ĐƠN KÊU CỨU

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

ĐƠN KÊU CỨU

 

Kính gửi: GS PHẠM VŨ LUẬN, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Việt Nam

Tất cả các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên làm việc trong ngành giáo dục

Cùng toàn thểbạn đọc gần xa trong cả nước.

Tôi tên: Vũ Thị Nhuận. Sinh năm 1975, quê quán Hải Dương

Số CMDN: 362242574 do CA TP Cần Thơ cấp ngày 16/10/2013.

Hộ khẩu thường trú tại số nhà 42AC1, đường số 2, Khu dân cư Hồng Phát, Phường An Bình, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Trình độ văn hóa: 12/12

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Sinh hóa (Khoa học sinh học và công nghệ sinh học)

Nay tôi gửi đơn kêu cứu này trình bày hòan cảnh của tôi.

Hiện nay tôi đang bị trường Đại Học Cần Thơ (ĐHCT) kiện tôi ra toà theo yêu cầu tôi bồi thường số tiền 3.087.000 yên Nhật, quy đổi ra tiền Việt Nam là 569.000.000 đồng, người đại diện đứng đơn kiện hợp pháp là ông Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường.

Lý do họ đòi tôi bồi thường số tiền này theo đơn kiện là “trường hợp bà Nhuận đi học tiến sĩ tại Nhật Bản toàn bộ kinh phí trong thời gian đi học thì trường ĐHCT phải chịu (kinh phí này chủ yếu lấy từ nguồn thu học phí của sinh viên hằng năm theo quy định của Bộ GD và ĐT)”và“Tuy nhiên sau khi học về chưa được bao lâuthì bà Nhuận nảy sinh ý định không muốn phục vụ tại trường nữa, từ đó đơn phương xin nghỉ việc tại trường mà không bồi thường chi phí đào tạo”. Trong phiên hòa giải lần thứ nhất của tòa án vào ngày 10/08/2015, sau khi tôi đưa ra bằng chứng đây là nguồn kinh phí tài trợ không hoàn lại do chính phủ Nhật Bản phân bổ về các trường đại học của Nhật Bản, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua đào tạo nguồn nhân lực, không phải là nguồn tiền từ thu học phí của sinh viên ĐHCT và ý kiến phản hồi của ông giáo sư Makoto Kimura, là người tham gia vào quá trình xét tuyển học bổng của trường đại học Kyushu, đồng thời là giáo viên hướng dẫn cho luận án tiến sĩ của tôi cho vụ đòi bồi thường này; người đại diện pháp lý của trường ĐHCT (ông Trần Văn Phước- SN 1961, chức vụ: Phó trưởng phòng Thanh tra Pháp chế Trường ĐHCT) đã đính chính lại nội dung trên và công nhận đây là nguồn kinh phí của chính phủ Nhật Bản, tuy nhiên họ vẫn khăng khăng giữ nguyên ý kiến “Do đó,Trường ĐHCT yêu cầu tòa án tuyên buộc bị đơn bà Vũ Thị Nhuận và người liên quan là ông Nguyễn Văn Đạt có lai lịch nêu trên phải có nghĩa vụ bồi thường cho nhà trường số tiền 3.087.000 Y (ba triệu không trăn tám mươi bảy nghìn yên), quy đổi ra tiền Việt Nam đồng là 569.000.000 (năm trăm sáu mươi chín triệu đồng) và yêu cầu tính lãi suất chậm bồi thường theo quy định của nhà nước tính từ ngày 22/08/2011 cho đến ngày xét xử sơ thẩm….” trong phần kết luận của bản tự khai của họ.

Lý do họ đưa ra là theo quyết định số 5006/QĐ-BGD&ĐT ngày 06/09/2005 (đây là công văn cử đi học của tôi do thứ trưởng Trần Văn Nhung ký); quyết định số 1915/QĐ-ĐHCT ngày 22/08/2011 (công văn trường ĐHCT đòi tôi số tiền 3.087.000Y); công văn số 31-CV/BTV ngày 07/03/2011 (công văn này tôi không hề nhận được), phía trường ĐHCT bảo rằng “dù cho đó là học bổng của trường ĐH Kyushu Nhật Bản tài trợ cho cô Nhuận thì nó cũng là nguồn kinh phí của trường vì nguồn tiền đó thuộc ngân sách của nhà nước được chính phủ Nhật Bản viện trợ”. Phía họ (ĐHCT) bảo rằng, nếu tôi không phải là người của trường ĐHCT thì tôi không xin được học bổng, rằng tôi đã dựa vào uy tín của nhà trường để cạnh tranh với các ứng cử viên khác.

Học bổng mà tôi nhận được không thuộc ngân sách nhà nước, không phải là nguồn tài trợ chính thức của nước ngoài cho Việt Nam, không phải từ nguồn tài chính của ĐHCT. Mọi thông tin tuyển chọn đều thông qua trường ĐH Kyushu nhờ hệ thống internet, các ứng cử viên là người của rất nhiều quốc gia. Nếu tôi không đủ năng lực cạnh tranh để giành chiến thắng, học bổng có thể sẽ được trao cho một người không phải là người Việt Nam. Ngay trong quyết định cử đi học của tôi do Bộ GD và ĐT cấp cho tôi (ký ngày 06/09/2005) cũng ghi rất rõ “kinh phí liên quan tới khóa học do phía mời đài thọ”, công văn này dựa trên đề nghị của ĐHCT số 909/ĐHCT-TCCB yêu cầu (ký ngày 29/07/2005) cũng ghi rất rõ “mọi chi chí có liên quan tới khóa học sẽ do phía mời đài thọ”. Thêm vào đó, trong quyết định tiếp nhận cán bộ đi học tập công tác ở nước ngoài trở về do Bộ GD và ĐT ký ngày 14/11/2008 cũng ghi rõ “Kinh phí: do Trường ĐH Kyushu-Nhật Bản đài thọ”. Cạn nghĩ, căn cứ đã quá rõ ràng, vậy mà phía ĐHCT vẫn quả quyết “đây là nguồn ngân sách của nhà nước do nước ngoài tài trợ cấp cho ĐHCT”.

Tôi cảm thấy tôi bị căng thẳng và mệt mỏi, tinh thần suy sụp sau khi nhận yêu cầu triệu tập của tòa án. Dù tôi đã cố gắng thể hiện sự thiện chí là giải thích rất rõ nguồn học bổng này do tôi tự thân xin qua thông báo của trường ĐH Kyushu, không thông qua những suất học bổng mặc định mà chính phủ Nhật Bản dành riêng cho Việt Nam, gửi thư rất nhiều lần tới BGH, thường vụ Đảng ủy nhà trường nhưng họ không hồi âm. Hiện nay, tôi là một giáo viên của trường ĐH Y Dược Cần Thơ, thay vì đầu tư cho việc soạn giáo trình, bài giảng, tôi lại phải đeo đuổi vụ kiện mà sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, tôi quả là mệt mỏi. Với đồng lương khiêm tốn, tôi không đủ khả năng để thuê một luật sư giải quyết tranh chấp pháp lý của vụ kiện để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tôi.

Sau khi cân nhắc rất nhiều, tôi mạnh dạn gửi lá thư này tới ngài, tha thiết mong ngài Bộ trưởng bớt chút thời gian xem xét vấn đề này của tôi. Tôi vô cùng tủi cực cho thân phận của mình, đã bật khóc rất nhiều lần. Nếu thực sự việc đòi bồi thường số tiền này là hợp pháp và hợp lý, tôi xin nguyện bán căn nhà tôi đang ở để trả lại số tiền đó cho ĐHCT, còn nếu như đây là một đòi hỏi vô lý, thiếu nhân văn để truy bức tôi về tinh thần suốt mấy năm qua thì xin ngài hãy có chỉ đạo cụ thể. Xin hãy trả lại quyền lợi của người lao động thấp cổ bé họng như tôi.

Tôi xin ngài lưu tâm xem xét các vấn đề sau đây:

  • Ở Bộ GD và ĐT hiện nay, công văn nào quy định số tiền tôi nhận của chính phủ Nhật Bản là tiền của ngân sách nhà nước?
  • Trường ĐHCT có rất nhiều cán bộ đi học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, theo nội dung đơn khởi kiện, họ đã dùng nguồn tiền là tiền thu học phí của sinh viên nhà trường để cho một số cán bộ đi học tập tại nước ngoài. Công văn nào của chính phủ, nhà nước, của Bộ GD và ĐT cho phép họ được sử dụng kinh phí như thế? Bộ GD và ĐT làm gì để kiểm tra?
  • Hiện tại tôi đang giảng dạy tại ĐH Y Dược Cần Thơ thì tôi vẫn phải bồi thường số tiền trên cho ĐHCT khi không làm việc tại trường ĐHCT hay sao?
  • Lý do gì trường ĐHCT ghi rất rõ trong đơn khởi kiện là “do nhu cầu bức thiết cần nâng cao trình độ đào tạo tại nhà trường cũng như nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên, vì thế trường ĐHCT đã bỏ ra toàn bộ kinh phí để lo cho bà Nhuận đi học tiến sĩ tại nước ngoài…” và nhà trường có đào tạo bậc nghiên cứu sinh (tiến sĩ), nhưng khi tôi làm đơn xin dự khóa học sau tiến sĩ tại Viện Y Khoa của trường ĐH Tokyo Nhật Bản, lãnh đạo trường ĐHCT lại không chấp nhận. Tại cùng thời điểm đó, trường ĐHCT có hàng chục cán bộ đang học tập, làm việc tại nước ngoài sau khi học xong tiến sĩ (ý kiến này Ngài Bộ trưởng có thể yêu cầu ĐHCT cung cấp số liệu). Điều đó có phải họ đã không công bằng và trù dập tôi?
  • Trường ĐHCT có hàng chục cán bộ học tập tại nước ngoài đã ra đi khỏi trường suốt từ nhiều năm qua, ngay tại thời điểm tôi xin nghỉ việc cũng có hai người của bộ môn nghỉ việc theo, những người này có trình độ cao, có người chuyển trường khác, có người ở luôn nước ngoài, vậy tại sao họ chỉ kiện một mình tôi? Nếu họ đòi được những số tiền học bổng đó thì họ sử dụng vào việc gì, Bộ GD và ĐT có quản lý nguồn ngân sách do đòi được tiền bồi thường từ cán bộ của trường ĐHCT do nghỉ việc này hay không?
  • Xin ngài hãy cho ý kiến về việc tôi muốn yêu cầu trường ĐHCT hãy trả lại tiền trợ cấp thôi việc cho 13 năm công tác của tôi tại trường. Tôi đã làm đúng theo luật lao động, làm đơn xin nghỉ việc và chờ đợi quá 45 ngày. Trước khi rời khỏi trường ĐHCT, tôi chưa hề bị kỷ luật dù dưới bất kỳ hình thức nào.

Đơn cam đoan mà chồng tôi (ông Nguyễn Văn Đạt ký) cam kết rằng sau khi học xong 3 năm tại Nhật Bản, tôi phải công tác tại trường ĐHCT gấp 3 lần thời gian đi học. Nếu không, tôi phải “bồi thường toàn bộ chi phí cho khóa học”. Khi đó tôi đã hỏi lại anh Hành, cán bộ thuộc phòng TCCB của nhà trường, anh Hành bảo tôi “đó là thủ tục, ghi chung vậy thôi, nếu ông xã em không ký thì khỏi đi học”. Thực tế, vào năm 2005, khi còn là người công chức của nhà nước, tôi sẽ không thể làm hộ chiếu phổ thông nếu không có quyết định cử đi học nước ngoài của Bộ GD và ĐT. Do đó chúng tôi bị bắt buộc phải ký vào bản cam kết và thực sự lúc đó, tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ bỏ trường ĐHCT mà ra đi.

Tôi xin tóm tắt quá trình diễn tiến sự việc theo từng mốc thời gian cụ thể:

Sau khi học xong tiến sĩ, tôi đã quay lại ĐHCT ngay lập tức dù tôi có khả năng ở lại. Sau khi về nước, tôi không được sử dụng đúng chuyên môn sở trường của tôi một cách hợp lý, có ý cô lập khi tôi có những ý kiến không giống họ. Cụ thể là sau khi góp ý cho hội đồng bảo vệ đề cương luận án thạc sĩ cho khóa Cao học Sinh thái Môi trường khóa 14 và sau đó là buổi xét duyệt Anh văn đầu vào thông qua việc học viên trình bày bằng tiếng Anh cũng của khóa Cao học Sinh thái Môi trường khóa 14, tôi khôngcòn được tham gia bất kỳ một hội đồng nào liên quan tới đào tạo cao học của bộ môn: từ xét duyệt đề cương, hội đồng bảo vệ luận văn cao học, ôn thi đầu vào,… từ đó về sau. Bộ môn đảm nhận quản lý và đào tạo một chương trình Cao học chuyên ngành Sinh thái Môi trường, cả bộ môn khi đó chỉ có 3 giảng viên có trình độ tiến sĩ trong khi một hội đồng bắt buộc phải có 5 thành viên. Lãnh đạo bộ môn đã mời những người thuộc đơn vị khác trong trường và quan trọng hơn, họ mời những người ngoài trường mà số tiền để chi trả thù lao cho một buổi như thế là rất cao, hơn nhiều lần so với chi trả cho cán bộ trong trường. Để chứng minh ý kiến này, tôi đề nghị Bộ GD và ĐT thành lập một hội đồng khoa học độc lập để kiểm tra lại số giờ giảng dạy cao học, số buổi ngồi hội đồng của cán bộ có trình độ tiến sĩ trong bộ môn từ năm 2009, 2010 và 2011 của tôi và hai cán bộ có trình độ tiến sĩ còn lại là Tiến sĩ Huỳnh Thu Hoà, chức vụ Phó Trưởng khoa KHCB và Tiến sĩ Đái Thị Xuân Trang, chức vụ Phó trưởng bộ môn Sinh Học, Khoa KHTN. Đồng thời, thẩm định lại chất lượng của các luận án thạc sĩ đã được bảo vệ của khóa 14, 15, đặc biệt là luận án của cô Xíu (khóa 14 chuyên ngành Sinh thái Môi trường) và cô Vỹ (Khóa 14 chuyên ngành Công nghệ sinh học) về phương pháp nghiên cứu, cách bố trí thí nghiệm, kết quả đạt được của luận án. Tuy nhiên, trong các buổi họp khoa và các cuộc họp chi bộ, tôi thường xuyên bị nhắc nhở là tôi có trình độ tiến sĩ mà không làm việc bằng những tiến sĩ khác, không cống hiến nhiều bằng người có trình độ như tôi.

Tôi chỉ còn biết im lặng và do quá bức xúc tôi đã tìm một vị trí làm việc dạng nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Y Khoa của Đại học Tokyo, Nhật Bản. Tôi làm đơn xin đi nghiên cứu tiếp có sự đồng ý của bộ môn và của khoa và gửi trước tết âm lịch năm 2011 (tôi không có lưu lại bản này). Sau đó tôi không nhận được một hồi âm nào. Tôi đã trực tiếp gặp ông Lê Phi Hùng (Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ nhà trường vào thời gian đó), để hỏi thăm thông tin thì ông chỉ trả lời rằng ông ấy chưa có nhận bất kỳ đơn nào của tôi. Tôi làm đơn lần thứ hai ký ngày 14/02/2011, sau khi có chữ ký của bộ môn và của khoa và có cả ý kiến đồng ý của khoa KHTN, tự bản thân tôi đã đem nộp trực tiếp cho Phòng Tổ chức cán bộ của trường ĐHCT. Tôi cũng không nhận được bất kỳ phản hồi chính thức nào từ phía nhà trường. Ngày 10/03/2011, tôi làm đơn xin nghỉ việc có ý kiến và chữ ký của trưởng bộ môn và trưởng khoa KHTN, sau đó tôi đem nộp trực tiếp cho phòng Tổ chức cán bộ của nhà trường. Tôi chờ đợi quá 45 ngày theo đúng Luật lao động (tại điều 37, khoản 3 Luật lao động) mà nhà trường không có một văn bản thông báo chính thức nào. Trong thời gian chờ đợi này, tôi vẫn hoàn thành tất cả công việc được phân công như giảng dạy cho bậc đại học, ra đề thi, chấm thi, phản biện đề tài được mời từ các đơn vị khác,…Ngày 26/04/2011, tôi được gặp ông Nguyễn Anh Tuấn thông qua lời nhắn gọi bằng điện thoại của cô Trần Ngọc Liên, Trưởng khoa KHTN lúc đó. Khi gặp ông Tuấn, tôi cũng đã trình bày hòan cảnh của tôi và cũng có đề nghị hai điều:

  1. Khi tôi làm đơn xin đi học sau tiến sĩ, nhà trường không phản hồi nên hồ sơ không thể dừng lại được. Khi làm đơn xin nghỉ việc tôi nhiều lần lên phòng TCCB hỏi thăm mà cũng không có hồi âm. Vả lại khi đó nhà trường không thiếu gì cán bộ học xong vẫn ở lại làm nghiên cứu tiếp. Tôi đã từng gặp cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm Nhật Bản, chính ông cựu bộ trưởng cũng nói rằng ai ở lại được nước ngoài cứ ở, miễn sao là luôn hướng về tổ quốc, cống hiến cho tổ quốc vì không phải ai muốn ở lại các nước phát triển cũng được cả. Trong ĐHCT hiện nay, tôi có thể nêu hàng chục ví dụ những cán bộ học xong tiến sĩ đã ở lại làm dự án tiếp tục hay đi làm bên ngoài trong công ty như cô Trần Hải Giang, Khoa KHCB; thầy Vàng, Khoa Nông nghiệp; cô Hồng Thúy, Khoa Công nghệ; thầy Bùi Quốc Chính, Khoa KHCB,… Nhà trường có thiên vị với tôi hay không? Ngay cả học bổng 322 của chính phủ cũng có suất cấp kinh phí cho cán bộ đi học tập, nghiên cứu dạng cao cấp (sau tiến sĩ) mà chưa một năm nào đủ chỉ tiêu.
  2. Tôi chỉ xin đi một năm và tôi hứa sẽ quay về, vì hoàn cảnh lúc đó, thú thật tôi không còn đầu óc mà cống hiến với quá nhiều bức xúc. Thậm chí tôi chỉ xin đi 6 tháng cũng được.

Ông Tuấn không đồng ý, ông Tuấn yêu cầu tôi rút đơn xin nghỉ việc và nói “em cứ làm việc bình thường đi”. Tôi có trả lời rằng tôi không còn tâm trí làm việc khi tôi bị phân biệt đối xử như thế. Sau đó ông Tuấn quay ra dọa nạt tôi, bảo rằng sẽ yêu cầu công an, hải quan chặn bắt tôi tại sân bay nếu tôi quyết tâm đi làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật Bản.

Ngày 27 tháng 04 năm 2011 tôi vẫn còn làm việc tại bộ môn.

Tháng 05/2011 trường ĐHCT chính thức cắt lương, bảo hiểm của tôi.

Ngày 03/06/2011 Trường ĐHCT ra một giấy báo yêu cầu tôi vào trình diện (tuy nhiên giấy mời này tôi không nhận được mà tôi chỉ nhận được tại tòa án do trường ĐHCT cung cấp). Nếu tính từ ngày 10/03/2011 tới ngày 03/06/2011 thì tôi đã gửi đơn xin nghỉ việc là 83 ngày.

Ngày 20 tháng 06 năm 2011 lần đầu tiên gia đình tôi nhận được văn bản phản hồi về lá đơn xin nghỉ việc của tôi được ký ngày 16/06/2011. Tôi đã uỷ quyền cho chồng tôi vào giải quyết, khi đó phía đại học Cần Thơ đã yêu cầu (bằng miệng) tôi phải bồi thường toàn bộ số tiền mà tôi nhận được từ phía Nhật Bản trong ba năm học tiến sĩ (họ tính là 170.000Y x 36 tháng là khoảng hơn 5 triệu yên). Chồng tôi khi đó đã nói rằng, cô Nhuận đã quay về công tác chứ không bỏ trường ra đi, tại sao lại đòi bồi thường tất cả số tiền đó, yêu cầu họ ra văn bản có chữ ký chính thức đòi tôi phải bồi thường cho nhà trường từ phía ĐHCT. Ngày 12/08/2011 trường ĐHCT gửi thư mời họp với nội dung: Họp hội đồng xét kỷ luật và bồi thường chi phí đào tạo đối với tôi (bà Vũ Thị Nhuận). Tôi không yêu cầu chồng tôi vào họp và tôi có viết thư gửi cho phía ĐHCT rằng tôi không phải bị kỷ luật. Sau đó tôi nhận được quyết định ký ngày 22/08/2011 đòi bồi thường chi phí đào tạo chính thức của Hiệu trưởng trường ĐHCT, với số tiền là 3.087.000 Y.

Tôi có viết tất cả 3 lá thư gửi bằng email tất cả thành viên của BGH nhà trường nhưng không có hồi âm.

Tháng 10/2014, tôi được nhận vào làm việc tại Đại học Y Dược Cần Thơ. Khoảng tháng 11 năm 2014, tôi qua ĐHCT xin được rút bảo hiểm xã hội thì ông Trí, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, nói rằng sẽ không cho tôi rút nếu tôi không chịu bồi thường số tiền do Trường ĐHCT đòi. Tôi có yêu cầu là nếu không cho tôi rút sổ bảo hiểm thì các ông hãy làm công văn ký tên vào đó. Sau đó tôi đã lên gặp trực tiếp ông Hiệu trưởng Hà Thanh Tòan. Ông Toàn sau khi nghe tôi trình bày đã nói rằng ông ấy cũng biết trường hợp của tôi và bảo tôi từ từ để thầy xin ý kiến và bản thân thầy cũng muốn mọi chuyện được giải quyết đơn giản, êm đẹp, hợp tình hợp lý.

Sau đó hai tuần (tôi không nhớ chính xác ngày nào), cô Hiền (số ĐT0908747967) là người quản lý sổ bảo hiểm xã hội của trường ĐHCT gọi cho tôi vào lĩnh sổ. Trong phần ghi lý do rút sổ, tôi có ghi tôi bị buộc thôi việc.

Cho tới bây giờ, tôi cũng chưa nhận được bất kỳ quyết định kiểu như: cho thôi việc hay quyết định buộc thôi việc từ phía nhà trường. Tôi cũng không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp thôi việc cho 13 năm công tác của tôi tại trường ĐHCT. Sau khi tôi rời khỏi trường, tôi cũng chưa nhận được giấy chuyển sinh hoạt/xóa tên/khai trừ khỏi Đảng CSVN. Tôi vào Đảng CS tại Nhật Bản theo quyết định số 07/08-QĐ/ĐU ngày 11/08/2008 do Đảng ủy tại Nhật Bản quyết định, do tôi có nhiều hoạt động tốt trong học tập và đóng góp cho phát triển văn hóa của VN tại Nhật Bản, không phải do Đảng ủy trường ĐHCT kết nạp cho tôi.

Ngày 30/07/2015, tôi nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân Quận Ninh Kiều, thông báo cho tôi biết tôi đã bị trường ĐHCT kiện ra toà và yêu cầu bồi thường số tiền 569.000.000 đồng (Năm trăm sáu mươi chín triệu đồng)cùng với lãi suất theo quy định dựa vào quyết định đòi bồi thường của hội đồng xét bồi thường chi phí đào tạo của trường ĐHCT đối với tôi với số tiền là 3.087.000 yên (Ba triệu không trăm tám mươi bảy nghìn yên Nhật) theo giá quy đổi lúc đó.

Và tòa yêu cầu tôi có mặt lúc 14 giờ ngày 10/08/2015 để tiến hành hòa giải.

Thực tế, trường ĐHCT có nhiều người đã học xong, không quay trở về phục vụ nhà trường hoặc vì một lý do gì đó buộc phải ra đi mà không bị đòi bồi thường gì, trường hợp mà tôi biết như cô Đinh Thị Xuân Mai, khoa Sư phạm;anh Trọng, Viện Nghiên cứu và phát triển Sinh học; cô Nguyễn Thị Thu Lan, Khoa Sư phạm; cô Nguyễn Thị Loan Anh, Khoa KHCB; hay mới đây nhất là cô Trần Hải Giang, khoa KHCB…

Còn tôi, dù sự việc đã lâu nhưng lãnh đạo nhà trường ĐHCT vẫn quyết truy bức tôi tới tận bây giờ. Tôi không biết kết quả của phiên tòa sẽ ra sao nhưng tôi hoàn toàn suy sụp, lo lắng và sợ hãi từ khi nhận được thông báo của tòa án.Có nguồn tin nói với tôi (dù tôi không có bằng chứng và người nói không dám đứng ra làm nhân chứng) rằng: trường ĐHCT sẽ trừng trị tôi, sẽ kiện tôi ra tòa, sẽ can thiệp vào kết quả cuối cùng của tòa án. Ngay cả khi tôi làm đơn xin vào làm việc tại trường ĐH Y Dược Cần Thơ cũng có nguồn tin nói phía ĐHCT sẽ can thiệp để không ai nhận tôi. May mắn thay lãnh đạo và cụ thể là Giáo sư Phạm Văn Lình là Hiệu trưởng trường ĐHYD Cần Thơ vẫn nhận tôi vào làm việc.

Sau khi nhận giấy mời của tòa án, tôi đã viết thư kêu gọi sự giúp đỡ của ông giáo sưKimura tại trường ĐH Kyushu, nơi tôi đã học tập và nhận học bổng của chính phủ Nhật (Monbukagaku-SHO). Ông ấy đã yêu cầu tôi dịch quyết định đòi bồi thường chi phí đào tạo, sau đó ông ấy trả lời rằng, ông ấy đã viết thư gửi tất cả các thành viên của Ban giám hiệu nhà trường qua thư điện tử email và cả qua airmail đường hàng không. Ông ấy gửi kèm bức thư đó cho tôi và yêu cầu thông báo tất cả diễn biến của phiên tòa cho ông ấy biết. Tôi xin gửi kèm lá thư, cùng bản dịch để bạn đọc được hiểu rõ.

Tôi hiểu một cách sâu sắc rằng, việc để cho ông giáo sư của tôi biết lá thư bồi thường này là một điều đáng xấu hổ. Tôi đã nhiều lần nói với BGH trường ĐHCT về việc đó nhưng họ cố tìm cách kiện tôi ra tòa.

Tôi cũng hiểu một cách rõ ràng hơn lý do mà bấy lâu nay các quan chức trong ngành giáo dục, khoa học kêu lên về nạn chảy máu chất xám, rằng “trọng dụng nhân tài” rằng “trải thảm đỏ mời những nhà khoa học có trình độ”. Chính sự không sử dụng, phân biệt đối xử hay trù dập những người làm nghiên cứu khoa học để rồi họ chán nản mà ra đi đã xua đuổi rất nhiều những người có chuyên môn cao. Phải chăng một số người có quyền lực trong hệ thống nhà nước đang làm gia tăng nạn chảy máu chất xám?

Tôi đủ khả năng để tìm một vị trí làm việc tại một nước phát triển nhưng tôi thực sự yêu nước và muốn quay trở về. Tôi đang có kế hoạch sản xuất và phát triển những bài thuốc đông dược để trị bệnh cho đa số người dân, hiện tại hai bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ và bệnh răng miệng đã được công chúng đón nhận và đã chữa khỏi bệnh cho hàng nghìn người. Những bài thuốc này tôi đã âm thầm tiến hành và muốn phục vụ công đồng. Tôi đã nộp văn bảncần thiếttới Sở Y tế của TP Cần Thơ để xin giấy chứng nhận nhằm phổ biến rộng rãi tới công chúng. Nếu sự truy bức này buộc tôi phải ra đi thì chắc chắn những đóng góp đó sẽ không có cơ hội tồn tại ở Việt Nam.

Và nếu kết quả cuối cùng của tòa án là tôi buộc phải bồi thường số tiền mà tôi nhận từ ĐH Kyushu- Nhật Bản,thì với mức lương hạn chế của tôi hiện nay, đến bao giờ tôi mới đền bồi xong? Tất cả những ai là cán bộ của ĐHCT xin được học bổng độc lập thì khoản tiền đó đều là sở hữu của ĐHCT? Trường ĐHCT dựa vào căn cứ nào để đưa ra con số 3.087.000 yên (ba triệu không trăm tám mươi bảy nghìn yên Nhật) vì họ đòi tôi bồi thường toàn bộ kinh phí khóa học trong khi chi phí sẽ được tính như sau:

  • Năm thứ nhất, (10/2005-09/2006) tôi nhận khoản tiền là 175.000 yên/tháng
  • Năm thứ hai, 10/2006-09/2007) tôi nhận khoản tiền là 170.000 yên/tháng
  • Năm thứ ba, (10/2007- 09/2008) tôi nhận học bổng là160 nghìn yên/tháng

Ngoài khoản tiền hỗ trợ cho sinh hoạt hàng tháng, tôi còn được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi, tiền học phí hằng năm, tiền chi phí đi dự hội thảo, tiền hỗ trợ di chuyển mỗi lần dọn nhà, tiền hỗ trợ cho việc hòa nhập cuộc sống trong năm đầu tiên,… Số tiền đó không thể ít hơn 10.000.000 Y (10 triệu yên).

Khi viết lá đơn kêu cứu này gửi tới ngài, tôi đã bật khóc rất nhiều lần, tôi cảm thấy tủi cực cho thân phận của tôi.  Và một tình huống xấu hơn nữa là vì một tác động gì đó mà lãnh đạo trường ĐH Y Dược Cần Thơ cũng ra quyết định ngừng hợp đồng lao động với tôi thì tôi phải làm gì để sống và nuôi con? Hiện tại tôi đang có lời mời sang một viện nghiên cứu ở nước ngoài khi tôi kể với họ dự án nghiên cứu thuốc điều trị bệnh, vậy tôi có nên ở lại đất nước này hay không?

Tôi cũng xin lỗi những ai đã vì sự việc này mà bị ảnh hưởng tới thanh danh, quyền lợi trong hiện tại và trong tương lai, nhất là tạo thêm một nét không đẹp trong con mắt của người Nhật Bản về cách ứng xử của người Việt Nam.

Tôi xin cảm ơn Ngài Bộ Trưởng, cảm ơn các thầy cô giáo và tất cả bạn đọc đã quan tâm tới lá thư này.

Cần Thơ ngày 04/09/2015

Người làm đơn

 

Vũ Thị Nhuận

Những tài liệu kèm theo đơn kêu cứu

  1. Thông báo về phiên hòa giải của vụ kiện do Tòa án Nhân Dân Q. Ninh Kiều gửi.
  2. Đơn Khởi Kiện của Trường ĐHCT do Hiệu trưởng Hà Thanh Tòan ký.
  3. Bản tự khai của bị đơn (Vũ Thị Nhuận)
  4. Bản tự khai của Đương đơn (trường ĐHCT do ông Trần Văn Phước làm đại diện)
  5. Biên bản hoà giải của tòa án ngày 10/08/2015.
  6. Ba bản giấy báo mời họp giải quyết đơn xin nghỉ việc của tôi do Trường ĐHCT cung cấp.
  7. Quyết định đòi bồi thường chi phí 3.087.000Y (Ba triệu không trăm tám mươi bảy nghìn yên) do hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn, trường ĐHCT ký ngày 22/08/2011, cùng bản dịch sang tiếng Anh (do giáo sư Kimura yêu cầu)
  8. Thư mời nhập học và thông tin liên quan tới nguồn học bổng mà tôi nhận được do trưởng khoa sau đại học, trường ĐH Kyushu Nhật Bản (Tiến sĩ Katsumi Imaizumi, ký ngày 07/07/2005), cùng bản dịch sang tiếng Việt.
  9. Thư ý kiến của giáo sư Makoto Kimura về việc trường ĐHCT đòi tôi bồi thường tiền học bổng của chính phủ Nhật Bản, cùng bản dịch tiếng Việt.
  10. Quyết định cử tôi đi học nước ngoài của Bộ GD và ĐT do ông Trần Văn Nhung ký ngày 06/09/2005 (kèm theo đề nghị của trường ĐHCT).
  11. Quyết định tiếp nhận cán bộ đi học tập, công tác ở nước ngoài trở về của Bộ GD và ĐT do ông Bùi Mạnh Nhị ký ngày 14/11/2008 (kèm theo đề nghị của tường ĐHCT).
  12. Quyết định kết nạp Đảng viên của Đảng Ủy tại Nhật Bản ký ngày 11/08/2008.

 

https://boxitvn.online/wp-content/uploads/2015/09/K-1-gia__y-mo__i-ho_c.pdf

https://boxitvn.online/wp-content/uploads/2015/09/K-2-gia__y-mo__i-ho_c-ba_n-di_ch.pdf

https://boxitvn.online/wp-content/uploads/2015/09/K-3-gia__y-mo__i-ho_c-chi-tie__t.pdf

https://boxitvn.online/wp-content/uploads/2015/09/K-4-gia__y-mo__i-ho_c-chi-tie__t-ba_n-di_ch-1.pdf

https://boxitvn.online/wp-content/uploads/2015/09/K-5-gia__y-mo__i-ho_c-chi-tie__t-ba_n-di_ch-2.pdf

https://boxitvn.online/wp-content/uploads/2015/09/K-6-_o_n-kho__i-kie__n-cu_a-tru_o__ng-1.pdf

https://boxitvn.online/wp-content/uploads/2015/09/K-7-_o_n-kho__i-kie__n-cu_a-tru_o__ng-2.pdf

 

 

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.