Phạm Thanh Nghiên và Mẹ
…Hình ảnh của một người chị nhỏ thó mảnh mai nhưng rắn chắc không thua gì sắt thép trước bao nghiệt ngã và thách đố của cường quyền. Hình ảnh người Mẹ già với đôi mắt đầy nhân ái bên người con gan dạ kiên cường. Đôi mắt ấy, tình yêu ấy tôi cũng từng được Mẹ tôi ban phát cho tôi, và tôi biết ánh mắt ấy và tình yêu ấy sẽ là nguồn lực vô biên cho những đứa con bơ vơ vững bước trước bão đời và bạo quyền. Hình ảnh của một người chị khác khóc Mẹ sau bao sóng gió để được trở về trên chính quê hương của mình mà chịu tang Mẹ. Những sự trùng hợp gần như được sắp đặt ấy, theo dòng thời gian, theo dòng cảm xúc mà tôi đã viết thành bài Ca Tù 2 “Lạy Mẹ con đi”…
Giọng hát của tác giả
Lạy Mẹ con đi về chốn bể dâu
lạy Mẹ con đi vì không muốn sống cúi đầu
lạy Mẹ con đi dù tuổi xuân tàn úa
Dù cùm sắt với xà-lim con cũng không sờn lòng
Lời Mẹ ru con yêu nước yêu non
Lời Mẹ ru con con nguyện mãi khắc ghi lòng
Dù ngục tù tối tăm lòng con vẫn sáng
Vẫn rực sáng với tình yêu Mẹ cho con vào đời
Mẹ dạy cho con thương giống thương nòi
thương nương khoai sông ngòi
thương ruộng lúa
thương xóm làng
Mẹ dạy cho con thương từng tấc đất
của non sông nơi cha anh đã nằm xuống ngàn đời
Từ Nam Quan về đến Cà Mau
Từ Cao nguyên vượt sóng ra biển Đông
con vẫn nhớ con mãi nhớ máu cha anh đã chảy thành dòng
Lạy Mẹ con đi vào chốn tù lao
Lạy Mẹ con đi đạo hiếu con không vuông tròn
Mẹ cười chứa chan tình bao la non nước
Mẹ dạy con bất khuất như cha ông ta bao đời
ru hời ru hỡi hời ru
Trong một dịp tham gia văn nghệ gây quỹ giúp dân oan, chị Thu Sương có nói nhỏ với tôi “Đại xem chừng nào có hứng thì viết một bài cho tù nhân lương tâm”, tôi chỉ nghe thoáng qua và trả lời chị bằng cái gật đầu và tiếng dạ. Lúc đó tôi cứ ngỡ là chị nói tôi viết một bài tản văn về tù nhân lương tâm. Vì trong thâm tâm, tôi chỉ thấy tôi có chút năng khiếu viết tản văn chứ về nhạc tôi chưa hề cảm thấy mình là nhạc sĩ. Tôi chỉ mê nhạc từ tấm bé. Niềm đam mê ấy tôi được thừa hưởng từ chính Mẹ tôi. Bà hát rất hay và luôn khuyến khích các anh em tôi chơi một nhạc cụ nào đó. Nhưng chúng tôi lại không có một ai trở thành nhạc công hay nhạc sĩ chuyên nghiệp, ngoại trừ một người anh chơi đàn cho các phòng trà và quán ăn ở Paris. Tôi tập tành làm nhạc từ hồi mới lớn bằng cách viết lời hát và nhớ giai điệu ở trong đầu.
Giọng hát của Hạt Sương Khuya
Tôi vốn là một đứa thất học theo đúng nghĩa đen của nó, nghĩa là chẳng được học đàng hoàng cho đến khi tôi sang Pháp. Tôi chỉ biết mái trường xa hội chủ nghĩa đến lớp 2 thì phải. Ngoài ra tôi chỉ ở nhà mà ngấu nghiến tủ sách của Ba tôi. Sang đến Pháp, tôi cứ sợ sẽ bị quên tiếng Việt cho nên tôi lại tiếp tục ngấu nghiến đọc tiếng Việt với những sách của nhà xuất bản Xuân Thu và Lá Bối. Tôi tập làm thơ rồi viết văn và tự xem đó là cách để không quên tiếng Việt. Về nhạc thì tôi học lỏm của những người bạn thân, tụi nó giờ đã trở thành những nhạc sĩ tài ba trong làng nhạc thính phòng. Đó chính là những người bạn mà cũng là những người thầy của tôi.
Trong những năm tôi làm quen với cộng đồng người Việt ở Paris, tôi có dịp biết đến Tổng hội sinh viên qua một người em kết nghĩa, một người em luôn mang tâm tư và nguyện vọng cống hiến cho đất nước. Hiện nay em cũng rất quan tâm và hoạt động cho phong trào dân chủ, nhất là dân oan. Khoảng thời gian đó tôi có dịp gặp nhiều anh chị rất có lòng với đất nước và hầu như đều không chấp nhận chế độ cộng sản, nhất là nỗi đau và nỗi ám ảnh của ngày 30 tháng tư 1975 còn rất mới và rất sâu đậm trong lòng họ. Khi ấy, lần đầu tiên tôi biết đến một nhà bất đồng chính kiến và cũng là một tù nhân lương tâm (theo định nghĩa của tôi) đó là bác sĩ Nguyễn Đan Quế, với tấm lòng thiết tha, ông nguyện làm chất xúc tác để ngọn lửa đấu tranh của người Việt hải ngoại có thể bùng lên vì tương lai đất nước. Và đó cũng là giai đoạn tôi biết đến tập thơ của thi sĩ và chí sĩ Hoàng Phong Linh. Khi ấy tôi mới hơn 20 tuổi. Tôi đọc và yêu thơ ông cũng như cảm phục những tấm gương và những tấm lòng đầy dũng khí phương đông, như anh Trần Văn Bá, một người anh tôi chưa từng gặp, nhưng tôi từng có cơ duyên dựng bàn thờ cho anh và thắp cho anh nén nhang những đêm thức trắng làm báo Nhân Bản cùng với Đức Tùng. Khi ấy tôi làm nhạc cho mình và hát cho một mình mình nghe. Thỉnh thoảng cũng có chia sẻ với vài anh em cật ruột trong những lúc trà dư tửu hậu. Lúc đó tôi làm bài Chinh Phu Hành Khúc, vì lời thơ bi tráng và vì ảnh hưởng sâu đậm của Trường ca Hòn Vọng Phu. Tôi cũng làm nhạc cho bài thơ Ta về của nhà thơ Tô Thùy Yên để nhớ đến một người bạn thuở thiếu thời đã viết cho tôi bài thơ ấy trong một trang giấy úa nhàu, sau một khoảng thời gian ba chìm bảy nổi của chuyến vượt biên đến Hồng Kong rồi bị thanh lọc trở về. Những bài hát ấy khi buồn tôi lại hát cho tôi.
Mãi đến sau này trong một lần tình cờ tôi gặp chị Thu Sương qua bữa tiệc trà tại tư dinh anh Quốc Nam, khi ấy tôi có hát một bài tôi cảm tác sau khi xem phóng sự Hoàng Sa về các ngư dân ở đảo Lý Sơn của một trí thức gốc pháp thiên tả Andre Mendras. Và đó là lần đầu tiên chị Thu Sương nghe nhạc tôi làm. Sau này chị có nói là khi ấy tuy loay hoay phụ giúp chị Quốc Nam trong bếp nhưng chị đã thích giai điệu và ca từ của bài hát đó. Rồi một lần khác có dịp nói chuyện với nhau, chị mới bảo với tôi rằng: em có bài nào khác không thì cho chị nghe với. Và từ đó chị thường nghe và khuyến khích tôi viết Hùng Ca. Và thế là từ bài Chinh Phu Hành Khúc, lại có thêm Chinh Phụ Hoài Ngâm và lần lượt các bản Hùng Ca được ra đời. Có lẽ chị chính là cơ duyên để những suy tư, những cảm xúc tôi đã có sẵn trong lòng tôi được dịp biến thành lời ca và ý nhạc. Những bài Hùng Ca cũng bắt nguồn từ sự kiện Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị bắt. Khi ấy, hình ảnh hai người em đứng trước tòa đã khiến cho không chỉ một mình tôi mà có lẽ tất cả những bạn bè thân quen quan tâm đến đất nước đều náo nức, sôi sục một niềm tin, một ngọn lửa niềm tin sẽ không bao giờ tắt. Khi ấy tôi đi làm về, ngồi trong xe mà thấy lòng háo hức, như có một động lực vô hình nào đó thúc đẩy tôi viết một bài thơ cho Uyên Kha, và tôi gọi điện cho anh Phạm Thành đọc cho anh nghe mà say sưa như là kẻ lên đồng. Phải nói rằng sự kiện ấy đã làm tôi nức lòng, đã “giải phóng” cho tôi khỏi nỗi sợ vô hình. Chính ngọn lửa niềm tin đó đã cho tôi nhiệt huyết để làm nên bài Hùng Ca Sử Việt 1 khi giàn khoan Hải Dương của TQ xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trở về với những bài ca tù, thì có lẽ từ rất lâu tôi đã có cơ duyên gặp những người tù của chế độ cộng sản, như BS Nguyễn Đan Quế, anh Phạm Thành, anh Sơn, anh Dũng, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ông Nguyễn Quốc Quân, và cả những người bị lưu đày dưới hình thức bị cấm về nước như chú Vũ Thư Hiên, chú Bùi Tín và sau này có thêm Người Buôn Gió và tất nhiên là còn vô số các chú bác từng trải qua lao tù dưới tên gọi trá hình là Trại cải tạo. Bản thân tôi cũng đã trải qua dăm ba ngày bị giam vì tội vượt biên. Một loại tù vô lý và vô duyên nhất giành cho những con người vô tội, chỉ ước ao có một cuộc sống, một tương lai yên bình, hạnh phúc. Có lẽ nhà tù hay hình thức tù đày đều mang dấu ấn sâu đậm trong tiềm thức của tôi. Và rồi từ khi có facebook tôi lại có cơ duyên biết đến nhiều anh chị em đồng trang lứa với tôi đã dám đương đầu với cả một guồng máy công an mà một thời ai nghe qua cũng sẽ mất ăn mất ngủ. Chế độ khủng bố khiến cho mỗi tế bào của tôi đều nhuốm màu sợ hãi. Phải sống ở nước ngoài hàng chục năm trời tôi mới thôi sợ hãi. Nhờ facbook, nhờ các trang blog, nhờ vào những tranh đấu không ngừng nghỉ của các anh các chị trong nước, cũng như của bao anh chị ở hải ngoại mà tôi từng được biết mà dần dần tôi mới gột bỏ được vết hèn hằn trong tâm thức của tôi. Tôi hết hèn khi tôi hiểu được giá trị của tôi, khi tôi biết trong cuộc sống, chỉ có trách nhiệm và bổn phận, chứ không có người trấn áp người, không có thánh nhân, không có lãnh tụ và không có nốt những minh quân, minh chúa. Chỉ có những con người tự do cống hiến khối óc và sức lực của mình cho quê hương, và cho nhân loại.
Những hình ảnh của Nguyễn Hoàng Vi bị đánh, bị làm nhục nhưng vẫn không hề sợ. Hình ảnh của một người chị nhỏ thó mảnh mai nhưng rắn chắc không thua gì sắt thép trước bao nghiệt ngã và thách đố của cường quyền. Hình ảnh người Mẹ già với đôi mắt đầy nhân ái bên người con gan dạ kiên cường. Đôi mắt ấy, tình yêu ấy tôi cũng từng được Mẹ tôi ban phát cho tôi, và tôi biết ánh mắt ấy và tình yêu ấy sẽ là nguồn lực vô biên cho những đứa con bơ vơ vững bước trước bão đời và bạo quyền. Hình ảnh của một người chị khác khóc Mẹ sau bao sóng gió để được trở về trên chính quê hương của mình mà chịu tang Mẹ. Những sự trùng hợp gần như được sắp đặt ấy, theo dòng thời gian, theo dòng cảm xúc mà tôi đã viết thành bài Ca Tù 2 “Lạy Mẹ con đi”. Bài hát ấy tôi viết theo ý của chị Thu Sương giành cho chị Phạm Thanh Nghiên như một món quà tinh thần. Tôi viết xong bài hát ấy cũng chính là lúc tình cờ tôi biết được chị Ca Dao vừa về chịu tang Mẹ. Tôi thật sự xúc động với bức ảnh chị về chịu tang Mẹ. Trong ánh mắt của chị tôi nhìn thấy tôi khi đau đớn, và hụt hững vô bờ với nỗi đau mất Mẹ. Khi về gặp lại chị, ngồi nghe chị kể những gian nan, cay nghiệt chị đã phải đương đầu, tôi chợt thấy có sự trùng khớp, một sự lặp lại của nỗi đau, của nỗi uất hận về một guồng máy, một chế độ đối xử với người yêu quê hương như những kẻ thù. Và tôi đã hát bài “Lạy Mẹ” tặng chị Ca Dao. Tôi chia sẻ niềm đau ấy với chị Thanh Nghiên, với chị Ca Dao bằng một nỗi đau của một đứa con cũng vừa mất Mẹ. Tôi biết nỗi đau ấy nó lớn vô cùng. Tôi biết nỗi cô đơn ấy nó lớn vô cùng. Và tôi biết nỗi đau ấy còn lớn hơn, đau đớn hơn gấp bội với những nghiệt ngã mà các chị đã và đang phải trải qua. Tôi thấy hơn lúc nào hết, tôi đồng cảm với các chị. Tôi thấy tôi bớt bơ vơ và tôi thấy cuộc sống còn tràn đầy ý nghĩa. Và hồn thiêng sông núi không hề trừu tượng siêu hình. Hồn thiêng sông núi chính là những tấc lòng, những hy sinh của các chị, của các anh, các chú, các bác, đã cháy hết mình cho ngọn lửa thiêng nóng bỏng niềm khao khát chuyển mình của quê hương.
Nay tôi viết đôi dòng tâm sự này giành cho những người chị khả kính của tôi. Chị Thu Sương đã giúp cho vườn thơ ý nhạc của tôi được nẩy lộc đâm chồi. Chị Thanh Nghiên đã cho tôi niềm tin về ngày mai, niềm tin về lẽ phải, và niềm tin về công lý. Chị Ca Dao đã cho tôi tình yêu thiết tha về con người, về đất nước. Và một người chị ẩn danh đã cho tôi biết sự hào sảng của một trí tuệ và tình yêu tha thiết với quê hương. Và tất cả những bài hát từ Hùng Ca đến Tù Ca, tôi xin viết và gởi đến nhũng chủ nhân thật sự của chúng, đó là tất cả những người con của quê hương ở khắp mọi nơi, đã và đang dấn thân cho một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, phú cường.
Đêm Paris, rạng sáng ngày 14 Juillet 2015.
Đ.Đ
Nguồn: http://phamthanhnghien.blogspot.com/2015/07/lay-me-con-i.html