Hài cốt liệt sỹ Việt Nam ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) được thu thập sau trên dưới ba thập niên kết thúc chiến tranh biên giới Việt – Trung.
Cần có thái độ và ứng xử ra sao với quá khứ chiến tranh để rút ra bài học xử lý các nguy cơ xung đột Việt – Trung trong hiện tại cũng như tránh được các nguy cơ chiến tranh trong tương lai.
Đây là mạch chủ đề chính được cuộc Tọa đàm Trực tuyến của BBC thứ Năm tuần này thảo luận với các khách mời nhân 31 năm Việt Nam đánh dấu trận chiến Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) trong cuộc chiến tranh Biên giới kéo dài một thập niên với Trung Quốc.
Từ Hà Nội hôm 16/7/2015, Nhà văn Phạm Viết Đào có thân nhân hy sinh trong trận chiến Vị Xuyên nói đây là trận chiến “lớn nhất ở Đông Nam Á”.
Ông nói: “Về trận Vị Xuyên, phía Trung Quốc theo thông tin tôi nhận được là họ làm rất rầm rộ vào năm 2009, họ kỷ niệm hai mươi năm, họ coi là “Chiến thắng Lão Sơn”.
“Và “Chiến thắng Lão Sơn” ấy đã được các tài liệu, sách báo của Ấn Độ và Nhật Bản coi là một trong những cuộc chiến tranh lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á bởi vì lúc ấy Trung Quốc huy động năm, sáu chục vạn quân vào cái (trận chiến) này”.
Và nhà văn Phạm Viết Đào nói thêm:
“Chúng tôi biết rằng trận Lão Sơn này, Trung Quốc gọi là Lão Sơn ấy, chính đích thân tướng Lưu Á Châu là con rể của Phó Thủ tướng (Trung Quốc) Lý Tiên Niệm, đã viết rất nhiều cuốn sách về (trận chiến) này. Và chính Nguyên soái (Trung Quốc) Diệp Kiếm Anh đã viết thư tay Lưu Á Châu vào lấy tài liệu.
Blogger Phạm Viết Đào nói trận Vị Xuyên được một số tạp chí nghiên cứu của Ấn Độ và Nhật Bản xếp là một trong các “cuộc chiến lớn nhất” ở Đông Nam Á.
“Và ông đã viết tiểu thuyết về trận Lão Sơn này, và chính quyển tiểu thuyết này đã được một Tạp chí của Việt Nam là Hồn Việt giới thiệu và tôi đã phản ánh rất dữ việc tại sao một Tạp chí của Việt Nam giới thiệu một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc viết về Lão Sơn, trong khi chúng tôi là những người nhà văn muốn viết thì không ai được viết”, blogger Phạm Viết Đào nói với Tọa đàm.
Nên tưởng niệm?
Khi được hỏi liệu trận chiến Vị Xuyên nói riêng và chiến tranh biên giới Việt Trung có nên được Việt Nam tưởng niệm, đánh dấu hàng năm hay không, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên lịch sử quân sự nêu quan điểm cho rằng ở Việt Nam hàng năm đã có ngày “27 tháng Bảy” dành cho thương binh, liệt sỹ.
Đại tá Thắng từ Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, từ Hà Nội, nói:
“Tưởng niệm thường xuyên, theo quan điểm của tôi thì nhìn chung vào dịp 27/7 đã có tưởng niệm thương binh, liệt sỹ rồi.
“Thế còn những địa danh cụ thể thông thường nó gắn liền với từng đơn vị một.
“Tôi nghĩ rằng những cuộc tưởng niệm ấy thì do từng địa phương, từng đơn vị một tổ chức thôi thì còn được.
“Còn có tính chất quốc gia thì tôi nghĩ là cũng không cần thiết”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam nói.
Tuy nhiên ngay trước đó, Đại tá Phạm Hữu Thắng cũng khẳng định trận Vị Xuyên là một trận chiến “ác liệt” nhất trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung vốn kéo dài một thập niên, bắt đầu từ ngày 17/2/1979.
Ông nói: “Cuộc chiến Vị Xuyên là cuộc chiến đấu được coi là ác liệt nhất ở toàn bộ tuyến biên giới mà sau khi Trung Quốc tấn công tháng 2/1979 và đã bị đẩy lui về phía bên kia biên giới.
“Sau đó, cuộc xung đột biên giới vẫn diễn ra cho đến năm 1988. Cuộc chiến Vị Xuyên từ giữa năm 1984, mùa hè 1984 cho đến hết 1985, được coi là giai đoạn ác liệt nhất.
Đại tá Phạm Hữu Thắng cho rằng việc tưởng niệm Vị Xuyên và Cuộc chiến Biên giới Việt – Trung ở cấp quốc gia hàng năm là “không cần thiết”.
“Và không chỉ ác liệt ở chỗ Vị Xuyên mà còn ác liệt của cả tuyến biên giới.
“Còn từng trận đánh cụ thể, thì thực ra cái tuyên truyền; và các tài liệu nghiên cứu về cuộc Chiến tranh Biên giới vẫn đang trong tình trạng bảo mật, cho nên việc nghiên cứu cụ thể về các trận đánh đó, thì tôi cũng chưa có điều kiện”, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nói với BBC.
Tuy vậy, một khách mời khác tại Tọa đàm của BBC cho rằng việc đánh dấu, “tưởng niệm hàng năm” trận Vị Xuyên cũng như Chiến tranh Biên giới Việt – Trung 1979 là “chuyện đương nhiên” mà “không nên đặt ra câu hỏi”.
Nhà báo tự do, cựu chiến binh Chiến tranh biên giới Việt – Trung, ông Ngô Nhật Đăng, nói:
“Trận Vị Xuyên kéo dài, không phải (chỉ là) năm 1979 sau đó một tháng, mà (trận) Vị Xuyên kéo dài đến năm 1984, và sự hy sinh xương máu của cả hai phía rất là lớn.
“Theo tôi, việc tưởng niệm là điều tất nhiên”.
“Né tránh sự thực”
Đề cập vấn đề bài học ứng xử với quá khứ, mà cụ thể là trận chiến Vị Xuyên hay Chiến tranh Biên giới 1979 và mối liên hệ với vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, nhà báo Nguyễn Giang của BBC nêu quan điểm:
“Về vấn đề đang xảy ra trên Biển Đông bây giờ, tôi có cảm giác là trong một giới nhất định ở Việt Nam, họ tìm cách gần như là né tránh một sự thực, tức là rõ ràng là đang bị lấn.
“Gần đây thì đỡ hơn, nhưng có một thời gian có cảm tưởng thậm chí báo chí không được nói lên tên là ‘Tàu Trung Quốc’, cái đó rất là vô lý ở chỗ là chính Trung Quốc họ nói, cũng đăng ngay trên báo của họ.
Nhà báo Nguyễn Giang cho rằng có những câu hỏi lớn trong chính sách và đối sách xử lý xung đột của Việt Nam trước Trung Quốc hiện nay.
“Tại sao phía Việt Nam lại không đưa? Vậy thì tôi hiểu là chính sách ngoại giao của Việt Nam thấy có vẻ như là, nhìn từ bên ngoài vào, có vẻ gọi là mềm mỏng.
“Nhưng mềm mỏng đấy, mà phía bên kia họ không coi là mềm mỏng, thì chúng ta phải xem lại. Đấy là việc rất bình thường trong chuyện quan hệ đối tác.
“Đấy là một câu hỏi rất là lớn. Rồi chuyện một quốc gia tự mình làm quên lịch sử của mình, thì người khác sẽ nhắc cho mình, mà là lịch sử của họ. Cái đấy cũng là một câu hỏi tiếp”.
Và Nguyễn Giang nhấn mạnh:
“Càng né tránh thì càng bị động, đó là quan điểm của tôi cho các sử gia Việt Nam, còn các nhà hoạch định chính sách, tôi không biết họ suy nghĩ thế nào, thì cũng không dám bình luận”, nhà báo chia sẻ với Tọa đàm.
Lịch sử lặp lại?
Từ Studio của BBC tại London, Thạc sỹ Nguyễn Bảo Châu, Giảng viên Chính trị Quốc tế, thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế của Việt Nam, người đang tu nghiệp nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học East Anglia, Anh Quốc, bình luận với Tọa đàm về bài học lịch sử kết nối giữa Vị Xuyên 1984 và Biển Đông 2015.
Thạc sỹ Bảo Châu nói: “Tôi cho rằng lịch sử có thể đang lặp lại trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Bởi vì ngoài sự kiện biên giới năm 1979, hiện nay đang có khu vực tranh chấp ở Biển Đông, theo tôi bài học ở đây đó là chúng ta (Việt Nam) cần phải thấy được sự chú ý là điều giống nhau trong luận điệu của Trung Quốc.
Thạc sỹ Nguyễn Bảo Châu (giữa) cho rằng lịch sử đang có những lặp lại trong quan hệ bang giao Trung – Việt mà Việt Nam cần lưu ý hơn tới những “luận điệu” của Trung Quốc.
“Ví dụ trong sự kiện xâm chiếm biên giới, thì Trung Quốc tuyên truyền cho người dân Trung Quốc là “Việt Nam xâm lược”, là “Trung Quốc tự vệ, dạy cho bài học”’ v.v…
“Những luận điệu đó không có bằng chứng (cơ sở), cũng như là so sánh với tình trạng ở Biển Đông hiện tại, thì việc đặt giàn khoan, cũng như xây dựng đảo nhân tạo, theo tôi thấy Trung Quốc cũng có rất nhiều luận điệu.
“Ví dụ như là để bảo vệ môi trường, sinh thái v.v…, nhưng mà không đưa ra được một bằng chứng rõ ràng nào, thì chúng ta cần phải rút kinh nghiệm và đưa ra cái bất nhất trong hành động và trong luận điệu của Trung Quốc…
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang rút kinh nghiệm và đang chủ động hơn trong việc đưa ra, nói với thế giới về quyền tài phán, chủ quyền lãnh thổ của mình, và chúng ta đã góp phần đưa được vào chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông, cũng như trong những tuyên bố của Asean, trong lần Thượng đỉnh gần nhất.
“Tôi nghĩ đấy cũng là một tín hiệu mừng trong đấu tranh ngoại giao, trong mọi mặt trận của Việt Nam,” nhà nghiên cứu nói với BBC.
Khách mời
Bàn tròn “Từ Vị Xuyên 1984 tới Biển Đông 2015” được phát trực tuyến trên kênh YouTube của BBC Việt ngữ từ 19h30-20h00 giờ Việt Nam, hôm 16/7/2015, với các khách mời tham gia từ Việt Nam và hải ngoại là:
– Đại tá Phạm Hữu Thắng, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam.
– Thạc sỹ Nguyễn Bảo Châu, giảng viên Khoa Chính trị Quốc tế, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam.
Một cuộc tưởng niệm chiến tranh biên giới Việt – Trung ở Hà Nội năm ngoái.
– Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào, thân nhân Liệt sỹ trận Vị Xuyên.
– Nhà báo tự do, blogger, Ngô Nhật Đăng, cựu binh phía Việt Nam trong cuộc chiến Việt – Trung.
– Nhà báo Nguyễn Giang, Trưởng Ban Việt ngữ, Trưởng vùng Đông Á, Thế giới vụ BBC.
Một số khía cạnh được thảo luận tại tọa đàm gồm có:
– Thái độ nào cần có với quá khứ, nhất là đối với di sản chiến tranh quá khứ?
– Xử lý như thế nào di sản quá khứ, mà trong đó có xung đột chiến tranh, để đạt được hiệu quả cho hiện tại và tương lai.
– Thiếu sòng phẳng với quá khứ để thu được lợi ích bang giao, hợp tác trong hiện tại liệu có phải là một cách làm đúng, không thể phê phán.
Mời quý vị theo dõi toàn bộ chương trình Tọa đàm tại đây.
Q.P
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/07/150715_hangout_vixuyen_biendong