Rồi thì cũng phải tin

Nhiều nông dân nghèo mất ruộng ở Việt Nam đi biểu tình đòi đất vì không được bồi thường thỏa đáng.

Ngày hôm trước, xem một video clip do các trang báo mạng tung ra. Video clip quay cảnh một phụ nữ, do không chịu giao đất cho chính quyền với cái giá rẻ mạt là 65 ngàn VNĐ/m2 để làm khu công nghiệp, trong khi ngăn cản đơn vị thi công đã bị chiếc xe máy xúc cán qua người. Nạn nhân nằm hẳn dưới bánh xích của chiếc xe.

Dù các trang báo mạng này có uy tín, thường đăng tin đúng sự thật, tôi cũng không thể tin nổi. Cảnh tượng quá dã man, và quá mất nhân tính để có thể tin.

Hi vọng về tính người và tình người còn rớt lại trong nước Việt Nam hiện nay đã bị vỡ vụn khi sáng nay đọc tin trên tờ Tuổi Trẻ số 183/2015 (8008), ngày 11/7/2015, trang 3: “Tranh chấp đất đai, máy xúc chèn 1 người dân”. Rốt cuộc rồi cũng phải tin một chuyện như thế này là sự thật!

Người viết rất mong sự thật được chính quyền minh bạch cho công chúng. Dựa theo tin tức của VOA và của báo Tuổi Trẻ về sự kiện thảm khốc trên, người viết xin thảo luận các điểm sau:

1) Ở các nước vẫn có sự kiện thảm sát dã man. Các sự kiện thảm sát do cá nhân tiến hành, chính quyền đứng về phía nạn nhân bị thảm sát và truy tìm, truy tố hung thủ. Trong sự việc đã xảy ra ở nước Việt Nam, chính quyền đứng về phía đối đầu với người dân bị mất đất. Chính quyền tiến hành cưỡng chế tịch thu đất, cho đơn vị thi công tiến vào vùng đất đang tranh chấp, và “chiếc máy xúc lao đến người dân đang đứng chặn, mọi người tán loạn lùi lại phía sau nhưng bà Châm bị ngã xuống đống cát gần đó nên không kịp tránh và bị bánh xích máy xúc chèn lên người”. Cho dù sự việc do đơn vị thi công tiến hành, chính quyền không thể né tránh là người chịu trách nhiệm chủ chốt, bởi vì hung thủ là người của chính quyền, do chính quyền và vì chính quyền.

2) Không chỉ vô trách nhiệm, tính chất mất nhân tính còn khủng khiếp hơn nhiều. Bài báo viết:

Ông Nguyễn Văn Công, phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, và ông Nguyễn Trọng Hiển, phó Trưởng Công an huyện, khẳng định không có chuyện máy xúc chèn qua người bà Châm. Ông Công còn nói: “Những hình ảnh trong clip của người dân không đúng, có thể do góc họ quay hay làm cách gì để ra như thế”. Dân chúng còn có thể tin cậy gì ở những người vô cảm tới vậy!

Ai cũng có thể phạm sai lầm. Cách mà một người xử lí hậu quả sẽ cho biết người đó thực tâm muốn sửa đổi sai lầm hay vẫn tiếp tục sai lầm đó trong tương lai. Phản ứng của chính quyền huyện Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương tới lúc này cho thấy họ vẫn sẽ tiếp tục đối đầu với người dân tội nghiệp bị tước đoạt tài sản và cả mạng sống.

3) Huống chi, việc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân, có nguồn gốc từ việc “đất đai sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lí”, đã xảy ra quá nhiều lần, trên rất nhiều địa phương từ Bắc vào Nam, và đã có quá nhiều hậu quả thương tâm mà người viết thấy không cần nhắc lại. Chỉ muốn hỏi Chính quyền của dân, do dân và vì dân này còn muốn thử nghiệm sức chịu đựng của dân tới bao giờ?

4) Một kinh nghiệm nhân loại mà nhiều người biết: giềng mối và đạo đức đất nước được giữ từ trên cao xuống (from the top), từ chính quyền trung ương ra. Giá trị sống Nhân (có tình người) và Hậu (để đức về sau) là tài sản vô hình và vô giá do đời trước để lại đời sau. Giá trị sống Nhân Hậu không chỉ được riêng dân tộc, mà cả nhân loại xem là giá trị sống cao quí nhất. Với cách cai trị như thế này, giá trị sống Nhân Hậu sẽ tồn tại trong xã hội Việt Nam được bao lâu nữa?

T.P

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/roi-thi-cung-phai-tin/2858022.html

 

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.