“Ví đây đổi phận làm gái được”!

Vâng, đúng thế, “làm gái”. Là chuyện “tướng Quách Bá Hùng giả gái để dễ trốn thoát sự vây bắt của cánh Tập Cận Bình” được báo chí đã giật những cái tít rất đậm.

Đây là một ông tướng Tàu khác chứ không phải tướng Tàu mà Hồ Xuân Hương diễu trong “Ví đây đổi phận làm trai được” khi “Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo. Kìa đền Thái thú đứng cheo leo”! Là cái ông thái thú Tàu xâm lược và bị vây đánh không còn đường thoát đã thắt cổ tự tử vào năm 1789. Để giữ hoà hiếu với nhà Thanh, vua Quang Trung cho mang xác họ Sầm đưa về cố quốc, đồng thời cho phép bà con Hoa kiều xây đền thờ gần nơi y tự vẫn. Nay Hà Nội vẫn còn ngõ Sầm Công ở khu vực phố Đào Duy Từ. Phải chăng là một nghĩa cử trước cái chết và cách chết của một “nam tử hán” nơi sa trường!

E chẳng cần phải lôi chuyện trăm năm trở lại bàn làm gì. Mà nếu định bàn thì nên bàn ngay vào chuyện mới xảy ra vài tháng thôi. Cho đỡ dài dòng. Chẳng hạn như ông Phạm Quang Nghị chắc chẳng phải đi đâu xa, đến ngay ngõ Sầm Công thắp một nén nhang biểu tỏ sự chân tình thì cũng là chuyện hay! Có khi còn hay hơn món quà tặng ông McCain trong chuyến “đi sứ” sang Mỹ dạo nọ. Hay hơn vì nó còn biểu tỏ được tí chút nét truyền thống nhân văn và khoan dung của dân tộc tuy có phần thô thiển. Nhưng, thô thiển vẫn đỡ hơn cù lần trong mẹo vặt mà “bà chúa thơ nôm” đã bình “thì sự anh hùng há bấy nhiêu”!

Nhưng, bài viết này lại nhằm bàn về một “sự anh hùng” về những người “đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” gói trong mười sáu chữ bịp bợm kia. Theo nguồn tin trên tờ Trung Quốc Thời báo ở Đài Loan, Quách tướng quân năm nay 73 tuổi, đã quyết định trốn khỏi Trung Quốc sau khi một Phó Chủ tịch của Quân ủy Trung ương khác là tướng Từ Tài Hậu, bị bắt vào tháng Ba năm ngoái 2014.

 

 

Tướng Từ Tài Hậu và tướng Quách Bá Hùng, đều là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương.

 

Tướng Quách được cho là đã nhờ ba nhân vật giúp đỡ: Trần Hồng Nham, Phó Chính ủy Quân khu Bắc Kinh, Vương Thanh, lãnh đạo bộ phận hậu cần của Không quân Trung Quốc, và Lưu Tử Vinh, Phó Giám đốc cơ quan kiểm soát không lưu Trung Quốc. Vào lúc 6 giờ sáng ngày 15/07/2014, ông Quách trong trang phục phụ nữ và đội tóc giả, đã ra đón một chuyến bay tại sân bay quốc tế Bắc Kinh đi đến sân bay quốc tế Thượng Hải, với dự định lấy một chuyến bay khác để trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, một quan chức Cục Quản lý không lưu đã phát giác và báo cáo cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập lập tức ra lệnh cho lãnh đạo bộ phận chống tham nhũng là Vương Kỳ Sơn đóng cửa 12 phi trường ở miền Bắc, và miền Đông Trung Quốc, ngăn chặn không cho ông Quách trốn thoát. Nguồn tin của tờ Trung Quốc Thời báo cho biết tiếp là lúc đó ông Quách đã leo lên được một chiếc phi cơ ở Thượng Hải, chuẩn bị cất cánh, bỗng sững sờ khi thấy công an xuất hiện. Kế hoạch đã bại lộ. Ba nhân vật giúp ông Quách đào thoát không thành thì Lưu Tử Vinh đã nhảy lầu tự tử, Trần Hồng Nham và Vương Thanh đang bị điều tra.

Thật ra, chuyện hạ bệ và thủ tiêu đối thủ ở Tàu đâu có gì lạ mà phải viết. Đọc “Đông Chu Liệt Quốc” của Phùng Mộng Long còn nhiều chuyện ly kỳ rùng rợn hơn nhiều. Đấy là truyện cổ. Chuyện mới thì đọc “Mao Trạch Đông nghìn năm công tội” của Tân Tử Lăng còn ghê tởm và khủng khiếp hơn trong việc thanh toán đối thủ chính trị gồm những người vốn là đồng chí cùng nằm gai nếm mật, vào tù ra tội, sống chết có nhau và cùng thực hiện phương châm “súng đẻ ra chính quyền” của Mao. Nhưng rồi cũng vì cái “quyền” đó mà trăm mưu nghìn kế diệt nhau để thực hiện cái triết lý “bất độc bất anh hùng”! Độc đây không phải là “độc ác” hoặc chỉ là “độc ác”, mà là “chỉ một”, là “độc tôn”, “độc quyền”. Độc tôn “thiên tử”, độc quyền Tổng Bí thư!

quyền ở đây là thần quyền hay thế quyền hoặc là sự giao thoa của nó với sự xuất hiện của những biến thái độc đáo như “Đại dân quốc Hồi giáo nhân dân xã hội chủ nghĩa Libya” của Gaddafi, hay là “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” của Mao thì thanh trừng, tiêu diệt đối thủ để chiếm giữ vị thế độc tôn cũng là tất yếu. Ai đã đọc “Tam Quốc” của La Quán Trung đoạn “Tào Tháo luận anh hùng” chắc sẽ nhớ hình ảnh Lưu Bị thất sắc đánh rơi đũa khi Tào Tháo cười mà rằng “anh hùng trong thiên hạ nay chỉ có Sứ quân và Tháo đây”, với ngụ ý “có tôi thì không có anh”. Nên nhớ cho là Mao đã từng tự ví mình như Tào Tháo và coi Tưởng Giới Thạch như Lưu Bị để tự phong cho mình và Tưởng là anh hùng trong thiên hạ, rồi Mao sẽ đánh bại Tưởng như Lưu Bị thua dưới tay Tào Tháo.

Cái tất yếu tàn nhẫn ấy thể hiện rất rõ trong cung cách Mao thanh toán Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, rồi thủ đoạn diệt Lâm Bưu, người sát cánh cùng Mao trong vụ thanh toán Lưu, tiếp đó vụ “bè lũ bốn tên” hạ bệ các đối thủ của Mao – Lâm, trong đó có Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, để rồi khi Mao nằm xuống thì bị Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng phế truất. Thật ra thì Chu và Đặng cũng nhiều phen thất điên bát đảo bởi Mao với sách lược “lôi kéo Đặng, bài trừ Chu”. Mao muốn Đặng liên kết với “tứ nhân bang” nhằm tăng sức mạnh quyền lực trừ khử Chu nhưng vẫn nghi ngờ và e ngại Đặng. Thế là thủ đoạn của Mao chơi con bài Lưu, khống chế Lâm, lại chơi con bài Lâm khống chế Lưu, rồi Chu và Đặng cũng bị Mao đặt vào trong vòng xoáy ấy để vị trí của Mao an toàn. Theo con đường của Mao, thủ đoạn ấy được tiếp tục thực hiện xuyên suốt trong các cuộc thanh trừng nội bộ những người cầm quyền chóp bu để độc chiếm ngôi vị đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc!

Rốt cuộc, khi Mao đòi hỏi “phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thuỷ Hoàng” thì “thiên tài vĩ đại nhất của giai cấp vô sản”, tước hiệu Lâm Bưu gán cho Mao để mong sẽ được Mao truyền ngôi cho, nhưng rồi người được truyền ngôi không là Lâm mà là Giang Thanh. Đúng là “truyền ngôi” theo ý nghĩa nguyên thuỷ của nó để nhằm che đậy những sai lầm trong ba năm “Đại tiến vọt” và tai hoạ khủng khiếp của 10 năm Đại cách mạng văn hoá. Bởi lẽ, muốn không bị thanh toán sau khi chết, không thể dựa vào Lưu Thiếu Kỳ đã đành, còn Lâm Bưu cũng chỉ là chiếc gậy để diệt Lưu, chỉ có thể dựa vào vợ và cháu. Vì vậy Mao đã chơi con bài “người kế tục” không mấy khác biệt với các “thiên tử” truyền ngôi xưa kia, thậm chí còn tởm lợm hơn: truyền ngôi cho Giang Thanh để rồi đến Mao Viễn Tân. Vậy là, nói như Tân Tử Lăng, tác giả của “Mao Trạch Đông nghìn năm công tội”: “Đại cách mạng văn hoá là dùng cái lý luận tiếp tục cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản cấp tiến nhất để che đậy thực chất quá độ từ đảng trị sang gia đình trị.

 

Lưu bị Mao và Giang Thanh dùng Hồng Vệ binh hạ nhục

 

 

Đến lượt Giang Thanh bị tóm cổ đưa ra Toà án xét xử

 

Cũng để tiếp tục cuộc “cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản” ấy, sau khi thanh toán “bè lũ bốn tên”, Đặng Tiểu Bình đã không ngần ngại cho xe tăng nghiền nát những sinh viên và thanh niên ưu tú của Trung Quốc trên quảng trường Thiên An Môn đòi dân chủ. Đối với bên ngoài thì Đặng phát động cuộc chiến tranh với Việt Nam, người bạn láng giềng “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” mà sau này tướng Lưu Á Châu công khai giải thích: “bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc đã được cất lên từ cuộc chiến tranh này”.

 

 

Sự kiện Thiên An Môn

Tù binh Trung Quốc trong “Chiến tranh biên giới” 1979

 

Và rồi hôm nay Tập Cận Bình đang kế tục xuất sắc sự nghiệp của Đặng với “giấc mơ Trung Hoa” bằng những bước đi quyết liệt hơn. Những bước đi ấy, xét cho cùng là nhằm xác lập tính chính đáng của chế độ do Mao Đặng xây đắp theo phương châm “súng đẻ ra chính quyền” (đương nhiên chính quyền gắn làm một với đảng quyền, hai trong một). Nhưng khi chính quyền ra đời từ họng súng ấy bị uy hiếp thì phải vận dụng phương châm “súng chỉ huy đảng” để cứu vãn tình thế. Đấy cũng là thủ thuật của Mao – Đặng và những người kế vị họ.

Vậy thì, chẳng nhẽ học trò xuất sắc của Đặng là Giang Trạch Dân lại không biết học bài học của thầy – người từng đưa ra học thuyết “ba đại diện” mà một thời toàn Đảng, toàn dân Trung Quốc ra sức học tập – hay sao? Những cái loa tuyên truyền của Đảng ngày nào được mở hết công suất tụng ca Giang, thì hôm nay cũng lại chính những cái loa ấy đang ngày đêm nói về tội trạng tham nhũng, sa đoạ của “bè lũ bốn tên mới” mà Giang là “đại diện” ở trong hậu trường đang chuẩn bị được đưa lên sân khấu. Hình ảnh của lãnh tụ Đảng Cộng sản và vị thiên tử của triều đại xã hội chủ nghĩa Trung Quốc được hiện lên thật tởm lợm cũng trên những tờ báo mà chỉ cách mấy năm trước đã tô son vẽ phấn cho Giang.

Người ta đang ở trước sân khấu vở diễn “đả hổ diệt ruồi” của Tập để tiếp tục công việc “khó hơn lên trời” là xác lập tính chính đáng của chế độ mang trong lòng nó “cuộc đấu tranh với người là niềm vui lớn” như Mao đã từng tuyên bố. Không nói đến “cuộc đấu tranh” đó trước khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, chỉ nói hơn hai phần ba thế kỷ sau đó với cuộc tranh bá đồ vương triền miên và thảm khốc mà Mao đòi hỏi “phải kết hợp giữa Các Mác và Tần Thuỷ Hoàng”. Diễn biến cuộc đấu đá, tranh ngôi đoạt vị thảm khốc này cho thấy Tập đang quyết thực hiện “giấc mơ” của mình. Sự kiện Quách Bá Hùng chỉ là một mắt xích trong chuỗi hành động của Tập thanh toán đối thủ như những tiền bối của ông ta chứ chẳng có gì khác.

Quá trình bắt giữ và điều tra những quan chức cao cấp tham nhũng của Tập Cận Bình đang được ví với quá trình Đặng Tiểu Bình thanh toán “bè lũ bốn tên” sau khi Mao chết. Cụm từ “bè lũ bốn tên mới” được dùng để chỉ bộ tứ Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang và Lệnh Kế Hoạch – những thân tín của Giang Trạch Dân. Theo tờ Minh báo (Hong Kong) đánh giá thì xét về quyền lực, Quách Bá Hùng có tầm ảnh hưởng trong quân đội vượt xa Từ Tài Hậu. Vì vậy, việc tướng Quách ngã ngựa có thể sẽ tạo nên “cơn địa chấn” trong quân đội Trung Quốc, tiếp đó là sự liên đới của hàng loạt tướng lĩnh khác với mức độ đáng sợ hơn vụ Từ Tài Hậu nhiều lần. Chỉ riêng một chi tiết nhỏ là sự xuất hiện của lực lượng vũ trang hạng nặng cùng hơn 10 xe quân dụng bao vây biệt thự của Quách cũng gợi lên được tính gay gắt của việc thanh toán Quách! Cần lưu ý rằng Quách đã về hưu vào tháng 11.2012. Đáng lưu ý hơn nữa, sự kiện này diễn ra trước khi Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ được triệu tập như South China Morning Post đưa tin. Đây là Hội nghị của những vấn đề cấp bách như suy giảm kinh tế, những biến động của thị trường chứng khoán và chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình sắp tới.

Để hiểu hơn những gì thuộc về “thâm cung bí sử” trong dòng chảy thời cuộc ở Trung Quốc từ Đặng đến Tập, có lẽ cần nhắc nguyên văn một đoạn trong bài của tướng Lưu Á Châu vừa gợi ra ở trên: “Ý nghĩa của chiến tranh luôn luôn ở ngoài chiến tranh. Cuộc chiến tranh này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để cho hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ. Năm 1978 đồng chí Tiểu Bình được phục hồi, tháng 1 năm 79 thăm Mỹ, tháng 2 đánh nhau. Xem xét từ chính trị thấy, trận đánh này không đánh không được. Vì sao vậy? Sau khi đồng chí Tiểu Bình phục hồi ý tưởng chiến lược cải cách mở cửa Trung Quốc đã hình thành trong tim gan đồng chí, muốn thực hiện ý tưởng chiến lược đó cần phải xây dựng được quyền uy tuyệt đối trong đảng. Phải đánh một trận. Lúc đó lũ bốn người vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong đảng chống Đặng càng chống đường lối và chính sách của ông hơn. Muốn cải cách cần phải có quyền uy. Biện pháp nhanh nhất để xây dựng quyền uy là đánh nhau…”. Viên tướng này chẳng cần úp mở mà nói toạc ra:

Đánh Việt Nam là đã vạch ranh giới giữa Trung Quốc với cái gọi là mặt trận xã hội chủ nghĩa Liên Xô… Mười năm trước đồng chí Tiểu Bình đã nhìn rõ điểm này, dùng cuộc chiến tranh đó để vạch rõ ranh giới với anh… Vừa rồi tôi nói trận đánh này cũng là đánh vì người Mỹ, có nghĩa là nói để cho người Mỹ hả giận. Có chứng cứ không? Có. Ngày hôm kia đồng chí Tiểu Bình vừa rời Nhà Trắng Mỹ về thì ngày hôm sau đánh. Vì sao muốn để người Mỹ hả giận? Người Mỹ vừa vỡ đầu sứt tai chạy khỏi Việt Nam. Vì sao chúng ta phải làm cho họ hả giận? Thực ra điều đó cũng không phải vì Mỹ mà là vì chúng ta vì cải cách mở cửa. Trung Quốc muốn cải cách mở cửa mà không có viện trợ của phương Tây đứng đầu là Mỹ là không có khả năng. Đánh trận này, viện trợ kinh tế, viện trợ khoa học kỹ thuật, bao gồm cả viện trợ quân sự và tiền vốn sẽ không ngừng chảy vào Trung Quốc”.

Thế là rõ. Cái gọi là 16 chữ vàng và bốn tốt của người bạn láng giềng “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” đã hiện nguyên hình là sự lừa mị, bịp bợm của môn võ Tàu quen thuộc khi chính họ “đã vạch ranh giới giữa Trung Quốc với cái gọi là mặt trận xã hội chủ nghĩa”. Thế mà vẫn có những đầu óc lú lẫn và tinh thần bạc nhược vẫn cứ tin vào sự lừa mỵ của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa”! Đừng quên là viên tướng này đang được xem là có tư tưởng cấp tiến khi y đã từng bạo mồm nói ra một sự thật: “Nếu một hệ thống không cho người dân được thở không khí tự do và phát huy sức sáng tạo đến mức tối đa, không lựa chọn đưa vào các vị trí lãnh đạo những người tốt nhất đại diện cho chế độ và nhân dân, thì hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong”. Cũng chính y đã dự đoán: trong 10 năm tới Trung Quốc không thể tránh khỏi xảy ra sự chuyển đổi từ chính trị của quyền lực sang dân chủ!

Cho dù ở đây có thấp thoáng bóng dáng của tư tưởng cấp tiến thì cái não trạng bành trướng Đại Hán đã bộc lộ không cần che đậy vẫn rõ mồn một. Chính cái chính trị của quyền lực đang sản sinh ra những cuộc thanh trừng đẫm máu trong nội bộ các thế lực cầm quyền chóp bu trong Đảng và Nhà nước Trung Quốc đồng thời gây hấn và bành trướng ra bên ngoài. Chưa bao giờ mà Trung Quốc thời Tập lại bộc lộ trắng trợn tính hung đồ của một siêu cường đối với khu vực và thế giới đi liền với tính quyết liệt trong đối nội nhằm thanh toán đối thủ với quy mô và những bước đi táo tợn đang diễn ra nhân danh tính chính đáng cách mạng để xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc.

Làm sao để có được tính chính đáng của bạo quyền muốn kết hợp giữa Các Mác và Tần Thuỷ Hoàng của chủ nghĩa Mao? Có chăng chỉ đẻ ra cái quái thai “đại cách mạng văn hoá vô sản” với hơn 30 triệu người bị giết và hơn trăm triệu người trở thành nạn nhân bị tổn thương danh dự nhằm mục tiêu loại bỏ đối thủ. Khái niệm “cách mạng” của Mao thật quá khủng khiếp.

Khủng khiếp hơn nhiều nếu đối chiếu với mệnh đề bất hủ được ra đời trong cách mạng Pháp 1789 “cách mạng ăn thịt con đẻ của mình”. Vì ở đây không chỉ là sự thanh trừng giữa khuynh hướng cực đoan và khuynh hướng ôn hoà trong trong nội bộ những người khởi xướng và thúc đẩy cuộc cách mạng để tập trung vào mục tiêu chống lại bộ phận phản cách mạng đang cố khôi phục thế lực quân quyền nhằm níu kéo lại “tính chính đáng” của vang bóng một thời.

Ở đây là sự phục chế lại một thiên tử của hình thái phong kiến tập quyền kiểu mới giao thoa với thần quyền kiểu mới đã nói ở trên được đặt cho cái tên là “thiên tài vĩ đại nhất của giai cấp vô sản”. Ông con trời của triều đại “chuyên chính vô sản” và “xã hội chủ nghĩa” này đã vượt xa Tần Thuỷ Hoàng vì Trung Hoa thời nay có hơn một tỷ dân và đang trở thành một siêu cường hung đồ. Siêu cường đó đang quyết liệt thực hiện cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa” của Tập, từng bước đưa Trung Quốc trở thành trung tâm kinh tế thế giới, đuổi kịp và thay thế vị trí siêu cường của Mỹ hiện nay. Giai đoạn “ẩn mình chờ thời”đã qua, giờ đã đến lúc gây gổ để bành trướng.

Thế nhưng, cũng chính vì thế mà bộ máy lãnh đạo Đảng Trung Quốc đang đứng trước thử thách đối nội lớn nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn 1989 như Scott McDonald đã phân tích trên National Interest. Theo ông, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục bất lực trước đà tụt dốc hiện nay của chứng khoán thì một cuộc Đại khủng hoảng Tài chính là không thể tránh khỏi. Khi đó, những gì xảy ra tại Hy Lạp hiện nay sẽ chỉ là một “chấm nhỏ” nếu so với những hậu quả mà một cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc có thể gây ra cho kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, con “Quái vật Trung Quốc không thể thuần hóa được trong trật tự quốc tế hiện hành và chính nó đang thách thức trật tự quốc tế hiện hành” như tác giả của bài chính luận sắc sảo “40 năm sau: Lịch sử đang lặp lại” đã viết. Phải chăng vì vậy mà tổng thống Mỹ Richard Nixon, người đã chìa bàn tay ra với Trung Quốc và cũng bật đèn xanh cho Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam, đã ngậm ngùi nói với William Safire, bình luận gia của New York Times vào năm 1994, trước khi chết: “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein.

Chỉ có điều, Frankenstein là nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết giả tưởng của Mary Shelley thế kỷ XIX, còn Mao, Đặng, Tập là những ông vua siêu quyền lực của triều đại “chuyên chính vô sản” thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI! Một triều đại đang khoác bộ áo “xã hội chủ nghĩa” với cái đuôi “mang màu sắc Trung Quốc. Sự tập trung và mở rộng quyền lực của Tập dường như là sự tái hiện cuộc cải cách của Đặng sau khi thảm hoạ của cuộc “đại cách mạng văn hoá” cách đây ba thập kỷ kết thúc đã đưa Trung Quốc dần trở thành một siêu cường. Nhưng cũng bởi vậy mà người ta bắt đầu liên tưởng đến hệ luỵ không sao tránh được của “cách mạng văn hóa mới” như “quả bom nổ chậm”. Phải chăng vì thế mà Tập phải tung ra chiêu võ Tàu cổ truyền đánh lạc hướng sự chú ý ra bên ngoài với những hành động ngược ngạo bất chấp dư luận của một “siêu cường hung đồ” trong ứng xử với láng giềng và gây gổ trên Biển Đông.

Thế nhưng, cho dù từ Mao qua Đặng đến Giang, Hồ và hôm nay là Tập đã mượn y phục của người xưa để hiện lên sân khấu mới của lịch sử trong cuộc tranh bá đồ vương thảm khốc thì cũng không sao tránh khỏi sự sụp đổ do nó khởi nguồn từ bên trong thể chế toàn trị phản dân chủ khi thể chế ấy đang được đẩy tới cái ngưỡng của nó. Nói như Paul Krugman, người được giải Nobel kinh tế: “Trung Quốc đã kịch đường”, còn David Shambaugh, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại George Washington University thì chỉ rõ “màn chót của chế độ Trung Cộng đã bắt đầu. Vấn đề đặt ra là hiểu cho ra những diễn biến của cái “màn chót” đó đang bắt đầu như thế nào và sẽ kết thúc ra sao.

Khúc bi hài của tướng họ Quách giả gái để chạy trốn để Tập phải huy động lực lượng quân đội với hơn 10 xe quân dụng được trang bị vũ khí hạng nặng vây bắt liệu có phải là một cảnh trong cái “màn chót” hiện nay của vở kịch do Tập đạo diễn? Vở diễn phơi bày sự rách rưới, nhếch nhác thảm hại của tấm bảng hiệu XÃ HỘI CHỦ NGHĨA mà người ta chưa kịp, hay chưa thể hạ xuống. Không hạ xuống cũng chẳng sao vì tự thân nó đã cáo chung bằng chính những nội dung của nó đã phơi bày.

Vậy thì cứ xã hội chủ nghĩa, có sao đâu. Chẳng phải đã từng có một một “Đại dân quốc Hồi giáo nhân dân xã hội chủ nghĩa Libya” của ông Gaddafi, biểu tượng của sự giao thoa giữa thế lực thần quyền Hồi giáo cực đoan với khuynh hướng xã hội chủ nghĩa cực đoan đó sao? Cho nên, nền quân chủ chuyên chế độc tài phong kiến kiểu cũ kết hợp với hình thái phong kiến tập quyền kiểu mới để cho ra đời chế độ “Xã hội Chủ Nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” của Mao thì cũng chẳng có gì phải bàn.

Cái đáng bàn là tấm bảng hiệu rách nát ấy vẫn chiêu dụ được những đầu óc lú lẫn và khiếp nhược tin theo để cố níu kéo cái ghế quyền lực đã lung lay tận gốc vì lòng tin của dân và của tuyệt đại đa số đảng viên đã sụp đổ. Và đó cũng chính là lý do thôi thúc người viết phải điểm lại những nét chính trong cuộc tranh giành quyền lực, mưu bá đồ vương nhân danh ý thức hệ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc. Viết trong suy ngẫm “trông người mà nghĩ đến ta”.

Bên Tàu như thế, bên “Ta” sao đây. Đều là Xã Hội Chủ Nghĩa cả mà! Cần “định hướng” cho sự “đổi phận” thế nào đây? Số phận mỗi con người có lương tri và số phận của cả dân tộc trước cơn lốc của thế sự. Tính sao đây?

 

T. L.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.