Rừng quốc gia giá bao nhiêu?

Ảnh hưởng của thủy điện tới rừng đầu nguồn là ảnh hưởng của cả một hệ thống “thập diện mai phục”. Nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chỉ lập theo từng dự án, tác hại đã bị cắt nhỏ” – Hoàng Xuân.

Thời gian gần đây, báo chí và tại diễn đàn Quốc hội nhiều ý kiến đã bày tỏ quan ngại về việc một số rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh bị tổn thương nghiêm trọng bởi sự phát triển tràn lan của các đập thủy điện lớn, nhỏ. các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nếu không thận trọng, trong tương lai gần chúng ta phải trả giá đắt khi môi trường bị tàn phá. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết 5 kỳ của CTV Hoàng Xuân về hiện trạng đập thủy điện tại một số khu vực rừng đầu nguồn.

Tuần Việt Nam VietNamNet

Bài 1: Thủy điện… thập diện mai phục

Vườn quốc gia Nam Cát Tiên cách ngã ba km 125 quốc lộ 20 đi Đà Lạt đúng 24 km, cách TP HCM khoảng 160 km.

Sau những trận mưa sớm đầu mùa, bướm từng đàn bay lẫn với nắng trong Vườn. Ngay bước chân đầu tiên đặt xuống bến đò vào Vườn, khách du ngoạn sẽ được thưởng thức một cảnh tượng khó quên. Đó là cảm giác của vị Hương phi nổi tiếng trong bộ phim Hoàn Châu cách cách khi mỗi bước chân đều đi giữa một đàn bướm rập rờn. Những cánh bướm xanh thẫm óng ánh những cái vảy tí xíu màu cổ vịt  hoặc màu lá non, thỉnh thoảng điểm một cánh bướm màu lửa hớn hở, hàng trăm hàng ngàn con lúc đậu san sát nhau trên một khoảnh đất nhỏ bằng chiếc gối sát mép nước, lúc tung cánh trên những khóm cây bụi. Cát Tiên, tên chính thức là Vườn bảo tồn quốc gia, dân quanh vùng gọi là Rừng cấm, là một mảnh rừng hiếm hoi còn sót lại gần TP HCM.

Vườn quốc gia Nam Cát Tiên có diện tích trên 700 ha, trải dài trên 4 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắc Nông. Thực vật có trên 1.600 loài, trong đó có 38 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam 2007 như gõ đỏ, giáng hương, cẩm lai, căm xe, cẩm thị… và 22 loài đặc hữu bản địa. Động vật, thú có 105 loài, 43 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007. Chim có 351 loài, 31 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007. Bò sát 79 loài, 23 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007. Cá có 179 loài, 9 loài có tên trong sách đỏ IUCN 2008 và sách đỏ Việt Nam 2007.

Con sông Đồng Nai chảy qua Vườn khoảng 90 km, bao quanh khoảng 1/3 ranh giới Vườn, tạo thành ranh giới tự nhiên chia cắt Vườn với khu dân cư sống sát đó. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Nhờ lượng nước của con con sông này mà Bàu Sấu trong Vườn được Ban thư ký công ước Ramsar công nhận là Vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế vào năm 2005. Năm 2001, Ủy ban Unesco quốc tế đã công nhận Vườn quốc gia Nam Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới.

Song, nhiều nhà khoa học và chính những người đang trực tiếp quản lý, bảo tồn Rừng cấm đang hết sức lo lắng trước thực tế rừng dần dần mất đi trước sự tàn phá của con người.

Trên bản đồ, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên đang bị bao vây bởi hàng loạt dự án thủy điện. Chưa kể các nhà máy thủy điện đã hoạt động lâu nay, còn có dự án thủy điện Đồng Nai 5, công suất 173 MW, sẽ khởi công trong năm nay. Đồng Nai 6 công suất 180 MW đã được Chính phủ đồng ý bổ sung và chia thành Đồng Nai 6 (135 MW), Đồng Nai 6A (106 MW) đang làm thủ tục triển khai. Đồng Nai 8, công suất 195 MW (đang đề nghị chia thành 5 công trình với công suất 164 MW). Đồng Nai 7 (Đạ Kho) và Đức Thành (Đabôngcua) đang đề nghị bổ sung quy hoạch.

Tất cả các công trình thủy điện này nằm trên 100 km dọc sông Đồng Nai từ thượng nguồn đến hạ nguồn VQG. Trong đó, Dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A nằm ngay trong vùng đệm và lấn sang vùng lõi Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, còn dự án thủy điện Đức Thành chỉ cách ranh giới Vườn 600 m.

“Các dự án thủy điện trên đe dọa công tác bảo vệ rừng, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, các vùng đất ngập nước và các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên” – ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Nam Cát Tiên cảnh báo.

Theo quy định, các dự án thủy điện có ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, đơn vị đầu tư phải gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường đến để nơi này có ý kiến.

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng kỹ thuật Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, “họ chỉ đánh giá những tác động phụ, tạm thời như bụi, tiếng ồn khi nổ mìn, sự di cư của thủy sinh lên xuống… mà phớt lờ những tác động về xâm hại vùng lõi rừng bảo tồn, thay đổi toàn bộ hệ sinh thái trong rừng bảo tồn”.”Tóm tắt dự án thủy điện Đồng Nai 5 (do Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam đầu tư) còn y nguyên dấu sao chép, cắt dán từ tài liệu khác mà không chỉnh sửa. Như trong chương 2, mục 2.1 (trang 5 – 11), tóm tắt nêu ra một loạt những địa danh… sông Mã, Quốc lộ 15A, Khu BTTN Xuân Nha, Pù Hu.. Đây là sao chép nguyên bản của đánh giá tác động môi trường trên sông Mã, tít ngoài Bắc”.

“Dự án Đức Thành thì nói khi họ xây dựng, các tuyến đường trong vùng thủy điện sẽ giúp Vườn quản lý tốt hơn. Trời, tuyến giao thông nằm sát lõi rừng bảo tồn thì chỉ giúp lâm tặc vô phá rừng tốt hơn chứ quản lý cái gì”.

“Vậy nhưng khi chúng tôi gửi ý kiến đi thì chẳng thấy họ phản hồi, kể cả chủ đầu tư lẫn cơ quan chủ quản cấp trên. Họ cứ tiếp tục trình lên các cấp trên. Thậm chí dự án được duyệt rồi mà Vườn cũng không biết. Chỉ đến khi họ đến khoan thăm dò trên vùng rừng của mình, chúng tôi mới biết. Hoặc là biết qua nguồn khác”- ông Thanh nói.

Thác Dray Sap, còn được gọi là Thác ngựa trắng với hình ảnh những ngọn sóng tạo thành đàn ngựa trắng tung vó. Ảnh Tư liệu

Thác Dray Sap, còn được gọi là Thác ngựa trắng với hình ảnh những ngọn sóng tạo thành đàn ngựa trắng tung vó. Ảnh Tư liệu

Từ nhiều năm nay, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên được chú ý hơn vì phát hiện có tê giác một sừng sinh sống và đang có nguy cơ tuyệt chủng (khu vực Cát Lộc, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng). Tuy vậy, hơn chục năm đã qua,  các nhà khoa học quốc tế vẫn chưa khảo sát được còn bao nhiêu cá thể tê giác, thuộc loài nào và giới tính ra sao để vạch kế hoạch bảo tồn chi tiết. Song dự án thủy điện Đồng Nai 5,  nằm sát nách khu vực bảo tồn tê giác vẫn được duyệt.

Tuyến đập của Đồng Nai 5 thuộc địa phận xã Đắc Sin, huyện Đắc Rlấp, tỉnh Đắc Nông (bờ phải) và xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (bờ trái). Ngay trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này cũng ghi rõ: sẽ có khoảng 445 ha rừng kín thường xanh bị ngập và bị trưng dụng cho việc xây dựng (số liệu của Trung tâm tư liệu thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường). Tất cả diện tích rừng này đều nằm trong phân khu rừng phòng hộ Vườn Cát Tiên, trong đó có khoảng 95% là rừng kín thường xanh có trữ lượng cao. Một số loài thực vật quý hiếm sẽ bị chặt phá. Về động vật, “một số loài họ mèo sẽ phải thu hẹp địa bàn hoạt động, một số loài động vật ở khu vực ven sông, suối sẽ mất nơi kiếm ăn. Các loài động vật cư trú trong hang hốc có thể bị chết ngạt khi dâng nước hồ, chúng phải di chuyển lên cao hơn hoặc đi nơi khác kiếm ăn khiến tập tính và cuộc sống bị xáo trộn”.

“Các tuyến giao thông, các khu phụ trợ mới xây dựng có thể làm chia cắt các tuyến di chuyển của các loài động vật hoang dã. Các quần thể động vật hoang dã khó liên hệ được với nhau. Việc khai thác vật liệu xây dựng (đất đá, gỗ…) chắc chắn sẽ làm thu hẹp sinh cảnh sống của một số loài động vật hoang dã”.

Sơ đồ vị trí các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, bao vây Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh Tư liệu

Sơ đồ vị trí các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, bao vây Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh Tư liệu

Báo cáo nêu rõ như vậy, nhưng kết luận hoàn toàn ngược lại: “Thuận lợi là Vườn Cát Tiên chỉ cách khu vực công trường 1 km. Các loài động vật hầu hết sẽ di chuyển đến đó”.

Trong văn bản trả lời Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam, lãnh đạo Vườn quốc gia Nam Cát Tiên cho biết, hiện nay việc khai thác cát  trên sông Đồng Nai khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên đang diễn ra phức tạp, đã gây sạt lở nhiều đoạn bờ sông, làm tăng độ đục của dòng sông và phá hủy nơi đẻ trứng của các loài cá, ngoài ra xuồng hút cát còn tiếp tay cho các vụ xâm phạm rừng.

“So với những năm trước, khi thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 chưa khởi công, mực nước thấp hẳn đi. Thường vào mùa mưa nước sông lên tới tận đường đi hay lên tới thềm khu nhà xây (khu trụ sở Vườn Cát Tiên), nhưng năm nay nước chỉ mấp mé bậc bê tông của bến đò. Chuyện này trước kia chưa bao giờ có”- một cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên nhận xét.

Ảnh hưởng của thủy điện tới rừng đầu nguồn là ảnh hưởng của cả một hệ thống “thập diện mai phục”. Nhưng báo cáo đánh giá tác động môi trường thì chỉ lập theo từng dự án, nên khá dễ dàng để chỉ nhìn thấy ích lợi (đặc biệt cho địa phương) trong đó, còn tác hại thì đã bị cắt nhỏ.

Vẫn trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của thủy điện Đồng Nai 5: “chế độ hoạt động ngày đêm của hồ chứa sẽ gây tác động tiêu cực đến thủy sinh ở hạ du dòng chính” nhưng vớt vát “nếu không có Đồng Nai 5 thì Đồng Nai 4 với chế độ điều tiết ngày đêm cũng gây nên sự bất ổn định ở dòng chính hạ du”. Cụ thể, trong một ngày ít nhất có 4giờ 35 phút dòng chảy tại đoạn sông 20 km sau đập Đồng Nai 5 không đáp ứng đủ nhu cầu dòng chảy môi trường (4,3 m/s).

Theo tiến sĩ Nguyễn Danh Oanh, Viện Năng lượng, hiện trên sông Đồng Nai có đến 17 công trình thủy điện. Bao gồm 5 công trình đã xây dựng: Đa Nhim, Hàm Thuận-Đa Mi, Trị An, Cần Đơn và Thác Mơ (đã xây dựng, đang mở rộng thêm 75MW) và 12 công trình đang xây dựng hoặc đang trình dự án: SrokPhumieng, Đại Ninh, Daktih, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đồng Nai 6 và 6A, Đồng Nai 8, La Ngâu, Đạ Dâng và Bù Gia Mập.

HX

Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-04-rung-quoc-gia-gia-bao-nhieu-

This entry was posted in Môi Trường and tagged . Bookmark the permalink.