Anh Nguyễn Đăng Hưng thân,
Ở đoạn cuối bài, anh có nói đến một ĐH Việt Nam sắp (hay đang làm) vụ tự phong GS. Đó là trường nào vậy?
Ngoài ra, những điều tâm huyết anh viết trong bài đều chính xác đối với các nước tân tiến Âu Châu, tôi rất tán thành.
Thí dụ ở Pháp, một trường ĐH nào đó có nhu cầu bổ nhiệm chức vụ Professeur [GS], hay Maître de Conference (Phó giáo sư? – do Bộ Đại học đồng ý giải ngân cho trường) thì họ bắt buộc phải thông tin cho mọi người biết mà nộp đơn làm candidate [ứng viên]. Điều kiện cần cho hồ sơ làm candidate là có bằng PhD [Tiến sĩ], có bằng Habilitation de Recherche (HDR) [xác nhận đủ tư cách nghiên cứu], và phải nằm trong liste de qualification aux fonctions de Professeur [danh mục những tiêu chuẩn về trình độ chức trách GS], để làm candidate chức Professeur. Danh mục này là national [mang tính chất quốc gia], hàng năm các PhD, HDR và các Maîtres de Conferences phải cập nhật. Quan trọng nhất trong hồ sơ làm candidate, như anh biết, là số lượng và nhất là phẩm chất những công trình nghiên cứu được trích dẫn nhiều bởi đồng nghiệp năm châu.
Jury [hội đồng] để xét và phong chức GS phải có ít nhất hai người ở ngoài trường để tránh chuyện trong nhà tự phong cho nhau, và sau đó phải được công nhận bởi một comité national [ủy ban quốc gia].
Rắc rối nhưng minh bạch và tiêu chuẩn quốc tế.
Phạm Xuân Yêm
GS Nguyễn Đăng Hưng, giáo sư danh dự ĐH Liège, Bỉ
Quan điểm bất biến của tôi
Tôi thấy cần phải minh định rõ một vài điểm trước khi trả lời nhà báo Vietnamnet về chủ đề này.
Trước nhất tôi xin nhắc lại quan điểm tâm huyết của tôi từ hơn 20 năm nay khi tôi quan tâm đến nền giáo dục Việt Nam nhất là ở cấp đại học. Tôi luôn luôn cổ vũ cho việc cải tổ giáo dục Việt Nam nhất là việc thay đổi cách tổ chức hệ thống đại học cho phù hợp với xu thế hội nhập, nhanh chóng bắt kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Trên cơ sở đó, tôi đã nhiều lần đề đạt ý kiến là Bộ GD&DT nên công nhận quyền tự chủ cho các trường đại học. Cách đây một tuần, trên báo Đất Việt và trên đài RFA, tôi đã lập lại quan điểm này khi phải góp ý kiến về những bất cập đã xảy ra trong đợt tuyển sinh đại học cho niên khoá 2015-2016 vừa qua. Quyền bổ nhiệm các chức danh PGS, GS cũng nằm trong gói quyền tự chủ này.
Tuy nhiên, ở đây cần phải bàn thêm, cần phải có thời gian, nhất là cần phải có những quy chế phù hợp và chặt chẽ: Cải tổ nhưng phải bảo đảm tính kế thừa, không dễ dãi buông lỏng, khởi đầu cho những tiêu cực mới, có hại cho tương lai công cuộc đổi mới.
Tôi cho là nếu được quyền tự phong và bổ nhiệm phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) tại một trường X được công nhận thì nó cũng có thể xảy ra ở bất cứ các trường Y khác trong thời gian tới. Nếu có vài nét đặc thù đã xảy ra, ta nên xem xét trên bình diện khách quan để giải pháp đúc kết từ việc này sẽ có giá trị tích cực, giúp tránh được những hệ luỵ phổ quát về sau.
Điều cần nói thêm là về quy chế hiện hữu phong học hàm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng tại Việt Nam từ bấy lâu nay trong đó hội đồng học hàm quốc gia thực thi. Quy chế này kế thừa từ Liên Xô cũ, theo đó GS, PGS là những học hàm chung chung, không gắn liền với một trường đại học, một trung tâm nghiên cứu nào. Nó cũng không gắn liền với một nhiệm vụ cụ thể nào như môn giảng dạy chuyên môn và số tiết giờ tối thiểu, … Tôi đã từng đề nghị và tiếp tục ủng hộ quan điểm đổi mới là nên rà soát lại quy chế này và chỉ nên phong chức danh cho những ai có chân giảng dạy cụ thể tại các trường kèm theo những tiêu chí sáng tỏ khác như số lượng và chất lượng các công trình khoa học, vai trò và thành quả của ứng viên tại trường và trong xã hội với tư cách là nhà khoa học, nhà giáo dục.
Gần đây ít ra trong một số lĩnh vực khoa học tự nhiên, Hội đồng chức danh nhà nước do Bộ GD&ĐT thành lập đã bắt đầu trẻ hoá đội ngũ, từng bước áp dụng những tiêu chí mới hiện đại hơn cho những đợt phong hàm gần đây và hiệu ứng tích cực này cũng đang hé lộ.
Theo tôi việc giao cho các đại học quyền bổ nhiệm nhân sự phải có tiến trình, chọn lựa địa bàn thí điểm phù hợp, nhất là đề xuất điều kiện, quy chế mới thật sự chặt chẽ cho việc thực hiện. Mọi quyền hành mới đều phải bao gồm nhiệm vụ mới, phương thức mới hầu đảm bảo hiệu quả có lợi cho nền giáo dục quốc dân chung cho cả nước. Hành động tuỳ hứng, mang tính lợi ích cục bộ hay cá nhân xuất phát từ cảm tính thiếu cân nhắc sẽ mang lại nguy cơ gây đổ vỡ, làm mất uy tín cho công tác cải tổ, mất lòng tin ở tiến trình đổi mới đại học.
Chưa đặt ra việc kiểm định mà lấy quyết định bổ nhiệm là hành động phản học thuật.
Ở các nước tiên tiến có nền giáo dục đại học vững mạnh, việc chọn lựa PGS, GS là việc của các đại học. Nước Bỉ cũng thuộc về các nước này. Tại Pháp cũng còn duy trì những Hội đồng chức danh cấp quốc gia cho từng ngành nhưng hội đồng này luôn luôn phối hợp chặt chẽ với các trường khi có yêu cầu chọn lựa và bổ nhiệm.
Tuy nhiên, quy chế bổ nhiệm các chức danh PGS, GS (hay các chức năng thấp hơn như trợ lý thường trực, giảng viên thường trực…) đều phải dựa vào một quy chế thống nhất áp dụng cho tất cả các trường, tất cả các ngành trong cả nước. Chính Bộ GD&ĐT là chỗ đưa ra quy chế thống nhất này sau khi tham khảo đầy đủ các chuyên gia quốc tế, đối chiếu các quy chế hiện hành ở các nước phát triển.
Nếu anh bổ nhiệm hay chọn lựa theo quy chế riêng là anh phạm luật. Nếu chưa có qui chế chung mà anh vội vã bổ nhiệm tuỳ hứng, tuỳ yêu cầu quyền lợi cục bộ, cá nhân là anh phạm luật. Điều này không cần bàn nhiều vì nếu trường nào cũng làm theo kiểu mình thì việc đương nhiên dẫn đến loạn trong việc bổ nhiệm, và bất cứ ai cũng sẽ thành PGS, GS…
Ở đây anh không thể nguỵ biện tự bào chữa là vì chính phủ chưa cấm nên tự bổ nhiệm thoải mái! Chức năng PGS, GS là một chức năng liên quan đến việc giáo dục đào tạo cho cả một ngành nghề, trực tiếp ảnh hưởng đến xã hội trong thời gian dài cả chục thế hệ sinh viên. Đây là tri thức dân tộc, là trí tuệ quốc gia.
Nếu anh hô lên tôi phạm luật gì khi tôi tự bổ nhiệm, xin thưa trước tiên anh phạm luật thô thiển nhất: phải là người đàng hoàng mới được đứng trên bục giảng. Luật này không phải ở tù nhưng nếu anh sai phạm là anh tự chấm hết!
Việc chính phủ các nước tiên tiến đều giao cho các trường đại học quyền bổ nhiệm nhân sự, rồi ban giám hiệu các trường giao cho các tổ chức cơ sở như Khoa hay Bộ môn tổ chức tuyển chọn nhân sự có những ưu điểm được trắc nghiệm qua hằng thế kỷ. Thậy vậy, không có cơ cấu nào nắm rõ thực tế hơn các cơ sở.
Đây chính là tinh thần thực thi dân chủ cơ sở.
Mọi chọn lựa ở xa hay bên trên có thể dẫn đến những bất cập, yếu kém thậm chí không đạt yêu cầu.
Nhưng giao cho cơ sở không có nghĩa là cơ sở muốn làm gì thì làm. Ở trên tôi đã nói đến những qui chế, tiêu chí mà cơ sở phải tuân theo.
Trước nhất bổ nhiệm nhân sự phải thông qua một quá trình công khai và chặt chẽ.
Việc áp dụng qui chế và tiêu chí phải thông qua một Ban kiểm định chuyên môn khách quan vô tư. Ban kiểm định phải bao gồm những thành viên chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp với ngành nghề cần bổ nhiệm. Thông thường ban kiểm định không thể chỉ bao gồm người của trường mà phải có các thành viên chuyên gia đến từ các trường bạn, các trung tâm nghiên cứu, thậm chí từ quốc tế.
Đó là điều kiện cho tính khách quan vô tư của Ban kiểm định.
Việc thành lập một Ban kiểm định trong quá trình bổ nhiệm là điều tối cần thiết cho phép ngăn ngừa những tiêu cực có thể xảy ra. Chưa đặt ra việc kiểm định mà lấy quyết định bổ nhiệm thì không phải là hành động đột phá mà chính là hành động phản học thuật, phá hoại sự nghiêm túc trong tổ chức đại học!
Vậy phải làm gì cho hợp lệ?
Tôi xin có đề nghị tóm lược sau đây:
- Bộ GD&ĐT nên tham khảo các chuyên gia, các đại học tiên tiến nhanh chóng đề xuất quy chế cho việc trao quyền bổ nhiệm cho các trường ĐH. Nên cân nhắc là quy chế này phải bảo đảm tính kế thừa từ quy chế phong học hàm học vị hiện hành. Nên thống nhất chỉ có 1 chức danh cho cả nước. Không thể có chuyện hai ba thứ PGS, GS khác nhau. Không thể có chuyện một trường đòi bổ nhiệm GS cho trường mình và cho cả người ngoài trường, chẳng giảng dạy gì, chẳng có liên kết gì đặc biệt (trừ chức danh GS danh dự). Khi ai đó đề nghị việc này tôi xin họ giải thích thêm cho rõ vì việc này có thể kéo theo những động cơ không minh bạch.
- Bộ GD&ĐT nên chọn những trường có mặt bằng cao nhất nước làm thí điểm, giao ưu tiên cho các trường ĐH mạnh, đủ tiêu chuẩn về năng lực học thuật, chuyên môn… Trong giai đoạn thí điểm, Bộ không buông lỏng mà phải có cơ chế theo dõi, kiểm tra từng trường hợp cá biệt.
- Các trường trường chưa hội tụ đủ năng lực chuyên môn thật sự (thành viên giảng dạy cơ hữu còn yếu kém, điều kiện giảng dạy còn thiếu sót, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn..) thì nên kéo dài thời gian chờ đợi.
Trình độ phát triển khoa học của một trường đòi hỏi thời gian, quá trình đào luyện, trình độ tài đức của nhân sự cơ hữu. Trình độ phát triển khoa học không bao giờ là hình thức trình diễn bề ngoài, không bao giờ mua được bằng tiền.
- Bộ GD&ĐT nên nghiêm khắc với các hành xử vội vã, tuỳ tiện, đình chỉ ngay những toan tính bổ nhiệm bất cập, huỷ bỏ những trường hợp bổ nhiệm không phù hợp với các tiêu chuẩn tối thiểu.
Bước đột phá?
Đại học đưa ra việc này ít ra cũng có một đóng góp tích cực. Đại học này đã thí điểm trước công luận cái không nên làm, cái cần nên tránh.
Họ cổ động một hướng đi không sai nhưng trên thực tế họ phạm những sai lầm quá thô thiển.
Bộ GS&ĐT nên can thiệp kịp thời và nhất là điều chỉnh ngay vì công luận đang lo âu và đặt câu hỏi cho tương lai công cuộc cải tổ Đại học Việt Nam
Sài Gòn ngày 20/9/2015
N.Đ.H
Tác giả gửi BVN