Trước đây trong ĐCSTQ đã có những người từng chủ trương đi theo con đường thứ ba là theo Chủ nghĩa xã hội dân chủ với mô hình Thụy Điển nhưng vì ĐCSTQ lo ngại khó duy trì được vai trò độc tôn của mình nên xu hướng đó không trở thành hiện thực. Ngày nay Tập Cận Bình và ĐCSTQ đang theo đuổi một chương trình cải cách hướng tới mô hình Singapore, vì họ hình dung từ Singapore ra viễn cảnh tương lai sẽ là thế độc quyền của ĐCSTQ sẽ tại vĩnh viễn trong một xã hội tư bản thịnh vượng .
Nhưng họ đã không hiểu đúng về di sản của ông Lý Quang Diệu để lại. Cách thức quản trị đất nước Singapore của ông Lý gọi là mô hình Singapore, thường được các nhà cai trị độc tài miêu tả sai thành hình ảnh của một chế độ độc đảng độc tài đứng trên một nền kinh tế thị trường tự do. Họ thường viện dẫn mô hình Singapore của ông Lý để biện minh cho sự kiểm soát chặt chẽ xã hội của mình và các nhà cầm quyền Cộng sản ở Trung Quốc là những người hay viện dẫn nhiều nhất.
Bí mật thực sự của thiên tài chính trị Lý Quang Diệu lại không giống như cách hiểu của Tập Cận Bình và những người lãnh đạo ĐCSTQ. Bí mật đó nằm ở chỗ ông Lý đã tạo nên một bộ máy chính quyền độc nhất, cân bằng tinh tế giữa chuyên chế và dân chủ, giữa chủ nghĩa tư bản nhà nước và thị trường tự do. Bí mật đó không nằm ở ở việc áp dụng thành thục các hành động đàn áp chống lại truyền thông hoặc các đối thủ chính trị. Điều mang tính cách mạng thật sự của ông Lý là sử dụng thể chế dân chủ và pháp quyền, để kiềm chế sự tham lam của giới tinh hoa cầm quyền ở Singapore.
Không giống Trung Quốc, Singapore cho phép các đảng đối lập tham gia các cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh và tự do (mặc dầu không nhất thiết công bằng). Nếu Đảng Hành động nhân dân (PAP) do ông Lý sáng lập mất tính chính danh của mình vì quản trị đất nước kém thì cử tri Singapore có thể phế truất ngôi lãnh đạo của đảng. Chính ông Lý đã giao cho cử tri Singapore quyền quyết định xem đảng PAP có được nắm quyền hay không.
Tiếc rằng hầu hết phần còn lại của thế giới chưa ghi nhận một cách thích đáng về sự đóng góp của ông Lý trong việc tạo dựng “một hệ thống lai”, trong đó kết hợp giữa chế độ chuyên chế và chế độ dân chủ. Hệ thống này đã giúp cải thiện đáng kể mức sống của công dân Singapore mà không đẩy họ vào cảnh tàn bạo và áp bức như nhiều nước láng giềng của Singapore đã làm.
Nếu ĐCSTQ khôn ngoan, nắm bắt thực chất Mô hình Singapore thì hãy thực thi dân chủ một mức độ đáng kể và tăng cường tuân thủ nền pháp quyền. Điều đó đồng nghĩa với ĐCSTQ tối thiểu phải hợp thức hóa các tổ chức chính trị đối lập, tiến hành đều đặn các cuộc bầu cử cạnh tranh và tạo nên một nền tư pháp độc lập.
Học theo Lý Quang Diệu thì Trung Quốc có thể sẽ đạt được tiến bộ to lớn và trở thành một xã hội nhân đạo và cởi mở hơn với một tương lai tươi sáng hơn. Không thể vừa muốn đạt được những lợi ích từ sự thống trị chính trị mà lại không chịu sự giám sát từ một môi trường thể chế cạnh tranh.
Lý Quang Diệu không hề chống đối dân chủ. Ông Lý hiểu tính hữu dụng của nó. Học mô hình Singapore thì ông Tập Cận Bình và ĐCSTQ không nên xem nền dân chủ như là một mối đe dọa hiện hữu về ý thức hệ phải được vô hiệu hóa bằng bất kể giá nào.
T.T.
(*) Trích bài “ Trung Quốc và Mô hình Singapore “ , đăng trên Tạp chí nghiên cứu quốc tế tháng 4 năm 2015 , của Minxin Pei, giáo sư quản trị chính quyền trường đại học Claremont Mc Kenna , nghiên cứu viên cao cấp không thường trú của German Marshall Fund of the US . Bản tiếng Anh là “ Minxin Pei – The Real Singapore Model “ , Project Syndicate . Người dịch : Nguyễn Thị Kim Phụng . Hiệu đính : Phạm Hồng Anh .