CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 32)

 Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 30

CHIẾC CẦU HỮU NGHỊ – RÚT QUÂN KHỎI AFGHANISTAN

“KHÁC MỸ RÚT KHỎI VIỆT NAM” – NHIỆM VỤ BUỒN – VỊ TƯỚNG GHÉT CUỘC CHIẾN – 15.000 LÍNH CHẾT, 1.000.000 DÂN CHẾT – NGỪNG BẮN – MÀN ĐÓN TIẾP – NGƯỜI CUỐI RỜI AFGHANISTAN – KABUL CẦU CỨU – TUYỆT VỌNG

***

Termez, Afghanistan. Thứ tư, ngày 15 tháng 2, năm 1989

“KHÁC MỸ RÚT KHỎI VIỆT NAM”

1.

TRUNG TƯỚNG BORIS GROMOV được nhận một việc chẳng ai muốn ganh tị. Là một vị tướng trẻ, 45 tuổi, chải chuốt, điển trai, quả quyết, Gromov là tư lệnh các lực lượng Liên Xô tại Afghanistan. Ông nhận được lệnh phải tổ chức cuộc triệt thoái Hồng quân, sau gần 10 năm Liên Xô tham chiến vô ích tại vùng đồi núi hiểm trở Afghanistan, nhưng sao cho cuộc rút quân nhìn không phải là cuộc tháo chạy vì thất bại.

Mikhail Gorbachev và tư lệnh tối cao Liên Xô đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng quân đội Liên Xô sẽ không được triệt thoái trong hỗn độn, như quân đội Mỹ đã làm khi rút khỏi Việt Nam. Họ còn nhớ cảnh hỗn loạn khi trực thăng Mỹ rời khỏi nóc Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn và yêu cầu không để điều tương tự xảy ra tại Kabul trước mắt nhìn soi mói của thế giới.

Vài ngày trước khi đội quân cuối cùng rút lui, trong một cuộc trò chuyện tại Điện Kremlin với Ngoại trưởng Shevardnadze, lãnh tụ Liên Xô Gorbachev nói Liên Xô “không được phép ở vị trí chiến bại. Chúng ta không thể xuất hiện trước thế giới mà mặc quần lót, hoặc không có cả quần lót!”.[1]

*

NHIỆM VỤ BUỒN

2.

Rút quân là cuộc điều binh buồn nhất đối với một vị tướng và thường nhiều rủi ro nhất. Nhưng Gromov đã tiến hành cuộc rút quân đau đớn và cuối cùng của quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan với sự khéo léo, hiệu quả và một chút kiểu cách.

Chiếu theo các điều khoản rút quân trong Hiệp định Geneva, xe tăng, đại pháo và binh lính Nga đã di chuyển dọc theo Tuyến đường Salang trở về Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô Viết kể từ tháng 5/1988. Họ di chuyển trên cùng con đường mà đạo quân xâm lược đã dùng để vào Afghanistan ngày trước, băng qua Sông Amu Darya nước lợ trên “Cầu Hữu nghị”, chiếc cầu bằng sắt do Liên Xô xây dựng.

Gromov, cũng như 100.000 quân do ông chỉ huy, đều vui vẻ được trở về nhà. Là con của một sĩ quan Hồng quân tử trận khi vượt Sông Dnieper, trong một trận chiến khốc liệt thời Thế chiến II, Gromov cũng có một binh nghiệp lừng lẫy. Ông trở thành đại đội trưởng năm 24 tuổi, đại tá thực thụ trước khi đầy 35 tuổi và lên thiếu tướng năm 39 tuổi. Sinh nhật của ông là ngày 7/11, ngày thiêng liêng nhất trong lịch Liên Xô vì là ngày kỷ niệm Cách mạng Bolshevik.

*

VỊ TƯỚNG GHÉT CUỘC CHIẾN

3.

Cũng như rất nhiều sĩ quan Liên Xô khác, Gromov là một người Cộng sản kiên định. Nhưng rồi, ông bắt đầu hoài nghi, chủ yếu là từ cuộc chiến Afghanistan.

Gromov ghê tởm Afghanistan, đất nước mà ông nghĩ vẫn còn lạc hậu, không xứng đáng với những lợi ích mà Chủ nghĩa xã hội có thể mang lại. Ông chán ghét cuộc chiến không thể thắng mà các ông chủ ở trên đã phát động và không nghĩ đến hậu quả.

Lần này là đợt thứ ba ông thi hành nhiệm vụ tại đây. Ông đến đây lần đầu vào năm 1980 khi là đại tá, sau khi cuộc xâm lăng bắt đầu. Hai năm qua, ông là tư lệnh của các lực lượng Liên Xô.

Ông đã thấy các đồng chí ngã xuống và cũng có cả một nỗi đau riêng tư khi người vợ ông yêu quý tử nạn trong vụ rớt mát bay tại Rặng núi Carpathia. Ông gần như không có thời gian cho hai đứa con trai Maksim và Andrei, chúng lớn lên thiếu vắng cả mẹ lẫn cha, trong khi ông làm nhiệm vụ ở vùng độc địa Afghanistan.

*

15.000 LÍNH CHẾT, 1.000.000 DÂN CHẾT

4.

Tuy nhiệm vụ không oai hùng gì, nhưng Gromov quyết thực hiện một cuộc triệt thoái trật tự và đường hoàng. Trên hết, ông muốn bảo đảm “các chàng trai của chúng ta” càng ít mất mạng càng tốt.

Gần 15.000 lính Liên Xô, phần đông là lính mới vào quân ngũ, đã chết vô ích trong cuộc chiến mà ông thấy từ lâu là có rất ít giá trị chiến lược đối với Liên Xô, và cũng chẳng giúp gì cho việc truyền bá lý tưởng Cộng sản. Hơn 53.000 người lính khác bị thương.

Trước dư luận, Gromov tỏ ra giận dữ với bất cứ ý kiến nào cho rằng Liên Xô thất bại ở Afghanistan. Khi binh lính bắt đầu trở về nhà từ tháng 5/1988, ông nói với báo chí rằng: “Việc rút quân không phải do thất trận, mà do hoàn tất sứ mệnh quốc tế … Không bất cứ đơn vị nào, dù nhỏ nhất, đã đầu hàng. Đó là lý do không thể nói đến việc thua trận”.[2]

Nhưng ở chỗ riêng tư, với các trợ lý và chiến hữu chọn lọc, ông thú nhận sự thật. Đó là lý do ông muốn giảm số thương vong, ít nhất là cho phía Liên Xô.

Dù sao, ông vẫn đang chiến đấu trong một cuộc chiến chưa kết thúc. Ông phải bảo vệ những đoàn quân và khí tài trên đường trở về quê hương trước những cuộc tấn công của quân du kích.

Ông ra lệnh cho các lực lượng đặc biệt của Liên Xô phá hủy hàng loạt các làng xã dọc trục lộ chính dẫn về Liên xô, hai bên Tuyến đường Salang dẫn đến Termez. Lại có thêm hàng trăm người chết trong vài tuần qua, trong cuộc chiến đã giết chết hơn 1.000.000 người Afghanistan và biến 3.000.000 thường dân khác trở thành người tị nạn.

*

NGỪNG BẮN

5.

Bốn tuần trước hạn chót rút quân, khi những hàng dài khí tài và quân lính đang di chuyển về Cầu Hữu nghị, Gromov nhận được thông điệp của lãnh tụ quân kháng chiến Hồi giáo Mujahideen, lực lượng đang kiểm soát phần lớn những cao điểm trọng yếu dọc đường rút của quân Liên Xô.

Lãnh tụ quân kháng chiến Ahmad Shah Massoud đề nghị một cuộc ngừng bắn, nói rằng: “Chúng tôi đã chịu đựng chiến tranh và sự có mặt của các anh 10 năm nay rồi. Nhờ trời, chúng tôi sẽ chịu đựng các anh thêm vài ngày nữa. Nhưng nếu các anh bắt đầu các động thái chống lại chúng tôi, chúng tôi sẽ phải đáp trả xứng đáng”.

Nhưng thông điệp này không hiệu quả bao nhiêu. Các cuộc chạm súng vẫn tiếp tục xảy ra giữa lực lượng Liên Xô rút lui và các nhóm kháng chiến quân cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc chiến. Thời tiết cũng gây thiệt hại nặng nề. Đoàn xe bị kẹt lại trong điều kiện giá buốt vùng núi cao. Tuyết làm nghẽn đường mỗi đợt vài ngày. Một trận tuyết lở đã giết chết những người lính Liên Xô cuối cùng tại Afghanistan.[3]

*

MÀN ĐÓN TIẾP

6.

Biệt đội của Gromov, thuộc Quân đoàn 40 Liên Xô, gồm 500 quân đến từ Sư đoàn Trinh sát 201, tiến đến Cầu Hữu nghị vào sáng sớm ngày hết hạn rút quân theo quy định của Hiệp định Geneva.

Quân đội dựng lên một màn đón tiếp công phu để giữ sĩ diện trên phần đất của họ tại biên giới, sao cho ra vẻ một cuộc diễu hành khải hoàn hơn là một cuộc rút rui của đạo quân bại trận mệt mỏi.

Thị trấn nhỏ Termez được trang hoàng với cờ dây trang trí và cờ trung đoàn. Một ban quân nhạc chơi những bản quân hành. Một cờ phướn đỏ khổng lổ ngay tại điểm quân Liên Xô đặt chân vào lãnh thổ Liên Xô ghi câu: “Mệnh lệnh của tổ quốc đã hoàn thành”. Đông đảo các gia đình quân nhân được sắp xếp đặc biệt đưa bằng máy bay về đây để chào đón và choàng vòng hoa cho các chiến sĩ trở về.

Nhưng dù trang trí đến đâu, cuộc rút lui khỏi Kabul là một nỗi nhục của Liên Xô. Đó là điều được người dân Đông Âu theo dõi rất kỹ, họ cũng mơ một ngày không xa thấy Hồng Quân Liên Xô rời khỏi đất nước họ.

*

NGƯỜI CUỐI RỜI AFGHANISTAN

7.

Người lính Nga cuối cùng rời Afghanistan – bất chấp lề thói nhà binh thông thường – không ai khác, chính là Trung tướng Boris Vsevolodovich Gromov.

Là người chú trọng hình thức, Gromov dễ nhận ra và khó bỏ qua những yếu tố thú vị và cơ hội làm dư luận chú ý. Ông nói trước với binh lính của mình và với giới báo chí rằng ông sẽ không rời Afghanistan cho đến khi biết rằng tất cả lính tráng của ông đã an toàn về đến Liên Xô.

Động tác này đã làm cấp trên của ông khó xử. Bộ trưởng Quốc phòng, Thống chế Dimitri Yazov, khi nghe được ý định về chót của Gromov đã gọi điện cho Gromov và gắt gỏng trách móc: “Sao anh lại về chót mà không về đầu, như mọi tư lệnh vẫn làm?” Gormov đáp: “Đây là quyết định của riêng tôi … Tôi cho rằng sau năm năm rưỡi phục vụ tại Afghanistan, tôi được quyền làm trái với truyền thống quân đội một chút”. Không thấy Bộ trưởng trả lời gì nữa.

Khoảng 9 giờ sáng, Gromov bảo tài xế riêng để xe lại cho ông rồi lên xe khác đi nốt vài trăm mét cuối cùng qua sông trước ông. Ông tự tay lái chiếc xe bọc thép của mình lên cầu. Đến nơi, ông nhảy ra khỏi xe và lặng lẽ đi bộ vào lãnh thổ Liên Xô. Ông quay mặt lại, nhìn về Afghanistan lần cuối, trước khi ông được một đội phóng viên truyền hình bủa vây và đứa con trai Maksim 14 tuổi cầm trên tay bó hoa cẩm chướng ra đón.[4]

*

KABUL CẦU CỨU

8.

Nhưng, đó cũng chưa phải là cái kết cho bi kịch Liên Xô can thiệp vào đất nước có truyền thống đánh bại ngoại xâm.

Najibullah, lãnh đạo chính quyền Kabul do Moscow dựng lên, biết mình không thể nắm quyền lâu sau khi Liên Xô rút lui. Kháng chiến quân Mujahideen hiện kiểm soát bốn phần năm đất nước và đang tập trung quân cho trận tấn công cuối cùng. Họ sắp sửa chiếm được Jalalabad, thành phố lớn thứ hai của Afghanistan, và chuẩn bị tấn công thủ đô Kabul.

Đầu tháng 3/1989, Najibullah gửi tới tấp những lời cầu cứu tuyệt vọng, xin Gorbachev giúp ông cầm cự thêm một thời gian nữa. Chernayev kể lại: “Ông nài nỉ chúng tôi … thực hiện cuộc không kích từ lãnh thổ Liên Xô, nếu không, chỉ trong vài ngày mọi sự sẽ sụp đổ”.

*

TUYỆT VỌNG

9.

Ngoại trưởng Shevardnadze và Kryuchkov, giờ là người cầm đầu KGB, ủng hộ yêu cầu kia. Sự ủng hộ của Shevardnadze là điều đáng thắc mắc, vì ông vốn chống lại việc Liên Xô can thiệp vào Afghanistan. Nhưng, ông đã gặp Najibullah vài lần, kể cả lần cách đây ít tuần, khi đó ông trấn an Najibullah rằng Liên Xô sẽ không hoàn toàn bỏ rơi Najibullah.

Ông cũng nói riêng với Gorbachev: “phải thấy rằng chúng ta đang để cho đất nước kia rơi vào tình thế rất đáng thương … thành phố và làng mạc của họ bị phá hủy, thủ đô thì đang đói”. Ông xin Gorbachev giúp Najibullah và đừng thất hứa. Ông nói: “Đó là cách duy nhất, bằng không sẽ là phản bội … Chúng ta hứa và nếu không giữ lời là ta bỏ rơi bạn bè … Thế giới Thứ ba sẽ nói gì?”.

Nhưng, Gorbachev giữ vững lập trường và gần như mất bình tĩnh với vị Ngoại trưởng của mình, ông nói: “Không. Tuyệt đối không. Tôi dứt khoát chống lại việc bỏ bom hay những gì tương tự. Chừng nào tôi còn là Tổng Bí thư tôi sẽ không cho phép bất cứ ai phản lại lời chúng ta đã hứa với toàn thế giới (là sẽ rút quân). Chẳng lẽ chúng ta không biết mình làm gì khi quyết định rút quân sao? Sẽ không có bất cứ một câu trả lời nào khác ngoài việc từ chối ném bất cứ quả bom nào”.

Đây mới là lúc nỗi đau triền miên của Liên Xô ở Afghanistan thực sự kết thúc.[5]

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

 

[1] Nhật ký Chernayev, tháng 1/1989, CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)

[2] Báo International Herald Tribune, ngày 16/5/1988

[3] Boris Gromov, Ogranichennii Kontingent (Progress, Moscow, 1991), tr. 190-204; Nhật ký Chernayev; Anatoly C. Chernayev, hiệu đính bởi Robert English và Elizabeth Tucker, My Six Years with Gorbachev (Penn State University Press, 2000); Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997), tr. 396-404; Artyom Borovik, The Hidden War (Grove Press, New York, 2001)

[4] Boris Gromov, như trên, tr. 178

[5] RGANI (Russian State Archive for Contemporary History), Moscow, f89.10 doc 25. St 1-3

Dịch gải gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.