã cấp cao, được tỉnh chỉ đạo trọng điểm, dứt khoát là phải dẫn đầu! Dẫu Tết mỗi nhà chỉ có dăm bảy cái bánh chưng và được hợp tác xã phân cho mỗi khẩu mấy lạng thịt lợn, nhưng ai cũng hỉ hả vì trong chiến dich này, hợp tác xã mình lại dẫn đầu, được bằng khen của tỉnh, giấy khen của huyện và “cưỡi máy bay”! Tết này “các anh” ở trên sẽ về thăm hợp tác xã ta… Nhưng Trời lại không ủng hộ. Mùa đông năm ấy rét khủng khiếp. Trâu, bò lăn đùng ra thì xã viên mổ thịt, chia nhau, chẳng đi đâu mà mất! Nhưng tệ hại nhất là lúa cấy đồng loạt, cũng chết rét đồng loạt! Nhổ cây lúa lên, rễ quắt lại, đen sì. Mạ thì đã dốc hết cho chiến dịch! Cũng còn may vì lãnh đạo đã hạ lệnh: ruộng tập thể chưa cấy xong, không ai được cấy ruộng 5%! Thế là sang giêng, chờ ấm lên, các mảnh ruộng 5% của mỗi hộ mới được cày cấy, chăm chút, nâng niu. Nhờ đó dân làng mới qua được cơn đói khủng khiếp có thể xảy ra, nếu chỉ trông vào 95% ruộng trong tay hợp tác xã.

Nguyên nhân khách quan thật rõ ràng “mất mùa là tại thiên tai” (trời rét)! Do vậy từ xã đến huyện, tỉnh chả cán bộ nào bị khuyết điểm. Còn thành tích thì đã được ghi nhận bằng các loại giấy khen, bằng khen khi tổng kết chiến dịch rồi! Những sai lầm tai hại của kiểu tư duy đó đã không những không bị trừng phạt mà nó còn có đất sống khỏe nên trở thành “đặc sản tư duy” của cán bộ ta cho đến ngày nay.

Công bằng mà nói, cũng có những việc thanh niên đồng loạt ra quân, vui và có ích. Đó là “chiến dịch làm phân xanh”. Thanh thiếu niên đồng loạt ra quân phát quang hết các bụi cậy, thu gom hết rác rưởi và vớt hết bèo Nhật bản trong các hồ ao, băm nhỏ, rải ra đầy ruộng. Có lẽ trong bối cảnh tương tự như quê tôi, lại được Đại tướng chỉ đạo nông nghiệp về thăm nên ông Bút Tre mới nảy ra câu thơ : “Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh, Anh về phân rác phân xanh đầy đồng…”. Cái được trong chiến dịch đó là làng xóm phong quang, sạch sẽ và mấy cái hồ lớn của xã trở thành “hồ bơi thanh niên”.

Tiếp đó là chiến dịch “ra quân Tết trồng cây”… Đến nay mỗi lần về quê, tôi vẫn bần thần đứng hồi lâu nhìn mấy cây trồng ngày xưa còn sót lại, nay đã thành cổ thụ. Có lẽ đây là thành quả thực sự còn lại của không biết bao nhiêu “chiến dịch đồng loạt ra quân” vung phí thời gian và sức lực lứa tuổi trẻ chúng tôi!

Vài hình ảnh “đồng loạt ra quân” ngày nay - Lấy từ Google

Vài hình ảnh “đồng loạt ra quân” ngày nay - Lấy từ Google

Cái kiểu tư duy này thịnh hành nhất vào những năm 60 của thế kỷ XX, thời kỳ “tập thể hóa”. Chỉ khi con người lao động, sinh hoạt trong các đơn vị tập thể, có kỷ luật chặt chẽ thì người lãnh đạo, chỉ huy mới luôn nghĩ ra chiến dịch này, chiến dịch nọ và đồng loạt ra quân được. Dần dần kiểu tư duy đó thành thói quen, thành quy trình: Thống nhất chủ trương (cấp uỷ) – chuẩn bị nguồn lực và chỉ đạo (chính quyền) – Các lực lượng quán triệt (mặt trận)… Rồi triển khai: đồng loạt ra quân – chỉ đạo – tổng kết – khen thưởng… Nhiều người lãnh đạo, chỉ huy rất mê kiểu tư duy đó vì nó rất giản đơn lại thể hiện được quyền uy của người lãnh đạo; nó gây khoái cảm cho người chỉ huy khi thấy quân lính “cờ, đèn, kèn, trống” rầm rộ, tưng bừng; thấy “quần chúng rất khí thế, hồ hởi…” sẵn sàng đè bẹp những cá nhân nào “bi quan, tiêu cực, cản đường!” …

Ngày xưa cán bộ vẫn quen “tác phong quân sự”, làm ăn tập thể theo cách chỉ huy, ta còn có thể cảm thông được. Thời nay mà quản lý một đô thị hiện đại với 5 – 6 triệu dân bằng thói quen tư duy ấu trĩ của những năm 60 thế kỷ trước thì hãi quá!

Hãy nhìn sang các thành phố lớn trên thế giới. Nhiều thành phố hàng chục triệu dân, chẳng cần có cấp phường, mỗi năm đón hàng chục triệu du khách mà vẫn xanh, sạch, đẹp, trật tự, kỷ cương. Chẳng bao giờ thấy họ có khẩu hiệu “phấn đấu”…, “đẩy mạnh…” “phát huy”…, “đồng loạt ra quân”, “dấy lên phong trào”… gì cả. Họ quản lý đô thị cứ như là không quản lý vậy! Dân muốn ở đâu thì ở, muốn làm gì thì làm. Nhưng anh phạm luật là lập tức bị phát hiện và phạt cho cạch đến già! (Tất nhiên ở đâu cũng có những kẻ tội phạm giỏi hơn cảnh sát, lẩn trốn được…). Vẫn biết rằng thành phố nào sau những biến cố lớn (sau chiến tranh, thảm hoạ) đều cần những biện pháp đặc biệt để lập lại kỷ cương. Nhưng sau đó phải quản lý làm sao để người dân sống theo nề nếp ổn định, lâu dần thành thói quen tự nhiên bình thường hằng ngày của đô thị. Mỗi khi phải “tập trung lực lượng”, phải “ra quân”, “quyết tâm”… là nguy rồi, có sự cố bất bình thường rồi! Quan chức thành phố có nguy cơ sắp mất chức đến nơi rồi!

Thói quen tư duy này kéo dài mãi rất nguy hại:

– Đó là thói quen tư duy giải quyết tình huống, thời vụ, không quan tâm tính toán giải quyết vấn đề căn cơ, lâu dài;

– Đó là thói quen tư duy hình thức, bề nổi, lấy số lượng thay cho chiều sâu, chất lượng (bánh chưng lớn nhất, chai rượu to nhất, làm 1.000 con rồng …);

– Đó là thói quen tư duy kinh nghiệm, trực quan, hành động thực tiễn, ấu trĩ (trẻ con) thay cho tư duy khoa học, đi tìm bản chất, tính quy luật của sự vật;

– Đó là điển hình của lối “tư duy nhiệm kỳ”. Anh nào mới lên lãnh đạo, quản lý một đơn vị cũng muốn ghi dấu ấn của mình, khẳng định quyền lực của mình bằng vài “chiến dịch” (đề án/dự án), bằng vài đợt “đồng loạt ra quân”, bằng mấy khẩu hiệu thời thượng… Đây nhé, thỉnh thoảng ta lại thấy đồng loạt ra quân “truy quét…”, “phá dỡ…”, “đột kích vào…”, “kiểm tra…”, “lập lại…”, “chỉnh trang, sơn quét…”, … Đó chủ yếu là tư duy “phá” hơn là “xây”! Nhưng “phá” theo lối “bắt cóc bỏ đĩa”, không chịu đi tìm bản chất vấn đề để giải quyết căn cơ, lâu bền. Hơn nữa, nhiệm kỳ sau “tân quan, tân chính sách”, nhiệm kỳ này cứ “quyết tâm làm vài dự án cái đã!” (Cho nên “cứ làm đại đi, chờ phản biện, luận chứng lôi thôi thì… hết cha nó nhiệm kỳ à!”). Người ta say mê chạy dự án, phê duyệt dự án, đồng  loạt  ra quân… vì động cơ gì dân biết cả!

Nền kinh tế nước ta cũng chủ yếu là nền kinh tế của các dự án. Tăng trưởng GDP cao bao nhiêu cũng chủ yếu vào túi các nhà đầu tư dự án. Để phát triển bền vững, đất nước cần có những ngành, những nghề đạt trình độ cao, làm ra những sản phẩm cạnh tranh được trên thế giới. Mà nguồn nhân lực cao là cốt lõi.

Nhưng cay đắng thay, nền giáo dục nước nhà cũng là nền giáo dục phong trào, “đồng loạt ra quân”, “thi đua lập thành tích”, phát triển theo các “đề án” (chiến dịch) của mỗi nhiệm kỳ! Nhiệm kỳ của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vừa rồi cũng ghi dấu ấn bằng mấy “chiến dịch”: đồng loạt mở trường đại học; đồng loạt đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ; đồng loạt xây nhà vệ sinh ở các trường… Nhưng ấn tượng nhất là phong trào đồng loạt ra quân thực hiện “Hai không”, rồi “Ba không”, “Bốn không”… “KHÔNG” ở đây là “phá” là “diệt trừ”, trái ngược với bản chất của giáo dục là “CÓ” là gieo trồng, chăm sóc, phát triển tạo nên chất lượng mới…

Điều nguy hại là thói quen tư duy này ăn sâu vào nhà trường, nơi đáng lẽ kích thích và tạo điều kiện cho những bộ óc tươi trẻ phát triển tư duy khoa học, sáng tạo thì lại áp đặt cho học sinh, sinh viên lối suy nghĩ rập khuôn, sao chép, hình thức, hời hợt. Học sinh, sinh viên cho đến nghiên cứu sinh dường như ít ai chịu ngồi lì dăm mười ngày nghiền ngẫm mấy cuốn sách hay miệt mài làm đi làm lại một thí nghiệm… Bắt chước, cóp nhặt, xào xáo, không tìm kiếm, phát hiện, phê phán, sáng tạo hay gieo trồng, thí nghiệm… thì làm sao có tư duy khoa học!?   (Còn các GS, TS thì em không biết!).

Đã là thói quen thì khó thay đổi. Nhưng một khi phải “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, “đổi mới tư duy hay là chết?”… thì vẫn có hy vọng.

MVT

7/5/2010

[*] Báo Kinh tế đô thị (25/3/2010): “Phó Chủ tịch UBND TP Hà nội chỉ thị: Từ 1/4/2010 tất cả 29 quận huyện của Thủ đô phải đồng loạt ra quân thực hiện Đề án chỉnh trang, sơn vôi, sơn cửa nhà mặt phố… phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.