Báo chí, truyền thông tự do – ‘quyền lực thứ hai’

Gửi cho BBC từ Đà Lạt, Lâm Đồng

clip_image002

Nghe có vẻ ngược ngạo, nhưng sự thực đúng là như thế, bởi đây là tôi nói ở Việt Nam, hiện nay, và chắc còn tương đối lâu nữa. Tôi không hề cường điệu.

Tại các nước dân chủ, có tam quyền phân lập, thì báo chí, truyền thông tự do tự nó đã xác lập và đương nhiên được coi là quyền lực thứ tư.

Còn ở Việt Nam hiện nay không có tam quyền phân lập, tất cả quyền lực thâu tóm trong tay “Vua tập thể” (cách gọi tên sự vật rất xác đáng của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An).

Toàn xã hội nằm dưới ách cai trị độc tài toàn trị của Vua tập thể; Vua độc quyền nắm báo chí truyền thông (nuôi bằng tiền thuế của dân nhưng thường được gọi là báo lề đảng, đây chính là hành vi tham nhũng vĩ mô chưa bị khởi tố) và dùng nó, cùng với công an quân đội, làm công cụ duy trì quyền lực độc tài của mình, thì báo chí, truyền thông tự do (thường gọi là báo lề Dân) đương nhiên phải đảm trách sứ mệnh của quyền lực thứ hai – quyền lực của những người không quyền lực – như cách gọi của Vaclav Havel.

Đây là đòi hỏi của chính hiện thực khách quan chứ không phải do hứng thú chủ quan của một ai.

Xác định sứ mệnh của quyền lực thứ hai để ý thức được cái gánh trách nhiệm của những người hoạt động báo chí truyền thông tự do tại Việt Nam thật nặng nề và nguy hiểm bội phần so với ở các xứ sở khác.

Tại Việt Nam hiện nay, báo chí truyền thông tự do là cái phải đấu tranh mà giành lấy. Đã hình thành một mặt trận đấu tranh giành quyền tự do báo chí, truyền thông.

Xin gọi tắt là quyền mở miệng/thông tin – cặp từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi rất tâm đắc (“Dân chủ là trước hết để cho dân mở miệng”).

Hành vi đầu tiên

“Chỉ cần một phần mười giây nhấp chuột, một người mở miệng lập tức có hàng vạn hàng triệu người nghe thấy” – Nhà thơ, nhà báo Bùi Minh Quốc

Chẳng phải con người khi chào đời mở miệng cất tiếng khóc chính là thực hiện hành vi thông tin đầu tiên đó sao? Mở miệng nói những điều mình nghĩ, mình thấy, mình biết, những gì đúng, thật (dẫn ý từ một bài thơ của nhà thơ cộng sản Pháp Paul Eluard: “Je dis ce que je vois / ce que je sais /ce qui est vrai”).

Quyền tự do nghĩ và mở miệng nói những điều mình nghĩ là quyền tự nhiên, quyền thiêng liêng của con người, trong Hiến pháp ghi là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, thông tin.

Nhu cầu mở miệng là nhu cầu sinh tử như hít thở của từng con người và toàn xã hội nên lại phải có quyền tự do biểu tình, một dạng thức đặc biệt để thực hiện quyền mở miệng cất lên cùng một tiếng nói chung của hàng chục hàng trăm, ngàn, vạn triệu con người giữa không gian công cộng (mới đây, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đã đề xuất “Dự luật biểu tình” được hàng ngàn người tham gia ký tên tán thành và đã gửi Quốc hội).

Dưới chế độ độc tài toàn trị ngay từ thời ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN), mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng đã được các trí thức văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm, đứng đầu là nhà cách mạng nhà văn hoá Nguyễn Hữu Đang cùng nhà báo, nhà văn hoá Phan Khôi khởi dựng.

Cuộc đấu tranh bị đàn áp tàn bạo. Nhưng cũng không thể dập tắt hoàn toàn. Ngay giữa khi đại đa số dân chúng (miền Bắc XHCN) hễ mở miệng là ơn Đảng, ơn Bác thì vẫn có một số người dân dám mở miệng kể cho nhau nghe những chuyện tiếu lâm hiện đại rất hấp dẫn ẩn chứa nội dung chính trị, văn hoá rất sâu sắc phần lớn tập trung biểu thị thái độ chế giễu, phê phán giới cầm quyền và cái gọi là xã hội XHCN, con người mới XHCN (chắc chắn các nhà sưu tầm không bỏ quên mảng Folklor (văn hóa dân gian) hiện đại rất quí giá này).

Những năm gần đây, khi có máy photocopy, người dân tăng mạnh quyền mở miệng bằng các bản photo truyền nhau. Vua tập thể vốn luôn sợ dân mở miệng, cho công an đi thu từng bản photo. Người dân cười bảo công an: các chú chỉ làm cái trò lấy rổ múc nước! Ngày nay, với mạng internet, người dân có một phương tiện tuyệt vời, một sức mạnh kỹ thuật gần như thần diệu của thời đại, để thực hiện quyền mở miệng. Chỉ cần một phần mười giây nhấp chuột, một người mở miệng lập tức có hàng vạn hàng triệu người nghe thấy.

Thực hiện quyền mở miệng

Internet mở ra cánh cửa mới để công chúng có thể tiếp cận thông tin đa chiều với tốc độ truy cập cao hơn trước đây.

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng từ chỗ hình thành và phát triển tự phát, phảng phất một lối chơi tài tử, ngày càng mang tính tự giác, nghiêm túc, trách nhiệm.

Xuất hiện, thoạt tiên còn lẻ tẻ và rời rạc, những công dân trí thức văn nghệ sĩ lập các web, blog để nói lên tiếng nói độc lập của mình, thể hiện cái nhìn riêng của mình. Những tiếng nói lúc đầu đề cập những chuyện ít đụng chạm hoặc chỉ chạm nhẹ tới giới cầm quyền, rồi ngày càng hướng vào những vấn đề thế sự quốc sự hệ trọng nhất.

Một trong những trang web tiêu biểu đi tiên phong là Bauxite Vietnam (BVN), xuất xứ từ một kiến nghị do ba nhà giáo, nhà văn Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng khởi xướng yêu cầu dừng dự án khai thác bô-xit Tây Nguyên vì gây hại nhiều mặt cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, với hàng vạn công dân tham gia ký tên, như một cuộc biểu tình trên giấy, dù cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố dự án này là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Một số người bị công an đe doạ ép buộc rút chữ ký, hầu hết đều kiên quyết không rút. Ý chí giữ vững và phát triển quyền mở miệng của công dân qua thử thách lại thêm vững vàng. Ba nhà khởi xướng phát triển trang web thành một tờ báo mạng làm chức năng phản biện xã hội ngày càng có uy tín lớn.

Cùng với và tiếp sau Bauxite Việt Nam là hàng loạt các trang web, blog mở miệng phản biện nổi tiếng như ‘Ba Sàm (Thông tấn xã Vỉa hè)’ của cựu Trung tá an ninh Nguyễn Hữu Vinh, ‘blog Phạm Viết Đào’ của nhà văn Phạm Viết Đào, ‘blog Quê Choa’ của nhà văn Nguyễn Quang Lập, ‘blog Một góc nhìn khác’ của nhà báo Trương Duy Nhất, ‘blog Người lót gạch’ của GS Hồng Lê Thọ, ‘blog Tễu’ của TS Nguyễn Xuân Diện, blog Nguyễn Tường Thụy, web Dòng Chúa Cứu Thế, web Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo v.v…

Vua tập thể cuống cuồng bịt miệng dân bằng cách cho công an, ngầm kết hợp cả côn đồ, liên tục sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm, quản chế hàng loạt chủ blog, web. Nhưng vẫn không thể bịt miệng nổi.

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng vẫn giữ vững và phát triển. Các địa chỉ mở miệng nổi tiếng như Bauxite Việt Nam, Văn Việt (của Ban vận động Văn đoàn Độc lập VN), Việt Nam Thời báo (của Hội Hội Nhà báo Độc lập VN), Dân quyền (của Diễn đàn XHDS), blog Nguyễn Tường Thụy, web Dòng Chúa Cứu Thế, web Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo không ngừng tăng cao lượt người truy cập mỗi ngày.

Việc quan trọng nhất

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng đã lập được thế thượng phong, đó là thế của các công dân cùng nhau tập hợp lại đi đòi món nợ quyền dân – Nhà thơ, nhà báo Bùi Minh Quốc

Trong đấu tranh, việc quan trọng nhất là lập thế trận.

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng đã lập được thế thượng phong, đó là thế của các công dân cùng nhau tập hợp lại đi đòi món nợ quyền dân. Đây là món nợ xương máu.

Nhân dân đã đổ bao xương máu để có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản, thông tin (cùng các quyền tự do cơ bản khác như “quyền tự do biểu tình”, “quyền tự do hội họp, lập hội, lập nghiệp đoàn”, “quyền tự do ứng cử bầu cử”), mà người dân đã được hưởng dưới chính thể Dân chủ Cộng hoà năm 1946 nhưng nay bị Vua tập thể thủ tiêu và lại ngang nhiên tuyên bố vỗ nợ khi tuyên bố không chấp nhận cho ra báo tư nhân (năm 1946 đã có hàng trăm tờ báo và nhà xuất bản hoạt động sôi nổi).

Mặt trận đấu tranh thực hiện quyền mở miệng đang tập trung vào những việc sau đây:

– Vân động đòi chấm dứt bao cấp cho hệ thống báo chí, xuất bản, truyền thông nhà nước;

– Vân động đòi bổ sung vào Luật báo chí điều khoản công dân được quyền ra báo tư nhân;

– Vận động kết hợp hiệp đồng tranh đấu giữa các Tổng biên tập các nhà báo có lương tâm nghề nghiệp đang làm việc trong hệ thống báo chí Lề Đảng với lực lượng báo chí Lề Dân, hỗ trợ nhau tăng cường hàm lượng sự thật/thông tin, nâng cao chất lượng tác nghiệp;

– Vận động tổ chức đào tạo lớp nhà báo trẻ xuất thân từ công nhân, nông dân, dân oan, sinh viên bằng cách gửi đi tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài đồng thời luôn chú trọng đào tạo và tự đào tạo trong thực tế tác nghiệp tại các điểm nóng của các cuộc đấu tranh vì dân sinh dân chủ.

B.M.Q.

Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nhà thơ, nhà báo độc lập, đang sinh sống ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/08/150803_buiminhquoc_press_freedom

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.