Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVN) cũng không nằm ngoài cuộc. Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP
(TBKTSG) – Giá điện sắp tăng là thông điệp mà người tiêu dùng đọc được đằng sau những bản tin, bài viết trên các báo, như “Điều chỉnh tỷ giá, cả chục ngàn tỉ đòi tính vào giá điện!” hay “Xin phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện”…
Trước đó, tại một cuộc họp báo, vỏn vẹn chỉ có những con số gọi là “lỗ tỷ giá”, tới 1.200 tỉ hay 12.000 tỉ đồng, được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điện đưa ra kèm quan điểm của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực rằng “chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp tính toán kỹ, nếu có chênh lệch lớn, Bộ Công Thương sẽ trao đổi, thảo luận với Bộ Tài chính để xem xét xử lý”.
Trong hậu trường, không biết các doanh nghiệp này đã hay sẽ tính toán kỹ tới mức nào, cơ quan quản lý nhà nước, cũng là bộ chủ quản sẽ cân đối lợi ích các bên, các mặt ra sao. Mấy ngày qua, đến như các chuyên gia kinh tế, cũng chỉ có thể đăng đàn phân tích bài toán lỗ tỷ giá với những giả định và câu hỏi. Dù có kiến thức chuyên môn, được báo chí cậy lời, họ đã không thể kiếm đâu ra các số liệu, báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính liên quan trực tiếp, cụ thể, đầy đủ đến chuyện tỷ giá của những ông “điện nhà nước” như EVN, TKV hay PVN. Bởi vậy, người tiêu dùng là dân chỉ biết than khóc cho cái hầu bao ngày càng teo tóp của mình và hồi hộp chờ đợi “đèn trời soi xét”.
May mà mới đây, trong báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ về tình hình thực hiện kết luận thanh tra EVN trong việc quản lý sử dụng vốn, tài sản – được ban hành từ tháng 9-2013, Bộ Công Thương đã quyết định với những công trình mang tính phúc lợi xã hội hoặc xây để cho cán bộ công nhân viên thuê như biệt thự, chung cư, nhà liền kề, nhà trẻ, sân tennis… EVN không được tính vào giá thành sản xuất điện. Nếu không bị thanh tra, chắc chẳng có người dân nào biết tường tận đến các khoản đầu tư này sẽ “móc túi” mình.
Nói “may mà”, bởi cho tới nay, Bộ Công Thương vẫn đang là “cha mẹ” của EVN, trong không ít trường hợp, tiếng nói của bộ này là… nói thay cho doanh nghiệp.
EVN đang hoạt động trong một vòng tròn khép kín, với việc truyền tải, kinh doanh điện độc quyền, khâu sản xuất cũng chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, nên có động cơ và điều kiện bưng bít thông tin vì lợi ích của mình. Thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước không phải là không thấy và không có chính sách hay hành động gì để kiểm tra, giám sát theo các chiều ngang, dọc. Như một phần quan trọng của giải pháp, vấn đề công khai, minh bạch về giá điện, giá xăng nói riêng hay hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nói chung đã được đặt ra, với không ít quy định.
Nhân việc TKV và EVN “ra đề bài” lỗ tỷ giá với Bộ Công Thương, thử nhìn lại, trước tiên là chuyện công khai, minh bạch thông tin về EVN và của chính EVN.
Từ ngày 22-4-2014, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện và xăng dầu, mà một trong những hành động/sản phẩm cụ thể là việc ra mắt một chuyên trang về việc này trên cổng thông tin điện tử của bộ. Thông tin có tính thời sự, gắn với mối quan tâm của nhiều người nhất có lẽ là thông tin về giá nhiên liệu đã mua và tỷ giá ngoại tệ nhưng nó không được cập nhật, sơ sài, không thể hiện tỷ trọng các nguồn cung. Không có báo cáo tài chính (các khoản vay ngoại tệ) hay báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh cập nhật để có thể hình dung bức tranh chung về việc lời – lỗ, là cục bộ hay tổng thể, nguyên nhân thực sự nằm ở đâu và vì vậy, lời giải đúng nên như thế nào.
Tình hình cũng tương tự khi truy cập vào cổng thông tin điện tử của EVN. Nói chung, hiện nay, hy vọng tìm được một báo cáo về việc lỗ tỷ giá, ở bất cứ trang web nào, là điều không tưởng. Mà giả như có, thì bên cạnh đó, chắc cũng cần những dạng báo cáo như “lời” do giá nhiên liệu nhập khẩu giảm, do chênh lệch lãi suất giữa vay bằng tiền đồng và ngoại tệ?
Mở rộng ra, các quy định bắt buộc doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty phải công khai thông tin không hề thiếu, và còn ở cấp độ giá trị pháp lý cao hơn. Như trong năm 2014, có Quyết định 36/2014/QĐ-TTg ban hành “Quy chế công bố thông tin hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu” hay Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước (với điều 39 yêu cầu phải công khai, minh bạch thông tin).
Các thông tin phải công khai, theo các văn bản này, tương đối sát sườn với nhu cầu và mục tiêu giám sát, như báo cáo tài chính; báo cáo thường niên; danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành; các giao dịch, khoản vay, cho vay quy mô lớn; thông tin chi tiết về cơ cấu sở hữu và tài sản… Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động thực thi rất yếu. Dù được quy định rõ là phải thông tin trên trang thông tin điện tử của các đơn vị và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.business.gov.vn) nhưng không có nơi nào thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là với thông tin “nhạy cảm” như báo cáo tài chính. Mục tiêu công khai, minh bạch thông tin như đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán rất xa vời.
Từ chuyện có được thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác (còn chưa được bàn đến) đến khả năng giám sát, góp ý hay phản biện các quyết định mang tính chính sách như tăng giá điện có thể là không đơn giản. Hiện vẫn chưa có cơ chế cho bên thứ ba – người tiêu dùng – có tiếng nói chính thức trong các vấn đề thiết thân như giá điện. Khi có, cũng phải cần kênh tập hợp, phân tích và tư vấn những nội dung chuyên môn, chuyên sâu.
Nhưng điều gì cần trước thì phải bắt đầu trước, một cách thực sự trên thực tế, như chuyện công khai, minh bạch thông tin. Quy định đã có nhưng không thực hiện cũng không có chế tài gì, lỗ hổng này cần được lấp khi ban hành Luật Tiếp cận thông tin.
M.L
Nguồn:http://www.thesaigontimes.vn/135775/Cong-khai-thong-tin—chuyen-xa-voi.html