1. Quyền lập hội trước thềm TPP
Người Buôn Gió
Việt Nam đứng trước quyết định lớn về kinh tế chính trị, đó là hội nhập thế giới bằng một bước đột phá lớn là gia nhập TPP.
Mang trên mình món nợ thống kê chính thức hơn 110 tỷ USD (con số sự thực có tin cho rằng gần 200 tỷ usd ) và một tương lai bế tắc về kinh tế. Nạn thất nghiệp phổ biến, đồng thời với mức lương rẻ mạt của đại đa số công nhân. Con đường hướng tới TPP sẽ thu hút nguồn đầu tư bên ngoài đổ vào và giải toả tình trạng bất động sản tồn đọng, cải thiện tiền công của người lao động và có thêm việc làm mới.
Nguồn tiền đầu tư và tiền bán được bất động sản tồn đọng sẽ làm lưu thông những món nợ chồng chéo, nhằng nhịt giữa các hệ thống ngân hàng. Những món nợ còn được gọi là ”nợ xấu” này đang là tử huyệt của nền kinh tế Việt Nam, hiện nay chúng được tạm thời cất giữ vào kho của các công ty do Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính lập ra như Công ty Quản lý tài sản tổ chức tín dụng viết tắt là VAMC và Công ty Mua bán nợ viết tắt là DATC.
Ví dụ ngân hàng A nợ ngân hàng B một khoản nợ xấu đến thời hạn không thanh toán được. Ngân hàng B theo luật có thể đưa A ra toà, đòi trưng thu tài sản để thu hồi khoản nợ. Nếu để xảy ra các phiên toà xử kiện những vụ như vậy, hẳn nhiên sẽ gây hoang mang dân chúng cũng như biến động suy thoái của thị trường chứng khoán. Nhà nước Việt Nam buộc phải can thiệp bằng cách đứng ra nhận món nợ của bên A trước bên B. Nhưng đây mới chỉ là nhận để cho bên B tạm thời yên tâm là có con nợ uy tín hơn có trách nhiệm, chứ chưa phải là Nhà nước bỏ tiền ra trả cho bên B ngay.
Nhưng rồi các món nợ xấu này cũng phải đến ngày giải quyết. Các công ty như VAMC và DATC đang hy vọng việc gia nhập TPP sẽ mang lại nguồn tiền để giải quyết các món nợ mà họ đang tạm thời chịu trách nhiệm. Nếu hy vọng không bán được bất động sản hoặc thu hút đầu tư như kỳ vọng, Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc đến chuyện bán thẳng các món ”nợ xấu” cho nước ngoài.
Để thu hút đầu tư, bán được khối bất động sản khổng lồ tồn đọng, hay đặc biệt bán nợ xấu cho nước ngoài, là cả một vấn đề, không chỉ là chính sách kinh tế mà còn là chính sách chính trị. Bạn không thể mua một ngôi nhà giá rẻ mà xung quanh nó là những người dân bị chèn ép, ngột ngạt luôn muốn bùng nổ bởi những bức xúc tích tụ. Nói dễ hiểu hơn là tại sao người ta bán nhà thường rao rằng nó ở khu vực dân trí cao, văn minh, môi trường, an ninh tốt.
Quyền lập hôị, quyền tự do thông tin là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy cho xã hội văn minh. Để chứng tỏ rằng trong tương lai gần Việt Nam sẽ có những cải thiện tốt về đời sống tinh thần của người dân với các nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước Việt Nam đã có những động thái về vấn đề này, như để Quốc hội bàn thảo về quyền tự do lập hội, quyền tự do thông tin. Chẳng hạn như mới hôm qua ngày 24 tháng 9 năm 2015 Quốc hội nước CHXH Việt Nam đã đặt vấn đề quyền tư do lập hội, nhưng ý kiến nêu ra đang bị nhiều nghị viên bảo thủ gay gắt phản đối. Những nghị viên này e ngại các hội, nhóm sẽ là những mầm mống của các thế lực chính trị hay những tổ chức chống phá nhà nước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng hội có hai mặt, trong đó mặt tiêu cực là “đường dẫn xuất” về đa nguyên đa đảng nên không được mơ hồ chỗ này, không nên áp dụng máy móc cách lập hội của các nước phát triển.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nói “Họ tự thành lập và hoạt động với nhau, rất đông, như hội dân oan, hội khiếu kiện… Ta quản lý thế nào, hay để tự phát? Đã để tự do, không cấm, tạo mọi điều kiện hoạt động hội, thì Nhà nước phải có cách quản lý tất cả các hội”.
Liệu những lo lắng, cảnh báo và đòi hỏi của những nghị viên bảo thủ trên có ngăn cản quá trình thông qua dự thảo luật về Hội hay không?
Bản chất chuyên chế, độc tài của Nhà nước Việt Nam là hạn chế và ngăn cản quyền tự do lập hội từ đời tám hoánh nào rồi. Không cần đến các ông Nghị như Ksor Phước hay Nguyễn Hạnh Phúc cảnh báo. Đến đứa trẻ con cũng thuộc lòng những lời cảnh báo của các ông vì nó là những lời lẽ tuyên truyền ra rả hàng bao nhiêu năm nay chứ chả phải là lời cảnh báo mới mẻ gì.
Chuyện ngày nay Quốc hội phải bàn đến quyền tự do lập hội là điều bất đắc dĩ, bởi những sức ép về kinh tế như đã nói trên. Bây giờ thì chuyện lập hội không chỉ liên quan đến sự sụp đổ của chế độ như các ông nghị kia nêu ra. Quyền lập hội bây giờ còn liên quan đến sự tồn tại của chế độ. Không cởi mở quyền tự do lập hội, quyền tự do thông tin thì không có ai dám đầu tư, không ai mua bất động sản để làm cơ sở kinh doanh, sản xuất. Không ai đầu tư, không ai mua bất động sản thì kinh tế sụp đổ. Sụp đổ kinh tế sẽ làm chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ nhanh hơn mọi tác động mà các hội nhóm kia tạo ra.
Cái kiểu mà Ksor Phước và Nguyễn Hạnh Phúc lớn tiếng cảnh báo về nguy cơ lập hội chỉ là trò tung hứng của các con chim mồi nhằm mục đích để hạn chế tối thiểu các quyền tự do của hội nhóm. Để mục đích trì hoãn việc thông qua dự thảo quyền lập hội hoặc để có thông qua thì sẽ có nhiều hạn chế tự do của các hội nhóm. Chả thế mà sau màn khơi mào của hai nghị sĩ này, một loạt chế tài, quy định cấm đoán mơ hồ cho việc lập hội được đưa ra duyệt như
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/263821/cho-lap-hoi-tu-do–nha-nuoc-phai-co-cach-quan.html
Luật quy định một loạt hành vi bị cấm như lợi dụng việc thành lập, hoạt động của hội để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân; xúc phạm đến hình ảnh danh nhân, anh hùng dân tộc…
Các hội tùy theo phạm vi hoạt động, chịu sự quản lý của Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện.
Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào cũng phải chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước về ngành, lĩnh vực đó.
Người đứng đầu hội do ban lãnh đạo hội bầu, nhưng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bãi nhiệm.
Đọc những quy định trên báo chí về cấm đoán trong luật lập Hội, người ta thấy Quốc hội Việt Nam hầu như bê nguyên cả điều 258 của bộ luật hình sự vào đây. Có nghĩa Nhà nước Việt Nam sẽ cho tự do lập hội nhưng những hội này không được tự do hoạt động, các hội phải chịu mọi sự quản lý của Nhà nước tuỳ theo từng tính chất của mỗi hội.
Lại một trong những trò mỵ dân, lừa đảo dư luận của chế độ CSVN. Trong quá trình gia nhập TPP để bán tống tháo những món nợ đầm đìa mà vẫn giữ được an toàn cho chế độ cộng sản bằng cách kìm kẹp người dân, sẽ còn nhiều trò lừa đảo tinh vi như thế này được dàn dựng diễn xuất qua những diễn viên chuyên nghiệp có tên là Đại Biểu Nhân Dân.
Người Buôn Gió
Nguồn: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2015/09/quyen-lap-hoi-truoc-them-tpp.html
***
2. Phép thử bị trì hoãn?
Dự án luật về Hội được Bộ Nội vụ Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này, điều được cho là một ‘phép thử’ và ‘bước thay đổi căn bản’ đối với chính quyền, theo ý kiến một Đại biểu Quốc hội, đã một lần nữa bị ‘trì hoãn’ thông qua, ban hành, theo truyền thông Việt Nam.
Dự án luật được đệ trình là ‘một bước thay đổi căn bản’, tuy nhiên đây là một trong số các dự án mà chỉ được trình xin ý kiến và sẽ chỉ được ‘thảo luận’ mà không được thông qua từ nay cho tới hết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa mười ba (2011-2016), theo một đương kim Đại biểu Quốc hội với ba nhiệm kỳ liên tục.
Những kỳ họp cuối cùng khóa 13 này chỉ thảo luận thôi, còn việc quyết định thì theo quy trình của nó, phải thêm một kỳ họp nữa, tức là có thể phải sang nhiệm kỳ tới của Quốc hội khóa 14 – Ông Dương Trung Quốc
Trong khi đó, một nhà vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam cho rằng dự thảo luật lần này ‘còn tồi hơn nhiều’ so với bản dự thảo được đưa ra góp ý lần này và dự thảo luật có tính ‘quản lý, khống chế’ các hội đoàn của nhân dân hơn là giúp thực thi quyền về lập hội của họ.
Còn theo một nhà xã hội học, tuy là một sự kiện ‘vui mừng’, dự án Luật vẫn còn có điểm bất hợp lý khi ‘phân biệt đối xử’ giữa các hội đoàn của nhà nước với hội đoàn của nhân dân.
Phải đợi kỳ sau
Theo truyền thông Việt Nam, hôm 25/9/2015, do còn ‘có nhiều ý kiến khác nhau’ về một số nội dung trong dự luật, trong đó có vấn đề về quy định ‘Hội có tư cách pháp nhân’, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đặt vấn đề trong phiên bế mạc kỳ họp Thường vụ và cho rằng ‘nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn’.
Trao đổi với BBC trước đó, hôm 24/9, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, bình luận về dự thảo luật. Ông nói:
“Theo tôi nhớ, phải đến lần thứ mười, lần thứ mười hai gì đó, soạn thảo đi, soạn thảo lại và đương nhiên cũng phải hiểu rằng đây cũng là luật quan trọng, nhất là trong cơ chế chính trị của Việt Nam, làm thế nào huy động được các lực lượng xã hội tham gia vào trong việc quản lý đời sống của đất nước.
“Về nguyên lý ai cũng thấy rằng đoàn kết toàn dân thì tất cả các lực lượng xã hội đều tham gia vào sự nghiệp chung là một điều tích cực, nhưng khi đi vào cụ thể thì phải nói đây là một bài toán rất khó đối với những nhà lãnh đạo, những nhà chính trị.
“Có lẽ đấy là lý do vì sao mà nó được nâng lên, đặt xuống khá nhiều lần và đến lần này thì đưa ra Quốc hội để thảo luận.
“Tôi muốn lưu ý rằng những kỳ họp cuối cùng khóa 13 này chỉ thảo luận thôi, chứ còn việc quyết định thì theo quy trình của nó, nó phải thêm một kỳ họp nữa, tức là có thể phải sang nhiệm kỳ tới của Quốc hội khóa 14”, ông Dương Trung Quốc nói.
Các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội về nguyên tắc cũng nằm trong phạm vi của luật này, nhưng mà dường như là họ có được một sự ưu ái hơn những hội khác – TS. Khuất Thu Hồng
Theo Đại biểu Quốc hội này, kể cả khi dự luật đã được thông qua, và trở thành một đạo luật chính thức ban hành, thì chất lượng của nó còn phải chờ ‘thực tế chiêm nghiệm’.
Ông nói: “Đối với luật rất phức tạp như luật Hội này, Quốc hội… đã đặt lên bàn nghị sự đã là một bước thay đổi rất căn bản sau cả chục năm mà nó được chờ đợi, nâng lên đặt xuống, được xếp hàng v.v…”
“Còn kết quả cuối cùng có được thông qua hay không, chúng tôi nghĩ rằng cứ để thực tế nó chiêm nghiệm, và đến lúc ban hành rồi, thì chính là lúc mà thực tế sẽ trả lời xem hiệu quả đến đâu.
“Và trong trường hợp hiệu ứng xã hội nó không phù hợp, thì nó sẽ phải có một quá trình điều chỉnh. Tôi cho điều đó là điều tất nhiên thôi”, ông Dương Trung Quốc nói.
Rất vui mừng
Bình luận với BBC hôm thứ Năm, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), thuộc Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nói:
“Nếu mà nói với tư cách là một thành viên ở trong xã hội dân sự, tức là thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, có thể nói là tôi rất vui mừng vì dù sao nó cũng là một bước tiến”.
“Thực ra bản thân tôi cũng tham gia vào quá trình thảo luận về dự thảo thành lập hội này cũng khá là lâu trong vòng mười năm qua, cho nên sự kiện này đối với tôi là một sự kiện vui mừng”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng cho rằng dự luật còn có điểm ‘không hợp lý’. Bà Khuất Thu Hồng nói:
“Theo nhận xét của một số người thì nó (dự Luật) quá là chặt chẽ, và nó có một sự phân cấp, hay nói đúng hơn nó có một sự phân biệt ở giữa những hội khác nhau.
Một cái luật để kiểm soát các hội, một luật để quản lý các hội không phải là luật cần phải có, theo Hiến pháp của Việt Nam là để đảm bảo quyền của người dân về vấn đề lập Hội – Tiến sỹ Nguyễn Quang A
“Và tôi cho rằng điều đấy sẽ gây khó cho các tổ chức được thành lập hoặc dưới diện được điều chỉnh của luật này. Ví dụ như các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội về nguyên tắc cũng nằm trong phạm vi của luật này, nhưng mà dường như là họ có được một sự ưu ái hơn những hội khác.
“Cái cách phân cấp như vậy tôi nghĩ nó không hợp lý lắm”, TS. Khuất Thu Hồng nói với BBC.
Một sự ngộ nhận
Cũng hôm 24/9, TS. Nguyễn Quang A, nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự từ Hà Nội, cho rằng nếu ai có quan điểm cho rằng bản thân việc ‘dự thảo’ được phép đệ trình lên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã là ‘tích cực’ và ‘tiến bộ’ thì đó là một sự ‘ngộ nhận’.
Ông nói: “Tôi nghĩ đấy là một sự ngộ nhận, bởi vì mười năm trước có một dự thảo như thế và có một cuộc thảo luận sôi nổi hơn bây giờ rất là nhiều, các tổ chức đã đóng góp, thậm chí đã có những dự thảo thay thế đưa ra rất là đúng đắn.
“Nhưng mà rồi người ta lại gác lại không nói gì đến cả, bây giờ đưa ra một dự thảo mà tôi cho rằng còn tồi hơn cả Dự thảo mười năm trước, mà lại bảo rằng có tiến bộ, thì đấy là một điều mà những người suy nghĩ như thế cần phải suy nghĩ lại”.
Và Tiến sỹ Quang A giải thích thêm về quan điểm của mình:
“Bởi vì một cái luật để kiểm soát các hội, một luật để quản lý các hội không phải là luật cần phải có, theo Hiến pháp của Việt Nam là để đảm bảo quyền của người dân về vấn đề lập Hội,” ông nói với BBC.
Dự án Luật về Hội do Bộ Nội vụ soạn thảo được trình lên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam hôm thứ Năm.
Dự luật gồm 8 Chương với 37 điều với các mục lớn gồm các nội dung chính như (1) quy định chung, (2) thành lập hội, (3) hội viên, (4) tổ chức & hoạt động của hội, (5) hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đình chỉ, giải thể hội, (6) tài sản, tài chính của hội, (7) quản lý nhà nước về hội; và (8) điều khoản thi hành.
Tại phiên bế mạc khóa họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm 25/9, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu về dự luật và cho rằng “Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét có nên đưa dự án này ra kỳ họp Quốc hội tới hay tạm lùi lại để chuẩn bị kỹ hơn”.
Xem ra, sau mười năm được ‘nâng lên, đặt xuống’, dự luật về Hội của Việt Nam, điều được Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc coi là một ‘phép thử‘ và ‘bước thay đổi căn bản’, vẫn có thể tiếp tục bị trì hoãn vô thời hạn.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/09/150925_vn_draft_association_law_views