Lời dẫn
BVN xin đăng 2 bài liên tiếp có tính chất đối sánh nhau dưới đây để bạn đọc thấy cách hành xử giữa hai bên Trung Quốc và Việt Nam – sau khi hai vị tướng đứng đầu cơ quan quốc phòng hai nước đã bàn bạc nhất trí với nhau – diễn ra trớ trêu như thế nào. Một bên vốn hung hăng càng lên giọng hung hăng trịch thượng hơn, còn một bên lại chân thành đến độ không tính trước những việc không hay xẩy ra sớm quá với mình, đâm… bẽ bàng và bối rối. Người Việt Nam từ nay đi ra nước ngoài có lẽ nên bảo nhau hãy bớt mồm bớt miệng rằng ta đây đánh thắng mấy đế quốc to, và hễ gặp người Malaysia thì cúi mặt xuống, có phải thế không nhỉ? Nhưng biết đâu đấy, đặc công của ta nhiều khi tẩm ngẩm mà sẽ làm nên những chuyện không ngờ ấy chứ. Hãy cứ chờ đấy.
Bauxite Việt Nam
Lời bình
Tháng 12 năm ngoái, người ta sửng sốt khi đọc những dòng sau đây từ chính miệng Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND: “Vấn đề ta với Trung Quốc trên biển Đông, chúng ta đang tìm mọi cách giải quyết và tới đây chúng ta sẽ cùng với bạn bàn bạc, đàm phán, phân định biên giới trên biển. Như vậy thì tình hình sẽ ổn định dần và chúng ta vẫn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chống lại những âm mưu của kẻ thù chung” (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/354571/“Tim-moi-cach-giai-quyet-van-de-bien-Dong”.html).
Và cuối tháng trước, một lần nữa, người ta lại sửng sốt trước những dòng tường thuật đăng trên báo Quân đội nhân dân về cuộc cuộc hội đàm giữa Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước CHXHCN Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn, với đoàn Đại biểu Quân sự cấp cao nước CHND Trung Hoa do Thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHND Trung Hoa, làm Trưởng đoàn: “Về một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, Thượng tướng Lương Quang Liệt hoan nghênh và tán thành quan điểm và giải pháp mà Đại tướng Phùng Quang Thanh đưa ra. Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, lấy luật pháp và các thỏa thuận đã ký kết làm căn cứ, hai bên cần phấn đấu giữ ổn định tình hình, vì lợi ích của các quốc gia, không để các thế lực bên ngoài lợi dụng, kích động, làm tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai Quân đội” (http://www.quandoinhandan.org.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/110120/Default.aspx).
Tình đồng chí thắm thiết giữa hai quốc gia có “kẻ thù chung”, chống lại “các thế lực bên ngoài lợi dụng, kích động”!
“Ổn định tình hình” ư? Nghe như thể không hề có chuyện Trung Quốc năm 1974 xâm chiếm Hoàng Sa, giết 58 chiến sĩ quân đội Việt Nam cộng hòa; năm 1988, xâm chiếm đảo Gạc Ma, giết 64 chiến sĩ Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam; như thể không hề có chuyện tháng 12 năm 2004, tàu tuần dương Trung quốc cố ý húc vào các tàu đánh cá Việt Nam khiến cho 23 ngư dân Đà Nẵng và Quảng Ngãi bị chết, 6 người bị thương, không hề có chuyện tháng 1 năm 2005, 9 ngư dân Thanh Hóa chết thảm vì đạn của Hải quân Trung Quốc. Tất nhiên chuyện Trung Quốc cướp thuyền ngư dân Việt Nam, đánh đập và đòi tiền chuộc đã và đang diễn ra, theo cái lôgic ấy, hẳn cũng không có nốt.
“Lấy luật pháp và các thỏa thuận đã ký kết làm căn cứ” ư? Luật pháp nào, thỏa thuận nào cho phép Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, cho phép tàu Ngư chính Trung Quốc ngang dọc Biển Đông như thể đây là cái ao nhà, cho phép Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, trực tiếp quản lý 3 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
Tất nhiên hai vị Đại tướng quyền cao chức trọng không thể lỡ lời hay tự ý nói bừa. Trong những vấn đề quốc gia đại sự liên quan đến chủ quyền của đất nước, mỗi chữ nói ra đều được cân nhắc, bàn bạc trước kỹ lưỡng.
Nhưng như thế thì bài báo sau đây là một thực tế nữa, đau xót và hết sức khó hiểu. Trung Quốc trắng trợn tuyên bố: “[…] tăng cường sự tồn tại quân sự tại các đảo, bãi ở Biển Đông, để chuẩn bị tốt đấu tranh quân sự cho việc giải quyết về căn bản, cảnh khó ở Biển Đông”, “[…] việc thu hồi các đảo bãi và lãnh hải bị các nước khác xâm chiếm không thể không có thời gian biểu”. Cần nhớ đây là bài bình luận đăng chễm chệ trên trang web Nhân dân nhật báo và Hoàn cầu thời báo, là tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải trên một trang blog vô danh nào.
Chẳng lẽ ngay cả khi nước bạn “16 chữ vàng” nói toẹt ra như thế, mà lãnh đạo nước ta vẫn (bịt tai) không nghe, vẫn xác quyết Việt Nam – Trung Quốc có “kẻ thù chung”, vẫn đổ riệt cho “thế lực bên ngoài” làm tổn hại đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước, vẫn tin “tình hình sẽ ổn định dần”, vẫn nói “hảo đồng chí”, được hay sao?!
Anh Hoàng
Giải quyết vấn đề Biển Đông, then chốt là hành động
(Bình luận của Trung Quốc đăng trên trang web Nhân dân và Hoàn cầu thời báo Trung Quốc ngày 29/4/2010)
Dương Danh Dy dịch
Hiện nay tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp nghiêm trọng. Về kinh tế một số quốc gia không ngừng tăng nhanh tiến hành khai thác kiểu ăn cướp tài nguyên Biển Đông của chúng ta (Trung Quốc – ND); về quân sự hải quân một số quốc gia xung quanh Biển Đông không ngừng mua sắm hạm tàu và máy bay tác chiến có tính năng tiên tiến; về chính trị, có quốc gia có ý đồ đẩy tranh chấp Biển Đông thành quốc tế hóa và liên minh hóa. Ngoài ra nước Mỹ dưới sự giúp đỡ của các nước đồng minh như Singapore và Philippine đã tăng cường sự tồn tại quân sự tại Biển Đông, đồng thời có kế hoạch trở lại vịnh Cam Ranh, nhằm tiến tới sát đường giáp ranh cận hải của ta. Vì thế vấn đề tranh chấp chủ quyền của các đảo và lãnh hải của Trung Quốc kéo dài đã lâu không giải quyết đang trở thành sự thách thức song trùng đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng nước ta. Giải quyết hoàn cảnh khó khăn của Biển Đông phải có suy nghĩ mới và biện pháp mới, càng cần phải quán triệt vào hành động cụ thể.
Một là chế định chiến lược khai thác tài nguyên Biển Đông, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành lợi dụng và khai thác tài nguyên dầu khí và tài nguyên nghề cá tại Biển Đông. Phải từ độ cao chiến lược an ninh kinh tế và phát triển lâu dài của quốc gia để nhìn nhận tỉ mỉ vai trò quan trọng của tài nguyên Biển Đông đối với việc xây dựng kinh tế nước ta, qui hoạch thống nhất chiến lược phát triển, mục tiêu phát triển và các buớc đi phát triển đối với tài nguyên dầu khí và tài nguyên nghề cá Biển Đông, chế định cương yếu thực thi tỉ mỉ, thiết thực, cung cấp sự ủng hộ vững chắc về tài chính và thu thuế cho các doanh nghiệp tham gia khai thác tài nguyên Biển Đông. Đồng thời quốc gia phải vì các xí nghiệp tham gia khai thác tài nguyên Biển Đông hình thành cơ chế liên động đối với các cơ cấu chức năng như an ninh môi trường sản xuất, biên phòng, hải tặc, ngư chính, quân đội v.v., có thể xử trí kịp thời có hiệu quả các loại sự kiện xung đột, bảo vệ nhân viên, thiết bị và tài sản tham gia khai thác tài nguyên Biển Đông không bị xâm hại phi pháp.
Hai là, nâng cao sức mạnh chấp pháp hải dương vùng Biển Đông, kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm quyền lợi hải dương của ta. Lâu nay sự khoan dung và nhân nhưọng một cách lịch sự của chúng ta trên vấn đề Biển Đông không đổi lại sự tôn trọng cần phải có, ngược lại một số nước đã coi nhân từ là mềm yếu, điên cuồng cướp đoạt ngày càng nghiêm trọng hơn tài nguyên dầu khí và nghề cá của ta, nhiều lần tiến hành bắt giữ và giam cầm ngư dân ta đang tác nghiệp hợp pháp, thậm chí làm tổn hại về người. Vì thế, phải gia tăng sức mạnh chấp pháp hải dương tại vùng Biển Đông, xua đuổi và bắt giữ kịp thời những thuyền cá tác nghiệp phi pháp tại vùng biển của ta, đồng thời căn cứ vào luật pháp có liên quan của Trung Quốc tiến hành xử lý, và cũng phải tiến hành hành động chống bắt giữ, chống xua đuổi, nhằm bảo đảm an ninh cho ngư thuyền tác nghiệp nuớc ta. Ngày 1 tháng 4 năm nay, Ngư Chính Trung Quốc tổ chức hai chiếc tầu bảo vệ cá lớn đến Trường Sa bảo vệ cá, mở ra một chương mới trong chấp pháp hải dưong Biển Đông. Phải hình thành chế độ các hành vi bảo vệ cá và duy trì chủ quyền đó để tiếp tục kiên trì, nhằm thực hiện được chấp pháp không gián đoạn trong toàn lãnh hải trong mọi ngày đêm. Đồng thời thực hiện đột phá trong việc tổ thành lực lượng, đối tượng chấp pháp và hình thức chấp pháp.
Ba là, tăng cường sự tồn tại quân sự tại các đảo, bãi ở Biển Đông, để chuẩn bị tốt đấu tranh quân sự cho việc giải quyết về căn bản, cảnh khó ở Biển Đông. Biển Đông vừa là con đưòng vận chuyển quan trọng năng lượng và mậu dịch trên biển của nước ta, vừa là chiếc cửa để hải quân nước ta đi ra Ấn Độ dưong, liên quan tới lợi ích hạt nhân của nước ta, vì thế việc thu hồi các đảo bãi và lãnh hải bị các nước khác xâm chiếm không thể không có thời gian biểu. Trước việc đảo bãi nuớc ta bị một số nước xung quanh xâm chiếm phi pháp và không ngừng củng cố hạ tầng quân sự, tăng cường thực lực hải quân, chúng ta cũng cần phải tăng cường một cách tương ứng xây dựng các công trình quân sự tại vùng đảo bãi Biển Đông, phải đổi mới trang bị vũ khí cho bộ đội giữ đảo giữ bãi, gia tăng dự trữ vật tư chiến lược. Chúng ta không từ bỏ sử dụng phương thức hiệp thương và đàm phán để giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng cũng không thể ảo tưởng rằng những đảo bãi đã bị xâm chiếm có thể trở về với vòng tay Tổ quốc một cách hòa bình.
Tóm lại không hề có chứng cớ nào biểu thị rõ, giao vấn đề Biển Đông cho con cháu đời sau giải quyết sẽ có lợi hơn, ngược lại việc một số nước lớn đứng sau lưng thọc tay vào sẽ làm cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông càng ngày càng khó. Điều then chốt chỉ có ở chỗ dám có đột phá trên hành động cụ thể, chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn biển Nam Trung Quốc biến thành biển “khó” Trung Quốc (một cách chơi chữ, không dịch được vì chữ nam [南] và chứ khó [nan 難 ] trong tiếng Trung phát âm gần như nhau).
DDD
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/CanDeBienDong_BaoTrungQuoc.htm
Giữ vững quan hệ quốc phòng Việt – Trung là nhân tố tiên quyết cho mọi hợp tác đối thoại.
Thanh Hà
VIT – Kể từ khi quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chính thức được thiết lập (18/1/1950), mặc dù có những bước thăng trầm, nhưng quan hệ quân sự giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng được củng cố và phát triển, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi nước.
Cho dù ở bất kỳ bối cảnh nào, mối quan hệ và hợp tác giữa quân đội hai nước Việt – Trung cũng cần phải được giữ vững và phát triển. Mối quan hệ này luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng cho việc bảo vệ đường biên giới chung giữa hai nước, cho hòa bình khu vực, an ninh thế giới, và là nền tảng cho hữu nghị và ổn định lâu dài.
Đối với vấn đề còn chưa có sự thống nhất, như vấn đề về chủ quyền trên biển Đông, sự hợp tác hai bên lại càng phải được coi trọng, luôn kiên trì các biện pháp hòa bình, nghiêm chỉnh thực hiện tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN…
Lịch sử luôn chứng tỏ tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc luôn là nhân tố quyết định bảo đảm sự độc lập dân tộc và bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội mỗi nước. Quân đội hai nước đã có những trang sử truyền thống hợp tác tốt đẹp và càng ngày càng phải giữ gìn làm nòng cột cho tình hữu nghị truyền thống này.
Xuất phát từ những tình cảm và quan hệ nồng ấm, quân đội hai bên đã không ngừng tăng cường hợp tác và đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm mở rộng và tăng cường hợp tác về lĩnh vực quốc phòng. Quân đội hai nước cần tăng cường sự giao lưu, trao đổi đoàn, coi đó là biện pháp để tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị, học tập và giúp đỡ lẫn nhau.
Quân đội hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm xây dựng quân đội, đào tạo cán bộ, tuần tra chung; giao lưu biên phòng; giao lưu sĩ quan trẻ, từng bước tiến tới hợp tác diễn tập tìm kiếm cứu nạn, rà phá thủy lôi, chống cướp biển…
Hành động cụ thể của sự hợp tác quân sự sâu rộng này đã được thể hiện rõ nét qua các cuộc viếng thăm qua lại của các đoàn quân sự cấp cao hai nước, các thỏa thuận hợp tác quân sự, các hoạt động phối hợp huấn luyện, diễn tập và tuần tra chung trên biển. Mối quan hệ và hợp tác quân sự Việt – Trung đã ngày càng được củng cố.
Đặc biệt hồi cuối tháng 4/2010, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tới thăm Trung Quốc và có các cuộc hội đàm với các lãnh đạo quân sự cao cấp Trung Quốc. Tại cuộc gặp, hai bên đã đánh giá lại những thành tựu đã đạt được và cùng cam kết nâng tầm hợp tác quân sự Việt – Trung lên tầm cao mới, mở ra một thời kỳ mới cho sự hợp tác quân sự bền vững và tôn trọng lẫn nhau.
Đặc biệt, hai bên thống nhất sẽ tăng cường hợp tác hải quân thông qua các hoạt động như thiết lập đường dây nóng, tuần tra chung để bảo đảm an toàn hàng hải và khuyến khích ngư dân hai bên tuân thủ luật lệ quốc tế. Quân đội Việt Nam và Trung Quốc sẽ trao đổi kinh nghiệm về huấn luyện và hậu cần “trong tương lai gần”.
Cũng để xây đắp cho mối quan hệ và hợp tác sâu rộng giữa quân đội hai nước, lúc 4 giờ 30 phút chiều 7/5/2010, hai tàu HQ 261 và HQ 263 của Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã rời quân cảng Đà Nẵng để thực hiện chuyến tuần tra liên hợp lần thứ 9 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ với Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc dự kiến được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng ngày 8/5.
Theo chương trình, hải quân hai nước thực hiện tình huống phối hợp luyện tập tìm kiếm cứu nạn giả định là một tàu cá của Việt Nam (hoặc Trung Quốc) và người trên tàu bị nạn trong vùng nước vịnh Bắc Bộ. Cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam (hoặc Trung Quốc) nhận được thông tin, tín hiệu báo cấp cứu khẩn cấp và vị trí tương đối của các mục tiêu gặp nạn. Lực lượng tàu đang tuần tra liên hợp, qua văn phòng tuần tra liên hợp của hải quân hai nước, nhận được lệnh tổ chức cứu nạn các tàu thuyền và người gặp nạn.
Mục đích chính của các hoạt động phối hợp tuần tra nhằm tăng cường quan hệ hợp tác, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa hải quân hai nước và nâng cao khả năng phối hợp huấn luyện các nội dung đã thỏa thuận. Các hoạt động này được thực hiện theo Thỏa thuận tuần tra liên hợp trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, ký ngày 26/10/2005 giữa Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Từ tháng 04/2006 đến tháng 12/2009, hải quân hai nước đã thực hiện 8 cuộc tuần tra chung tại vịnh Bắc Bộ.
Bên cạnh những thành quả hợp tác giữa quân đội hai nước, chúng ta cũng không thể không nhắc tới những hành động của phía Trung Quốc đã làm tổn thương tới tình cảm đồng chí, anh em đã được nhân dân hai nước vun trồng từ bao năm nay. Những hành động bắt bớ vô cớ các ngư dân và tàu cá của Việt Nam rồi đòi tiền chuộc; các hoạt động tuần tra trái phép của các tàu hải quân và tàu Ngư chính của Trung Quốc trên lãnh hải Việt Nam; lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc (có hiệu lực từ 16/5 đến 1/8/2010) tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Những hành động trên của Trung Quốc thực sự đã làm đau lòng người muốn vun đắp cho tình hữu nghị hai nước.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thừa nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa. “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh” là nguyện vọng của người dân Việt Nam. Mong rằng Trung Quốc và Việt Nam mãi mãi là những người anh em thủy chung như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dạy.
Thanh Hà tổng hợp