Theo quy định của Luật tố tụng hành chính năm 2010:
“Điều 30. Thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án cấp tỉnh) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
a) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó”.
Hành vi hành chính, quyết định hành chính của cấp hành chính nhà nước cao nhất có thể bị đưa ra xét xử là cấp bộ trở xuống.
Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước cộng sản Việt Nam, luôn nói pháp luật không có giới hạn, pháp luật không loại trừ ai nhưng trong tố tụng hành chính là có giới hạn. Xưa nay đã có câu “nhà dột từ nóc”, “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Trong thực tế tôi đã gặp trường hợp như sau:
Theo điều 23 Luật đất đai 1993, trích:“ Thẩm quyền giao đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được quy định như sau:
1- Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua kế hoạch hàng năm của Chính phủ về việc giao đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng để sử dụng vào mục đích khác.”
Như vậy, Chính phủ chỉ có thể giao đất trong đó có đất ở chứ không phải cá nhân Thủ tướng có quyền giao đất và việc giao đất phải được Ủy ban thường vụ Quốc hội duyệt hàng năm. Nhưng năm 1997, tại thành phố Hà Nội vì lý do nào đó Phó Thủ tướng đã giao đất cho tập thể một số hộ gia đình di dời để tái định cư đến một khu đất mới. Việc này theo Luật đất đai năm 1993 thì việc thu hồi đất và giao đất để di rời khu tập thể này là thuộc thẩm quyền của cấp quận. Sự việc sau đó xảy ra khiếu kiện của một số hộ gia đình. Trong quá trình tham gia tố tụng, tôi nhận thấy có nguyên nhân bắt nguồn từ quyết định hành chính không đúng thẩm quyền của Phó Thủ tướng. Nhưng quyết định hành chính, hành vi hành chính của Phó Thủ tướng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tố tụng hành chính.
Điều đó đã phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật chung. Vì vậy, để thực tâm xây dựng một nhà nước pháp quyền thì một trong những việc cần làm là sửa đổi Luật tố tụng hành chính 2010, không giới hạn đối tượng thụ lý, xét xử của tòa án.
Hà Nội, ngày 16/08/2015.
H.H.S.
Tác giả gửi BVN