Việt Nam tại Expo Milan 2015

 1. VIẾT CHI 1 NGÀY ĐI XEM EXPO

Cảm giác đọng lại, nếu xem Expo toàn cầu là dịp để mỗi quốc gia mang tới những gì tinh tuý nhất của nước đó trưng bày cho thế giới thấy, thì Việt Nam có thể nói là mang tới cho người xem triển lãm hình ảnh của một quốc gia lạc hậu, cổ hủ, mê tín dị đoan, mãi mãi hướng về quá khứ mà không chấp nhận các tư tưởng tiến bộ và công nghệ hiện đại.

Chủ đề của triển lãm Expo toàn cầu tại Milan năm 2015 là ẩm thực và nuôi dưỡng nhân loại, bạn vào thử toà nhà triển lãm của Kazakhstan thì bạn sẽ phải thán phục về sự kết hợp tuyệt vời giữa công nghệ hiện đại và nông nghiệp, khi mới bước vào họ cho bạn chứng kiến vẽ tranh trên cát trực tiếp về lịch sử hình thành nhà nước và các bộ tộc Kazakhstan, với cô nghệ sĩ vẽ tranh trên cát biểu diễn ngay tại sân khấu, vừa xong thì một đoạn phim quay 360 độ từ trên không hình ảnh về thủ đô Astana hiện ra thật hiện đại và đa sắc màu, cảm giác như muốn đến đó du lịch ngay tức khắc vậy. Sau khi xong thì có ngay một cô nhân viên ra hướng dẫn mình với mẹ và đứa cháu lên tầng bằng thang máy. Rất nhanh nhẹn, cô ra mở cửa và mời mình và gia đình mình lên thang máy và bấm nút lên tầng hai. Trên tầng hai là sự kết hợp tuyệt vời giữa rất nhiều màn hình cảm ứng, mình nghĩ có lẽ là các ứng dụng trên iPad mà các nút bấm Home bị che khuất bởi lớp vỏ bên ngoài rất tinh tế. Người dùng sẽ tương tác với các ứng dụng để tìm hiểu thêm về nông nghiệp và sự hình thành các loại giống cây trồng, vùng trồng cây. Đặc biệt ai cũng được thưởng thức món rượu Kumis miễn phí mát lạnh mà cô nhân viên nhiệt tình mời khách và còn giới thiệu đây là đặc sản của nước họ.

Đến đây mình đã cảm thấy quá mãn nhãn nhưng vì với số lượng thời gian ít ỏi mà mình được ở trong toà nhà của nước này, mình không kịp trải nghiệm hết với rất nhiều màn hình cảm ứng cùng các phần giới thiệu khác nhau về nông nghiệp và đặc sản của nước họ. Nhưng chưa hết, tất cả mọi người được mời vào trong phòng chiếu phim 3D, phim giới thiệu về thiên nhiên con người cùng các trải nghiệm đến đất nước Kazakhstan, thật tuyệt vời như những trải nghiệm thật sự mà trong vòng mấy phút mình được đắm chìm vào chiếc du thuyền đi khắp đất nước và sờ ngắm những loại hoa quả trái cây của nước họ, khi bay qua những vườn trái cây mình đã thò tay ra hái như thể trái đó đang ở trước mặt mình vậy. Không sai khi số lượng người đánh giá toà nhà Kazakhstan là toà nhà đáng xem nhất của Expo năm nay. Có lẽ cũng dễ hiểu khi mà thông điệp quảng cáo của họ là Expo 2017 Future Energy (Expo về năng lượng cho tương lai sẽ diễn ra tại thành phố Astana năm 2017), họ có sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt quảng bá hình ảnh và thương hiệu cho đất nước họ. Nếu phải mua vé 5 euro buổi tối bắt đầu lúc 7h để vào xem Expo thì bạn hãy chỉ đến toà nhà này là đã đủ tiền lắm rồi, dĩ nhiên là thời gian chờ đợi để xếp hàng vào toà nhà này cũng sẽ rất lâu, thường thì từ 40 đến 50 phút.

Nếu kịp thì bạn hãy ghé xem ngay cạnh đó toà nhà của Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất (mình sẽ viết tắt là UAE), thời gian chờ cũng tương tự, vào khoảng 30 đến 40 phút. Hãy mang theo gì đó để đọc nếu bạn đi một mình! Khi mới xếp hàng xong có hai cô nhân viên bắt đầu hỏi từng người là có ai có nhu cầu nói tiếng Anh hoặc tiếng Ý thì nghe hướng dẫn từ nhân viên nói tiếng đó. Phần giới thiệu nói sơ qua những gì mà du khách sẽ được chứng kiến sau khi tham quan gian triển lãm của UAE, phần đầu tiên là những màn hình 3D mà khi tương tác nhấn nút sẽ bắt đầu đoạn video 3D rất thú vị giới thiệu về nhiều thành tựu khác nhau mà con người đã đạt đến. Sau đó đến phần chờ vào trong sảnh chính, có rất nhiều cô nhân viên với những chiếc iPad trên tay sẽ yêu cầu nhiều người đang đứng chờ hát lại  một đoạn nhạc theo những lời viết sẵn trên màn hình iPad. Khi được hỏi những video này dùng để làm gì, cô nhân viên không chịu bật mí mà chỉ nói rằng sau khi vào trong sẽ rõ. Vào trong khán phòng, đầu tiên là một video chiếu màn hình cinema rộng lớn cốt chuyện là kể về một cô gái từ Dubai khi được nhận một chai nước từ bố mẹ, cô mở ra uống một ít và vứt ngay đi để nước chảy lênh láng, cô bị gió bão cuốn lạc vào sa mạc thực sự và quay trở lại năm 1963, khi đó cô được gặp lại ông bà của cô và cô đã gọi tên họ, cô cùng với cả bộ tộc bị cơn gió bão sa mạc thổi tung và cả gia đình phải chịu cảnh khô ran không có nước uống trong nhiều ngày, sau đó thì ông của cô mới đi tìm nước cho bà và cô uống, thoát khỏi cơn khát, họ cùng với mọi người xây dựng thành phố Dubai từ trên cát, họ hiểu được ý nghĩa quan trọng của việc giữ gìn nguồn nước sạch và tái tạo nguồn nước từ nước biển có ý nghĩa thế nào. Dubai ngày nay là một nơi sản xuất nước sạch từ nước biển lớn trên thế giới. Họ cũng sử dụng rất nhiều năng lượng mặt trời để tạo ra điện năng sạch không ảnh hưởng đến môi trường. Đoạn phim cinema vừa kết thúc thì đến cảnh ông bố của cô gái hỏi cô đã làm bài tập xong chưa và cô trả lời gần xong rồi ạ, chỉ còn một vài câu hỏi nữa thôi, mà cô muốn mọi người trong khán phòng trả lời giùm, thế là mọi người được dẫn qua một phòng đối diện nơi có hình ảnh 3D về cô gái được làm rất công phu, màn hình 3D rất rộng người dùng không cần phải đeo kính 3D cũng có thể xem bằng mắt thật được. Xoay quanh các câu hỏi về năng lượng, và nguồn nước, cô gái đặt câu hỏi cho mọi người trong khán phòng rồi cuối cùng đi đến kết luận là khi con người cùng nhau kết hợp lại thì sẽ làm được những điều mà trước kia nhân loại chưa từng làm được, như mang đến nguồn nước sạch cho hàng triệu người từ nước biển mà trước kia họ không làm được, hay như tạo ra năng lượng từ ánh nắng mặt trời hay năng lượng gió. Đoạn phim 3D kết thúc với bài hát mọi người cùng nhau đoàn kết để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn. Chính những thành viên tham gia việc hát đoạn video đó khi đứng chờ ngoài sảnh ngoài đã được lên hình trên video màn hình lớn 3D trong khán phòng, mọi người trầm trồ khen ngợi về công nghệ hiện đại mà quốc gia UAE mang đến cho hội chợ triển lãm toàn cầu năm nay.

Kết thúc tham quan gian hàng UAE là thời điểm mà cả gia đình đã thấm mệt, lúc ấy đã hơn 9h tối, mẹ mình muốn tìm đến chỗ đóng dấu vào tờ vé mà không được, họ đã đóng cửa. Cảm giác thật là khó quên khi tham quan toà nhà triển lãm của UAE.

Toà nhà Hàn Quốc đọng lại trong mình là hình ảnh cô nhân viên đon đả chạy ra hướng dẫn mẹ mình và bé gái lối đi cho cầu thang máy, vì lối đi bình thường không đi được với xe đẩy, do bé cháu gái nhà mình muốn đi xe đẩy cho đỡ mỏi chân. Phía trên thì mình chỉ nhớ mỗi đoạn hình ảnh 2 cánh tay robot đẩy ra tới lui trình bày về các thành phần calo của các loại thực phẩm, hướng dẫn nên ăn gì, và ăn uống như thế nào. Một hình ảnh của một quốc gia hiện đại với rất nhiều công nghệ tối tân được áp dụng vào để thể hiện thông điệp về ẩm thực ăn uống mang đến cho người xem hình ảnh một đất nước phát triển, đáng đến.

Toà nhà Trung Quốc cũng có sự giới thiệu đáng kể đến các thành tựu về nông nghiệp nuôi dưỡng hơn 1,3 tỷ dân trong thời gian qua. Phần lịch sử được giới thiệu vắn tắt lúc mới vào, chẳng hạn có đoạn về con đường tơ lụa, hay hình nặn các gia đình thời xưa ngồi đoàn tụ trong bữa cơm gia đình, lên phía trên nhìn xuống mình không hiểu rõ lắm thông điệp mà hàng loạt những bóng đèn trang trí bên phía dưới tạo thành là gì, nhưng khi vào phòng chiếu phim cinema thì được nghe chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu thông điệp chúc mừng mọi người đến với gian hàng Expo của Trung Quốc và chúc mọi người có được kỳ tham quan Expo vui vẻ, sau đó là đoạn phim về 3 nhân vật từ làng quê được nuôi dưỡng thành tài, khi sự nghiệp đã ổn định họ quay lại quê hương thăm gia đình. Mình chỉ nhớ được cây piano Lang Lang trong đoạn phim. Hàng chờ vào toà nhà Trung Quốc cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 10 phút.

Toà nhà triển lãm của Việt Nam được xây dựng bao trùm bởi các cây tre, khi mới vào thì có trang trí mấy chú rối nước bên ngoài, vào trong là sảnh chính là khu vực sân khấu, sân khấu ca nhạc diễn 3 xuất một ngày, hôm đó mình coi lúc 3h chiều. Khi vào lần đầu lúc 2h20, nói chuyện với một nhân viên hỏi thăm thì tình hình thì họ mời mình quay lại lúc 3h chiều để xem diễn. Đi một vòng thì chỉ thấy có mấy cái tờ poster giới thiệu lý do tại sao đến du lịch Việt Nam, phía sau là nhà hàng Việt Nam được mở sau 1 tháng khai trương Expo theo như lời nhân viên trong đó nói lại. Phía trên thì bán các loại nón lá với đồ lưu niệm. Tầm 3h mình quay lại thì các nghệ sĩ của nhà hát Hà Nội bắt đầu chuẩn bị biểu diễn các loại nhạc cụ nhìn rất lạ mắt, một vài nhạc cụ mình cũng chưa từng thấy, như biểu diễn đàn đá, đàn T-rưng, đàn bầu, đàn gì mà dùng hai tay đập vào nhau tạo ra các nốt nhạc í nhỉ, xong còn có anh kéo đàn gì ấy bằng mồm, xong anh í còn hát khá hay, đoạn kết là phần hát và múa hầu đồng. Phần biểu diễn của các nghệ sĩ mình đánh giá là rất xuất sắc, tất cả các nghệ sĩ đều cố gắng hết mình để mang đến cho khán giả những tác phẩm xuất sắc, khách tham quan cũng hưởng ứng khá tích cực với các tiết mục độc đáo này. Tuy nhiên, về tổng thể thì sao? Nếu khách tham quan không đi vào trong ba khung giờ 11h, 3h và 6h chiều, thì thực sự tham quan gian hàng Việt Nam như kiểu ta đang đi vào một hội chợ mua bán hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó ta có thể ăn đồ ăn Việt Nam ở nhà hàng. Chỉ có thể xem ca nhạc vào 3 khung giờ trên trong ngày. Nếu bạn đi vào buổi tối thì chịu, chả có gì để xem, may ra có thể mua đồ ăn để ăn là hết. Ta đi vào rồi đi ra, không có gì đáng coi cả. Thế nên cũng chẳng có hàng nào xếp ngoài cửa gian hàng Việt Nam, trong khi có những gian hàng người chờ bên ngoài nhiều quá, ban tổ chức phải xếp rất nhiều quạt hơi nước để quạt cho du khách bớt nóng trong cái nóng mùa hè.

Đến đây thì với sự so sánh với các quốc gia khác trong triển lãm, ta có thể thấy vì sao mình lại đưa ra kết luận như trên phần đầu tiên mình trình bày. Bài báo của báo Sài Gòn Tiếp Thị đã nói về sự lạc đề của gian hàng triển lãm năm nay, lần này đi xem chứng kiến tận mắt và so sánh giữa các quốc gia, mình lại có dịp khẳng định lại lần nữa sự lạc đề nghiêm trọng này. Nếu ban tổ chức Expo Milano 2015 đã ra đề là dinh dưỡng cho nhân loại, nuôi sống toàn cầu, thì ít ra, một vài món ăn truyền thống của các vùng miền cũng phải được mang tới, và làm tại chỗ để cho các thực khách được biết đến quy trình làm một vài món ẩm thực truyền thống của đất nước nó ra sao. Hay chẳng hạn, rượu nếp là đặc sản của nước mình, hay rất rất nhiều các loại đặc sản của các vùng quê nữa, tất cả chỉ có thể là một chữ nếu. Chúng ta thiếu các cô các bác nông dân có thể ngồi chế biến tại chỗ sản phẩm đặc sản của các vùng miền chăng? Sẽ là đòi hỏi quá đáng nếu yêu cầu một bữa buffet đặc sản 3 vùng miền, nhưng tối thiểu, trong khuôn viên triển lãm rộng như vậy, mà không có lấy nổi một chỗ nào đó cho một thứ đặc sản nào của Việt Nam, thì thật là đáng trách. Nếu như chúng ta có thể huy động được những cá nhân có đủ tài, đủ trình độ để làm được một triển lãm tốt hơn thì sẽ  mang đến cho bạn bè thế giới những gì tinh tuý hơn. Cộng đồng mạng Việt Nam hiện nay khá mạnh, khi được kêu gọi, có lẽ họ cũng không từ chối nghĩa vụ tham gia giúp cho triển lãm tốt hơn. Dĩ nhiên, ta cũng nên nói thẳng vào vấn đề đó là cần tiền để làm, thế nhưng, khi đã bỏ tiền ra để xây dựng toà nhà triển lãm bằng tre bao nhiêu đó tiền rồi, thì bên trong nội dung của nó cũng phải xứng đáng chứ đừng có làm đầu voi đuôi chuột, nhà bên ngoài thì đẹp mà bên trong thì chẳng có gì, nội dung hoàn toàn sáo rỗng.

Tôi không có điều kiện để được biết xem họ làm gian hàng tốn bao nhiêu tiền, và tiền từ ban tổ chức giao cho là bao nhiêu, và tiền chi trả cho nhân viên thế nào. Thiết nghĩ, nhà nước nên công khai mọi thứ, từ khâu chuẩn bị cho việc xây dựng Expo sắp tới ở Dubai năm 2020 trên các phương triện truyền thông, để các thành phần trí thức, nhà thiết kế, những tài năng đất nước có dịp phát huy tài năng của mình đóng góp cho sự phát triển một không gian triển lãm Expo đúng với chủ đề mà ban tổ chức giao cho, đừng như Expo lần này ăn trứng ngỗng to đùng Trung tâm triển lãm quốc gia à. Nếu cảm thấy làm tốt được thì hẵng làm, đừng bưng bê y nguyên mấy món đồ đã triển lãm năm 2010 ở Expo Thượng Hải mang sang đây dùng, rồi để cho mấy tiểu thương bán hàng từ miền Nam ngồi bán hàng lưu niệm tại quầy hàng lưu niệm, nhà hàng thì trông đợi vào sự hợp tác của một nhà hàng từ bên Đức sang là đủ cho một triển lãm Expo toàn cầu! Hãy nhớ, hàng chục triệu du khách đến với Milan năm nay tham dự Expo toàn cầu là những du khách tiềm năng, họ đã bỏ tiền vé 39 euro/1 ngày cộng với vé máy bay, vé tàu, khách sạn đi sang đây tham quan, họ có thể sẵn sàng bỏ tiền sang du lịch các nước trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.

Một điều đáng phê bình nữa mà mình chứng kiến là cô nhân viên nhà hàng tuy mặc áo dài nhưng với đôi dép vứt ngay giữa lối đi ngồi bệt xuống đất húp tô bún ăn xộp xoạp. Chỉ thấy sao nó lại có thể diễn ra trong một dịp Expo trang trọng như vậy được cơ chứ? Thưa cô, đó tuy là nhà hàng do các cô mang sang từ Đức, nhưng nhà hàng trong khuôn viên Expo như là đại diện cho hình ảnh về nhà hàng cho cả nước Việt Nam vậy, xin cô hãy hành xử văn minh giữa xứ người vì hàng ngày có hàng ngàn con người tới tham quan các gian hàng, có lẽ tình cờ họ cũng sẽ đi qua gian hàng Việt Nam của mình đấy cô ạ! Mình đi vội qua chỉ muốn cúi mặt thật thấp vì sự nhục nhã.

Milan, viết sau 2 ngày tham quan Exo, 05/08/2015

H.P.

Nguồn: https://svmilanovn.wordpress.com/2015/08/05/viet-cho-1-ngay-di-xem-expo/

___________________________

 2. NỖI NHỤC QUỐC THỂ Ở MILAN

Tôi ít khi đặt tựa cho các bài viết trên FB của mình, vì quan niệm đó chỉ là những status ghi lại những cảm xúc và suy nghĩ nhất thời chứ không phải là những bài báo. Nhưng lúc này thì thật sự thấy cần đặt một cái tên cho status này để gọi đúng nỗi đau và nỗi nhục của người Việt chúng ta!

Sau gần chục ngày rong ruổi ở Ý, gia đình tôi quyết định dành lại ngày cuối cùng để đến Expo 2015 tại Milan, thay vì đi thăm Venice như kế hoạch đã định.

Ý tưởng này xuất phát từ khi cả nhà nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của VN chen vai cùng cờ của các quốc gia khác trên khắp các đường phố của Milan và các poster quảng bá cho Expo 2015.

Expo Milan 2015 có chủ đề “Feeding the Planet – Energy for Life”, quy tụ 145 quốc gia tham dự (chưa kể 17 tổ chức và khoảng 25 tập đoàn toàn cầu). Diễn ra từ 1/5 đến 31/10/2015, Expo Milan dự kiến sẽ đón khoảng 20 triệu lượt khách thăm viếng. Kể từ Expo Thượng Hải 2010, sau 5 năm hội chợ kinh tế toàn cầu quan trọng này mới trở lại. Đây là cơ hội lớn cho việc quảng bá ẩm thực, du lịch và giới thiệu hình ảnh quốc gia ra thế giới, vì thế, các nước đều chuẩn bị chăm chút rất kỹ cho việc tham gia. Chúng tôi tự cho mình may mắn khi đến Milan vào đúng dịp này và vừa đặt chân đến Hội chợ là tìm bằng được ngôi nhà Việt Nam để thăm trước tiên! Nhưng ngay khi vừa tìm được “một góc quê hương” ở đây, lập tức chúng tôi đã phải hối tiếc về sự háo hức, hăm hở của mình! Hơn cả thế, đó còn là cảm giác vô cùng thất vọng và xấu hổ cho đất nước!

Khu vực của VN giống như một gian hàng xén trong chợ! Không có được một lá cờ cắm tại đây (ngoài lá cờ treo dọc của Ban tổ chức phía trước để giới thiệu khu vực của từng quốc gia theo quy định chung). Cũng không có được một tấm bảng nào để giới thiệu các thông tin tổng quan về đất nước. Tầng trệt trưng bày lèo tèo một vài sản phẩm được giới thiệu là gốm Bát Tràng và sơn mài của Từ Sơn (Bắc Ninh). Một số bình, lọ giả cổ, tượng nghê… với vài thông tin giới thiệu chung chung, không rõ nguồn gốc. Một sân khấu nhỏ trưng bày vài loại nhạc cụ dân tộc. Khu vực ẩm thực phía sau bán một vài món ăn không hề là đại diện cho ẩm thực VN và được chế biến dở chưa từng thấy! Gia đình tôi gọi thử các món phở xào, miến xào, gỏi cuốn, bún thịt bò xào Nam Bộ, gà chiên tẩm bột, mỗi thứ một phần mà ăn không hết bởi các nguyên liệu đã kém phẩm chất mà hương vị thì như kiểu của các suất ăn công nghiệp! Mà cái cách để đồ ăn chế biến sẵn vào quầy kính rồi múc cho khách như vậy cũng đã là kiểu công nghiệp rồi! Thiếu vắng hẳn những “đại diện ẩm thực” tinh tế và hấp dẫn của VN như: Phở, bánh cuốn, bánh xèo, hủ tiếu, bánh canh, miến gà, chả lụa, bánh chưng, bánh giò, chè ba miền… Các con gái tôi cứ xuýt xoa tiếc, nói chỉ cần một cái xe bán bánh mì kẹp thịt kiểu VN cũng sẽ cực kỳ thu hút thực khách, vì bánh mì kẹp thịt của VN vốn đã nổi tiếng về hương vị rất riêng và từng được bình chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất trên bản đồ ẩm thực quốc tế.

Đi lên tầng 1, cảm giác thất vọng và xấu hổ mới rõ nét ê chề! Ngoài vài chiếc ti vi nhỏ xíu tua đi tua lại những đoạn phim quay sẵn về các thắng cảnh ở đất nước VN mà chẳng ai buồn xem, toàn bộ khu vực này tập trung bày bán đủ các loại hàng hoá tạp nham như quần áo, thiệp xếp tay, hũ, lọ sơn mài, nón lá, túi xách… Độ phong phú, tinh xảo của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hay quần áo ở đây còn thua xa những sản phẩm ở một sạp hàng bình thường của bà con tiểu thương tại chợ Bến Thành! Đáng ngạc nhiên là một vài bộ trang phục nam, nữ trưng bày trên các mannequin lại toàn là kiểu áo Tàu! Có một bộ trang phục áo dài duy nhất thì cũng không phải là tà áo dài truyền thống của VN mà là kiểu áo dài cách tân với nút Tàu theo kiểu xường xám.

Tôi hỏi một vài nhân viên phục vụ tại quầy ẩm thực cũng như tại khu bán hàng rằng các em đuợc Bộ Thương mại hay Tổng cục Du lịch cử đi, nhưng tất cả đều cho biết rằng các em đến từ các công ty tư nhân! Chưa tin ở tai mình, tôi hỏi đi hỏi lại, các em đều trả lời rằng “công ty của chúng cháu tổ chức gian hàng này”. Cậu thanh niên đứng bán nón lá còn tỏ vẻ bực bội, chắc vì thấy tôi hỏi nhiều nên khẽ gắt: “Ở đây là mấy công ty tư nhân cùng làm nhưng ai biết của người nấy, không liên quan gì đến nhau đâu mà cô hỏi!”.

Ôi, ở một hội chợ kinh tế quốc tế đầy tiềm năng thế này mà đất nước ta lại xuất hiện một cách cẩu thả, sơ sài và rẻ tiền như vậy sao? Tôi cùng cả gia đình thực sự phẫn nộ trong buổi chiều hôm nay ở Milan. Ai và vì sao lại cho phép “bán đứng” việc tham gia Expo Milan 2015 cho các công ty tư nhân tổ chức như thế này?

Càng đi tiếp tham quan gian trưng bày của các quốc gia khác, càng cảm thấy nhục nhã với sự xuất hiện của đất nước mình ở đây. Do tập trung để quảng bá và giới thiệu hình ảnh của đất nước mình nên chẳng có quốc gia nào lại lo đi bán đồ như ở gian hàng VN. Thứ phổ biến nhất họ bán là đồ ăn để giới thiệu đặc trưng ẩm thực của đất nước mình. Một số nước như Pháp thì cũng bán đồ lưu niệm, nhưng là những mặt hàng áo, mũ, huy hiệu… có in logo và khẩu hiệu của Expo Milan 2015, chủ yếu để khách làm kỷ niệm. Nói chung, gian hàng của tất cả các nước đều được chăm chút rất chu đáo để thể hiện bộ mặt quốc gia, vì thế, tôi chắc chắn rằng không một đất nước nào trong số 145 nước tham dự sự kiện Expo mà lại giao phó cho tư nhân làm như kiểu VN.

Đáng nói là không chỉ các nước lớn (như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật…), hoặc giàu có (như các quốc gia Trung Đông : Quata, Oman, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất…) có khu trưng bày hoành tráng, lộng lẫy mà ngay cả những nước “bằng hoặc dưới level” với Việt Nam trong khu vực ASEAN như Lào, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Thái Lan… cũng thể hiện cực kỳ trang trọng và kiêu hãnh về bản sắc văn hoá cũng như các thế mạnh riêng của đất nước mình thông qua các gian trưng bày của họ. Càng đi xem, càng choáng ngợp với sự phô trương muôn vẻ về văn hoá, đất nước và con người của các quốc gia trong Expo 2015, và lại càng thấy đau cho Việt Nam của tôi! Không biết ngân sách hàng năm cho xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch đã được đổ vào đâu và sử dụng như thế nào mà để rồi chúng ta không thể làm nổi một gian trưng bày cho nó ra “thể diện quốc gia” ở một sự kiện kinh tế toàn cầu thế này? Hay là mình không đủ tiền đầu tư nên phải khoán cho tư nhân là? Thật khó tin và không thể chấp nhận được điều này khi mà vẫn đang có những dự án hàng trăm, hàng nghìn tỷ đổ ra chỉ để xây các tượng đài!

Khi đến gian trưng bày của Mỹ, vừa bước vào cửa chính đã thấy đập ngay vào mắt hình ảnh Tổng thống Obama trên màn hình lớn đang giơ tay chào mọi người và giới thiệu về nước Mỹ, thấy phục họ quá! Một nước lớn và giàu có như thế mà Chính phủ của họ vẫn phải đưa đích thân Tổng thống ra để quảng bá về đất nước họ như vậy, trong khi đó nước mình thì…

Chưa hết, các con gái tôi còn kể lại. Do trong Expo có bán các cuốn hộ chiếu (passport) để khách thăm viếng mua và khi đến “thăm” nước nào thì xin đóng dấu vào đó để làm kỷ niệm. Thấy các con thích thú, tôi cũng mua cho các cháu hai cuốn để đi xin dấu các nước. Sau một hồi quay về, các con khoe đã xin được 38 con dấu, nhưng phàn nàn là đến VN thì cô tiếp tân ngồi ở đó lạnh lùng nói với các con là tự cầm dấu đóng đi, trong khi đến nước nào các con cũng được nhân viên của họ vồn vã chào hỏi, đóng dấu và còn cám ơn nữa! Trước đó ít phút, chính mắt tôi cũng đã nhìn thấy cô nhân viên này (mặc áo dài nhưng lại khoác một chiếc áo khoác to sụ bên ngoài giữa mùa hè, không hiểu vì sao???) ngồi ở quầy tiếp tân nhưng cứ dí mắt vào máy laptop, chả bận tâm gì đến xung quanh. Vài vị khách cầm passport ghé lại, thấy con dấu nằm chỏng chơ sẵn trên mặt quầy, đành tự lấy đóng vào cuốn hộ chiếu của mình luôn rồi đi ra!

Một ngày, không thể đủ để đi thăm hết 145 quốc gia trong cái khu triển lãm rộng tới 200 ha này của Milan. Nhưng chỉ bấy nhiêu đó cũng đã quá đủ cho chúng tôi thấy được thật nhiều sự khác biệt giữa nước mình với nước người, để hiểu rằng tại sao chúng ta không thể phát triển được!

Càng nghĩ, càng thấy đau. Và tức. Và nhục!

Ngày cuối cùng ở Ý hoá ra lại làm cho cả nhà cảm thấy thật nặng nề và buồn bã! Biết vậy tới thăm Venice còn hơn! Tự nhiên hăm hở đi cái Expo Milan 2015 làm chi để rồi bây giờ về ôm một cục tức mà đầu thì đau như bị ai vừa cầm búa nện vào!

P/s: Tối về, bực mình vào google tìm xem báo chí ở nhà sao không thấy lên tiếng gì vụ này? Hoá ra trước đây cũng đã có một vài báo đưa tin về việc VN tham gia Expo Milan 2015, nhưng chỉ toàn khen kiến trúc của cái nhà VN này rất đẹp, rất ấn tượng với thế giới! (Đọc mà thật sự suýt buột miệng dùng tiếng… Đan Mạch). Chỉ riêng có Thanh Niên online ngày 6/6/2015 có bài viết với tựa đề khá dài : “Ngôi nhà VN tại Expo 2015 “chẳng có gì để xem”: Đề án một đằng, làm một nẻo”, cùng bức ảnh minh họa được chú thích là do Việt kiều ở Milan gửi về. Trong bài viết này, có ông Phó Giám đốc Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ gì đó lý giải rằng với thời gian kéo dài tới 6 tháng như vậy và cả hàng nghìn lượt khách mỗi ngày như thế thì ý định mua hạt sen sang để đãi khách dùng với trà sẽ không thể thực hiện được vì số tiền mua hạt sen sẽ rất lớn! Ngoài ra, cũng vì kéo dài lâu như thế nên cũng không thể in catalogue phát cho khách để xúc tiến du lịch vì sẽ rất tốn kém! (Lại không thể không buột miệng chửi thề thêm một lần nữa – xin lỗi các bạn!).

Biết thêm: Việc tham dự Expo Milan 2015 đã được Chính phủ giao Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch cùng Trung tâm Hội chợ triển lãm VN thực hiện. Chỉ riêng kinh phí mang cái “nhà VN” sang đã mất 57 tỷ đồng!

Và nó như thế này đây…

Mặt tiền của ngôi nhà Việt Nam với kiến trúc kiểu nhà tre đã quen thuộc của KTS Võ Trọng Nghĩa, hoàn toàn không phải là độc đáo đến độ “thế giới phải ấn tượng” như một vài báo trong nước đưa tin!

Quầy thức ăn biểu tượng cho ẩm thực quốc gia mà trông không khác gì cái quầy bán cơm bình dân và tất nhiên thua xa cách bày biện kiểu buffet gánh mà Saigon Tourist đã thực hiện để giới thiệu về ẩm thực VN ở Sài Gòn trong thời gian qua.

Trái cây VN lèo tèo chỉ có thế này đây!

Trong tủ mát này chỉ có bia Sài Gòn của VN, còn lại toàn bộ là các nhãn hiệu nước uống đóng chai của… Ý!

Trang phục nam, nữ của Việt Nam đây!

Và đây có phải là tà áo dài duyên dáng của Việt Nam???

Con vật này xuất xứ từ đâu? Ý nghĩa là gì? Không ai biết vì không một lời giải thích đi kèm. Chỉ trưng bày chơi vậy thôi!

Tượng này chỉ được chú thích là đầu phượng hoàng. Xuất xứ từ đâu và đại diện văn hóa vùng, miền nào cũng không được đề cập! Sự cẩu thả (hoặc dốt nát) thể hiện rất rõ trong cách trưng bày các vật phẩm kiểu này.

Có thể tưởng tượng được cách trưng bày giới thiệu về VN thế này ở một sự kiện kinh tế toàn cầu không?

Không khác gì một gian hàng xén ở tỉnh lẻ!

Thực đơn đại diện tinh tuý của ẩm thực VN đây!

Quần áo này chắc mang từ Tàu cộng sang để bán?

Đây là thông tin giới thiệu tóm tắt về đất nước ở gian trưng bày của Ireland. Tất cả các quốc gia có gian trung bày tại Expo đều có các bảng thông tin thế này và cờ nước tung bay kiêu hãnh tại khu vực của mình, trừ Việt Nam!

Bên trong gian trưng bày của Indonesia thật hoành tráng với màn hình lớn bao vòng tròn hết toàn bộ phòng chính để giới thiệu các hình ảnh về đất nước, con người và văn hoá Indonesia.

Một bản đồ giới thiệu vùng biển của Indonesia. Những ai chưa biết VN mà đến khu của VN thì sẽ nghĩ VN không có biển vì không có bất cứ thông tin nào kiểu như thế này!

Ở trên tầng một của nhà VN có treo mấy cái TV thế này đây! So với các màn hình hoành tráng ở khu trưng bày của các quốc gia khác cùng trong khu vực như Indonesia thì những cái TV treo tường này trông thật thảm hại!

Trung Quốc dựng cả một toà thành trập trùng như Vạn Lý Trường Thành và chơi nguyên một màn hình lớn ra ngay mặt tiền để trình chiếu các thắng cảnh Trung Hoa.

Cũng là thúng, mủng, nong, nia… nhưng Brunei có cách bài trí cực kỳ ấn tượng và sang trọng.

Expo 2015 chia các nước tham gia theo từng nhóm như : Sản xuất lúa gạo, ca cao, cà phê, sản phẩm thịt, sữa, ngũ cốc… Lào, Campuchia, Bangladesh, Myanmar… tập hợp tại một khu vực có chung phong cách bài trí tôn vinh nền văn hoá lúa nước, nhưng không hiểu sao Việt Nam ở kế cận lại tách riêng? Rốt cục không biết VN thuộc nhóm nước có thế mạnh gì và sản xuất được cái gì? Thế thì cái danh xưng “vựa lúa của thế giới” là sao?

Nhìn đoàn người xếp hàng dài gần cả cây số để vào thăm Thái Lan mà thấy uất ức quá!

Cũng vậy, phải chờ từ 1,5 giờ đến 2 giờ mới có thể vào thăm khu của Nhật!

Israel kiêu hãnh với danh xưng là “cánh đồng ngày mai” của thế giới. Gian trưng bày của họ tự hào phô bày các thành tựu của một trong những nền nông nghiệp kỹ thuật cao, hiện đại nhất thế giới.

Lối vào cổng chính của Pháp với thiết kế như đi từ cánh đồng rau vào nhà vô cùng đẹp mắt!

Tổng thống Obama “đón chào” mọi người đến “thăm” nước Mỹ ngay tại lối vào!

N.T.O.

Nguồn: https://www.facebook.com/oanh.nguyenthi.96/posts/883260921709400

 

 

 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.