CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 15)

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 13

ĐỒ ĐỆ LENIN – PERESTROIKA VÀ GLASNOST

CHỐNG RƯỢU – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI “VODKA” – BỚT HUY CHƯƠNG, THÊM KHIÊM TỐN – SỬA ĐỂ CỨU – PERESTROIKA (TÁI CẤU TRÚC) – TIN LENIN HƠN NGƯỜI – GLASNOST (CỜI MỞ), QUYỀN ĐƯỢC BIẾT – CỞI TRÓI BÁO CHÍ – CỞI TRÓI VĂN NGHỆ – CÔN ĐỒ, MAN RỢ, MA QUỶ – SAO MỸ KHÔNG ĐỔI, TA LẠI ĐỔI? – YAKOVLEV, TRI KỶ CHÍNH TRỊ – YAKOVLEV THAY ĐỔI – ĐỆ NHẤT PHU NHÂN

 ***

Moscow. Thứ năm, ngày 4 tháng 4, năm 1985

CHỐNG RƯỢU

1.

CHỈ VÀI NGÀY SAU KHI NHẬM CHỨC, Mikhail Gorbachev đã chứng tỏ mình là một lãnh tụ kiểu mới ở Kremlin. Chiến dịch quan trọng đầu tiên ông phát động sau ba tuần nhậm chức có ý nghĩa trọng đại nhằm chấn chỉnh một thói hư tật xấu lâu đời của người Nga: rượu.

Đó là một chính nghĩa cao cả, đáng dấn thân chiến đấu, và ông đã xốc tới với tinh thần lạc quan, hăng hái, đam mê, pha chút cao đạo, và khả năng khéo léo lôi kéo người khác về phía mình, nhất là lúc bắt đầu.

Nhưng chiến dịch đã mang lại những hệ quả sâu rộng mà ông không đoán trước được, và làm phát sinh một vấn nạn khác nghiêm trọng không kém vấn nạn ông đang cố giải quyết. Điều này gần như là điềm báo trước những gì ông sẽ gặp khi điều hành chế độ trong sáu năm rưỡi sắp tới.

2.

Nát rượu trầm trọng là căn bệnh thâm căn kéo dài suốt nhiều thế kỷ của nước Nga và từng được các văn thi hào như Pushkin, Dostoyevsky và Tolstoy nói đến.

Có lẽ chưa bao giờ nạn chè chén say sưa lại lên đến mức trầm trọng như vào nửa sau thế kỷ 20, tuy không có con số chính thức về lượng vodka tiêu thụ thời nông nô các thế kỷ trước để so sánh. Chỉ biết vào cuối thời đại Xô-viết đã có đến 40 triệu người nghiện rượu được chính thức ghi nhận trên tổng dân số 270 triệu dân, và con số này chắc chắn còn thấp hơn số thật nhiều.

Yuri Andropov khổ hạnh từng đưa ra một chiến dịch có tính chiếu lệ nhằm giảm rượu chè, nhưng việc quá khó nên ông thất bại. Nhìn chung, trải qua nhiều thập niên, chế độ cộng sản không có chính sách nào đáng kể để giải quyết tệ nạn này, mặc dù công nhân và người nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nhất. Không giải quyết được, một phần có lẽ vì các chế độ nối tiếp nhau đều nhìn nhận, giống như các Sa hoàng xưa, rằng một quốc gia mụ mị vì rượu chè thường dễ ngoan ngoãn về chính trị.

Năm 1984, có đến 9 triệu người say rượu vật vã ngoài đường phố được giới hữu trách bốc mang đi. Chết non, vắng mặt bỏ việc, tội phạm, nghèo đói, gia đình tan nát, và những tai họa khác vì rượu chè xảy ra khắp nơi.

*

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI “VODKA”

3.

Lần này, nhân vật mới của Kremlin quyết chí làm gì đó để giải quyết vấn đề. Ngày 4/4/1985, Gorbachev triệu tập các nhà lãnh đạo Đảng có thế lực và loan báo rằng ông đã quyết định tiến hành chiến dịch, và hầu như không để cho các nhân vật kia có cơ hội tranh cãi. Ông không ra lệnh cấm rượu nhưng cũng gần như cấm. Ông cho tăng giá vodka lên gấp ba, và cắt gần ba phần tư sản lượng bia và rượu.

Bộ trưởng Tài chính Vladimir Dementsev đưa ra lời khuyến yếu ớt rằng chiến dịch này sẽ làm giảm thu nhập nhà nước và sẽ khoét một lỗ đen trong ngân sách quốc gia. Dementsev chuẩn bị đầy đủ số liệu và cho biết ngân sách sẽ thất thu bốn tỉ rúp trong năm đó và sẽ mất 15 tỉ rúp trong vòng năm năm tới.

Gorbachev không để ông nói hết, phản biện ngay: “Điều anh nói không mới! Ta đều biết sẽ không có tiền bù lỗ, nhưng anh lại không có biện pháp nào ngoài việc cứ để dân chúng nát rượu. Anh định xây dựng chủ nghĩa cộng sản bằng vodka à?”

4.

Thế là không tranh cãi gì nữa. Chính sách được thông qua và Gorbachev kiên quyết theo đuổi chiến dịch.

Nhưng kết quả lại là thảm họa. Người người xếp hàng đặc kín trước các cửa hàng rượu, chợ đen mua bán vodka mọc lên và nhộn nhịp lập tức. Vấn đề hóc búa nhất là dân chúng tự nấu tại nhà các loại rượu chất lượng tồi. Đường hết sạch tại các cửa hàng và phải phân phối theo khẩu phần.

Lỗ đen tài chính Dementsev từng khuyến cáo còn sâu hơn cả dự kiến. Số người chết tăng vọt vì uống các loại rượu lủi độc hại. Những vùng trồng nho truyền thống, hầu hết ở Georgia, bị phá hủy trầm trọng và không thể phục hồi.

Sau ba năm, Gorbachev thú nhận ông đã phạm sai lầm và hủy bỏ chiến dịch chống rượu, nhưng thiệt hại thì đã rõ.[i]

*

BỚT HUY CHƯƠNG, THÊM KHIÊM TỐN

5.

Với giới lãnh đạo già đã yên ổn ngồi ghế quyền lực lâu năm thì việc phát động chiến dịch chống rượu lại không gây sốc bằng một sáng kiến khác được Gorbachev đưa ra trong cùng phiên họp ngày 4/4/1985. Sáng kiến này cho thấy đầu óc ông vẫn bị ám bởi thói bợ đỡ và nịnh hót ông phải chịu đựng trong những năm làm việc dưới thời Brezhnev.

Khi đưa đề xuất thứ hai này ông cố đưa ra như tình cờ lướt qua, dù đã tính kỹ từ lâu. Đang lúc gom giấy tờ, trước khi quay về văn phòng riêng ngay bên phòng họp, ông nói: “Xin các đồng chí nán lại một phút. Tôi muốn trao đổi quan điểm về … nhu cầu đấu tranh có hệ thống với lối sống phô trương, kiêu ngạo, tự đắc và bợ đỡ liếm gót cấp trên”. Ông nói tiếp, ông hy vọng ở cấp cao nhất trong Đảng sẽ có ít yến tiệc linh đình hơn, đeo ít huy chương trên ngực hơn, và nói chung, cần khiêm tốn hơn.

Các nhà lãnh đạo, một số tự hào đeo huy chương đi họp, đã ra về với vẻ mặt thảng thốt.

***

SỬA ĐỂ CỨU

6.

Gorbachev là lãnh tụ Liên Xô đầu tiên đi vào đời thường để có mặt giữa công chúng và trò chuyện với người dân. Ông thoải mái khi trò chuyện thân mật với dân hơn là phải đóng bộ trong các cuộc họp trang trọng, nơi ông bất đắc dĩ phải dài dòng nói những điều không cần thiết, phải nhai lại những từ ngữ Mác-xít Lênin-nít tối nghĩa.

Trước những đám đông khổng lồ ca tụng mình, ông hoàn toàn thoải mái, thân thiện, vui vẻ, tình cảm và hoàn toàn đĩnh đạc. Công chúng ngưỡng mộ ông và mỗi lần ông xuất hiện đều là một “sự kiện”.

Công chúng cũng thường thấy vợ ông cạnh bên, thân mật, khoác vai, nắm tay, như thường thấy ở các lãnh tụ và phu nhân phương Tây, nhưng chưa từng thấy ở các lãnh tụ Liên Xô trước. Công chúng vừa tò mò vừa thích thú.

*

PERESTROIKA (TÁI CẤU TRÚC)

7.

Trong mộc cuộc thăm dân giữa đời thường như thế tại Leningrad vào tháng 5/1985, vài tháng sau khi nắm quyền, hai từ ngữ được mãi mãi gắn liền với thời đại Gorbachev đã xuất hiện. Perestroikaglasnost trở thành hai từ ngữ cửa miệng trên toàn thế giới.

Trong tiếng Nga, hai từ này có nghĩa riêng, nhưng khi Gorbachev dùng, chúng lại mang ý nghĩa mới hơn. Gorbachev không hề muốn từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, thậm chí ông còn cho rằng số mệnh và sứ mệnh của ông là cứu lấy chủ nghĩa cộng sản và làm trong sạch nó.

Trong thời gian đầu, perestroika – “tái cấu trúc” – là một quá trình gồm những cải cách vừa phải, nhằm cải thiện kỷ luật tại nơi làm việc. Ông phát động một loạt các biện pháp năng động, cho phép các xí nghiệp có thêm sáng kiến và được đưa ra một số thay đổi kinh tế nhỏ giúp cải thiện việc phân phối hàng hóa trên cả nước. Ông sa thải một loạt các tay chân thân tín và quan chức, tuy được Brezhnev bảo bọc nhưng thực tế nhiều năm cho thấy họ vô dụng. Mật vụ KGB chọc thủng đường dây thế lực của những lãnh đạo tham nhũng tại các nước cộng hòa Trung Á, và Gorbachev tấn công tệ quan liêu trong hàng ngũ Đảng ở Ukraine và các vùng khác. Ông cũng đi được một số bước ngập ngừng cho hệ thống quyền lực thêm chút ít dân chủ. Ông muốn tổ chức lại danh sách đề cử – dù là bầu cử độc đảng – để cử tri có thể “chọn” người cộng sản nào họ muốn cho một vị trí nhất định.

Dĩ nhiên, các biện pháp vừa kể không có tính cách mạng. Ông không hề có ý định từ bỏ đường lối quy hoạch tập trung, hoặc cho phép thị trường tự do, hoặc từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Ông muốn “tái cấu trúc” tất cả mọi sự, nhưng lại không chạm vào nền tảng của mọi sự.

*

TIN LENIN HƠN NGƯỜI

8.

Gorbachev tin vào chủ nghĩa xã hội và hoàn toàn bị thuyết phục rằng Lenin đã vạch ra con đường đúng, nhưng đúng đã hóa sai khi Stalin đi lệch hướng và làm nó “biến tướng”. Đó là một ảo tưởng rất thuyết phục mà Gorbachev và nhiều người cộng sản thuần thành vướng phải.

Theo Gorbachev, perestroika chính là để trở lại với lý tưởng của Lenin. Gorbachev thường nói về Lenin, và kính trọng gọi ông là một “thiên tài đặc biệt”, không có gì bóng gió hay hoài nghi trong nhận xét này.

Sergei Tarasenko, một quan chức giàu kinh nghiệm và khôn ngoan tại Bộ Ngoại giao Liên Xô, nói rằng hầu hết quan chức khắp đế quốc Xô-viết chỉ nhắc đến những chỉ giáo của Lenin trên đầu môi chót lưỡi mà thôi, vì theo ông “sẽ rất phải đạo về chính trị nếu bạn có Lenin trong tủ sách. Để khi … viết diễn văn và nếu cần trích Lenin … bạn chỉ cần xem bảng chú dẫn cuối sách là tìm ra ngay”.

Nhưng Gorbachev lại khác, gần như chẳng còn ai tin lời Lenin dạy trừ Gorbachev. Khi trích dẫn Lenin, và ông thường xuyên làm thế, Gorbachev tin rằng Lenin, người sáng lập Liên Xô 70 năm trước, vẫn có giá trị tham khảo đặc biệt cho hoàn cảnh của ông 70 năm sau.[ii]

*

GLASNOST (CỜI MỞ), QUYỀN ĐƯỢC BIẾT

9.

Glasnost  – “cởi mở” – cũng là một từ có thể được hiểu theo nhiều cách. Ông khởi đầu thận trọng, càng về sau càng mạnh dạn hơn, và hệ quả là cả một sự chuyển đổi trong cách nhìn của người dân Liên Xô và Đông Âu về chính mình.

Gorbachev tin rằng nếu người dân biết nhiều hơn về cách Liên Xô hoạt động, hoặc vì sao không hoạt động được, thì người dân sẽ “tự nguyện” làm cho nó hoạt động tốt hơn. Ông nói sẽ không có “vùng đen cấm kỵ” nào trong lịch sử Liên Xô, vì ông tự tin nếu công chúng biết hết sự thật, họ sẽ hiểu những thành quả của chủ nghĩa xã hội, cũng như những sai lầm, và biết tôn trọng nhà cầm quyền hơn.

Đó là sự lạc quan thường thấy của Gorbachev, có người nói ông ngây thơ, nhưng ít nhất, quan điểm đó vẫn được đặt trên một nền tảng đúng đắn là công chúng có quyền được biết. Điều này đích thị là “cách mạng”, nhất là trong đất nước được điều hành qua bao thập niên bởi một giai cấp cầm quyền luôn bị ám ảnh phải bí mật tất cả.

Đảng kiểm soát thông tin và thuê hàng ngàn người làm công việc kiểm duyệt để bảo đảm không gì Đảng cấm lại được in ấn, phát hành hay phát sóng. Dưới quyền Gorbachev, những người kiểm duyệt vẫn được thuê, nhưng ngày càng ít việc làm hơn.

*

CỞI TRÓI BÁO CHÍ

10.

Không lâu sau khi nắm quyền, Gorbachev nói chuyện với giới nhà báo rằng họ nên tự do phơi bày nạn tham nhũng ở cấp cao, những thất bại của hệ thống, và trung thực về một số sai lầm kinh hoàng trong lịch sử Liên Xô.

Các nhà báo ban đầu thận trọng đi từng bước chậm, nhưng dần dà họ tin những lời ông nói và dưới thời Gorbachev đã có những chiến dịch điều tra báo chí xuất sắc, lần đầu tiên tại Liên Xô, vượt qua vòng cương tỏa của tuyên giáo Đảng và phơi bày hình ảnh trung thực về bộ mặt đất nước.

Dĩ nhiên, đó chưa phải là báo chí tự do, cũng như báo chí không tự do tuyệt đối ở nơi nào khác. Nhà nước sở hữu toàn bộ truyền thông, đó là chưa kể toàn bộ quy trình sản xuất báo in, toàn bộ những nhà in quy mô lớn và hệ thống phân phối phát hành báo chí. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản vẫn có quyền thuê hoặc thải tổng biên tập, và dĩ nhiên cả các nhà báo cấp thấp hơn.

Tuy vậy, báo chí lúc này tự do hơn bất cứ thời nào trong lịch sử Liên Xô. Trên báo và tạp chí có nhiều cuộc tranh luận sôi động, có cả sự khinh thị dành cho những định chế đầy quyền lực, và độc giả ít nhất cũng được cung cấp những thông tin họ thực sự muốn biết.

11.

Số phát hành tăng vọt. Thành công phi thường là tuần báo Argymenti y Facti của Vladimir Starkov. Tờ báo bắt đầu hoạt động từ năm 1979 để chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết cho các nhà kinh tế và thống kê, với lượng phát hành khoảng 10.000 bản mỗi số. Sau khi chuyển đổi thành tờ báo phổ thông, nhưng sắc bén, viết về cuộc sống người dân trong các nhà máy và tại các khu chung cư, tờ báo đã bán được 33.000.000 bản vào thời cao điểm của cải cách glasnost những năm 1980.

Những chương trình truyền hình thú vị bắt đầu được phát sóng. Vẫn còn những chương trình có nội dung tuyên truyền khô khan, nhưng cạnh đó là một số show mới, nóng hổi và đầy thách thức, chẳng hạn chương trình phát hàng tuần Vzglyad (điểm sáng), trình chiếu các vụ điều tra được thực hiện chỉnh chu về những đề tài trước đây cấm kỵ như AIDS, trẻ em bụi đời trên đường phố Moscow, hoàn cảnh khốn cùng của cựu quân nhân từ Afghanistan trở về, hoặc sự sa hoa (xét theo chuẩn Liên Xô) chưa ai biết của các cô gái mại dâm hoạt động trong các khách sạn Moscow, vốn chỉ lấy tiền mặt bằng ngoại tệ mạnh. Liên Xô cũng ngưng phá sóng các đài phát thanh nước ngoài thư Thế Giới vụ Đài BBC và Đài Phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle (DW).[iii]

*

CỞI TRÓI VĂN NGHỆ

12.

Hàng trăm cuốn sách cấm trước đó của một số nhà văn Nga  tài năng bậc nhất được phát hành tại Liên Xô lần đầu tiên.

Trước đó, tác phẩm của Alexander Solzhenitsyn chỉ có bản in chui hoặc bản dịch qua ngoại ngữ, và chỉ được một số ít trí thức ở Moscow, Leningrad và vài lãnh tụ Đảng đọc. Gorbachev và vợ ông cũng là độc giả nhiệt tình của dòng văn học “chui” mà hầu hết công dân Xô-viết không được phép thấy mặt.

Giờ đây, sách của Solzhenitsyn được các nhà xuất bản chính thức phát hành với số in khổng lồ và được công chúng, vốn có học và thèm khát văn học đúng nghĩa quá lâu rồi, chen nhau mua. Tác phẩm Bác sĩ Zhivago của Boris Pasternak cũng xuất hiện hợp pháp tại Liên Xô – khoảng 20 năm sau khi phiên bản phim của tác phẩm, do đạo diễn David Lean thực hiện, ra mắt công chúng thế giới.

Gây xúc động mạnh nhất trong những năm glasnost là việc xuất bản cuốn Trẻ con khu Arbat của Anatoli Rybakov, cuốn tiểu thuyết có tính sử thi về đời sống người dân Xô-viết dưới thời Stalin. Quyết định cho phát hành hay không cuốn sách này đã được đưa từ dưới lên cho nhân vật cao nhất là Gorbachev. Và ông đã cho phép.

13.

Điện ảnh Xô-viết cũng phục hưng. Vào những ngày đầu của Liên Xô, điện ảnh đã tạo được danh tiếng, nhưng vài chục năm qua điện ảnh Liên Xô lại không làm được gì đáng kể.

Việc công chiếu bộ phim ngụ ngôn Hối lỗi có nội dung chống Stalin của đạo diễn Tengiz Abuladze, lấy bối cảnh Georgia thập niên 1930, đã tạo nên cơn sốt dù được công chiếu một cách thận trọng. Bộ phim có những đề tài rất hợp thời, và các nhà cải cách tại Kremlin không muốn phe bảo thủ trong Đảng, vốn sợ glasnost, phản ứng mạnh, nên Hối lỗi không được chiếu “chính thức”, mà chỉ được chiếu cho những “khán giả khách mời”. Và thế là các nhà làm phim phải cất công phát hành rất nhiều “vé mời”, nhiều đến mức có hơn 25 triệu người được xem phim.

Vitali Korotich, Tổng Biên tập tạp chí tin tức Ogonyok (Ngọn lửa), là người hưởng lợi lớn từ luồng gió mới trong làng báo Liên Xô. Ông được cấp cao nhất khuyến khích và bảo rằng phóng viên tờ báo muốn viết gì thì viết, nhưng ông nghĩ Gorbachev chỉ thành thật một nửa. Korotich châm chích: “Chắc Gorbachev nghĩ chỉ cần tắm cho một ả điếm già, mặc áo quần sạch sẽ cho ả thì ả sẽ lại là trinh nữ!”.

Tuy nhiên, những thay đổi do “cởi mở” mang lại mạnh mẽ và cấp tiến đến nỗi không thể ngăn được nữa, bất chấp lãnh tụ tối cao và các cố vấn có lường được hậu quả hay không.[iv]

***

CÔN ĐỒ, MAN RỢ, MA QUỶ

14.

Gorbachev muốn ghi điểm trên vũ đài chính trị thế giới ngay lập tức. Ông tin rằng nhu cầu trước tiên của Liên Xô là tránh trượt dài vào cuộc xung đột với phương Tây. Ông nói đi nói lại với các trợ lý thân tín rằng “chính sách đối nội và đối ngoại hoàn toàn liên quan đến nhau”, và sẽ không một cải cách nào ông muốn tiến hành trong nước có thể thành công nếu không có “môi trường quốc tế thuận lợi hơn”.

Các cuộc đàm phán với Mỹ về giải giới vũ khí lúc này đã sa lầy và ông muốn nối lại đàm phán. Một trong những quyết định đầu tiên, ngay khi ông nắm quyền chưa đầy tháng, là ngưng triển khai thêm các hỏa tiễn hạt nhân tầm trung SS-20 ở Châu Âu. Vì lý do cá nhân, lý do chính trị và lý do đạo đức, Gorbachev đã rất cố gắng để được nhìn nhận như một “người kiến tạo hòa bình”. Nhưng, vấn đề lớn của ông là các nước khác nghĩ về Liên Xô như thế nào. Nhà ngoại giao Sergei Tarasenko giải thích:

“Chúng tôi chất đầy bụng những di sản tiêu cực … mà mình phải thoát khỏi. Điều đầu tiên chúng tôi phải làm là thay đổi hình ảnh đất nước, phải trở thành một quốc gia ‘bình thường’. Chúng tôi không thể tiếp tục giữ vai một nhà nước ‘côn đồ’ nữa. Ở mọi mặt, chúng tôi đều như đang đâm đầu vào tường …

“Trong cái nhìn của thế giới, chúng tôi chỉ là hạng man rợ. Sợ thì có sợ, nhưng người ta không coi trọng chúng tôi … chúng tôi mang tiếng là ‘đế quốc ma quỷ’. Chúng tôi phải thoát khỏi ngõ cụt mình bị đẩy vào về vấn đề nhân quyền, về tự do di trú, về cuộc chiến Afghanistan và những vấn đề khác. Nhưng chúng tôi lại chỉ biết cắn người phê phán mình.

“Người ta biểu tình phản đối Ngoại trưởng Gromyko bất cứ nơi nào ông tới. Chỉ lèo tèo vài người đọc báo Pravda (Sự thật), trong khi ai nấy đều đọc New York Times (Thời báo New York). Người đọc Pravda là những người như Fidel Castro … và Hội đồng Hòa bình Thế giới, là những đối tượng nhận tiền để phục vụ chúng tôi”.[v]

*

SAO MỸ KHÔNG ĐỔI, TA LẠI ĐỔI?

15.

Gorbachev từ bỏ giáo điều cũ về vị trí của Liên Xô trên thế giới. Khi ông nói về “tư duy mới” là ông nói thật lòng. Ông trách những người tiền nhiệm đã cô lập Liên Xô với thế giới bên ngoài, trong khi Liên Xô phải trở lại kết nối với thế giới nếu muốn hiện đại hóa và cạnh tranh với phương Tây.

Ông luôn nhắc đến “tư duy mới” với cộng sự, đó là cụm từ ông dùng thường xuyên trong các cuộc trò chuyện, nhiều hơn hẳn các cụm từ “tái cấu trúc” và “cởi mở”. Nhiều cán bộ đã nghe quá quen những khẩu hiệu rỗng tuếch của các lãnh tụ và những chiến dịch bịp bợm – thường bị dẹp bỏ chẳng bao lâu sau khi khởi động – nên họ cho rằng Gorbachev lần này cũng chỉ nói cho vui thôi, tuyên truyền thôi. Nhưng họ đã sai.

Khi một số lãnh tụ bảo thủ thấy Gorbachev không đùa mà nói thật và làm thật, họ sốc nặng. Từ đầu, Gorbachev biết mình phải thận trọng, không được buộc những nhân vật bảo thủ đi quá xa – nhiều người trong số đã chọn ông lên ngôi.

Boris Ponomarev, nhân vật kỳ cựu trong ban quốc tế vụ của Đảng, người có ảnh hưởng lớn với các nhóm quyền lực tại Kremlin và cả với các Đảng Cộng sản cầm quyền Đông Âu, có lần càu nhàu rằng: “Tư duy mới là cái gì thế? Sao không để Mỹ thay đổi tư duy của họ mà lại là ta …  Chẳng lẽ ta từ bỏ vũ lực là thứ ngôn ngữ duy nhất mà bọn đế quốc nghe và hiểu được?”

Nhưng ông không dám nói điều đó công khai trước mặt lãnh tụ tối cao Gorbachev, người sau khi được bầu lên có gần như đầy đủ quyền lực độc đoán nếu muốn. Anatoli Gromyko, con cựu ngoại trưởng Gromyko, nói rằng: “Người nước ngoài thật khó có thể hiểu chức vụ Tổng Bí thư có ảnh hưởng đến đâu trong não trạng Xô-viết. Bạn thấy đấy, phản đối ý kiến của lãnh đạo tối cao, hoặc tệ hơn thế, công khai phản biện ý kiến của bề trên, là điều tôi không nghĩ có ai dám làm lúc đó”.

Valeri Boldin, thư ký tâm phúc của Gorbachev, người gặp ông mỗi ngày và đi theo ông khắp nơi,* nói rằng đối ngoại là lĩnh vực của lãnh tụ tối cao và một nhóm nhỏ những người thân tín, ông nói: “Không một ai dám phiêu lưu bước vào lĩnh vực quan hệ quốc tế, trừ khi được Gorbachev mời hoặc chỉ định tham gia một đề tài nào đó”.[vi]

***

YAKOVLEV, TRI KỶ CHÍNH TRỊ

16.

Gorbachev trông cậy vào một nhóm nòng cốt những người thân tín và “tri kỷ” chính trị. Người khôn ngoan và tài năng nhất trong số là Alexander Yakovlev. Ông chính là nguồn cảm hứng trí thức đàng sau perestroika và là một “kẻ sửa sai” tài ba những vụ bê bối trong hậu trường guồng máy cầm quyền Kremlin.

Sinh năm 1923, Yakovlev lớn hơn Gorbachev gần mười tuổi. Kinh nghiệm định hình tính cách của ông chính là thời kỳ ông làm đại úy thủy quân lục chiến trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Hết nửa chiến hữu của ông chết, chỉ mình ông sống sót nhờ có bốn đồng chí hy sinh tính mạng để đưa ông, lúc bấy giờ đạn đã găm đầy mình, rời khỏi trận chiến. Từ đó, ông bị liệt nửa người suốt đời.

17.

Yakovlev thăng tiến trong hệ thống quyền lực, tham gia và hoàn thành xuất sắc những công tác chính trị nhạy cảm. Ông có nét là “người của Đảng”, chỉ khác ở chỗ ông là người thông minh và thú vị hiếm có. Nhưng lần hồi, ông cũng thấy hoài nghi đường mình đi.

Hoài nghi đầu tiên diễn ra vào tháng 2/1956, khi ông ngồi nghe Khrushchev đọc “diễn văn bí mật” và lần đầu tiên được nghe chi tiết về tội ác Stalin. Sự hoài nghi như được thêm dầu vào lửa khi ông đến Praha vào những ngày sau khi Hồng quân Liên Xô tấn công Tiệp Khắc năm 1968. Yakovlev là quyền trưởng bộ phận tuyên truyền của Đảng Cộng sản, và khi viết ra những dòng chữ nói rằng nhân dân Nga đã cứu nhân dân Tiệp Khắc khỏi đế quốc Mỹ và chủ nghĩa phát-xít, ông biết rằng không chữ nào là thật. Sau này Yakovlev nói việc Liên Xô đè bẹp Mùa Xuân Praha là “dấu hiệu cho thấy chế độ sẽ tiêu vong”.

18.

Yakovlev là một trong rất ít thành viên của ban lãnh đạo Xô-viết có kinh nghiệm đáng kể ở nước ngoài. Năm 1958, ông là nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia, Mỹ. Ông ghét thời gian một năm sống ở New York. Ông ngưỡng mộ công nghệ tân tiến và tinh thần dám nghĩ dám làm của Mỹ, nhưng rất ghét việc bị người khác lớn lối dậy bảo rằng đời sống ở phương Tây siêu việt hơn như thế nào. Yakovlev luôn kể lại câu chuyện ông đến một cửa hàng ở Manhattan và bị yêu cầu bỏ mũ ra để chứng tỏ người Nga thực sự không có sừng trên đầu.

Yakovlev, người đỡ đầu cho perestroika sau này, đã từng viết những bài báo cay độc chống Mỹ trên báo chí Xô-viết, với nội dung tương tự như những dòng này:

“Bọn quái vật độc quyền Mỹ tin rằng để Mỹ thống trị thế giới là giải pháp tốt nhất cho chính trị quốc tế. Chúng tin rằng chiến tranh là chất xúc tác có một không hai giúp chúng đạt mục tiêu này … Bọn sản xuất vũ khí và bọn tướng lĩnh đã bắt tay nhau tạo thành một liên minh tử thần … các lãnh tụ hậu chiến của Mỹ đã luôn hành xử như những chú gà chọi nóng máu mang móng vuốt hạt nhân, tìm mọi cách đấu đá chống lại chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô”.[vii]

*

YAKOVLEV THAY ĐỔI

19.

Nhưng rồi, khi đang là ngôi sao trong Đảng, Yakovlev gặp rắc rối nghiêm trọng năm 1972 khi viết một bài báo phê phán chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc Nga. Ông phải chịu “hình phạt” là đi nhận nhiệm vụ ở một nơi thật xa, làm Đại sứ Liên Xô tại Canada.

Ở chốn “lưu đầy” dễ chịu này, nơi ông lưu lại hơn 10 năm, ông bắt đầu nghĩ lại về toàn bộ thế giới quan của mình và, trong vòng bí mật nghiêm ngặt nhất, ông viết bản phê phán chủ nghĩa Mác-Lê, một chủ nghĩa, như ông có lần kín đáo tiết lộ, “chỉ quan tâm đến những kẻ lười biếng, chứ không đếm xỉa đến người lao động”.

20.

Năm 1983, Gorbachev, lúc đó phụ trách nông nghiệp Liên Xô, có chuyến công du 10 ngày đến Canada và Yakovlev được giao việc chăm sóc ông.

Họ cùng đi vòng quanh đất nước Canada bằng một chuyên cơ nhỏ, đến cả những thị trấn hoặc làng quê vùng xa, và họ trở thành bạn thân của nhau. Không lâu sau, họ nói chuyện với nhau rất thành thực về hiện trạng Liên Xô và thấy rằng quan điểm của họ giống hệt nhau.

Trong một lần công du, Yakovlev và Gorbachev vừa đi bộ qua cánh đồng ngô vừa trò chuyện với nhau trong hai giờ, Yakovlev kể rằng: “Tôi đã nhân cơ hội này tiết lộ cho ông biết tôi thực sự nghĩ gì. Và ông cũng làm như thế”.

Sau cuộc gặp gỡ vài tuần, Gorbachev đưa Yakovlev về Moscow làm lãnh đạo một trung tâm nghiên cứu tầm vóc là Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế. Khi Gorbachev trở thành Tổng Bí thư, Yakovlev thành người tham mưu cho ông và là nhân vật then chốt trong đội ngũ giúp việc tin cậy của ông tại Kremlin.

Yakovlev trên thực tế đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản – dù chưa từ bỏ Đảng – và trở thành người theo khuynh hướng dân chủ xã hội. Ông luôn thúc giục Gorbachev phải “đi thêm bước nữa, đi xa hơn nữa” để cải cách cấp tiến. Ông đưa ra những đề xuất thay đổi có tầm vóc, theo hướng dân chủ, nhằm hủy bỏ nhà nước độc đảng và thiết lập nền tảng kinh tế thị trường.

Gorbachev chưa sẵn sàng đi xa đến mức đó, nhưng vẫn lắng nghe ý kiến của Yakovlev, cùng sự nhạy bén về đường đi nước bước của Yakovlev, một cách thận trọng.[viii]

***

ĐỆ NHẤT PHU NHÂN

21.

Tuy nhiên, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với Gorbachev có lẽ chính là vợ ông. Jack Matlock khi làm Đại sứ Mỹ ở Moscow đã được một quan chức cao cấp tại Kremlin cho biết – quan chức Nga này hẳn cũng muốn câu chuyện sẽ đến tận tai Washington – rằng Gorbachev “không thể đưa ra quyết định nào nếu không có vợ tư vấn”. Nhiều trợ lý giúp việc cho Gorbachev cũng nhận xét tương tự.

Raisa, vợ Gorbachev, là một phụ nữ giỏi giang và bà không ngại cho mọi người biết điều đó. Bà là nhân tố mới đối với các quan chức tại Kremlin và ban đầu họ không biết phải đối xử với bà ra sao cho phải phép.

Tuy không có vai trò chính thức nào được dành cho vợ lãnh tụ Liên Xô, nhưng Boldin, người làm việc với bà hàng ngày, thỉnh thoảng gặp bà nhiều lần trong ngày, và rất không thích bà, cho biết: “Bà nhanh chóng trở thành Đệ nhất Phu nhân của Liên Xô, trước cả khi Gorbachev thực sự cảm thấy mình đang lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.[ix]

22.

Khi vợ chồng Gorbachev dọn từ Stavropol về Moscow – người con duy nhất của ông bà, Irina, đã ở tuổi 20 và không còn ở chung với gia đình – Raisa đã có thể toàn tâm toàn ý tham gia công việc tại các viện nghiên cứu, nhóm thảo luận và hội nghị. Bà thích được có mặt ngay trung tâm trí thức Liên Xô, nhưng bà cũng thận trọng không muốn tham gia chính trị quá lộ liễu. Điều này đã thay đổi khi chồng bà được chọn làm lãnh tụ.

Trong khi các phu nhân Kremlin khác chỉ tập trung vào việc nhà, Raisa lại là một nhà nữ quyền thực thụ và muốn được đối xử như một người đáng kể, không như một nhân vật mờ nhạt. Đó là cách Gorbachev nhìn về bà.

Những người chung quanh Gorbachev hầu hết là nam giới ở tuổi trung niên, và nhiều người trong họ tỏ ra bực bội vì Gorbachev nghe lời vợ. Các trợ lý của ông rỉ tai nhau về chuyện bà “kẻ cả” ra sao, về chuyện Gorbachev chiều theo ý bà như thế nào. Như Boldin cho biết: “với tính cách khá mềm mại và thiếu khả năng bảo vệ lập trường, Gorbachev thường bị vợ ảnh hưởng … bà là một chính khách theo cách của bà, và bà biết khẳng định bản thân”.

Hai vợ chồng vẫn giữ thói quen đi bộ mỗi tối trước khi ngủ khiến một số quan chức nổi giận, không chỉ vì “thái độ bề trên” của bà, mà còn vì khối lượng công việc ngoài giờ mà thói quen đi bộ này khiến họ phải gánh thêm. Boldin kể: “Ông thường gọi điện lúc rất khuya để ra chỉ thị về những việc bất ngờ, phát sinh sau cuộc dạo tối với Raisa”. Vẫn theo lời Boldin: “Thái độ của vợ ông giữ một vai trò quyết định đối với vận mệnh của Gorbachev, với cả vận mệnh của Đảng và đất nước này”.[x]

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

[i] Anatoly C. Chernayev, hiệu đính bởi Robert English và Elizabeth Tucker, My Six Years with Gorbachev (Penn State University Press, 2000), tr. 26-7

[ii] Phỏng vấn Tarasenko, tháng 3/1999, OHCW (Oral History of the Cold War), Russian Academy of Sciences, Moscow; và Dmitri Volkogonov, The Rise and Fall of The Soviet Empire (Harper Collins, New York, 1998), tr. 349-52

[iii] Để biết thông tin về báo chí và truyền thông Liên Xô dưới thời Gorbachev, có thể xem Vitali Korotich và Cathy Porter, The New Soviet Journalism (Beacon Press, Boston, 1991); David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995); và David Remnick, Lenin’s Tomb (Random House, New York, 1992)

[iv] Như trích trong Jack Matlock, Autopsy of an Empire (Random House, New York, 1995), tr. 133

[v] Phỏng vấn Tarasenko, tháng 3/1999, OHCW

[vi] Như trích trong Archie Brown, Seven Years that Changed the World (Oxford University Press, 2007) tr. 147

* Boldin là một trong số những người giúp việc chủ chốt của Gorbachev nhưng sau này phản bội ông. Boldin tham gia cuộc đảo chánh hụt nhằm lật đổ Gorbachev vào tháng 8/1991, khi một nhóm bảo thủ cực đoan tìm cách cướp chính quyền ở Moscow trong lúc lãnh tụ đang đi nghỉ mát ở ven biển vùng Crimea. Một trong những yếu điểm của Gorbachev là ông không phải lúc nào cũng biết chọn đúng người giúp việc và cố vấn cho mình, một yếu điểm càng về sau càng trở nên nghiêm trọng.

[vii] Như trích trong Vladislav Zubok, A Failed Empire (University of North California Press, 2007), tr. 278

[viii] Thông tin về Yakovlev trích từ sách của Alexander Yakovlev: Striving for Law in a Lawless Land (M/ E. Sharpe, New York, 1995); The Fate of Marxism in Russia (Yale University Press, New Haven and London, 1993); và Vladislav Zubok, sđd

[ix] Valeri Boldin, Ten Years that Shook the World (Basic Books, New York, 1994), tr. 138-47

[x] Như trên

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Nga, Quốc Tế. Bookmark the permalink.