Phá giá đồng nhân dân tệ, vũ khí cuối cùng của Trung Quốc?

Đếm tiền tại một ngân hàng Trung Quốc.

Đếm tiền tại một ngân hàng Trung Quốc.

 (Les Echos 12/08/2015) Đó là một thông báo mà ngay cả các chuyên gia cũng bất ngờ: Trung Quốc đã hạ tỉ giá đồng nhân dân tệ 2% so với đô la hôm thứ Ba 11/8. Tuy chính quyền Trung Quốc nói rằng đây không phải là phá giá đồng tiền, nhưng thực tế là như thế, và quyết định này là cả một sự kiện.

Bởi vì, khác với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) và Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hàng ngày đều ấn định tỉ giá tham chiếu xung quanh đồng nhân dân tệ, cho phép lên xuống khoảng 2%. Hôm qua khi hạ hối suất còn 6,2298 nhân dân tệ ăn 1 đô la so với ngày hôm trước là 6,1162; Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc với cái cớ “một cách tính toán mới về tỉ lệ tham chiếu”, đã đột ngột đánh sụt đồng nhân dân tệ mạnh nhất kể từ năm 2005 đến nay.

Việc điều chỉnh này diễn ra trong lúc những tháng gần đây có vô số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chậm lại. Ví dụ mới nhất: xuất khẩu giảm mạnh trong tháng Bảy (-8,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Thế nên việc phá giá đồng nhân dân tệ là câu trả lời trực tiếp.

Có lẽ chính quyền Bắc Kinh chỉ còn có công cụ tình huống này để tái thúc đẩy nền kinh tế?” – Jean-Joseph Boillot, cố vấn Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế của Pháp (CEPLI) tự hỏi. Ông không ngần ngại đánh giá quyết định này là “vũ khí cuối cùng.

Dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á

Việc đánh sụt tỉ giá tham chiếu có thể giúp tăng nhẹ xuất khẩu của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, xuất khẩu đã phải chịu đựng giá đồng nhân tệ cao so với đô la và euro, tiền lương tăng liên tục, và nhu cầu thế giới chậm lại.

Ông Jean-Joseph Boillot nhận xét: “Xuất khẩu không còn là động lực số một của nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng Ngân hàng Trung ương muốn đánh tiếng cho các nhà xuất khẩu, để các nhà máy có thể tiếp tục hoạt động. Trong khi thập kỷ vừa rồi Trung Quốc đã dịch chuyển nhiều nhà máy sang Đông Nam Á, nơi giá lao động rẻ hơn.

Từ nhiều tháng qua, người khổng lồ châu Á có tham vọng tái cân bằng mô hình tăng trưởng, bằng cách chú trọng tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên các cải cách theo hướng này vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Còn về đầu tư trong nước, động lực đứng hàng thứ ba của kinh tế Trung Quốc, cũng được đánh giá là chưa đạt yêu cầu.

Jean-Joseph Boillot nói rõ: “Trên thực tế, nhu cầu nội địa chỉ đóng góp cho tăng trưởng từ 3 đến 4%. Bên cạnh đó chính quyền Trung Quốc cũng đánh giá quá thấp vấn đề dân số hiện đang sụt giảm, hậu quả là dân chúng chú trọng tiết kiệm hơn chi xài.

Như vậy việc phá giá đồng nhân dân tệ khó thể cứu được sự chững lại của một nền kinh tế đang trong quá trình tái cấu trúc. Theo Bắc Kinh, tăng trưởng năm 2015 vào khoảng 7%. “Nhưng theo các tiêu chí phương Tây, thì tăng trưởng đúng ra chỉ có 5% chứ không phải 7% như Trung Quốc loan báo” – ông Boillot nhận định.

Chuyên gia nói tiếp: “Nỗi ám ảnh của chính quyền Trung Quốc, không phải là một nền kinh tế tăng trưởng chậm – điều này đã được dự báo trước từ lâu – mà là tốc độ của sự chững lại này. Và nếu Đảng Cộng sản bất lực trong việc (đưa nền kinh tế) hạ cánh nhẹ nhàng, thì cái giá phải trả về mặt chính trị sẽ rất đắt đối với chế độ.

T. M.

Nguồn: http://thuymyrfi.blogspot.com/2015/08/pha-gia-ong-nhan-dan-te-trung-quoc-muon.html

This entry was posted in kinh tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.