THÓI TẬT CỦA NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO KHÔNG CHẤP NHẬN DÂN CHỦ

Trong bài diễn văn đọc trước hội nghị Liên Hiệp Phi Châu (AU) ngày thứ Ba 28/7/2015 tại Addis Ababa, Ethiopia, tổng thống Hoa Kỳ, Ông Barak Obama nêu vấn đề thiếu tinh thần dân chủ tại Phi Châu, nguồn gốc của những bạo loạn và thoái bộ. Ông nói:

“Tôi phải nói rằng tiến trình dân chủ tại Phi Châu đang có nguy cơ lớn do các nhà lãnh đạo từ chối không chịu rút lui khi nhiệm kỳ mình chấm dứt “Tôi thành thật cùng quý vị, tôi không hiểu vì sao. Tôi đang ở nhiệm kỳ thứ hai. Tôi rất ưa thích công việc (tổng thống) của tôi nhưng theo hiến pháp (HK), tôi không thể tiếp tục. Tôi nghĩ tôi là một tổng thống khá tốt. Nếu tái ứng cử, tôi có thể sẽ thắng, nhưng tôi không thể làm như vậy

“I have to say Africa’s democratic progress is also at risk from leaders who refuse to step aside when their terms end,” Obama told delegates from across the continent.

“Let me be honest with you – I just don’t understand this. I am in my second term … I love my work but under our constitution, I cannot run again. I actually think I’m a pretty good president: I think if I ran I could win, but I can’t.

Quả thật đây là vấn nạn của những nhà lãnh đạo các nước còn sơ khai về dân chủ. Những  nhà lãnh đạo ở đó vì quá say mê quyền lực mà để quốc gia phải lâm cảnh tranh chấp, giết chóc, nghèo đói…

Không cần phải nhắc đến các nước theo chế độ Cộng sản, hoặc độc tài toàn trị như Bắc Hàn, Trung Cộng, Việt Nam, Cuba, Syria…, chúng ta chỉ đề cập các nước có hình thức dân chủ, có bầu cử, có đối lập…, nhưng nhà cầm quyền dùng mọi quyền hành, mánh khóe, lợi dụng mọi khe hở để thu tóm hoặc kéo dài quyền năng.

Nước Nga sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, một thể chế dân chủ được dựng nên, người dân từng bị gông cùm xiềng xích cộng sản trên 70 năm đã được hưởng không khí tự do. Các nước từng bị Liên Xô sát nhập đã được tự mình định đoạt số phận. Nhưng một cựu nhân viên tình báo KGB là ông Vladimir Putin đã âm thầm thăng hoa đánh bóng mình để nắm chức Tổng thống Nga trong một tiến trình bầu cử dân chủ. Người ta tưởng ông Putin sẽ đem lại tự do no ấm và phồn vinh cho người dân trong nền dân chủ mới của nước Nga, không ngờ ông ta lại dùng mọi thủ đoạn để nắm quyền hành một cách trắng trợn trước mắt hàng tỷ người trên hành tinh. Nắm Tổng thống trong 2 nhiệm kỳ (10 năm), xuống làm Thủ tướng, sau trở lại nắm tổng thống với nhiệm kỳ dài hơn (6 năm), và rối cứ tiếp tục cái vòng quay quyền lực cho đến mãn đời. Nước Nga thật bất hạnh.

Sở dĩ Tổng thống Obama phát biểu như trên vì ông chứng kiến những màn nắm bắt  quyền hành một cách bất hợp pháp gây hậu quả tai hại cho xứ Phi Châu nghèo khổ này. Tổng thống Pierre Nkurunziza, nước Burundi là một thí dụ. Ông này đã cưỡng bức thay đổi hiến pháp để ông nắm thêm nhiệm kỳ thứ ba, tạo ra những bất ổn nghiêm trọng. Tương tự như vậy đã xảy ra tại nước Cộng hòa dân chủ Congo, nước Rwanda…

TT Obama bày tỏ ngạc nhiên về một số nhà lãnh đạo Phi Châu đang cố bám quyền bính nhất là khi họ đã có được nhiều tiền. Ông nói: “Khi nhà lãnh đạo cố tình thay đổi luật pháp (vào giữa nhiệm kỳ) nhằm tiếp tục ngồi lại, nó sẽ gây ra khủng hoảng, bất ổn và xáo trộn như chúng ta thấy ở Burundi. Thường đây là bước khởi đầu dẫn đến các hiểm họa. Nếu những nhà lãnh đạo nghĩ rằng chỉ có mình mới điều hành được quốc gia, nếu quả như vậy, những nhà lãnh đạo này đã thất bại trong xây dựng quốc gia của họ Ông nêu ra thí dụ của Ông Mandela, Ông nói: “giống như Washington, Ông Mandela đã tự rèn luyện mình để có quyết định rời nhiệm sở, trao quyền hành cho người khác Ông Mandela, một nhà tranh đấu bền bỉ và nổi tiếng cho nền tự do của Nam Phi chỉ giữ chức Tổng thống trong một nhiệm kỳ”.

Một số nhà lãnh đạo khác tại Phi Châu đã không làm vậy.

Teodoro Obiang Nguema Mbasogo và Jose Eduardo dos Santos đã cai trị Guinea và Angola suốt 36 năm. Tổng thống Zimbabwe là ông Robert Mugabe nắm chức tổng thống từ năm 1980 nay vẫn tại vì (35 năm). Ông ta không được mời tham dự khi TT Obama nói chuyện mặc dù ông ta là Chủ tịch của AU (Liên Phi). Quốc hội Rwanda đã bỏ phiếu thay đổi hiến pháp để Tổng thống Paul Kagame tiếp tục Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba.

Trước hoàn cảnh này, Ông Muthoni Wanyeki, giám đốc vùng của Ân xá Quốc tế đã  phải than thở: “Đây là một sự thoái lui trước những tiến bộ đạt được vào thập niên 90 Phi Châu đã thành công trong quá trình dân chủ hóa được gọi là Cuộc cách mạng thứ hai. Mọi người đồng ý giới hạn chức vụ Tổng thống trong hai nhiệm kỳ, nhưng nay họ lại muốn tiếp tục ngồi khi nhiệm kỳ sắp chấm dứt”.

DÂN CHỦ TẠI CỘNG ĐỒNG HẢI NGOẠI

Cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại là môi trường thuận lợi để người Việt hải ngoại phát triển dân chủ, phục vụ cộng đồng, giúp đỡ đồng hương, đấu tranh yểm trợ các cao trào đòi dân chủ tại quê nhà. Đây là dịp chúng ta thực hành dân chủ, trái ngược hoàn toàn với những gì đang xảy ra tại Việt Nam.

Đa số các nơi đều áp dụng các thể thức dân chủ, tuân theo nội quy, hiến chương của cộng đồng, hội đoàn… Tuy nhiên, vẫn có một số người (may là rất ít) vẫn bắt chước con đường của các Tổng thống ở Phi Châu, ở Nga, như nói ở trên. Họ dùng đủ mọi cách để giữ chặt quyền hành. Thực ra quyền hành ở đây chẳng có gì là lợi lộc, lớn lao, cho mình, cho gia đình mình. Cộng đồng chỉ là nơi để phục vụ, hy sinh. Có chăng chỉ là sự an ủi về tinh thần khi được đồng bào nhắc đến với lời khen nếu ta làm đúng.

Những mánh khóe để bám giữ quyền bính rất nhiều không thể kể xiết, chỉ xin nêu một vài thí dụ:

–         Tìm cách thay đổi nội quy để mình được ngồi lại.

–         Tổ chức bầu cử gian dối làm lợi cho phe mình

–         Tạo rối loạn, truất phế người khác một cách bất hợp lệ, nếu không được thì tách ra lập một nhánh khác.

–         Tổ chức đại hội bất thường bất hợp lệ, không theo thể thức quy định, để tự phong cho mình, nhóm mình, hoặc tách rời thành nhóm khác

–         Tạo rối loạn không bàn giao v.v…

Đây là vấn nạn lớn cho cộng đồng người Việt tỵ nạn nơi xứ người.

Vấn đề đặt ra: Nếu muốn nắm quyền, tại sao người ta không chuẩn bị trau dồi cá nhân, hay nhóm của mình, chờ đến khi có cơ hội bầu cử, mình ra tranh cử một cách công khai, minh bạch và hợp pháp. Kết quả cuộc bầu cử sẽ ấn định ai là người thắng sẽ nắm quyền, tạo một sự hài hòa, chính danh, dễ đạt thành công.

Nói tóm lại, vào thời đại dân chủ này, vẫn còn một số nhà lãnh đạo không có tinh thần dân chủ. Nói chữ “dân chủ” rất dễ, nhưng muốn theo và tôn trọng nó không phải là dễ dàng đối với những kẻ luôn luôn đói khát quyền  năng một cách bất chính.

T.V.

Nguồn:

http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2015/07/thoi-tat-cua-nhung-nha-lanh-ao-khong.html

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.