Vai trò Quân đội và các lực lượng An ninh trong cuộc Cách mạng dân chủ tại Việt Nam

Các quốc gia trên địa cầu, từ đông sang tây, đều có hai nhu cầu căn bản: đó là quốc phòng và trị an. Quân đội có trách nhiệm quốc phòng và công an cảnh sát có trách nhiệm trị an.

Trong một nước dân chủ như Hoa Kỳ, chịu ảnh hưởng của các tư tưởng gia khai quốc công thần, đặc biệt là Samuel Adams (1722-1803) và Alexander Hamilton (1755-1804) thì quân đội chịu sự điều khiển của một chính quyền dân sự. Tổng thống Hoa Kỳ là Tổng tư lệnh quân lực (commander-in-chief) của các lực lượng võ trang Hoa Kỳ. Các lực lượng an ninh từ Tiểu bang đến Liên bang như cảnh sát tiểu bang, cảnh sát Liên bang hoặc FBI cũng chịu quyền điều khiển của các chính quyền dân cử các cấp.

Các quốc gia dân chủ trên thế giới, từ Tổng thống chế như Hoa Kỳ, đến quốc hội chế như Anh Quốc, hoặc mô thức hỗn hợp như Pháp, đều chấp nhận nguyên tắc các lực lượng vũ trang và an ninh phải chịu sự điều khiển của chính quyền dân sự.

Trong các nước dân chủ thì có sự cộng sinh giữa nhiều chính đảng và lực lượng chính trị khác nhau, luân phiên nắm quyền qua các cuộc bầu cử tự do và trong sáng. Dù chính quyền có thay đổi thì các lực lượng quân đội và an ninh vẫn phải phục tùng chính quyền tân lập, triệt để thuận theo lòng dân. Quân đội và các lực lượng an ninh không trung thành với bất cứ một cá nhân hoặc đảng phái nào. Họ chỉ trung thành và bảo vệ tổ quốc, qua sự quy định của một bản Hiến pháp dân chủ thực sự.

Tuy nhiên, trong một thể chế độc tài thì vai trò của quân đội và công an không còn là trung thành và bảo vệ tổ quốc nữa. Lý do là vì, hơn ai hết, các chế độ độc tài ý thức tòan diện vai trò của quân đội và công an như là những phương tiện tuyệt vời để cướp chính quyền và nắm giữ chính quyền lâu dài.

Trong lịch sử loài người, các chính quyền độc tài, ngay từ thủa bình minh của nhân loại, đều thiện nghệ trong việc duy trì quyền lực độc tôn của mình bằng hai phương tiện chính. Đó là quân đội và công an.

Dĩ nhiên còn rất nhiều phương tiện khác các chế độ này sử dụng. Chẳng hạn kiểm soát thông tin, giới hạn sự đi lại, nghiêm cấm không được tụ tập mà không có xin phép và được cho phép trước, hệ thống tòa án hoàn toàn do hành pháp kiểm soát, suy tôn và thần tượng hóa lãnh tụ v. v…

Tuy nhiên quân đội và công an là những phương tiện chính và được Đức quốc xã, dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài khét tiếng Hitler, rèn luyện và sử dụng tuyệt luân. Quân đội Đức (Wehrmacht) là công cụ hùng mạnh để Hitler xâm chiếm các nước Âu Châu khác, xây dựng bá quyền. Công an mật vụ võ trang (SS) được sử dụng, không những để kiểm soát dân chúng và mọi thành phần khác của xã hội dân sự, mà không kém phần quan trọng, là để kiểm soát quân đội và các tướng lãnh có tham vọng khác.

Tuy nhiên, không có chế độ độc tài nào sử dụng quân đội và công an sâu sắc và hiệu năng, để duy trì quyền lực lâu dài bằng hai nhân vật trùm cộng sản là Lenin và Stalin. Tuy Lenin là người tiên phong trên phương diện độc tài chuyên chính, nhưng Stalin mới là kẻ mài giũa phương thức đến độ lạnh lùng, tàn khốc chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Hitler giết 6 triệu người Do Thái vô tội qua các lực lượng an ninh, trong khi Stalin giết 20 triệu người Nga vô tội qua KGB (mật vụ Xô Viết). Các chính quyền cộng sản trên thế giới, từ Trung Quốc, Bắc Hàn đến Việt Nam đều thừa hưởng truyền thống cai trị bằng công an và quân đội này.

Năm 1991, trước khi Liên bang Xô Viết cáo chung, tuy bề mặt Hồng quân Liên Xô chia rẽ giữa phe ủng hộ Yeltsin (Liên bang Nga) và phe ủng hộ nhóm Bát nhân bang (Liên bang Xô Viết) đảo chánh Gorbachev, đưa Yanayev lên nắm quyền nhằm duy trì quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng có nghĩa là gián tiếp duy trì Liên bang Xô Viết như một thực thể chính trị.

Tuy nhiên, thực trạng là đa số tướng lãnh Liên Xô đều ý thức được rằng, trong LBXV thực sự chỉ có Nga Xô là gánh vác mọi chi phí của quân đội Xô Viết và không còn kham nổi chi phí quá lớn nữa. Họ cảm thấy họ chỉ yêu và trung thành với Liên bang Nga. Đối với họ, Liên bang Xô Viết là một thí nghiệm điên rồ, phung phí, thất bại và đã đến lúc phải cáo chung.

Không còn sự ủng hộ của Hồng Quân Xô Viết, phe đảo chánh Bát nhân bang và Đảng Cộng Sản Liên Xô tan rã. Lần lượt các nước cộng hòa khác nhau trong LBXV nhanh chóng thay phiên tuyên bố độc lập.

LBXV không còn hiện hữu và Gorbachev bắt buộc phải từ chức Tổng thống của một thực thể chính trị đã cáo chung vào cuối năm 1991.

Việc đầu tiên dân chúng Liên Xô làm sau khi lật đổ Bát nhân bang là đạp đổ bức tượng Felix Dzerzhinsky, người sáng lập công an mật vụ KGB năm 1917.

Điểm tương đồng chúng ta nhận thấy trong mọi cuộc nổi dậy của quần chúng đạp đổ độc tài, từ xưa đến nay là, tuy các chế độ độc tài có tính công an trị, nhưng mật vụ và công an lại hòan tòan vắng bóng trong các biến động có tính quần chúng này. Chỉ có quân đội là giữ một vai trò then chốt. Đây là một hiện tượng cần được phân tách và lý giải để có thể rút kinh nghiệm cho một cuộc nổi dậy tại Viêt Nam trong tương lai.

Cách đây vài năm (2010-2013), cuộc Cách mạng Mùa Xuân Á Rập (Arab Spring) tại các nước Bắc Phi và Trung Đông như Tunisia, Ai Cập (đã thành công), Lybia, Bahrain, Yemen, Marocco, Saudi Arabia …cho ta các nhận xét sau đây:

  1. Các quốc gia này đều độc đảng trên thực tế hoặc trên nguyên tắc, hoặc quân chủ chuyên chế. Các chính quyền đã tại vị từ nhiều thập niên qua mà không có bầu cử tự do. Các cuộc bầu cử phần lớn là gian lận hoặc “đảng cử dân bầu” tương tự Việt Nam. Các Quốc hội thông thường là Quốc hội bù nhìn cũng tương tự ViệtNam.
  2. Có ba thanh phần xã hội liên hệ chặt chẽ với nhau và được phân phát của cải vượt lên trên những thành phần xã hội khác: đảng viên (hoặc hòang gia), giới lãnh đạo quân đội và công an. Những thành phần này giầu có cỡ quốc tế trong những xã hội còn nghèo khổ. Hố sâu giữa người dân lao động, nông dân và 3 thành phần thượng lưu trên ngày càng đậm nét thêm.
  3. Dân chúng căm phẫn công an nhiều hơn là căm phẫn quân đội, mặc dầu dân chúng đánh giá quân đội như là yếu tố có tính quyết định cao hơn công an cho sự thành công hay thất bại của các cuộc cách mạng. Tuy công an là công cụ hữu hiệu để kiểm sóat và đàn áp, nhưng một khi dân chúng đã hết sợ và đứng lên, thì công an được đánh giá như không còn khả năng đối phó nữa.
  4. Thực tế cho thấy rằng, mặc dầu quân đội có khả năng đàn áp dân chúng và giải tán biểu tình, nhưng quân đội tại Tunisia và Ai Cập đã đứng hẳn về phía dân tộc và ủng hộ những cải cách dân chủ thay vì tiếp tục trung thành với các thể chế độc tài.
  5. Cường độ chống đối chính quyền trong những quốc gia có quá trình cải cách dân chủ thực sự ( Marocco, Jordan) thấp hơn cường độ chống đối tại những quốc gia có chính quyền bảo thủ và tham quyền cố vị (Tunisia, Egypt, Yemen, Bahrain, Saudi Arabia). Điều này chứng tỏ một chân lý mà người cộng sản Trung Quốc lẫn Việt Namluôn chối bỏ. Đó là một quốc gia càng dân chủ thì càng ổn định trên phương diện chính trị. Duy trì các chính quyền độc tài tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, về lâu về dài, sẽ đưa đến những bất ổn sâu xa cho quốc gia, khu vực và cho nền hòa bình thế giới. Dân chủ hóa Trung Hoa, Việt Nam và Bắc Hàn sẽ đóng góp vô cùng lớn lao cho hòa bình nhân lọai trong thế kỷ 21.

Có hai câu hỏi chúng ta cần nêu ra:

  1. Chế độ CSVN gần gũi với mô thức độc tài nào nhất trong lịch sử lòai người?
  2. Trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, quân đội và công an sẽ có vai trò gì?

Khi chúng ta duyệt lại lịch sử thành lập các đảng CSVN (1930) và CSTQ (1921) thì chúng ta nhận xét ngay rằng đảng CSVN ngay từ đầu đã lệ thuộc rất nhiều vào Đệ tam Quốc tế dưới sự lãnh đạo của đảng CS Liên Xô. Ở điểm này, CSVN và CSTQ hoàn toàn khác nhau.

Khi mới thành lập thì người CSVN lấy tên là đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên sau đó thì theo chỉ thị của CS Liên Xô, Hồ Chí Minh phải đổi tên lại là Đảng CS Đông Dương, bao gồm Lào và Cam Bốt. Điều này cho chúng ta thấy rằng, ngay từ những thập niên 30, CSLX đã e dè CSTQ và muốn đàn em của mình là CSVN phải ảnh hưởng đến Lào và Cam Bốt để giới hạn sự bành trướng của TQ.

Dĩ nhiên trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam (1962-1975), Vietj Nam được sự viện trợ của cả 2 đàn anh CS qua chính sách đu dây khéo léo. Tuy nhiên ảnh hưởng của CSLX vẫn vượt trội CSTQ cho đến ngày Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Tuy cùng là độc tài chuyên chính vô sản, nhưng có những sự khác biệt cơ bản trong phương thức cai trị độc tài của hai đảng CS đàn anh khổng lồ trên.

Trước hết, trước khi cuộc cách mạng Bolshevik thành công tại Nga  năm 1917 thì Nga Hòang cai trị đế quốc Nga bằng một bộ máy công an sắt máu. Chính Lenin là người chịu nhiều khốn đốn vì guồng máy công an của Nga Hoàng. Ngay sau khi vừa cướp được chính quyền năm 1917, việc đầu tiên của Lenin là giao cho Felix Dzerzhinsky trách nhiệm thành lập một hệ thống mật vụ siêu quyền lực, tuyệt đối trung thành với ông và có trách nhiệm đè bẹp tất cả mọi đối lập bằng tất cả mọi phương tiện dù là tàn bạo nhất. CSXV là một chế độ CS mang tính công an trị. Yếu tính này được chứng minh nổi bật khi chúng ta duyệt lại tranh chấp nội bộ giữa Stalin và Trotsky sau khi Lenin qua đời (1924). Trotsky không những đã là Bộ trưởng Quốc Phòng (1918-1925) mà còn chính là người được Lenin giao cho trách nhiệm sáng lập và chỉ huy Hồng quân Liên Xô. Trotsky cũng được công nhận là lý thuyết gia CS sáng giá nhất sau Lenin.

Trong khi đó Stalin là Tổng Bí thư đảng, lúc đó chưa phải là một chức vụ tối quan trọng vì Lenin giữ chức vụ tương đương chủ tịch nước (tức Hội đồng Bộ trưởng- Council of People’s Commissars) và uy tín của Lenin bao trùm Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên Stalin kiểm sóat mật vụ KGB. Qua mật vụ KGB, Stalin đã đánh bật Trotsky ra khỏi trung tâm quyền lực. Cuối cùng Trotsky phải lưu vong và bị KGB ám sát tại Mễ Tây Cơ.

Vì thế, theo mô hình Liên Xô thì kẻ nào nắm được mật vụ KGB sẽ nắm được Đảng và quyền lực tuyệt đối.

Trong khi đó, tình hình tại Trung Quốc khác hẳn. Đảng CSTQ sống còn và vươn lên trong khung cảnh hai cuộc chiến đẫm máu. Đó là, một mặt, cuộc nội chiến Quốc Cộng giữa Đảng CSTQ và Trung Hoa Quốc Dân đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch. Mặt kia là cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Nhật Bản chiếm cứ Mãn Châu và nhiều cứ điểm khác.

Sau khi đảng CSTQ được thành lập, Stalin cũng đã gởi rất nhiều cán bộ do CSLX huấn luyện để tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng CSTQ với mục đích lọai Mao Trach Đông và phe nhóm của ông ra khỏi trung tâm quyền lực. Tuy nhiên Mao Trạch Đông, ngòai sự kiện là một tư tưởng gia có nhiều sáng tạo, ông còn là một thiên tài quân sự. Ông đã chỉ huy cuộc vạn lý trường chinh lịch sử, thoát khỏi sự truy kích của Tưởng Giới Thạch, xây dựng cơ sở, củng cố quân lực, góp phần vào việc đánh đuổi quân đội Nhật và sau cùng chiến thắng Tưởng Giới Thạch, thống trị lục địa Trung Quốc. Dĩ nhiên Mao Trạch Đông cũng không quên thanh trừng và tận diệt bè phái do Stalin cấy vào nội bộ CSTQ.

Trong cuộc vạn lý trường chinh, ông thường được gọi là Mao Chủ tịch, không phải vì ông là Chủ tịch Đảng, hoặc Chủ tịch Nhà nước, vì lúc đó chưa có 2 chức vụ này. Ông được gọi là Mao Chủ tịch vì Ông là Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương (UBQQTU), hoặc Quân ủy Trung ương, tương đương với chức vụ Tổng tư lệnh quân lực ngày hôm nay.

Chính vì truyền thống này, căn bản quyền lực của hai đảng CSTQ và đảng CSLX hoàn toàn khác nhau.

Trong đảng CSTQ, kẻ nào nắm được quân đội sẽ nắm được Đảng và sau đó chính quyền. Công an chỉ là một công cụ phụ thuộc để kiểm soát dân chúng mà thôi.

Chính vì lý do đó, chúng ta thấy Đặng Tiểu Bình chỉ giữ một chức vụ Phó Thủ tướng tương đối khiêm nhượng trong chính quyền, nhưng vẫn được suy tôn là lãnh tụ tối cao (paramount leader), ra lệnh cho Thủ tướng Lý Bằng và Chủ tịch Đảng Triệu Tử Dương. Then chốt là vào thời điểm Thiên An Môn 1989 đó, Đặng Tiểu Bình giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương như Mao Trạch Đông đã từng giữ. Cũng trong chức vụ bày, họ Đặng đã ra lệnh quân đội đàn áp đẫm máu tại công trường Thiên An Môn, cứu đảng CSTQ.

Các lực lượng quân đội tại Thủ đô Bắc Kinh đã từ chối không chịu nghe lệnh. Họ Đặng phải triệu quân đoàn 27 từ miền Bắc Trung Quốc, gần Ngọai Mông về. Các binh sĩ này không nói được thổ ngữ Bắc Kinh, không hiểu được ý dân và bị tuyên truyền phải đàn áp phản lọan. Chính sự thiếu thông cảm giữa các binh sĩ và người dân biểu tình đã cứu chế độ CSTQ.

Sau khi LBXV sụp đổ, tuy CSVN có xích lại gần TQ nhưng đó chỉ là trên phương diện cải tổ kinh tế và ngọai giao. Trên bình diện tương quan quyền lực nội bộ, CSVN vẫn theo mô hình của Liên Xô thủa xưa.

Từ khi thành lập, đưới ảnh hưởng của Liên Xô, các phe công an luôn luôn lấn quyền quân đội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh tiền và những lận đận buồn cười của ông ta là ví dụ điển hình nhất cho vị trí lép vế của quân đội so với công an trong nội bộ CSVN.

Như thế thì trong trường hợp xảy ra biến động quần chúng nổi dậy tại Việt Nam như Thiên An Môn(1989) tại Trung Quốc hoặc tại Bắc Phi hôm nay thì quân đội và công an sẽ giữ vị trí nào?

Chúng ta nhận ngay rằng, sau Thiên An Môn, các chiến lược gia CSVN đã nghiên cứu bài học này. Họ thấy rằng, tuy công an là công cụ quan trọng để kiểm soát, hù dọa dân chúng và ngăn cản sự nổi dậy của người dân, nhưng lực lượng công an tự bản chất có nhiều khuyết điểm như một công cụ của độc tài.

Trước hết, muốn kiểm soát dân thì công an phải gần với dân. Điều này hàm chứa nhiều hiểm nguy cho chế độ:

  1. Trước hết là gần dân thì dễ bị tha hóa qua hối lộ hoặc những biện pháp tham nhũng khác.
  2. Sau đó vì gần gũi sẽ có những quan hệ riêng tư, dân chúng nhờn mặt và không còn sợ hãi.
  3. Công an dễ bị nhận diện và có thể bị trả thù cá nhân. Công an trong các chế độ độc tài bị dân phục kích và đánh hội đồng là chuyện thường xảy ra.
  4. Một trong những trách nhiệm của công an là kiểm sóat những thông tin về dân chủ và nhân quyền không cho lọt vào tai dân chúng. Nhưng chính các công an lại hiểu biết thêm về dân chủ và nhân quyền nên dễ bị tha hóa như là một công cụ đàn áp.
  5. Kinh nghiệm trên khắp thế giới cho thấy, một khi quần chúng đã vượt qua sự sợ hãi đứng lên, thì công an triệt để trốn tránh và biến mất tòan diện. Ngay cả tại Thiên An Môn hoặc tại Bắc Phi, những kẻ bị quần chúng nghi ngờ là công an trá hình bị người dân đánh đập đến chết không thương tiếc.

Vì ý thức được khả năng đàn áp các cuộc nổi dậy có tính quần chúng của quân đội, vượt trội trên công an, nên CSVN đã có những cố gắng để nâng số đại diện quân đội trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị sau Thiên An Môn. Điển hình nhất là Thượng tướng Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư (1997-2002).

Các lãnh tụ CSVN cũng thường xuyên thăm viếng Võ Nguyên Giáp trong tuổi già, trao thêm huy chương, quà cáp, tưởng thưởng v.v… để lấy lòng giới quân đội. Sau khi Võ Nguyên Giáp từ trần thì tìm cách thần tượng hóa ông lên chín tầng mây để núp bóng quân đội.

Thêm vào đó, Đại Hội 11 của Đảng đã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ luôn chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương (QUTU), trong niềm hy vọng củng cố thêm sự kiểm sóat của đảng hầu hy vọng quân đội sẽ nghe lệnh Đảng, đàn áp những cuộc nổi dậy của dân chúng trong tương lai.

Đây là một mô thức CSVN học hỏi từ kinh nghiệm của Đặng Tỉêu Bình.

Tuy nhiên CSVN quên một điều căn bản. Đó là muốn làm Tổng Tư lệnh Quân lực trên nguyên tắc thì dễ. Chỉ cần Đảng bổ nhiệm là được. Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi làm Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương thì Mao Trạch Đông lẫn Đặng Tiểu Bình đều là những tướng lãnh vào sinh ra tử thật sự trên chiến trường Trung Quốc. Khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc bây giờ, lại càng khác với Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam hôm nay chưa bao giờ là một quân nhân tướng lãnh thực sự cả.

Trong trường hợp dân chúng nổi dậy, đòi hỏi dân chủ, liệu các tướng lãnh chuyên nghiệp CSVN có nghe lệnh ông “Tổng tư lệnh” dân sự hay một Tổng Bí thư nào khác (nếu không phải tướng lãnh quân đội) sau Đại hội 12 hay không, vẫn còn là một vấn nạn chưa có câu trả lời.

Tôi không nghĩ rằng có xác xuất cao để CSTQ gởi quân đội TQ đàn áp dân chúng tại Việt Nam để cứu chế độ CSVN và tự cứu mình trong tương lai. Tuy nhiên, quan điểm trên không có giá trị tuyệt đối. Khi một chế độ độc tài đã quen ngự trị trên đầu cổ các dân tộc liên hệ, thì không có điều gì họ không thể làm để duy trì quyền lực, kể cả những điều tồi bại nhất. Thế nhưng, nếu tình huống tệ hại đó xảy ra, liệu các tướng lãnh quân đội nhân dân Việt Nam có đủ hùng tâm tráng chí đứng lên, đứng hẳn về phía toàn dân, lật đổ bạo quyền CSVN và trực diện đối đầu với đòan quân xâm lược Trung Quốc, còn là một vấn nạn chưa có giải đáp.

Tuy nhiên, có một điều giới lãnh đạo CSVN và tướng lãnh quân đội nhân dân VN cần lưu ý là trong kỷ nguyên mới, cục diện thế giới đã thay đổi. Một trong những lý do nhà độc tài Gaddafi sụp đổ là vì ngày 18/3/11, Hội đồng Bảo an LHQ đã quyết định cho phép mọi biện pháp cần thiết để ngăn chận bạo quyền Gaddafi giết hại dân lành, bắt đầu bằng một “vùng cấm phi vụ” (no fly zone) (the imposition of a no-fly zone and authorisation of “all necessary means” to protect civilians).

Ngay cả Nga Xô và Trung Quốc, tuy không ủng hộ nhưng cũng không phản đối quyết định này. Ngày 19/3/11 sau đó,  Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đã oanh tạc các vị trí của Gaddafi. Hầu như có sự đồng thuận giữa mọi quốc gia văn minh trên thế giới, qua lời phát biểu của thủ tướng Anh là David Cameron: “Chúng ta không thể đứng yên nhìn một nhà độc tài tàn sát dân của chính mình” (‘we should not stand aside while a dictator murders his people’). (http://www.dailymail.co.uk/news/article-1367800/Libya-British-troops-action-Libya-says-David-Cameron)

Cuộc nổi dậy chống độc tài của các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông đã đưa nhân lọai văn minh bước vào một ngưỡng cữa mới. Đó là thế giới văn minh sẽ không dung túng cho bạo quyền sát hại dân của chính quốc gia mình. Trong kỷ nguyên mới, Tòa án hình sự quốc tế (International Criminal Court) có thẩm quyền truy tố và xét xử tất cả mọi kẻ phạm tội chống lại nhân lọai (crimes against humanity), dù kẻ đó là Đặng Tiểu Bình (nếu còn sống), hoặc Cựu Thủ tướng TQ Lý Bằng của đàn anh TQ liên hệ đến Thiên An Môn, huống hồ loại cộng sản đàn em đã từng nhúng tay vào những vụ thảm sát đồng bào trong quá khứ như biến cố Tết Mậu Thân tại Huế, lạm sát trong các trại cải tạo sau 30/4/75, hoặc đàn áp dân chúng nổi dậy đòi hỏi dân chủ trong tương lai tại Việt Nam.

Những lạm sát của CSVN trong quá khứ lẫn những cuộc lạm sát đàn áp dân chúng biểu tình để bảo vệ độc tài đảng trị trong tương lai, trên nguyên tắc, hội đủ điều kiện để được định nghĩa như là tội ác chống nhân lọai và nằm trong thẩm quyền của Tòa án hình sự quốc tế.

Dân ta đã nếm nhiều nỗi quốc nhục. Đất nước chúng ta là một trong những quốc gia nghèo nhất và tham nhũng tệ hại nhất. Đất đai và vùng biển cũng như hải đảo của chúng ta bị CSTQ chiếm cứ với sự đồng lõa của CSVN. Tuy nhiên trong kỷ nguyên mới, không có nỗi nhục nào lớn lao bằng cái nhục bị một tập đoàn độc tài cai trị và coi thường sự thông minh của dân mình.

Nhất là, trong kỷ nguyên mới, cũng không có nỗi nhục nhã nào lớn lao cho cá nhân và tập thể của bất cứ quân đội của một dân tộc nào, bằng nỗi nhục nhã phải làm công cụ thấp hèn cho một tập đoàn độc tài hại nước hại dân.

Đ.T.D.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quân Đội. Bookmark the permalink.