„Trò chơi nước lớn“ – gần đây được nhắc đến dày đặc hơn trên mặt báo, có nội hàm được lập luận trên hai sự kiện chính. Sự kiện thứ nhất đề cập tới Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau giữa Đức phát xít và Liên bang CHXHCN Xô Viết ký vào ngày 17.09.1939 (Hiệp ước Molotow- Ribbentrop). Kết quả Ba Lan bị chia đôi, 22 ngàn sĩ quan ưu tú bất ngờ bị Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) tàn sát trong rừng Katyn. Hơn thế, Liên Xô đã sáp nhập các nước Baltic (Estonia, Latvia, Litva), Bessarabia và Bắc Bukovina, và một phần của Phần Lan vào lãnh thổ của mình.
Sự kiện thứ hai bao hàm việc Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 và sau cuộc gặp Nixon – Chu Ân Lai – Mao Trạch Đông, hai bên ra thỏa thuận được ký kết trong Thông cáo chung Thượng Hải làm tiền đề cho chiến dịch ném bom do máy bay chiến lược B52 thực hiện nhằm hủy diệt Hà Nội. Các nước nạn nhân ngoài Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn có Việt Nam Cộng hòa, và cả Đài Loan, khi Hoa Kỳ thỏa hiệp công nhận chỉ một Trung Hoa đại lục thống nhất.
Dĩ nhiên, đây không chỉ là những cuộc thỏa hiệp duy nhất của các nước lớn trong lịch sử hiện đại bỏ qua lợi ích nước nhỏ. Hiệp ước đi đêm giữa Stalin và Hitler cốt chia chác lợi ích, ký bởi Molotow- Ribbentrop, dĩ nhiên được CHXHCN Việt Nam và các nước anh em nhiều thập niên giấu kín trong chính sử, nhằm bảo vệ uy tín nhà nước đàn anh Xô Viết trước những tội ác họ gây ra trước hết đối với dân tộc Ba Lan.
Chủ cuộc chơi năm 1939 là Đức Quốc xã và Liên Xô, là những nhà nước đối đầu của hai hình thái độc tài toàn trị trên lục địa già cùng có tham vọng bành trướng và ăn cướp. Nhiều nhà nước lớn khác khi đó còn là những ông chủ thực dân đã đứng ngoài làm ngơ và dung túng. Hậu quả không chỉ có các nước nạn nhân hứng chịu. Chính Liên bang CHXHCN Xô Viết cũng bị lật lọng. Năm 1941, khi quân phát xít Đức bất ngờ tràn qua biên giới, những chuyến tàu chở ngũ cốc của Nga vẫn còn đương trên đường vận tải sang Đức.
Ở sự kiện thứ hai, trò chơi của các nước lớn Mỹ – Trung – Liên Xô, ta nên phân biệt vai trò, mục tiêu và lợi ích của một nhà nước khác xuất hiện đứng đầu dân chủ phương Tây và đối đầu với hai nhà nước cộng sản toàn trị: Đó là Hoa Kỳ.
Với những cuộc mặc cả, và nhìn chung, đành rằng Hoa Kỳ và những đồng minh phương Tây (gồm cả Canada, Úc và Nhật bản) đã liên tiếp mắc những sai lầm. Hoa Kỳ còn mắc nhiều sai lầm và tội lỗi như trong quá khứ. Nhưng chúng ta không nên quên, đó là một siêu cường có khả năng liên minh mang trong mình một thiết chế sửa chữa và khắc phục. Và vai trò lãnh đạo và cảnh sát của Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu càng bức thiết hơn trong bối cảnh sau Chiến tranh lạnh khôn lường nguy cơ kết trục ma quỷ giữa các nhà nước toàn trị và toàn thống và khủng bố, trong đó có các nước lớn như Trung Hoa và Nga. Càng phải ghi nhận, Hoa Kỳ không ăn cướp lãnh thổ, không bần cùng hóa đối tác. Một Hoa Kỳ mang lại (thậm chí cả áp đặt) nền dân chủ cho nhiều quốc gia, trái lại, trợ giúp cho các đồng minh vững mạnh và tự chủ. Trong cả những trường hợp vì lợi ích kinh tế, các công ty dầu hỏa của Mỹ thao túng ngoài nước, thí dụ thế, các công ty này cũng phải chịu sự giám sát của luật pháp và công luận nước Mỹ. Và kết cục, thế kỷ 20 Hoa Kỳ đã khuất phục được hai hệ thống toàn trị: đó là phát xít với sự tồn tại của phe Trục và cộng sản với sự tồn tại của phe XHCN. Dẫu bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa và bán rẻ Đài Loan với Thông cáo chung Thượng Hải, bằng nước đi này, Hoa Kỳ đã bao vây toàn diện Liên Xô và các nhà nước vệ tinh, xóa bỏ thế đối đầu hạt nhân và chấm dứt Chiến tranh lạnh.
Nhìn nhận thiên về nhấn mạnh sự bất lường và nguy hiểm trò chơi nước lớn và do vậy tính toán so đo về số phận càng cho thấy sự thiếu vắng ý thức phản tư. Nếu chiêm nghiệm nghiêm túc, có thể nhận thức, số phận chịu nhìn người ta đi đêm trên lưng mình của Việt Nam từ 1945 cho tới nay, chính là số phận tự rước vào. Việt Nam trong quá khứ luôn theo hai nước cộng sản bỏ phiếu chống lại quyết định của LHQ. Ở vào thời điểm nào đó trước Đổi Mới, Hội đồng bảo an LHQ có năm uỷ viên thường trực thì Việt Nam nổ súng đánh bốn, còn một tức Liên Xô thì chửi họ đủ điều nhục nhã. Ngày hôm nay vị thế của Việt Nam còn cô lập hơn bao giờ hết. Chế độ toàn trị độc đảng bác bỏ tự do bầu cử và nhân quyền phổ quát đã loại trừ một nền tảng thiết lập nên vị thế khả dĩ liên minh, đó là nhân dân của mình. Cho nên sự kiện Nhà nước Việt Nam khẳng định không liên minh với ai để chống nước thứ ba, được các nhà phản biện từ giới trí thức khẳng định là sự không tưởng trong tư duy chiến lược, và hơn nữa, vô vọng trong thực tiễn.
Việt Nam có gì là nhỏ? Nhiều đất nước ít dân, hẹp đất hơn nhiều vẫn đạt được thịnh vượng bằng phát huy quyền tự do và sức sáng tạo của công dân và hơn hết qua đó giữ nguyên được vẹn toàn lãnh thổ.
Bài báo viết tiếp: “Việt Nam bị ăn cắp mất nỏ thần nhưng chưa bao giờ đánh mất lòng yêu nước“. Điều trấn an này tốt thôi, nhưng không có gì đảm bảo. Cũng như ta không thể trông chờ được vào lòng yêu nước viển vông. Lòng yêu nước đảm bảo được những gì ở 90 triệu con người phần đông an phận, dửng dưng và ơ hờ để một thiểu số chưa bao giờ yêu nước ngồi trên đầu mình rắp tâm vì một đảng, vì lợi ích phe nhóm, như ở Thành Đô dám lắm chăng, bán đứng dân tộc.
Nước lớn có gì là xấu? Nó chỉ xấu khi lợi dụng toàn diện uy lực của mình để cướp bóc hà hiếp lân bang, như Trung Quốc hiện nay. Với một dân số 90 triệu người, nếu Việt Nam trở thành một quốc gia giàu có dân chủ, thì há chẳng tất cả người dân đều mong mỏi và cả đảng độc quyền cũng hô hào vì những tiêu chí đó sao?
Phân tích tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và thiếu sự đối chiếu triệt để chủ thể tham gia sẽ dẫn đến ngộ nhận hời hợt. Ngộ nhận này như thể một lời hù dọa mới, đối với các lực lượng ủng hộ nhân quyền và dân chủ, vốn còn sợ hãi, và là một tiếp lực cho bàn tay sắt máu của những nhà lãnh đạo vốn giáo điều, thiển cận và đầy lòng ngờ vực. Và là một cảnh báo sai trong một cơ chế thiếu vắng phản biện và loại trừ các cảnh báo giả. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, nạn nhân của những tính toán nông cạn, ngay cả sau chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cảnh báo sai càng đẩy Việt Nam vào ngõ cụt và sự tự cô lập.
Lập luận thiếu tường tận về trò chơi nước lớn cản trở suy nghĩ về tương quan lực lượng cùng viễn tượng về liên minh có thể của Việt Nam. Trong thực tế các cường quốc dân chủ chỉ có thể liên minh, ký kết với nhà nước chính chủ tức gồm những người lãnh đạo do nhân dân, chứ không phải là một đảng phái bầu nên.
Đánh đồng nước lớn trong bối cảnh hiện thời nào khác đổ đồng tất cả vào trong một rọ bảo đều là dây, không có sự phân biệt giữa dây phơi và dây treo cổ.
P.K.Đ.
Tác giả gửi BVN