Gần đây, bà Phạm Chi Lan mời tôi tới dự buổi trao đổi ý kiến trong phạm vi hẹp với mấy vị Giáo sư Mỹ (chính vì vậy mà tôi không muốn nêu tên cụ thể những ngưòi tham dự của cả hai phía Việt, Mỹ).
Trong buổi nói chuyện thẳng thắn và nghiêm túc đó, chúng tôi đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Các bạn Mỹ có một số ý kiến khá hay và độc đáo. Tuy vậy khi một vị Giáo sư Mỹ cho rằng: “Sau hơn ba mươi năm cải cách và mở cửa đã có khá nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc tốt nghiệp tại các nước phương Tây, họ sẽ là những ngưòi tích cực thúc đẩy phong trào dân chủ hóa ở Trung Quốc…”, tôi đã buộc phải thưa lại.
Tôi đồng ý là trong hơn ba mươi năm qua, số lưọng sinh viên, nghiên cứu sinh Trung Quốc tốt nghiệp tại các nước phưong Tây rất đông. Đó là con số trên triệu người (nếu cho rằng 1/3 số đó không về nước thì số trở về cũng tới đông tới bảy tám chục vạn người). Lớp tốt nghiệp những năm đầu tiên, đến nay đã có thời gian công tác 25 đến 20 năm, nghĩa là một thời gian không ngắn. Nhiều người đã vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp vụ, cấp cục, dăm bảy ngưòi đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ, thế nhưng tình hình dân chủ ở Trung Quốc đã có chuyển biến gì đáng kể chưa? Vị Giáo sư nêu nhận định trên không trả lời được câu hỏi này của tôi.
Tôi nói tiếp, không ai phủ nhận hiện nay tại Trung Quốc đã có một số người, một nhóm người tỏ ra tôn trọng tự do và dân chủ, nhưng khi vừa thể hiện ra là họ bị đàn áp ngay (như vụ Thiên An Môn năm 1989 và nhiều vụ việc khác mà mọi người đều biết). Ở đây tôi muốn nhấn mạnh một điều, ngay trong Ban lãnh đạo Trung Quốc, nếu một, hai người nào đó có khuynh hưóng này thì số phận họ cũng không ra sao. Chúng ta đều biết, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương vốn là người được ông Đặng Tiểu Bình coi là “hai cây cột chống trời” (nghĩa là có vai trò vô cùng quan trọng), nhưng khi họ tỏ ra “dân chủ, tự do” một chút là họ bị cách chức, bị giam lỏng ngay (chẳng ai lạ cảnh Triệu Tử Dương bị giam lỏng hơn mười năm và chết trong uất ức đau khổ). Vì vậy nói Trung Quốc một ngàn năm nữa cũng không thay đổi chỉ là cách nói “nhấn mạnh” (vì ai biết được chuyện một ngàn năm sau), nhưng có thể dự đoán là trong khoảng thời gian dăm, mười thế hệ nữa, Trung Quốc vẫn bất biến. Thoáng một cái đã hơn 60 năm rồi đấy, Trung Quốc thời Mao và sau Mao thay đổi rất nhiều, nhưng đầu óc “bành trướng, bá quyền, nước lớn” của một số người trong Ban lãnh đạo nhiều thế hệ Trung Quốc có thay đổi gì đâu, không những thế mà có phần càng nguy hiểm, tinh vi hơn, vì họ “có học hơn” và có sức mạnh kinh tế quân sự ngày càng tăng làm hậu thuẫn.
Đã nói thì nói cho hết, không phải thời cải cách mở cửa Trung Quốc mới có ngưòi học ở phương Tây về. Thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã tìm mọi cách để đưa được nhà bác học Tiền Học Sâm từ Mỹ về nước và rất trọng đãi ông. Tuy vậy ông chỉ thành “cha đẻ của bom A, bom H và tên lửa” của Trung Quốc thôi, chứ ông không thể làm thay đổi xã hội Trung Quốc một chút xíu!
Vì vậy xin đừng ảo tưởng.
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/DuongDanhDy_GopYGiaoSuMy.htm